30 tết vụ giết người ở lủ xã kim lũ

Chúng tôi về Kim Thượng [Lủ Thượng], xã Kim Lũ [Sóc Sơn] dịp đầu xuân, khi cả làng đang háo hức đón đoàn đại biểu Châu Lỗ, xã Mai Đình [Hiệp Hòa - Bắc Giang] sang dự lễ kỷ niệm 410 năm ngày kết nghĩa hai làng.Dẫn đầu đoàn rước Châu Lỗ là đội hình thanh niên đồng phục theo lối cổ, vác cờ Tổ quốc, cờ hội. Tiếp theo là đội chấp kích, bát bửu, đội nhạc truyền thống uy nghi hùng dũng. Đoàn đại biểu người cao tuổi [dân hai làng gọi là “già cụ”] và đại diện chi bộ, chính quyền và dân làng đều khăn xếp áo the đen, quần trắng tề chỉnh. Cờ xí phấp phới. Ba bộ kiệu sơn son thếp vàng cùng bài vị được rước giữa đội hình cùng với tặng vật đem sang Kim Thượng là bức ảnh rất to in ngôi đền Châu Lỗ trên gỗ sơn mài và hình con trâu trắng - ngưu tinh, nguyên do của mối “duyên trời” kỳ thú này.

Ngồi tiếp chúng tôi trong ngôi đình cổ giữa làng, cụ Huấn, cụ Khoa và các cụ cao tuổi Kim Thượng hả hê kể lại sự tích “ngưu tinh” và việc kết nghĩa… Vào những năm 1533 - 1593, lực lượng phò nhà Lê và nhà Mạc đánh nhau. Sau khi Mạc Mậu Hợp bị Trịnh Tùng bắt ở chùa Phượng Nhãn đem về kinh xử  tội, vua Lê Thế  Tông cũng được đón từ  Thanh Hóa về kinh thành. Để ổn định tình hình, vỗ về dân chúng, vua xuống chiếu đại xá thiên hạ, ra lệnh mở tiệc khao dân mừng. Kim Thượng định mổ con trâu trắng thì trâu đứt chạc, đang đêm chạy mất. Trâu vượt sông sang đến cửa đền làng Châu Lỗ thì dừng lại. Dân Châu Lỗ không giết mổ mà lại trả nguyên vẹn cho Kim Thượng, cũng không lấy tiền Kim Thượng đem sang chuộc. Cảm nhận được ân tình của nhau qua sự kiện “ngưu tinh”, được thử thách sống chết qua việc đi phu cho nhà Mạc, đầu năm 1594, ngày 12-9 năm Giáp Ngọ [1594], Kim Thượng long trọng cử đoàn sang Châu Lỗ cùng tế trời đất, cầu thần linh chứng giám, chính thức kết nghĩa hai làng tại đền Châu Lỗ với 4 nguyên tắc là: “Vinh tắc cộng lạc, bần tắc cộng ưu, hoạn nạn tương cứu, sinh tử bất ly”. Cùng với đó là 4 lời thề son sắt:

      “Tình huynh đệ, nghĩa tâm giao
      Dưới giày có đất, trên cao có trời
      Dẫu cho vật đổi sao dời
      Tử sinh vẫn giữ lấy lời tử sinh !”

Những quy ước được dân hai làng đặt thành vè cho dễ thuộc, thực hiện cho đến tận ngày nay.

Điểm đặc biệt nhất  của mối tình kết nghĩa này, cả dân hai bên đều gọi nhau là “anh”. Mọi người không phân biệt sang hèn, tuổi tác, 410 năm nay hễ gặp nhau là mở lời “Dạ lạy anh”. Đây là điển hình của truyền thống tôn trọng nghĩa tình, một di sản trong đời sống cộng đồng dân tộc Việt…

Các cụ say sưa kể chuyện nghĩa tình, tôi thì mải mê ghi chép, chỉ sợ bỏ sót chi tiết nào thì tiếc lắm. Chuyện của 410 năm dồn lại, vô vàn điều cảm động làm xao xuyến trái tim người hôm nay. Tôi cứ viết, cứ ghi mà hồn thì lâng lâng lạc vào huyền thoại:

… Đầu năm giáp ngọ 1594, nhà Mạc bắt dân tự túc lương thực đi lao dịch, đào thành đắp lũy ở Lạng Sơn chống lại nhà Lê. Có rất nhiều người chết do hà khắc, đói rét, sốt rét rừng… Đoàn Châu Lỗ đến Hữu Lũng [Lạng Sơn], làm lán trại trước, gặp đoàn Kim Thượng lạ nước lạ cái lên sau liền đón vào lán, xúm vào dựng lều trại. Đoàn kết sát cánh, hai đoàn dựa vào nhau vượt qua muôn vàn khổ ải, gian nan. Sau mấy tháng lao dịch, hai đoàn về đến quê an toàn trong nỗi vui mừng vô hạn của những người ở quê nhà.

