Biểu hiện năng lực văn học là gì

Dạy học Ngữ văn theo định hướng năng lực   (ĐCSVN) -  Việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học theo hướng tập trung hướng dẫn các hoạt động học, tăng cường tối đa khả năng vận dụng kiến thức đã học của học sinh vào hoạt động thực hành là điều kiện tiên quyết của đổi mới dạy học Ngữ văn theo định hướng năng lực.

Biểu hiện năng lực văn học là gì
Biểu hiện năng lực văn học là gì
Biểu hiện năng lực văn học là gì
Biểu hiện năng lực văn học là gì
Biểu hiện năng lực văn học là gì

Học sinh học tập thông qua trải nghiệm tích hợp trong bài học Ngữ văn (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Nghiên cứu nội hàm khái niệm cấu trúc năng lực cho thấy: giáo dục theo định hướng năng lực không chỉ nhằm mục tiêu phát triển năng lực chuyên môn (tri thức, kĩ năng chuyên môn) mà còn phát triển năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá thể. Đây là một lĩnh vực được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và có những cách tiếp cận, qui nạp hoặc diễn giải khác nhau. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), năng lực được quan niệm là Khả năng đáp ứng một cách hiệu quả những yêu cầu phức hợp trong một bối cảnh cụ thể và phân chia thành hai nhóm chính: nhóm năng lực chung (gồm: Khả năng hành động độc lập thành công; Khả năng sử dụng các công cụ giao tiếp và công cụ tri thức một cách tự chủ; Khả năng hành động thành công trong các nhóm xã hội không đồng nhất) và các năng lực chuyên môn. Tương ứng như vậy, đối với môn Ngữ văn, các năng lực này được xác định trên cơ sở mục tiêu giáo dục nói chung và mục tiêu môn học nói riêng (mục tiêu đó được nêu thành các mức độ dựa trên đặc điểm tâm lí và khả năng phát triển của học sinh), được thiết kế mức độ tăng dần theo các trình độ khác nhau tương ứng với các lớp và cấp học.

Quán triệt Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng, với mục tiêu tổng quát là "Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả", việc triển khai dạy học các bộ môn nói chung và Ngữ văn nói riêng theo định hướng phát triển năng lực hiện nay là một yêu cầu bức thiết. Chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, trước hết, "cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của môn Ngữ văn ở trường phổ thông là: hình thành và phát triển các năng lực cốt lõi và năng lực đặc thù của môn học; đặc biệt là năng lực giao tiếp (kiến thức Tiếng Việt cùng với 4 kĩ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết và khả năng ứng dụng các kiến thức và kĩ năng ấy vào các tình huống giao tiếp khác nhau trong cuộc sống) và năng lực cảm thụ, thưởng thức văn học; bồi dưỡng và nâng cao vốn văn hoá cho người học thông qua những hiểu biết về ngôn ngữ và văn học, góp phần tích cực vào việc giáo dục, hình thành và phát triển cho học sinh những tư tưởng, tình cảm nhân văn, trong sáng, cao đẹp". Theo đó, "định hướng dạy học theo năng lực đòi hỏi các môn học tích hợp một số nội dung tri thức và kĩ năng nhằm giải quyết các tình huống trong học tập và trong cuộc sống.

Về mục tiêu, Chương trình giáo dục phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã xác định yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung: "Môn Ngữ văn góp phần hình thành, phát triển ở học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể" - đó là:

- Năng lực tự chủ và tự học (Tự lực; Tự khẳng định và bảo vệ quyền, nhu cầu chính đáng; Tự điều chỉnh tình cảm, thái độ, hành vi của mình; Thích ứng với cuộc sống; Định hướng nghề nghiệp; Tự học, tự hoàn thiện).

- Năng lực giao tiếp và hợp tác (Xác định mục đích, nội dung, phương tiện và thái độ giao tiếp; Thiết lập, phát triển các quan hệ xã hội; điều chỉnh và hoá giải các mâu thuẫn; Xác định mục đích và phương thức hợp tác, Xác định trách nhiệm và hoạt động của bản thân; Xác định nhu cầu và khả năng của người hợp tác; Tổ chức và thuyết phục người khác; Đánh giá hoạt động hợp tác; Hội nhập quốc tế).

- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo (Nhận ra ý tưởng mới; Phát hiện và làm rõ vấn đề; Hình thành và triển khai ý tưởng mới; Đề xuất, lựa chọn giải pháp; Thiết kế và tổ chức hoạt động; Tư duy độc lập).

Chương trình giáo dục phổ thông cũng qui định các yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù của học sinh, trong đó có năng lực ngôn ngữ (bao gồm năng lực sử dụng tiếng Việt và năng lực sử dụng ngoại ngữ; mỗi năng lực được thể hiện qua các hoạt động: đọc, viết, nói, nghe) và năng lực văn học.

Năng lực ngôn ngữ

Năng lực ngôn ngữ thể hiện trước hết ở hoạt động động đọc. Ở cấp tiểu học: học sinh biết đọc đúng, trôi chảy và diễn cảm văn bản; hiểu được nội dung chính của văn bản, chủ yếu là nội dung tường minh; bước đầu hiểu được nội dung hàm ẩn như chủ đề, bài học rút ra từ văn bản đã đọc theo các yêu cầu về kĩ thuật đọc và kĩ năng đọc hiểu.Ở cấp trung học cơ sở: học sinh biết vận dụng kiến thức tiếng Việt cùng với những trải nghiệm và khả năng suy luận của bản thân để hiểu văn bản; biết đọc văn bản theo kiểu, loại; hiểu được nội dung tường minh và hàm ẩn của văn bản; nhận biết và bước đầu biết phân tích, đánh giá nội dung và đặc điểm nổi bật về hình thức biểu đạt của văn bản; biết so sánh văn bản này với văn bản khác, liên hệ với những trải nghiệm cuộc sống của cá nhân; từ đó có cách nhìn, cách nghĩ và những cảm nhận riêng về cuộc sống, làm giàu đời sống tinh thần. Ở cấp trung học phổ thông: học sinh biết vận dụng kiến thức tiếng Việt và kiến thức về bối cảnh lịch sử, xã hội, tư tưởng, triết học và quan niệm thẩm mĩ của các thời kì để hiểu các văn bản khó hơn (thể hiện qua dung lượng, độ phức tạp và yêu cầu đọc hiểu); biết phân tích, đánh giá nội dung và đặc điểm nổi bật về hình thức biểu đạt của văn bản, nhất là những tìm tòi sáng tạo về ngôn ngữ, cách viết và kiểu văn bản; giúp học sinh có cách nhìn, cách nghĩ về con người và cuộc sống theo cảm quan riêng; thấy được vai trò và tác dụng của việc đọc đối với bản thân.

Đối với hoạt động viết, ở cấp tiểu học: yêu cầu học sinh viết đúng chính tả, từ vựng, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn văn ngắn; bước đầu viết được bài văn ngắn hoàn chỉnh, chủ yếu là bài văn kể, tả và bài giới thiệu đơn giản; viết được văn bản kể lại những câu chuyện đã đọc, những sự việc đã chứng kiến, tham gia, những câu chuyện do học sinh tưởng tượng; miêu tả những sự vật, hiện tượng quen thuộc; giới thiệu về những sự vật và hoạt động gần gũi với cuộc sống của học sinh; viết đoạn văn nêu những cảm xúc, suy nghĩ của học sinh khi đọc một câu chuyện, bài thơ, khi chứng kiến một sự việc gợi cho học sinh nhiều cảm xúc; nêu ý kiến về một vấn đề đơn giản trong học tập và đời sống; viết một số kiểu văn bản như: bản tự thuật, tin nhắn, giấy mời, thời gian biểu, đơn từ; bước đầu biết viết theo quy trình; bài viết cần có đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài).Ở cấp trung học cơ sở: học sinh viết được bài văn tự sự, miêu tả và biểu cảm; bước đầu biết viết bài văn nghị luận, thuyết minh, nhật dụng; viết đúng quy trình, biết cách tìm tài liệu để đáp ứng yêu cầu viết văn bản; có hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ và biết cách trích dẫn văn bản.Ở cấp trung học phổ thông: học sinh viết thành thạo kiểu văn bản nghị luận và thuyết minh về các đề tài gắn với đời sống và định hướng nghề nghiệp; Viết được văn bản nghị luận và văn bản thông tin có đề tài tương đối phức tạp; văn bản nghị luận yêu cầu phân tích, đánh giá, so sánh giá trị của tác phẩm văn học; bàn về những vấn đề phù hợp với đối tượng gần đến tuổi thành niên, đòi hỏi cấu trúc và kiểu lập luận tương đối phức tạp, bằng chứng cần phải tìm kiếm từ nhiều nguồn; văn bản thuyết minh viết về những vấn đề có tính khoa học dưới hình thức một báo cáo nghiên cứu đúng quy ước; tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ và tránh đạo văn; bài viết thể hiện được cảm xúc, thái độ, những trải nghiệm và ý tưởng của cá nhân đối với những vấn đề đặt ra trong văn bản; thể hiện được một cách nhìn, cách nghĩ, cách sống mang đậm cá tính.

