Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp ngân hàng

Cuối tháng 12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Văn hóa công vụ. Việc triển khai đề án nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Về phần mình, ngành ngân hàng đã có Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11-10-2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính. Các ngân hàng cũng đều ý thức được điều này và đã tự xây dựng, ban hành các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử cho cán bộ, nhân viên. Năm 2014, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành Quy tắc đạo đức của Hiệp hội với nội dung khá đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, để đáp ứng sát hơn yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội đã chắt lọc những nội dung cốt lõi, chọn cách diễn đạt cô đọng, ngắn gọn để ban hành bộ quy tắc mới với tên gọi “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng”, áp dụng cho các tổ chức hội viên của Hiệp hội. Đây có thể coi là những giá trị cốt lõi, những yêu cầu căn bản về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử mà mỗi cán bộ ngân hàng cần ghi nhớ và thường xuyên rèn luyện để xứng đáng với sứ mệnh vinh dự được tổ chức, ngành trao và góp phần làm đẹp hình ảnh của người cán bộ ngân hàng đối với xã hội. Bộ Chuẩn mực mới nêu sáu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và hai quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Sáu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gồm: (1) Tính tuân thủ; (2) Sự cẩn trọng; (3) Sự liêm chính; (4) Sự tận tâm và chuyên cần; (5) Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng; (6) Ý thức bảo mật thông tin. Mỗi chuẩn mực nêu lên những điều cán bộ ngân hàng cần phải làm và những điều cán bộ ngân hàng không được làm. Các quy định được nêu khái quát, ngắn gọn, rõ và cụ thể để dễ hiểu, tạo điều kiện dễ thực hành. Sáu chuẩn mực có sự bổ trợ lẫn nhau, phản ánh được cả những yêu cầu chung, những nét đặc trưng của hoạt động ngân hàng và tổng hợp lại sẽ vẽ nên hình ảnh tương đối đầy đủ của một người cán bộ ngân hàng nghiêm túc, mẫn cán, chuyên nghiệp, đáng tin cậy. Trong hai chuẩn mực cuối (5) và (6) có chứa đựng những yêu cầu mới phù hợp với bối cảnh, môi trường hoạt động hiện nay của hoạt động ngân hàng như: Chú trọng nâng cao kỹ năng mềm, khả năng thích ứng cao trước sự thay đổi của môi trường và yêu cầu công việc; hoặc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn, bảo mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, dữ liệu của ngân hàng và khách hàng. Hai quy tắc ứng xử gồm: Ứng xử trong nội bộ, Ứng xử với khách hàng và đối tác. Đối với Ứng xử trong nội bộ có sự phân tách thành: Ứng xử của cán bộ cấp dưới đối với cấp trên; ứng xử của cấp trên đối với cấp dưới; ứng xử đối với cán bộ đồng cấp. Đối với Ứng xử với khách hàng và đối tác, Bộ chuẩn mực đưa ra những quy định khái quát về thái độ, phong cách giao tiếp với khách hàng và đối tác, thể hiện tính lịch sự và chuyên nghiệp của người cán bộ ngân hàng. Để Bộ chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, đáp ứng kỳ vọng của Hiệp hội ngân hàng nói riêng, toàn ngành ngân hàng nói chung, Hiệp hội đã xác định việc triển khai thực hiện phải được duy trì thường xuyên, liên tục, lâu dài; cách thức triển khai đồng bộ, kiên trì, sâu rộng, với sự vào cuộc trách nhiệm cao của các cấp lãnh đạo, sự tham gia tích cực, tự giác của cán bộ, nhân viên ngân hàng, tạo sự chuyển biến rõ rệt, đưa Bộ chuẩn mực từng bước thật sự đi vào cuộc sống. Trước tiên cần tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Bộ chuẩn mực đến từng cán bộ, nhân viên các tổ chức hội viên thông qua việc phát hành sổ tay, các loại tờ rơi, áp-phích phù hợp… để dán/treo tại quầy giao dịch, phòng họp hoặc nơi sinh hoạt chung. Cùng với đó, Hiệp hội ngân hàng sẽ phối hợp với các bên liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn, hội thảo, tọa đàm sâu rộng về chủ đề trên. Hiệp hội đề nghị các tổ chức hội viên có các hình thức tổ chức cho cán bộ, nhân viên nghiên cứu, quán triệt, cam kết thực hiện Bộ chuẩn mực như một nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ hằng năm rà soát việc thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, rút kinh nghiệm và xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch cho thời gian tiếp theo. Hiệp hội ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, vận động thực hiện tốt Bộ chuẩn mực trong cán bộ, đoàn viên, người lao động; phối hợp với Vụ Thi đua Khen thưởng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) phát động thi đua trong toàn hệ thống ngân hàng gắn với việc thực hiện Bộ chuẩn mực, biểu dương đề nghị khen thưởng kịp thời những điển hình tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

TS Nguyễn Toàn Thắng


Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp ngân hàng

“Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” được Hiệp hội Ngân hàng VN ban hành trên cơ sở thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN; Thống đốc NHNN giao Hiệp hội Ngân hàng, Vụ Thi đua khen thưởng NHNN, Công đoàn NHVN phối hợp triển khai thực hiện.Công đoàn NHVN đề nghị các cấp công đoàn trong Ngành tuyên truyền sâu rộng nội dung của “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” tới toàn thể đoàn viên, người lao động. Đồng thời các cấp công đoàn vận động đoàn viên, người lao động thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, cũng như các quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị đoàn kết, vững mạnh, xây dựng Ngành phát triển bền vững; tạo niềm tin, uy tín và hình ảnh của ngành Ngân hàng đối với toàn xã hội. 

