Báo cáo kết quả phát triển văn hóa đọc

BÁO CÁO VIỆC TRIỂN KHAI VĂN HÓA ĐỌC

HỌC KỲ 1, NĂM HỌC 2018-2019

Báo cáo kết quả phát triển văn hóa đọc

  1. Thực trạng tủ sách, thư viện của đơn vị

1. Thuận lợi:

- Nhà trường có một thư viện với diện tích 48m2 và với tổng số 4875 bản sách, 1577 đầu sách các loại. Thư viện được trang trí đẹp, khoa học, các loại sách báo được sắp xếp theo danh mục thuận lợi cho việc tìm kiếm.

- Ban giám hiệu thường xuyên quan tâm tới công tác thư viện.

  • Tại mỗi lớp học đều có một tủ sách lớp học với rất nhiều đầu sách có giá trị và phù hợp với lứa tuổi của các em. Hiện nay, đã xây dựng được 18/18 thư viện lớp học. Mỗi tủ sách lớp học có khoảng 15 đầu sách với khoảng từ 75 đến 80 bản.

- Các em học sinh chăm ngoan, tự giác học tập, nhiều em ham đọc sách, truyện phục vụ cho việc học tập, giải trí.

- Ngoài thời gian đọc sách tại thư viện lớp học vào những giờ ra chơi nhiều em còn mượn sách, báo, truyện mang về nhà đọc.

2. Khó khăn:

- Hoạt động cho giáo viên và học sinh mượn sách hàng ngày gặp những khó khăn nhất định. Hàng ngày học sinh thực hiện rất nhiều hoạt động nên thời gian dành cho việc đọc sách ngay tại thư viện không nhiều, học sinh cũng chỉ có thể mượn và đọc sách vào giờ ra chơi, sau khi tham gia các hoạt động tập thể.

- Đội ngũ cộng tác viên thư viện được thành lập kiện toàn hàng năm tuy nhiên hoạt động hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do các em học sinh còn nhỏ tuổi. Dành nhiều thời gian cho việc học, nên có ít thời gian cho hoạt động cộng tác thư viện.

- Hàng năm do kinh phí có hạn chế nên việc bổ sung thêm sách báo và tài liệu tham khảo cho thư viện nhà trường chưa nhiều.

- Thư viện lớp học được xây dựng ở tất cả các lớp. Tuy nhiên số lượng sách được bổ sung chưa nhiều và chưa đều ở các lớp.

- Việc quyên góp sách, báo, tạp chí…từ học sinh rất ít, hầu như không có để bổ sung vào thư viện lớp học.

II. Những công việc đã triển khai
1.Thành lập ban chỉ đạo:

- Ngay từ đầu năm học nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo về công tác thư viện gồm đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng làm trưởng ban, đồng chí nhân viên phụ trách thư viện làm phó trưởng ban, các thành viên gồm có: đại diện BCH Công đoàn, Chi đoàn, Tổng phụ trách Đội, các tổ khối trưởng chuyên môn và các em trưởng ban thư viện các lớp.

- 18/18 lớp thành lập được ban thư viện: Các em trong Ban thư viện tổ chức cho các bạn đọc sách vào giờ quy định của nhà trường, hướng dẫn các bạn viết cảm nhận sau khi đọc xong một cuốn sách, tổ chức thiệu sách và đánh giá, nhận xét, quản lý mượn trả sách của các bạn trong lớp, hướng dẫn và nhắc nhở các bạn trong lớp sắp xếp sách sau khi đọc, ….

2. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch:

- Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng tháng trong năm học phân công công việc cho từng thành viên.

- Tổ công tác thư viện được phân công cụ thể, rõ việc cho từng thành viên. Hiệu trưởng theo dõi tiến độ công việc thực hiện trong từng tháng, từng học kỳ nhằm đánh giá rút kinh nghiệm về công tác tổ chức.

- Các văn bản chỉ đạo về công tác thư viện được triển khai cụ thể tại Hội nghị giao ban tuần và họp trường hàng tháng.

- Phân lịch đọc sách cho học sinh tại thư viện vào các buổi chiều hàng tuần. Học sinh chủ động đọc sách báo theo sự hướng dẫn quản lý của cán bộ thư viện.

- Cuối buổi học chiều thứ 6 hàng tuần cán bộ phụ trách thư viện và các em học sinh trong ban thư viện nhà trường sắp xếp lại sách báo và tài liệu trong các giá sách.