Đối với hoạt động nói và nghe, ở cấp tiểu học: học sinh trình bày dễ hiểu các ý tưởng và cảm xúc; bước đầu biết sử dụng cử chỉ, điệu bộ thích hợp khi nói; kể lại được một cách rõ ràng câu chuyện đã đọc, đã nghe; biết chia sẻ, trao đổi những cảm xúc, thái độ, suy nghĩ của mình đối với những vấn đề được nói đến; biết thuyết minh về một đối tượng hay quy trình đơn giản. Nghe hiểu với thái độ phù hợp và nắm được nội dung cơ bản; nhận biết được cảm xúc của người nói; biết cách phản hồi những gì đã nghe.Ở cấp trung học cơ sở: học sinh trình bày dễ hiểu các ý tưởng và cảm xúc; có thái độ tự tin khi nói trước nhiều người; sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ điệu bộ thích hợp khi nói; kể lại được một cách mạch lạc câu chuyện đã đọc, đã nghe; biết chia sẻ những cảm xúc, thái độ, trải nghiệm, ý tưởng của mình đối với những vấn đề được nói đến; thảo luận ý kiến về vấn đề đã đọc, đã nghe; thuyết minh về một đối tượng hay quy trình; biết cách nói thích hợp với mục đích, đối tượng và ngữ cảnh giao tiếp; biết sử dụng hình ảnh, kí hiệu, biểu đồ,... để trình bày vấn đề một cách hiệu quả; học sinh thực hành nghe hiểu với thái độ phù hợp và tóm tắt được nội dung; nhận biết và bước đầu đánh giá được lí lẽ, bằng chứng mà người nói sử dụng; nhận biết được cảm xúc của người nói; biết cách phản hồi những gì đã nghe một cách hiệu quả.Ở cấp trung học phổ thông: học sinh biết tranh luận về những vấn đề tồn tại các quan điểm trái ngược nhau; có thái độ cầu thị và văn hoá tranh luận phù hợp; có khả năng nghe thuyết trình và đánh giá được nội dung và hình thức biểu đạt của bài thuyết trình; có hứng thú thể hiện chủ kiến, cá tính trong tranh luận; trình bày vấn đề khoa học một cách tự tin, có sức thuyết phục; nói và nghe linh hoạt; nắm được phương pháp, quy trình tiến hành một cuộc tranh luận.

Như vậy, năng lực ngôn ngữ là một năng lực tổng hợp trên cơ sở những biểu hiện của bốn yếu tố đọc, viết, nghe, nói cấu thành. Các yếu tố đó có mối quan hệ chặt chẽ, thúc đẩy và tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, tạo nêntính toàn diện năng lực đặc thù của môn Ngữ văn.

