Các chỉ số đánh giá chức năng gan

Cách đọc chỉ số xét nghiệm chức năng gan như thế nào? Các chỉ số xét nghiệm chức năng gan nào người bệnh cần chú ý trong báo cáo? Đọc ngay bài viết sau để được giải đáp.

Khi nhận được kết quả, người làm kiểm tra nên hiểu về ý nghĩa của một số chỉ số xét nghiệm chức năng gan quan trọng. Việc hiểu các chỉ số xét nghiệm cơ bản giúp người kiểm tra có thể trao đổi thêm các thắc mắc với bác sĩ để có cách chăm sóc, điều trị phù hợp.

Các xét nghiệm chức năng gan cơ bản

Xét nghiệm chức năng gan là cách đo lường các chỉ số quan trọng liên quan đến gan để đánh giá tình trạng gan. Dưới đây là các chỉ số chính thường được đo trong xét nghiệm chức năng gan:

Xét nghiệm AST [Aspartate aminotransferase]

Đây là enzyme protein tồn tại trong gan đóng vai trò như một chất xúc tác hỗ trợ hầu hết các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Xét nghiệm AST là căn cứ để đánh giá mức độ tổn thương gan. Mức AST cao có thể là dấu hiệu tổn thương gan do các nguyên nhân như viêm gan, xơ gan, sự tổn thương do sử dụng rượu, thuốc hoặc các chất độc khác.

Xét nghiệm ALT [Alanine aminotransferase]

ALT là một loại enzym có mặt chủ yếu trong các tế bào gan và có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa amino axit alanine. Chỉ số ALT thường được xét kết hợp cùng chỉ số AST để đánh giá mức độ tổn thương gan. Chỉ số ALT tăng cao thường liên quan đến các nguyên nhân như viêm gan, xơ gan, nhiễm trùng gan hoặc sử dụng chất kích thích có hại cho gan.

Xét nghiệm ALP [Alkaline phosphatase]

ALP là một loại enzyme được tìm thấy trong gan và xương có vai trò quan trọng để phá vỡ protein. Xét nghiệm ALP đo mức độ hoạt động của enzym ALP trong gan. Tăng cao của ALP có thể chỉ ra sự tắc nghẽn hoặc tổn thương đường mật, túi mật hoặc tổn thương xương.

Xét nghiệm GGT [Gamma-Glutamyl Transferase]

Xét nghiệm GGT đo mức độ hoạt động của enzym GGT trong gan. Sự gia tăng của GGT thường liên quan đến các vấn đề viêm gan, sử dụng rượu, hoặc sử dụng các loại thuốc như phenytoin hoặc phenobarbital.

Xét nghiệm Bilirubin

Bilirubin là một chất được tạo ra trong quá trình phân hủy hồng cầu được lọc qua gan và bài tiết qua phân. Xét nghiệm bilirubin đo mức độ chất độc bilirubin có trong máu. Sự gia tăng mức độ bilirubin có thể cho thấy sự cản trở trong quá trình chuyển hóa bilirubin hoặc vấn đề về dòng điều tiết dịch mật.

Xét nghiệm Albumin

Albumin là protein có chức năng chống lại nhiễm trùng và thực hiện một số chức năng trao đổi chất khác. Xét nghiệm albumin được sử dụng để đo mức độ của protein albumin có trong máu. Mức albumin và protein tổng thấp hơn bình thường có thể là dấu hiệu tổn thương gan hoặc một số tình trạng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa hoặc thận.

Xét nghiệm LDH [lactate dehydrogenase]

Lactate dehydrogenase là một loại enzyme được tìm thấy trong gan. Mức độ LDH cao có thể là dấu hiệu của một số tổn thương gan. Tuy nhiên, mức LDH cao cũng có thể báo hiệu về các vấn đề sức khỏe khác.

Xét nghiệm PT [Prothrombin time]

PT một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng làm việc của hệ thống đông máu trong gan. Kết quả xét nghiệm PT được kết hợp với các chỉ số trên để đánh giá chức năng của gan. Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm cùng với triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh để đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe và đề xuất phương pháp điều trị nếu cần thiết.

Cách đọc chỉ số xét nghiệm chức năng gan

Khi đọc kết quả xét nghiệm chức năng gan, người làm xét nghiệm cần biết được kết quả tiêu chuẩn của cơ sở xét nghiệm để so sánh với các chỉ số trong kết quả của mình, từ đó nhận định được tổng quan về tình trạng sức khỏe hiện tại. Dưới đây là một số mức chỉ số xét nghiệm chức năng gan bình thường ở người trưởng thành:

Một vài chỉ số xét nghiệm chức năng gan bình thường - ảnh: BookingCare

Nếu mức chỉ số xét nghiệm vượt quá giới hạn tham chiếu có thể là dấu hiệu bất thường về chức năng gan hoặc một số cơ quan khác. Để đưa ra chẩn đoán chính xác cần kết hợp với các yếu tố như triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh… để đánh giá nguyên nhân cụ thể

Nên làm gì sau khi có kết quả xét nghiệm chức năng gan?

Việc bảo vệ chức năng gan và ngăn ngừa các biến chứng không chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm chức năng gan, sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa mà người làm xét nghiệm cần xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực để góp phần duy trì chức năng cũng như cải thiện và hồi phục gan khi bị tổn thương.

  • Thực hiện theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ để chăm sóc, cải thiện tình trạng bệnh [nếu có].
  • Thay đổi cách ăn uống:
    • Người bệnh nên hạn chế tiêu thụ rượu và đồ uống có cồn; tránh thực phẩm nhiều chất béo, tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt…
    • Uống đủ lượng nước hàng ngày để duy trì sự hoạt động tốt của gan và giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
  • Duy trì mức BMI bình thường, tránh tăng cân quá nhanh hoặc giảm cân đột ngột, tích cực vận động thể chất đều đặn để giảm nguy cơ béo phì và tăng cường sức khỏe gan.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và hạn chế sử dụng thuốc không cần thiết, hạn chế tiếp xúc với các chất độc [hóa chất công nghiệp, thuốc lá…] ảnh hưởng tiêu cực đến gan.
  • Thực hiện các xét nghiệm chức năng gan và theo dõi kết quả để phát hiện sớm các vấn đề gan cũng như các nguy cơ về huyết áp cao, đái tháo đường và cholesterol.

Hiểu cách đọc chỉ số xét nghiệm chức năng gan giúp người làm xét nghiệm biết thêm phần nào tình trạng sức khỏe gan, tuy nhiên không thể thiếu việc tư vấn, đọc kết quả bởi bác sĩ chuyên khoa. Các chỉ số xét nghiệm này hỗ trợ bác sĩ đưa ra chẩn đoán cụ thể tình trạng gan hoặc quyết định phương pháp điều trị cần thiết.

Chủ Đề