Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tài nguyên và môi trường

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 trở thành huyện công nghiệp - dịch vụ, thời gian qua huyện Hải Hà đã tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để phát triển KT-XH một cách bền vững, đặc biệt là tăng cường quản lý quy hoạch, xây dựng và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Đức Quang, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà về nội dung này.

Chủ tịch UBND huyện Hải Hà Hồ Đức Quang trao đổi với phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

- Xin ông cho biết những kết quả đạt được của huyện trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng và tài nguyên, môi trường?

+ Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác quy hoạch, xây dựng và sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả về đất đai, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường đối với phát triển KT-XH của địa phương, thời gian qua huyện Hải Hà luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện quản lý chặt chẽ về đất đai, quy hoạch và bảo vệ tài nguyên, môi trường… Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá thực trạng và lập các đồ án quy hoạch xây dựng, đảm bảo nâng cao tỷ lệ phủ kín của các quy hoạch, phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đảm bảo các điều kiện tốt nhất theo quy định để thực hiện đầu tư và thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn; đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng và sử dụng có hiệu quả quỹ đất.

Chủ tịch UBND huyện Hải Hà thăm, tặng quà Tết công nhân thi công dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Huyện cũng hoàn thành 1 đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái và 1 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 thị trấn Quảng Hà, làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng vốn ngân sách nhà nước và thu hút đầu tư các dự án vốn ngoài ngân sách trên địa bàn.

Hiện huyện phối hợp với Ban Quản lý KKT tỉnh hoàn thiện 4 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái, trong đó 3 đồ án đã hoàn thiện và được UBND tỉnh xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, hiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt; 1 đồ án đang thống nhất chủ trương lập, đảm bảo phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng đối với các xã, thị trấn của huyện nằm trong KKT cửa khẩu Móng Cái, đảm bảo đủ điều kiện tốt nhất để xúc tiến thu hút đầu tư.

Hiện nay huyện đang tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch vùng huyện [đối với các xã còn lại nằm ngoài KKT cửa khẩu Móng Cái] để đảm bảo đồng bộ về quy hoạch trên toàn huyện, kết nối hạ tầng kỹ thuật, cập nhật đầy đủ các quy hoạch chi tiết làm cơ sở tốt nhất cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng. Đồng thời đảm bảo đồng bộ để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đang được UBND tỉnh triển khai thực hiện.

Huyện Hải Hà đã hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 thị trấn Quảng Hà làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng vốn ngân sách nhà nước và thu hút đầu tư các dự án vốn ngoài ngân sách trên địa bàn.

Các quy hoạch chi tiết được quan tâm thẩm định, nâng cao chất lượng đồ án, đảm bảo tính ổn định của quy hoạch; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác quy hoạch xây dựng được quan tâm bố trí phù hợp, quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

- Thời gian qua trên địa bàn huyện vẫn có tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, khai thác tài nguyên, khoáng sản và các bến, bãi hoạt động trái phép. Huyện đã có giải pháp gì để xử lý dứt điểm tình trạng này, thưa ông?

+ Huyện uỷ, UBND huyện đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực về đất đai, tài nguyên môi trường; xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn công tác để chỉ đạo, thực hiện quản lý tài nguyên, khoáng sản, cát, đá, sỏi, hoạt động của các bến bãi trên địa bàn. Điển hình là: Chương trình hành động số 26-CTr/HU ngày 11/7/2019 của của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 9/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn; Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 12/8/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đối với công tác quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, khoáng sản, rừng và đất rừng trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025. Huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, rà soát các bến bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn huyện.

Đến nay, công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực; không để xảy ra điểm nóng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp khai thác cát, đá, sỏi nhỏ lẻ khu vực miền núi, vùng ven biển; một số bến bãi tập kết vật liệu tự phát vẫn lén lút hoạt động... UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm trong thời gian tới. Trong đó, quan tâm tuyên truyền sâu rộng các chính sách pháp luật, các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, tỉnh và huyện về đất đai, xây dựng, khai thác khoáng sản, tập kết vật liệu xây dựng.