Chi tiết văn bản xem tại đây

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp ngân hàng

Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp ngân hàng

Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp ngân hàng

  • Đang truy cập1
  • Hôm nay363
  • Tháng hiện tại5,028
  • Tổng lượt truy cập55,787

- Select website - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Tỉnh ủy Bình Phước UBND tỉnh Bình Phước Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước Sở Tài chính tỉnh Bình Phước

Ngày 25/2/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng”.

Hoạt động ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt, chứa đựng nhiều rủi ro, đó là kinh doanh tiền tệ, kinh doanh trên cơ sở chữ “tín”. Do vậy, người làm ngân hàng phải tuân theo những yêu cầu và chuẩn mực khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức và tâm thế đúng với nghề của mình. Để nâng cao những phẩm chất đạo đức cần thiết của người cán bộ ngân hàng, xây dựng hình ảnh đẹp của ngân hàng đối với xã hội, việc ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng là cần thiết và cần được tuyên truyền, áp dụng sâu rộng.

Bộ chuẩn mực nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng bao gồm:

* Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng: gồm 06 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chính sau:

Tính tuân thủ: Cán bộ ngân hàng phải tôn trọng, tuân thủ pháp luật, quy định, quy trình nghiệp vụ của ngành và nội bộ ngân hàng; không vi phạm pháp luật hoặc đồng lõa, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

Sự cẩn trọng: Cán bộ ngân hàng phải cẩn thận, kỹ lưỡng, cân nhắc thấu đáo, lường đoán kỹ mọi rủi ro, thận trọng trong giao tiếp và giữ kỷ luật phát ngôn; không chủ quan, liều lĩnh, dễ dãi, cả tin; đề cao tinh thần tự chịu trách nhiệm, tránh xảy ra sai sót, sơ suất trong quá trình giải quyết công việc.

Sự  liêm chính: Cán bộ ngân hàng phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh nghề nghiệp, giữ gìn sự liêm chính, minh bạch trong các mối quan hệ, trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc; có tinh thần trách nhiệm, tránh lãnh phí, không tham ô, lợi dụng hoặc tiếp tay cho hành vi tham ô, vụ lợi.

Sự tận tâm và chuyên cần: Cán bộ ngân hàng phải tận tâm và chu đáo, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ với nỗ lực cao; thường xuyên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ; không làm việc tắc trách, thiếu tập trung, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Tính chủ động, sáng tạo và thích ứng: Cán bộ ngân hàng phải rèn luyện tính tự giác, chủ động tìm tòi, sáng tạo để nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả công việc; thích ứng cao trước sự thay đổi của môi trường và yêu cầu mới; cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao kỹ năng mềm; không ỉ lại, dựa dẫm, đẩy việc cho người người, không bảo thủ, cứng nhắc, cản trở đổi mới, sáng tạo.

Ý thức bảo mật thông tin: Cán bộ ngân hàng tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật và của tổ chức về bảo mật an toàn thông tin, không đưa thông tin sai lệch, thiếu chính xác, mang tính chủ quan cá nhân gây tổn hại đến tổ chức và ngành, gây hoang mai lo ngại, ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng; Lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định; Không tùy tiện, sơ hở trong trao đổi thông tin.

*Quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng bao gồm:

Quy tắc ứng xử trong nội bộ:

Cán bộ cấp dưới phải chấp hành nghiêm sự phân công nhiệm vụ, tôn trọng và ứng xử đúng mực đối với cấp trên; thực hiện đúng phận sự; không được có những hành vi gây tổn hại với uy tín của cấp trên; Mạnh dạn bày tỏ chính kiến, tham mưu, thuyết phục cấp trên khi cần thiết.

Cán bộ cấp trên cần tôn trọng, lắng nghe, khuyến khích cấp dưới bày tỏ quan điểm, ý kiến; luôn gương mẫu trong cư xử, tạo không khi hòa đồng, cởi mở, động viên, khích lệ, đối xử công bằng, bình đẳng đối với cấp dưới; chủ động hỗ trợ cấp dưới giải quyết khó khăn, vướng mắc; bảo vệ quyền lợi chính đáng của cấp dưới; không trù dập, phân biệt đối xử, làm tổn hại đến danh dự của cấp dưới; không lợi dụng chức vụ, địa vị để thu lợi cá nhân hoặc làm tổn hại đến lợi ích ngân hàng.

Đối với cán bộ đồng cấp cần giữ gìn đoàn kết nội bộ, có tinh thần tập thể, tôn trọng, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau. Lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, khiêm nhường tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp; góp ý, phân tích trên tinh thần xây dựng, không lợi dụng quan hệ cá nhận đồng nghiệp để thực hiện hành vi gian lận.

Quy tắc ứng xử với khách hàng và đối tác: Cán bộ ngân hàng phải thể hiện phong cách giao dịch chuyên nghiệp, thân thiện; tác phong nhanh nhẹn, chu đáo, thái độ niềm nở, tận tình, tạo ấn tượng tích cực, tin tưởng; trang phục gọn gàng, lịch sự, có thái độ nghiêm túc, đúng mực trong lúc làm việc, tôn trọng và đối xử công bằng đối với đối tác và khách hàng.

Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng được ban hành nhằm nâng cao ý thức cho đội ngũ cán bộ ngân hàng về tầm quan trọng và sự cần thiết phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa để hoàn thành công việc được giao và là cơ sở cho các tổ chức hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xây dựng và phát triển bộ quy tắc/chuẩn mực đạo đức riêng, phù hợp với đặc thù đơn vị mình.

Khánh Ly