Bị mất sổ đỏ thì làm lại như thế nào năm 2024

Sổ đỏ hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân, tổ chức khi đảm bảo và công nhận quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu đó trên diện tích mảnh đất được cấp phép. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng đảm bảo việc kiểm tra, giám sát các hoạt động sử dụng xây dựng nhà cửa và đồng thời xử lý các sai phạm đó theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà chúng ta dẫn đến việc làm mất sổ đỏ. Vậy chúng ta cần làm gì? Làm như thế nào để hạn chế tối đa rủi ro khi làm mất sổ đỏ? Bài viết dưới đây NPLaw sẽ giải đáp cho bạn một số vấn đề liên quan đến “mất sổ đỏ”.

I. Mất sổ đỏ có nguy hiểm không?

Trên thực tế, số người làm mất sổ đỏ không phải là ít. Khi sổ đỏ bị mất, nhiều người rất lo lắng vì sợ người khác chuyển nhượng, thế chấp nhà đất của mình. Vậy khi bị mất sổ đỏ liệu có nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ hay không? Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng khi rơi vào tình trạng trên vì:

Thứ nhất, mất sổ đỏ không nguy hiểm vì giấy tờ này không phải là tài sản.

Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: "Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác". Do đó, quyền sử dụng đất là tài sản, còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản. Như vậy, Giấy chứng nhận chỉ là giấy tờ ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp [tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng khác]. Hay nói cách khác, nếu mất Giấy chứng nhận thì chỉ mất giấy tờ ghi nhận quyền tài sản chứ không mất tài sản.

Thứ hai, nếu mất sổ đỏ thì sẽ được cấp lại theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi bị mất Giấy chứng nhận thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có quyền đề nghị cấp lại.

Thứ ba, Người khác không được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp nếu không được sự đồng ý của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Theo khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013, việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực khi được đăng ký vào sổ địa chính của cơ quan đăng ký đất đai. Mặt khác, việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp chỉ được thực hiện bởi chính người sử dụng đất hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự. Như vậy, khi Giấy chứng nhận bị mất thì người đang chiếm giữ Giấy chứng nhận cũng không thể chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở nếu không có ủy quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

II. Mất sổ đỏ có làm lại được không?

Sổ đỏ là trong những giấy tờ có giá trị rất lớn. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều nguyên nhân khác nhau mà nhiều người để mất sổ đỏ.

Theo Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi bị mất sổ đỏ người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại.

- Hộ gia đình, cá nhân có sổ đỏ bị mất phải khai báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất về việc bị mất sổ đỏ.

- Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm niêm yết thông báo mất giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất do thiên tai, hỏa hoạn.

- Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

- Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

Như vậy, nếu bạn làm mất sổ đó vì bất cứ lý do nào đó thì hãy yên tâm vì bạn hoàn toàn có thể được cấp lại theo quy định. Tuy nhiên, để được cấp lại thì người dân phải thực hiện nộp hồ sơ và thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục để đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại.

III. Báo mất sổ đỏ ở đâu?

Tại Khoản 1 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định như sau:

“Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn”.

Do đó, trước tiên, người bị mất sổ phải đến khai báo với UBND xã/phường nơi có đất. Sau đó UBND xã/phường sẽ niêm yết thông báo công khai trại trụ sở. Sau 30 ngày, người sử dụng đất sẽ nộp 1 bộ hồ sơ xin cấp lại sổ đỏ bị mất.

Như vậy, khi hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất, thì phải có đơn [văn bản] khai báo với UBND cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

IV. Trường hợp nào được cấp lại sổ đỏ?

Sổ đỏ là cách gọi vắn tắt của người dân đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Tuy nhiên; kể từ ngày 10/12/2009; Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực đã quy định thống nhất các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Căn cứ Điều 99 Luật đất đai 2013 quy định về các trường hợp sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Theo đó, các trường hợp được cấp lại sổ đỏ bao gồm:

- Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật này;

- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

- Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;

- Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;

- Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;

- Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;

- Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;

- Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

- Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;

- Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.

Như vậy, nếu mất sổ đỏ thuộc các trường hợp nêu trên sẽ được thực hiện cấp lại sổ đỏ hay còn gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Do vậy, nếu làm mất sổ đỏ cũng đừng lo lắng mà hãy nhanh chóng thực hiện thủ tục xin cấp lại sổ đỏ theo quy định.

V. Trình tự, thủ tục cấp lại sổ đỏ khi bị mất như thế nào?

Bước 1: Nộp hồ sơ

Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận [Khoản 2 Điều 77 Nghị định 43/2014 NĐ-CP].

Không giống nhiều loại giấy tờ khác, khi bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ sở hữu không được làm hồ sơ đề nghị cấp luôn mà phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền liên quan để được làm lại. Trừ những trường hợp như thiên tai, hỏa hoạn,…

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ [khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017 NĐ-CP]

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 3: Giải quyết yêu cầu [Khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014 NĐ-CP]

– Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ.

– Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất.

– Lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận.

– Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

Bước 4: Trả kết quả [ Khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014 NĐ-CP]

Trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

VI. Thủ tục làm lại sổ đỏ bị mất có cần giấy xác nhận của công an không?

Căn cứ các quy định về cấp lại sổ đỏ quy định tại Điều 77 Nghị định 43/2013/NĐ-CP và Hồ sơ nộp đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.

Theo đó, khi thực hiện thủ tục làm lại sổ đỏ bị mất sẽ không cần xác nhận của cơ quan công an mà thay vào đó là phải có giấy xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận, riêng trường hợp bị mất do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã về thiên tai, hỏa hoạn đó.

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn phần nào về các vấn đề liên quan đến trường hợp “mất sổ đỏ”. Để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến vấn đề này hãy liên hệ ngay với NPLaw chúng tôi để được nghe tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến sổ đỏ nói chung và trường hợp mất sổ đỏ nói riêng. Bởi hơn hết, sổ đó là giấy tờ vô cùng quan trọng nên bạn cần nhanh chóng xử lý nếu đang rơi vào tình trạng “mất sổ đỏ”

Chủ Đề