Đồng thời, chỉ đạo lập và duy trì đường dây nóng để kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, tố giác các hoạt động vi phạm về đất đai, xây dựng, môi trường, khoáng sản trên địa bàn; phát huy phong trào khu dân cư tự quản về an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống vi phạm về đất đai, xây dựng, khai thác khoáng sản, tập kết vật liệu xây dựng trái phép; duy trì củng cố hoạt động của các tổ đội công tác liên ngành; đảm bảo không để xảy ra vi phạm về đất đai, xây dựng, khai thác khoáng sản, tập kết vật liệu xây dựng trái phép. Huyện cũng chỉ đạo rà soát tổng thể và tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm về đất đai, xây dựng, khoáng sản, tập kết bến bãi trên địa bàn; giao nhiệm vụ và quy trách nhiệm cho thủ trưởng các phòng, ban, chủ tịch UBND các xã, thị trấn nếu để xảy ra vi phạm.

Cùng với quản lý chặt chẽ các quy hoạch, bảo vệ tài nguyên, huyện Hải Hà thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ rừng cho phát triển bền vững.

- Huyện có giải pháp gì để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022, thưa ông?

+ Huyện đã ban hành kế hoạch nhiệm vụ công tác năm, phân công cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị và địa phương bám sát nhiệm vụ thực hiện đảm bảo tiến độ, yêu cầu; giao cho người đứng đầu cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thường xuyên chỉ đạo, giám sát tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện, chịu trách nhiệm trước UBND huyện về nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện về chính sách pháp luật đất đai, khoáng sản, môi trường đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động, các tổ chức doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các hoạt động khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản; xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm nếu có. Huyện tiếp tục triển khai hiệu quả công tác kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện tốt thu gom, xử lý rác thải, nhất là rác thải độc hại, phát sinh của người nhiễm Covid-19, phun khử khuẩn các nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ được diễn ra bình thường.

- Trân trọng cảm ơn ông!

15/10/2021 Từ viết tắt Đọc bài viết

Khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên môi trường biển trong thời gian tới

Tổng hợp từ báo cáo quản lý tài nguyên và môi trường biển và hải đảo của các địa phương có biển cho thấy còn một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác này liên quan tới thể chế chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện.

Page Content

Trước hết, về thể chế chính sách, pháp luật, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được ban hành, trong đó có nhiều quy định mới, đặc biệt là phương thức quản lý mới. Do đó, nhận thức và hành động để triển khai thực hiện còn chưa đầy đủ, quyết liệt.

Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo còn thiếu chế tài xử lý vi phạm trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển, trong khi đó Nghị định quy định về xử phạt vỉ phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo mới đang trong giai đoạn hoàn thiện dự thảo, chưa được Chính phủ ban hành.

Ngoài ra, còn có còn có những khó khăn, vướng mắc khác về hoạt động lấn biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội do Nghị định về hoạt động lấn biển đang trong quá trình triển khai xây dựng; khó khăn về thiếu các quy định kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở xác định diện tích công trình trên biển khi giao khu vực biển của các dự án trên biển; hay cơ chế kiểm tra, giám sát trong quá trình nhận chìm chưa được phân định rõ ràng do chủ dự án thực hiện, chịu trách nhiệm hoặc các cơ quan quản lý nhà nước giám sát độc lập.

Về tổ chức thực hiện, các khó khăn vướng mắc chủ yếu là:

Quản lý về khai thác, sử dụng tài nguyên biển vẫn chủ yếu theo phương thức quản lý ngành mà chưa chú trọng đến quản lý theo phương thức tổng hợp do các công cụ quan trọng để triển khai thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo mới đang được xây dựng như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, hệ thống cơ sở dữ liệu về biển, hải đảo.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã có quy định về thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tuy nhiên, đơn vị tham mưu trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường là Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chưa được quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là cơ quan thanh tra chuyên ngành nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Hiện nay ranh giới hành chính trên biển giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển chưa được xác định, do vậy đã nảy sinh các tranh chấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo.

Để tiến hành giao khu vực biển phải căn cứ vào quy hoạch. Hiện nay Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đang trong quá trình xây dựng nên việc giao khu vực biển vẫn dựa vào quy hoạch ngành, địa phương. Tuy nhiên, tính ổn định của một số quy hoạch ngành, địa phương không cao, còn có bất cập, khả năng dự báo thấp [nhiều khi dựa vào nhu cầu trước mắt, tầm nhìn ngắn hạn] dẫn đến việc quản lý sử dụng khu vực biển tại một số địa phương còn chạy theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân; công tác quản lý tổng hợp, thống nhất, liên ngành, liên vùng chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường biển; hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển chưa khoa học và còn lãng phí, chưa phù hợp với quy luật tự nhiên và chức năng sử dụng của khu vực biển để bảo vệ môi trường biển và phát triển bền vững.