- Chỉ đạo GVCN làm tốt một số nội dung sau:

+ Hướng dẫn các em cách lựa chọn sách, xây dựng kỹ năng đọc, bảo quản sách và cách lĩnh hội sách một cách cụ thể.

+ Hướng dẫn Cộng tác viên quản lí tủ sách và lịch đọc sách cụ thể cho các em. Đồng thời GVCN cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra về việc đọc sách của các em, định hướng cho các em hiểu ý nghĩa, tác dụng của việc đọc sách.

+ Phân công hướng dẫn cho các em phụ trách thư viện luôn kết hợp với đội ngũ cán bộ lớp để thúc đẩy phong trào đọc sách, báo trong thư viện lớp học; Học sinh tích cực đọc các loại sách để biết giữ gìn và bảo quản sách coi sách báo là tài sản chung của lớp học.

+ Trong tiết sinh hoạt lớp, GVCN cùng ban phụ trách thư viện lớp tổ chức cho học sinh kể những mẩu chuyện mà các em thích cho các bạn cùng nghe. Nhận xét đánh giá hàng tháng: Tuyên dương học sinh tích cực, động viên khích lệ những học sinh chưa có thói quen đọc sách.

+ Sổ theo dõi mượn - trả các đầu sách được giao cho học sinh quản lí: ghi chép cụ thể tên loại sách; những đầu sách được ủng hộ thêm theo từng tuần. Cập nhật sách ủng hộ vào sổ danh mục của lớp, cuối buổi học sắp xếp lại thư viện lớp học gọn gàng, ngăn nắp.

+ Thường xuyên tuyên truyền giới thiệu sách báo tài liệu mới tới học sinh. Vận động cha mẹ học sinh học sinh ủng hộ sách để làm phong phú thêm đầu sách cho thư viện lớp học.

3. Nội dung hoạt động

3.1. Phát động phong trào đọc sách trong toàn trường:

- Tổ chức giao lưu chúng em kể chuyện về Bác Hồ nhân dịp Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục.

- Đọc sách và giới thiệu đoạn trích vào các tiết sinh hoạt đầu tuần: Mỗi lớp chọn 1 em (Đối tượng: học sinh khối 2.3.4.5) đọc diễn cảm một đoạn văn trong một tác phẩm bất kỳ mà các em thích, giới thiệu đoạn văn được trích từ tác phẩm nào và nêu tên tác giả; Nói được đoạn văn vừa đọc gửi thông điệp gì đến với mọi người. Tổ chức mối tuần một khối, lựa chọn em đạt giải nhất để trao thưởng. Qua các hoạt động đó đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá sách tại thư viện.

- Tổ chức cho các em viết về những lợi ích mà sách đem lại cho em để khích lệ phong trào đọc sách trong toàn trường nhân dịp 20/11.

- Lồng ghép trong các buổi hoạt động ngoại khoá nội dung đố vui, giải ô chữ.

- Hàng tháng tổ chức tuyên truyền về sách cho giáo viên và học sinh. Tổ chức giới thiệu sách thông qua các bảng tin ở phòng thư viện. Sách giới thiệu được viết tóm tắt nội dung sách để thông báo tới từng thành viên trong nhà trường.

3.2. Tổ chức triển lãm sách với chủ đề “Sách, tri thức”

- Lựa chọn các tài liệu sách, báo, tạp chí,... phù hợp với chủ đề để giới thiệu, trưng bày, triển lãm tại thư viện lớp.

- Huy động cán bộ, giáo viên và Cha mẹ học sinh, cộng đồng quyên góp xây dựng tủ sách tại các lớp học, thư viện nhà trường.

3.3. Tổ chức phong trào quyên góp sách với phương châm: Góp một cuốn sách để được đọc nhiều cuốn sách’’ để huy động thêm nguồn sách cho thư viện nhà trường, thư viện các lớp. Phong trào được tổ chức 2 đợt / năm học. Đợt I: vào tháng 11, học sinh góp truyện tranh; sách tham khảo.

4. Kết quả:

- Huy động được sự tham gia của toàn thể CBGV và học sinh với các hoạt động phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ CBGV và học sinh, tạo động lực góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về văn hóa đọc.

- Kết quả có 100% cán bộ, giáo viên, công nhân viên mượn và đọc sách báo, tài liệu tham khảo trong học kỳ 1. 80% số học sinh tham gia đọc sách tại thư viện và tại tủ sách lớp học.

- Việc quyên góp truyện, báo, tạp chí… bổ sung vào thư viên lớp học: khoảng 10 bản sách/lớp ( tổng số quyên góp là 195 bản với nhiều đầu sách).