Năng lực văn học

Cùng với năng lực ngôn ngữ, với yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù, ở cấp tiểu học: học sinh phân biệt đượcvăn bản truyện và thơ (đoạn, bài văn xuôi và đoạn, bài văn vần); nhận biết được nội dung văn bản và thái độ, tình cảm của người viết; bước đầu hiểu được tác dụng của một số yếu tố hình thức của văn bản văn học (ngôn từ, nhân vật, cốt truyện, vần thơ, so sánh, nhân hoá); biết liên tưởng, tưởng tượng và diễn đạt có tính văn học trong viết và nói.Ở cấp trung học cơ sở: học sinh nhận biết và phân biệt được các loại văn bản văn học: truyện, thơ, kịch, kí và một số thể loại tiêu biểu cho mỗi loại; phân tích được tác dụng của một số yếu tố hình thức nghệ thuật thuộc mỗi thể loại văn học; hiểu nội dung tường minh và hàm ẩn của văn bản văn học; trình bày được cảm nhận, suy nghĩ về tác phẩm văn học và tác động của tác phẩm đối với bản thân; bước đầu tạo ra được một số sản phẩm có tính văn học.Ở cấp trung học phổ thông: học sinh phân tích và đánh giá văn bản văn học dựa trên những hiểu biết về phong cách nghệ thuật và lịch sử văn học; nhận biết được đặc trưng của hình tượng văn học và một số điểm khác biệt giữa hình tượng văn học với các loại hình tượng nghệ thuật khác (hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc); phân tích và đánh giá được nội dung tư tưởng và cách thể hiện nội dung tư tưởng trong một văn bản văn học; nhận biết và phân tích được đặc điểm của ngôn ngữ văn học, câu chuyện, cốt truyện và cách kể chuyện; nhận biết và phân tích được một số đặc điểm phong cách nghệ thuật trong văn học dân gian, trung đại và hiện đại; phong cách nghệ thuật của một số tác giả, tác phẩm lớn; nêu được những nét tổng quát về lịch sử văn học dân tộc (quá trình phát triển, các đề tài và chủ đề lớn, các tác giả, tác phẩm lớn; một số giá trị nội dung và hình thức của văn học dân tộc) và vận dụng vào việc đọc tác phẩm văn học; đồng thời tạo lập được một số kiểu văn bản văn học thể hiện khả năng biểu đạt cảm xúc và ý tưởng bằng hình thức ngôn từ mang tính thẩm mĩ.

Từ các mức độ yêu cầu về các mức độ của các bình diện năng lực (năng lực chung và năng lực đặc thù), có thể nhận diện được mạch kiến thức, kĩ năng, lô-gich và mối quan hệ phong phú của sự hình thành và phát triển năng lực Ngữ văn trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Các hoạt động để hình thành, phát triển năng lực ngôn ngữ (qua hoạt động đọc, viết, nói, nghe) và năng lực văn học được thực hiện trong mối quan hệ đồng bộ, xuyên thấm trong các hoạt động dạy học bộ môn và trải nghiệm (ở tiểu học), trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp (ở trung học cơ sở và trung học phổ thông); đồng thời thể hiện thông qua việc lựa chọn và hướng dẫn đọc văn bản để đọc mở rộng theo mức độ phù hợp với học sinh ở từng lớp học và cấp học. Chẳng hạn: Ở lớp 1, học sinh đọc tối thiểu 10 văn bản văn học và 5 văn bản thông tin có độ dài tương đương với các văn bản đã học; ở lớp 6 học sinh đọc 35 văn bản văn học, 9 văn bản nghị luận và 18 văn bản thông tin (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên mạng Internet) có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học; ở lớp 10 học sinh đọc 35 văn bản văn học, 18 văn bản nghị luận và 18 văn bản thông tin (bao gồm cả văn bản được hướng dẫn đọc trên Internet) có kiểu văn bản và độ dài tương đương với các văn bản đã học.

Để khắc phục tình trạng dạy học truyền thụ một chiều và ghi nhớ máy móc, việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học theo hướng tập trung hướng dẫn các hoạt động học, tăng cường tối đa khả năng vận dụng kiến thức đã học của học sinh vào hoạt động thực hành là điều kiện tiên quyết của đổi mới dạy học Ngữ văn theo định hướng năng lực./.TS. Nguyễn Trọng Hoàn (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Video liên quan