Việc quy hoạch điện gió tại một số tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích lớn ở vùng bờ đã ảnh hưởng lớn đến không gian biển của các hoạt động khác [hàng hải, khai thác, đánh bắt hải sản, du lịch biển…] cũng như quyền tiếp cận của người dân đối với biển.

Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập bởi nhiều quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển đã bộc lộ những hạn chế nên dẫn tới môi trường biển ngày càng có xu thế ô nhiễm, suy thoái. Hiệu quả thực thi pháp luật về kiểm soát, tăng cường công tác phối hợp với các bên liên quan và các cá nhân trên biển cũng như ứng dụng công nghệ mới trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển chưa cao.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển và hải đảo [trong đó có hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo] có tính nhạy cảm cao [nhất là các hoạt động hợp tác song phương] nên việc xây dựng quan hệ hợp tác, triển khai các hoạt động còn nhiều lúng túng. Các tổ chức quốc tế chuyển dần sang hình thức tài trợ theo chương trình, theo dự án đa phương, khu vực có quy mô rất lớn, đòi hỏi cơ quan thực hiện dự án phải đảm bảo năng lực về nhân sự và kinh phí mới có thể thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, những tác động của đại dịch Covid-19 cũng đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Về nguồn lực thực hiện, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực bố trí cho công tác này còn chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý. Cụ thể:

Đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo ở cả trung ương và địa phương còn thiếu và chưa đủ kinh nghiệm nên khó đáp ứng hiệu quả công việc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho điều tra, nghiên cứu khoa học, quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn nhiều hạn chế.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn thiếu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị, nguồn nhân lực, tài chính cho hoạt động giám sát môi trường biển còn thiếu và yếu. Việc giám sát hành trình, khối lượng trong hoạt động nhận chìm còn phụ thuộc vào cảng vụ địa phương.

Nguồn vốn được bố trí cho các nhiệm vụ, dự án còn rất hạn chế. Đặc biệt, một số địa phương còn chưa quan tâm bố trí kịp thời kinh phí cho các dự án, nhiệm vụ về thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, thiết lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo. Do vậy, dẫn đến việc triển khai công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, thiết lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo rất chậm.

Chế độ đãi ngộ đối với người lao động trực tiếp tham gia công tác điều tra tài nguyên môi trường biển còn thấp, chưa tương xứng với mức độ vất vả, nguy hiểm. Do thu nhập thấp nên một bộ phận công chức, viên chức và người lao động chưa yên tâm công tác.

Các đề xuất, kiến nghị

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương có biển như sau: [1] Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để rà soát để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo phương thức tổng hợp, trước hết là tập trung phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng, trình phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; lập, trình phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. [2] Các bộ, ngành có liên quan sớm rà soát xây dựng quy chuẩn kỹ thuật công trình trên biển, nhất là quy chuẩn kỹ thuật của các công trình khai thác năng lượng tái tạo nhằm bảo đảm có đầy đủ các quy định kỹ thuật phục vụ công tác giao khu vực biển; khuyến khích các dự án lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, loại bỏ các công nghệ cũ, lạc hậu, nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án trên biển và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên biển. [3] Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương có biển sớm tổ chức việc phân định ranh giới hành chính trên biển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. [4] Các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trước khi lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các dự án có sử dụng khu vực biển cần tuân thủ pháp luật đầu tư và pháp luật giao khu vực biển để thống nhất về tọa độ, ranh giới, diện tích khu vực biển nơi dự kiến khai thác, sử dụng tài nguyên biển nhằm tránh chồng chéo, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trường hợp cần thiết tiến hành rà soát các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép để xác định diện tích khu vực biển sử dụng cụ thể, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên biển và có sự thống nhất về diện tích khu vực biển của dự án giữa các văn bản gồm: quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định giao khu vực biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân khi lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển. [5] Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nghiên cứu, tổ chức lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ cho giai đoạn tiếp theo trong phạm vi quản lý đồng thời với quá trình xây dựng các quy hoạch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng như khẩn trương triển khai thi hành pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quan tâm hơn nữa việc đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn. [6] Các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong phạm vi quản lý, bảo đảm thời gian, số liệu đầy đủ và chính xác, làm cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Cổng TTĐT

Video liên quan

Chủ Đề