Năm Nhâm Thìn 1892, có giặc càn qua Kim Thượng cướp của, giết người, phá hoại làng. Dân vô cùng điêu đứng; Châu Lỗ liền cứu tế ngay hai đợt, mỗi đợt trị giá khoảng trên 10 tấn thóc giúp Kim Thượng ổn định đời sống.

Năm Canh Thân 1920, đê tiểu bối Kim Lũ vỡ cùng đê Lương Phúc. Quan mặc kệ làng vỡ đê, bắt ông lý trưởng Du của Kim Thượng đi đắp đê Lương Phúc. Châu Lỗ biết chuyện, cử ngay trên 100 trai đinh sang đắp đê Lương Phúc cùng Kim Thượng. Quan án sát Thái Nguyên là Tiến sĩ Đình nguyên Nguyễn  Đình Tuân biết chuyện vội về can thiệp thì hai làng đã đắp xong phần đê được giao. Quan rời lọng vàng, võng tía xắn quần lội đến tận dân phu hai làng, vái lạy họ do cảm phục tình dân nơi thôn dã. Quan nha sở tại sợ xanh mặt không dám hoạnh họe nữa. Chuyện qua đi, nhưng sự kiện “quan án sát vái lạy dân phu Kim - Châu” thì lưu truyền mãi.

Giai đoạn đầu Pháp xâm lược Việt Nam, chủ Tây Tataranh cắm mốc cướp đất của dân làm đồn điền, trong đó có trên 100 mẫu ruộng của Châu Lỗ. Không chịu nổi bất công, Kim Thượng cử lực lượng hùng hậu trang bị vũ khí giáo mác sang sát cánh cùng Châu Lỗ giành lại ruộng đất. Ngày 7-1 năm Nhâm Tuất [1922], lợi dụng Châu Lỗ có lệ làng, tên phán Đức dẫn quân xông vào đâm chết ông Tiếp và cướp đất. Hai làng lập tức họp bàn, ông Thơ Y cùng ông Pha đã giả trang người mua lợn tìm đến tận nhà phán Đức để giết y. Tên này không chết nhưng sợ trốn biệt. Rắn không đầu, bọn lâu la của Tataranh tan rã hết. Bà con thừa cơ đưa đơn kiện đòi đất lên tận Thống sứ Bắc Kỳ, Tataranh bỏ cuộc về nước, Châu Lỗ được xử thắng kiện, 100 mẫu ruộng lại về tay dân.

Năm 1964, Châu Lỗ chiêm khê mùa thối do đất trũng nên buộc phải xây dựng công trình thủy lợi quy mô lớn vượt ngoài khả năng dân làng. Vượt qua muôn vàn cản trở, dân Kim Thượng đồng lòng dồn sức, chỉ thời gian ngắn đã đào đắp trên 4000 mét khối đất, cùng Châu Lỗ hoàn thành công trình thủy lợi tình nghĩa, đến nay vẫn còn tác dụng…

Đang ghi chép, tôi ngẩng lên hỏi:

- Những việc đại sự giúp nhau rồi, còn việc tu sửa đình chùa, đền miếu, làm đường dân sinh, xây dựng lại nhà cửa bị giặc đốt phá ?

Cụ Huấn mỉm cười nói:

- Truyền thống  giúp nhau vô tư, hết lòng đã ăn sâu vào máu thịt của hai làng rồi, những việc giúp nhau xây dựng lại vài chục ngôi nhà bị giặc tàn phá, hỗ trợ nhau tu sửa đình chùa, đền miếu, lát gạch, đổ bê tông đường ngõ… thì vô vàn là chuyện. 410 năm cơ mà, kể không hết đâu !

Cụ Nguyễn Văn Khoa, nghệ nhân “thợ ngõa làng Lủ”, chuyên đi cải đắp, tu sửa các công trình lăng tẩm, di tích, khi ở Hoa Lư, Huế, lúc lại Ninh Bình, đã được Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm khen ngợi và chụp ảnh chung, góp thêm:

- Vừa mới 29 tết này, nghe Kim Thượng đổ bê tông đường làng, Châu Lỗ ủng hộ ngay 18 triệu đồng, nghĩa tình này ngàn đời chúng tôi không bao giờ quên các chú ạ !

Chuyện chưa dứt thì đoàn rước Châu Lỗ đã lùng tùng trống phách, cờ quạt, kiệu rước đến đình làng. Mọi người đổ xô ra đón rước, thi lễ, tế thần, ôn lại lịch sử 410 năm trước, báo cáo thành tích hôm nay của hai làng.

Chủ Đề