- Số lượng sách giáo khoa, sách bài tập quyên góp được sau Học kỳ 1 là:

+ Sách giáo khoa: 50 bản.

+ Vở bài tập: 30 bản.

- Thông qua các hoạt động này các em có được nhiều cảm xúc khác nhau khi được đắm mình trong những trang sách hấp dẫn, những câu chuyện ly kỳ, cuốn theo những nhân vật cổ tích, huyền thoại mà rất đời thường... Cũng qua đó rèn cho các em kỹ năng chia sẻ, kĩ năng hợp tác và sáng tạo.... hình thành nhân cách và hành vi đạo đức tốt đẹp cho các em. Các em ngoan hơn, đoàn kết yêu thương bạn bè hơn gắn bó với trường với lớp hơn. Học sinh rất tích cực trong các hoạt động tập thể. Học sinh rèn thói quen tự học, tự tìm tòi và có hứng thú hơn trong học tập. Học sinh biết sử dụng hệ thống mục lục để tra tìm và lựa chọn sách. Các em đã biết vận dụng những hiểu biết của mình qua việc đọc sách báo vào các môn học và các hoạt động giao tiếp. Trong giao tiếp các em mạnh dạn tự tin hơn, diễn đạt mạch lạc rõ ràng.Trong phân môn Tập làm văn, chúng tôi thấy thấy sự tiến bộ rõ rệt của các em trong việc dùng từ đặt câu, sử dụng từ ngữ hình ảnh, câu văn của các em viết hay hơn.

5. Những tồn tại và phương hướng khắc phục trong học kỳ 2:

5.1. Những tồn tại trong việc xây dựng văn hóa đọc trong học kỳ 1:

- Việc triển khai thực hiện Kế hoạch trong học kỳ 1 đôi khi trùng với lịch thao giảo, hội giảng, hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng ngày 20/11 nên khó bố trí lịch hoạt động cho bộ phận thư viện.

- Các thành viên của Tổ công tác thư viện kiêm nhiệm nhiều chức vụ, nhiều công việc nên chưa toàn tâm toàn ý cho công tác thư viện.

- Việc quản lý Tủ sách ở thư viện lớp học đôi khi chưa khoa học. Cá biệt có những học sinh mượn truyện, báo về nhà đọc xong không trả về thư viện lớp học.

- Việc tổ chức phát động phong trào đọc sách chưa làm thường xuyên, mới chỉ làm theo chủ đề, chủ điểm lớn trong học kỳ1.

- Số lượng học sinh tham gia viết về những lợi ích mà sách đem lại chưa nhiều, mới có khoảng 10 tham gia, chủ yếu là các em lớp 4,5.

- Việc tổ chức quyên góp sách, báo tạp chí …được ít cả về số lượng và chất lượng, chủ yếu là sách báo, tạp chí đã cũ, không mang tính thời sự, không cập nhật được những thông tin mới.

5.2. Phương hướng trong học kỳ 2:

- Tiếp tục phát huy những hiệu quả đạt được trong học kỳ 1, nâng cao nhận thức cho cán bộ, GV, CNV về xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường.

- Triển khai thực hiện Kế hoạch khoa học hợp lý hơn.

- Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các thành viên của Tổ công tác thư viện, bố trí thời gian hợp lý để tổ công tác hoạt động hiệu quả hơn.

- Tiếp tục tuyên truyền, động viên khuyến khích học sinh tích cực xây dựng tủ sách lớp học, xây dựng cho các em ý thức “Tủ sách lớp học là tủ sách gia đình”.

- Tổ chức phát động phong trào đọc sách thường xuyên từng tuần, từng tháng, hoặc khi có sách báo, tạp chí mới nhằm tạo hứng thú cho các em, thu hút các em đến thư viện nhiều hơn.

- Tham mưu với BGH có kế hoạch khen thưởng những học sinh tham gia viết về những lợi ích mà sách đem lại. Động viên khuyến khích phong trào viết sau đọc để nâng cao hơn nữa khả năng học tập phân môn Tập làm văn.

- Tăng cường tổ chức quyên góp sách, báo tạp chí …không chỉ ở học sinh, ở cha mẹ học sinh mà cả ở những tổ chức chính trị xã hội đóng trên địa bàn. Sau quyên góp cần bố trí cán bộ phân loại tài liệu thu thập được, chỉ sử dụng những bản sách phù hợp với tiểu học, những bản sách có giá trị. Loại bỏ những tài liệu xấu, những tài liệu không phù hợp để xây dựng tủ sách lớp học được hiệu quả hơn.