Cách đối phó với các loại người

Làm sao đối phó kẻ xấu nơi công sở?

Nguồn hình ảnh, thinkstock

Chụp lại hình ảnh,

Bạn có gặp phải người nào 'độc hại' ở cơ quan?

Bạn biết loại người này như thế nào rồi đấy. Đó là dạng đồng nghiệp mà bao quanh họ là cả một sự xấu xa. Ho xem việc kiếm chuyện hay chọc tức người khác là niềm vui. Trong tình huống nào họ cũng làm mọi thứ căng thẳng thêm. Họ là những người độc hại, và cũng giống như những kẻ bắt nạt nơi công sở vốn bất chấp những lề lối làm việc, chúng ta khó mà được yên với họ.

Đối phó với những người độc hại và những kẻ bắt nạt kiểu này là những chủ đề mà những người dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội Linkedln bàn bạc, và đây là những gì mà hai người trong số họ nhận định:

Kinh nghiệm người thành đạt

Travis Bradberry, tác giả và chủ tịch của TalentSmart:

Những người độc hại gây xung đột và tệ hơn cả là áp lực, Bradberry viết trong bài viết có tựa đề Những người thành đạt đối phó người độc hại như thế nào?.

Áp lực đe dọa kinh khủng thành công của bạn khi áp lực không thể kiểm soát được, đầu óc của bạn và hiệu quả công việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

Công ty TalentSmart của ông đã thực hiện một nghiên cứu và nhận thấy rằng 90% những người thành đạt hàng đầu rất giỏi trong việc kiểm soát tình cảm của mình vào những lúc căng thẳng... Họ vẫn điềm tĩnh và làm chủ bản thân, ông viết.

Một trong những khả năng tốt nhất của họ là biết cách vô hiệu hóa những người độc hại. Những người thành đạt nhất đã tạo ra được những phương cách giúp họ đẩy những người độc hại ra xa.

Bradberry đã đưa ra 12 chiến lược hiệu quả nhất mà những người thành đạt sử dụng để đối phó với những người độc hại. Trong số đó có:

Nguồn hình ảnh, Thinkstock

Chụp lại hình ảnh,

Người thành đạt biết cách đối phó với những người 'độc hại'

Đặt ra giới hạn [nhất là với những người hay than phiền]. Chúng ta thường cảm thấy bị áp lực khi phải nghe những lời than vãn bởi vì chúng ta không muốn bị cho là thô lỗ hay vô tâm. Tuy nhiên có một lằn ranh mỏng manh giữa sự lắng nghe một cách cảm thông với việc bị cuốn vào vòng xoáy tâm lý tiêu cực của đối phương.

Bạn chỉ có thể tránh được điều này bằng cách đặt ra giới hạn và tự mình tránh xa ra nếu cần thiết. Một cách rất hay để đặt ra giới hạn là hỏi người than phiền họ sẽ xử lý vấn đề như thế nào. Hoặc là họ sẽ im không nói nữa hoặc là lái câu chuyện theo hướng có ích hơn.

Kiểm soát tình cảm

Vượt lên trên. Người độc hại khiến bạn nổi khùng vì thái độ của họ rất phi lý. Không thể nhầm lẫn về điều này. Thái độ của họ quả thật là vô lý. Tại sao bạn lại để tình cảm của mình bị họ ảnh hưởng và bị dính vào mọi chuyện?

Họ càng phi lý và sai lầm chừng nào thì bạn càng dễ thoát khỏi bẫy của họ. Đừng để dính líu gì với họ về mặt cảm tính và làm sao cho cách cư xử của bạn với họ giống như là đang làm một công trình khoa học.

Cảnh giác tình cảm của mình.

Giữ khoảng cách về mặt cảm tính cần sự ý thức. Bạn không thể giữ cho người ta không khiêu khích bạn nếu bạn không ý thức được rằng họ đang khiêu khích. Đôi khi bạn lâm vào tình huống mà bạn cần phải xốc lại bản thân và tìm cách tốt nhất để vượt qua. Đôi khi cách tốt nhất là chỉ cần mỉm cười và gật đầu để câu giờ tìm chiến thuật.

Đừng tập trung vào vấn đề mà chỉ nên tập trung vào giải pháp.

Bạn tập trung sự chú ý vào đâu sẽ quyết định trạng thái tâm lý của bạn. Khi bạn cứ mãi bận tâm về vấn đề mà bạn đang gặp phải thì bạn sẽ tạo ra cho mình tâm lý tiêu cực và áp lực kéo dài. Khi dính đến người độc hại, nếu bạn cứ chăm chăm nhìn vào việc họ điên và khiến bạn bực mình như thế nào sẽ chỉ giúp cho họ có lợi thế so với bạn.

Thay vào đó hãy tập trung vào việc bạn sẽ làm gì để xử lý họ. Điều này giúp bạn ứng xử hiệu quả hơn do bạn kiểm soát được tình hình.

Đối phó kẻ bắt nạt

Nguồn hình ảnh, Thinkstock

Chụp lại hình ảnh,

Bạn càng nhượng bộ thì kẻ bắt nạt càng muốn thi uy

Victoria Pynchon, nhà tư vấn đàm phán của công ty She Negotiates Consulting and Training:

Làm sao những kẻ bắt nạt có được sức mạnh để bắt nạt? Đó là khi bạn nhượng bộ trước sự hung hăng của họ, Pynchon phân tích trong bài viết có tựa đề Đàm phán với kẻ bắt nạt như thế nào.

Vậy thì chúng ta nên làm gì?

Những kẻ bắt nạt buộc tội, đe dọa, làm phiền, quấy rầy, hạ nhục, lên giọng, giơ nắm đấm và đôi khi thậm chí còn động thủ. Miễn là bạn giữ được an toàn cho mình về cả tinh thần và thể xác, bạn cần hiểu rằng đây là những chiến thuật trẻ con và bạn đang là người làm chủ tình hình.

Ở công sở thì cách tự vệ tốt nhất trước những kẻ bắt nạt là nhận ra những phương cách mà họ đang dùng để bắt nạt và kháng cự lại nhưng không làm leo thang xung đột hay tăng thêm rủi ro. Cần một cái đầu lạnh. Đáp trả những chiến thuật gây chiến với một giọng điệu đều đều và yêu cầu họ phải đáp trả một cách hợp tình hợp lý.

Làm sao chúng ta làm được như thế? Nếu cuộc nói chuyện đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát thì bạn nên dùng cách nói nhẹ nhàng như sau: Hãy quay trở lại vấn đề khi anh/chị bình tĩnh trở lại, nếu không tôi sẽ chấm dứt cuộc nói chuyện ở đây. Nhưng nếu anh/chị vẫn muốn nói tiếp với giọng điệu lịch sự hơn thì tôi rất vui lòng hầu chuyện tiếp.

Hãy kháng cự lại thái độ lố bịch nếu cần thiết nhưng đừng bỏ chạy. Hãy sẵn sàng chấm dứt cuộc nói chuyện khi cần. Đừng để người ta nắm đầu mình. Bạn phải làm chủ bản thân mình.

Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Capital.

Video liên quan

Chủ Đề