Các dự án xã hội hóa từ bao giờ năm 2024

Từ khá lâu rồi, có lẽ cũng phải cả hai chục năm nay, chúng ta đã quá quen với một mục từ mới trong vốn từ vựng của mình: Xã hội hóa. Đây là từ có nghĩa rộng nhưng chỉ ám chỉ mỗi một chuyện duy nhất: Sự tham gia của kinh tế tư nhân vào các dự án công.

“Hòa âm ánh sáng” - một trong những chương trình nhiều tranh cãi trong dư luận.

Sẽ là lý tưởng nếu như một dự án thuộc về hạ tầng cơ sở công cộng, như làm đường, xây cầu chẳng hạn, được thực hiện theo cách “xã hội hóa”, tức là có sự tham gia của nhà đầu tư tư bản để cùng bắt tay với nhà nước khai thác hiệu quả nhất, mang lại lợi ích chung nhiều nhất. Nhưng những dự án công cộng mang tính phục vụ dân sinh là khái niệm cần phải được xem xét một cách cẩn trọng, theo đúng ý nghĩa của nó chứ không phải sử dụng nó như một chiếc áo khoác để bao biện cho những sự tham gia của nhà đầu tư tư bản vào các thương vụ được hưởng lợi thế từ vị thế của đơn vị chủ quản là tổ chức nhà nước, đặc biệt là các tổ chức có nhiệm vụ chính trị là chủ đạo, để từ đó, làm giàu cho một số cá nhân nào đó chỉ nhờ vào vị thế độc quyền của họ trong mối quan hệ đối tác chiến lược với tổ chức nhà nước kia dưới tấm áo “xã hội hóa”.

Điển hình cho chuyện khoác áo xã hội hoá để lũng đoạn này là những chương trình truyền hình thực tế được sản xuất hợp tác giữa các kênh truyền hình, nhất là những kênh có độ phủ sóng rộng với một số công ty nổi bật như BHD, Cát Tiên Sa… Khá nhiều trong số những chương trình hợp tác này vừa bị Bộ Thông tin Truyền thông “tuýt còi” và có thể sẽ bị đứng trước nguy cơ rút giấy phép.

Khán giả xem truyền hình không năm nào không có chuyện để ca thán về những chương trình truyền hình thực tế. Từ chuyện thí sinh uống acid cho tới chuyện nghi vấn trong việc “dàn xếp tỉ số”…, tất cả đã biến thế giới giải trí truyền hình trở nên hỗn loạn, lộn xộn và nhiều khi là lố bịch. Đó có thể là tai nạn không mong muốn trong khi sản xuất chương trình nhưng nhiều khi cũng chính là chiêu trò mà các nhà sản xuất cố tình nặn ra để tạo tranh cãi dư luận nhằm tăng sức hút cho chương trình. Điển hình như chương trình “Hoà âm ánh sáng” gần đây, chỉ có mỗi một chuyện ca sĩ Sơn Tùng M-TP có tham dự được hay không, bị sốt cao không tham dự được một số phát sóng mà vẫn sáng tác trên giường bệnh… cũng được đẩy lên thành tâm điểm truyền thông. Những chiêu trò đó đều khai thác triệt để vào sự dễ dãi của công chúng Việt Nam hiện nay và công chúng càng dễ dãi, những người sản xuất chương trình càng dễ dãi và bất chấp hơn. Một nhạc sĩ uy tín đã tiết lộ, trước khi bắt đầu một mùa mới của một gameshow, chính nhà đầu tư đã hỏi thẳng vị nhạc sĩ ấy - người nắm một vai trò khá quan trọng trong gameshow - rằng, “năm nay liệu có đứa nào trong số thí sinh đủ để tạo được scandal hay không?”. Rõ ràng, trong cuộc đua hút người xem của các gameshow được sản xuất bởi vài đại gia sản xuất nội dung hiếm hoi, người ta đã phải viện đến thứ “tà đạo” nhất là các scandal dàn dựng để tạo nên điểm thu hút cho chương trình.

Thực tế, ai làm truyền hình rồi đều hiểu rằng, để tìm nội dung tốt, phù hợp nhằm lấp sóng để duy trì kênh 24 /24 là điều cực khó và tốn kém. Chính vì thế, nhiều kênh truyền hình buộc phải bán thầu cho các nhà sản xuất bên ngoài, nơi đang có sẵn lực lượng nhân sự nhanh nhẹn, cơ động và thậm chí có sẵn cả nguồn vốn để mua bản quyền bản mẫu của các chương trình thực tế ăn khách nước ngoài. Từ đó, dẫn đến chuyện nhiều kênh truyền hình và các nhà sản xuất nội dung lớn trở thành đối tác chiến lược dựa trên cơ sở tấm áo “xã hội hóa” mà thực chất là các kênh truyền hình đã bán sóng cho các nhà sản xuất kia, đổi lại, khung quảng cáo giờ vàng sẽ được các đơn vị ấy khai thác với mức giá đủ để làm giàu. Đơn cử, gần đây có những bài báo tiết lộ tài sản chấn động của ông Nguyễn Quang Minh [nickname là Minh Bul], ông chủ Cát Tiên Sa. Nếu ai từng biết ông Minh 20 năm trước, có lẽ chẳng ai nghĩ ông sẽ có gia tài như ngày hôm nay. Nhưng khi đã có cờ trong tay, tức là có được mối quan hệ đối tác chiến lược với VTV, ông gặt khá nhiều từ nhiều chương trình truyền hình thực tế như “The Voice”, “The Remix”, “Cặp đôi hoàn hảo”… Mối quan hệ đối tác chiến lược kia chỉ có thể bị thay đổi cục diện khi nhà đài thay tướng và vị giám đốc mới không mặn với đối tác cũ nữa.

Đã đến lúc, phải nhìn nhận thẳng thắn với nhau rằng “xã hội hóa là gì?” và có cần phải sử dụng cái từ xã hội hóa ấy nữa hay không? Còn riêng với ngành truyền hình, cũng đã tới lúc phải có những định chế riêng để tránh chuyện bán sóng trá hình như suốt chục năm qua. Nên chăng phải có sự phân định rõ rệt kênh nào nhằm mục đích phục vụ tuyên truyền, làm nhiệm vụ chính trị còn kênh nào được quyền kêu gọi sự tham gia đầu tư của kinh tế tư nhân như một cổ đông thực thụ. Có như thế, việc kiểm soát mới minh bạch hơn, công bằng hơn và ai phải là người chịu trách nhiệm trên nội dung phát sóng cũng cụ thể, rõ ràng thay vì tình trạng “cha mẹ giả” có vị thế còn hơn cả “cha mẹ thật” chỉ vì mỗi tấm áo có tên “xã hội hóa”.

Chủ Đề