Bán trú vệ tinh như thế nào ở tân bình

Vài năm trở lại đây, nhiều trường tiểu học ở TP. HCM, nhất là vùng ngoại thành không đáp ứng đủ lớp bán trú cho học sinh. Nắm bắt nhu cầu gửi con của phụ huynh, hàng loạt cơ sở bán trú tự phát xuất hiện đa dạng về hình thức hoạt động và dịch vụ như dạy kèm, trông giữ trẻ, bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ,…

Cần là có

Xung quanh các trường tiểu học ở một số quận như Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú… hàng loạt cơ sở dưới tên gọi: nhóm bán trú, nhận dạy kèm, trông giữ trẻ… hoạt động khá náo nhiệt với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Tại Nhóm bán trú Thần Đồng [gần Trường Tiểu học An Hội, Gò Vấp] có khoảng 20 học sinh được trông giữ dưới sự giám sát của hai giáo viên và một bảo mẫu. Cô Cao Dư Thụy Giao, quản lý ở đây, cho biết cơ sở mở được hai năm để tổ chức trông coi học sinh theo hình thức bán trú [ăn uống, ngủ, kèm học thêm] và thu học phí mỗi em 700.000 đồng một tháng. Hằng ngày, sau giờ tan trường, giáo viên sẽ trực tiếp đón và đưa về lớp bán trú. Các em ăn trưa, nghỉ ngơi và học bài theo chương trình trên lớp. Đến chiều tối, phụ huynh sẽ đón các em về nhà.

Chúng tôi tìm đến cơ sở Minh Tâm trên đường Tân Quý, quận Tân Phú, gần Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện. Đó là một căn nhà khá nhỏ, gồm khu nấu ăn và sinh hoạt của gia đình; khu giữa là nơi các bé ngủ, vui chơi; phía ngoài được đặt mấy bộ bàn ghế để dạy học. Giáo viên chủ yếu là sinh viên, phụ trách dạy kèm các môn: tập viết, toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Bà Kim Hằng, xưng là “chủ và là quyền hiệu trưởng”, cho biết ở đây có gần 50 bé đến từ nhiều trường khác nhau, thời gian trông giữ từ thứ Hai đến thứ Bảy, nếu phụ huynh “khoán” hết cho cơ sở [gồm: đưa đón, ăn uống, ngủ, dạy kèm] thì phải đóng 800.000 đồng/tháng. “Cho bé ở đây là hoàn toàn yên tâm, sáng chiều gì cũng được, phụ huynh có yêu cầu gì chúng tôi sẽ làm theo, chỉ cần đưa bé đến để biết mặt và chỉ cho bé chỗ đứng khi tan trường, chúng tôi sẽ xuống đón về tận nơi. Bé sẽ được ăn, ngủ, dạy học bài cho đến khi gia đình đến đón về” - bà nói thêm.

Trông khang trang và quy mô hơn, Trung tâm Bán trú vệ tinh 75 Trần Hưng Đạo [phường Tân Thành, Tân Phú] thu hút khá nhiều phụ huynh đưa con em đến đây. Bà Đặng Bích Vân, chủ trung tâm này, cho biết hiện tại trung tâm có ba phòng gồm năm lớp, mỗi lớp có khoảng 10 đến 15 em, các giáo viên đến từ một số trường trong quận đứng giảng. Một tuần sẽ có ba buổi học chương trình mới, các buổi còn lại chủ yếu để ôn luyện, làm bài tập về nhà theo chương trình ở trường học. Học phí 500.000 đồng/tháng, em nào có nhu cầu ăn thì đóng 20.000 đồng/ngày, tiền vệ sinh và phục vụ khoảng 150.000 đồng/tháng.

Một nhóm học sinh đang học bán trú tại Nhóm trẻ gia đình 61/4B Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp trong điều kiện phòng ốc chật chội, bàn ghế không đúng chuẩn. Ảnh: KHẮC HUY

Mặc dù chưa được phường cấp phép, trung tâm này vẫn hoạt động hơn một năm nay. Ảnh: HÀ AN

Tự phát và không phép

Theo bà Đặng Bích Vân, Trung tâm 75 Trần Hưng Đạo đã xin phép phường để hoạt động hơn một năm nay. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay trung tâm này chưa được cấp phép hoạt động, phường vẫn đang thẩm định hồ sơ.

Ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú, cho biết hiện tại quận chỉ có một cơ sở bán trú ngoài trường có giấy phép hoạt động là Trung tâm Văn hóa ngoài giờ Tân Phú. “Đối với bất kỳ cơ sở nào khác trong quận nếu có hoạt động bán trú hay bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ, chúng tôi sẽ lập tức kiểm tra và đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, những mô hình bán trú “núp bóng” các cơ sở dạy kèm, quận cũng sẽ cho các phường rà soát, kiểm tra để chấn chỉnh ngay”.

Còn bà Đỗ Thị Hoa, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp, cho biết các nhóm bán trú ngoài trường tại quận đều là tự phát, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh học sinh. “Chúng tôi đã cùng với đoàn kiểm tra của phường xuống kiểm tra hoạt động này. Hầu hết các cơ sở này đều chưa đáp ứng được những yêu cầu về cơ sở vật chất, diện tích lớp học, bàn ghế, không xuất trình được hóa đơn về nguồn gốc thực phẩm dùng làm thức ăn cho trẻ... Phòng không dám quyết chuyện có hợp thức hóa mô hình này hay không, cũng chưa cấp phép cho bất kỳ cơ sở nào vì thiếu quy định. Chỉ khi nào các cơ quan chức năng ra quy định, có văn bản rõ ràng, chúng tôi mới quản lý được” - bà Hoa nói.

Địa phương trực tiếp quản lý

Các cơ sở bán trú ngoài trường ở các quận ngoại thành xuất hiện nhiều là do trường không đủ điều kiện tổ chức lớp bán trú. Các trường cũng khó có thể kiểm soát được vì đó là nhu cầu bên ngoài trường của phụ huynh và thỏa thuận giữa phụ huynh với các cơ sở đó. Hoạt động của mô hình này ở đâu sẽ do địa phương đó trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý và kiểm tra.

Ông LÊ NGỌC ĐIỆP, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM

Chưa có quy định rõ ràng nhưng thấy phụ huynh có nhu cầu nên khi nhận trẻ về dạy, chúng tôi đã xin phép ở phường. Phường đã chấp nhận cho mô hình bán trú hoạt động tạm thời, chúng tôi cũng được phường hướng dẫn để xin hợp thức hóa việc dạy theo mô hình này. Cơ sở có phòng y tế, hằng tháng vẫn có nhân viên y tế của phường đến kiểm tra, cho thuốc làm vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh.

Đại diện Nhóm trẻ gia đình 61/4B Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp

Theo định kỳ, UBND quận và phường đều có đến kiểm tra điều kiện vật chất: nhà ở, bàn ghế, nguồn nước của cơ sở... Mỗi tháng cũng đều có thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Dẫu biết nhóm bán trú vẫn là loại hình chưa được cấp phép chính thức, cũng chưa có các quy định cụ thể về việc thành lập, hoạt động. Tuy nhiên, chúng tôi đã đăng ký với phường về nội dung và hình thức của lớp bán trú và được phường chấp nhận cho hoạt động.

Chủ Đề