Cách đối xử với người mình ghét

Không ai có thể sống mà làm hài lòng hết tất cả mọi người, có người yêu thương ta thì cũng sẽ có người ganh ghét ta. Đối với những người xa lạ không thân thiết thì chẳng sao, nhưng với những người suốt ngày cứ phải chạm mặt thì quả là một sự bức bối đến khó chịu.



Càng trưởng thành, càng va chạm nhiều với xã hội cũng đồng nghĩa với tiếp xúc nhiều hơn với đủ loại người khác nhau. Trong trường học đến công sở, từ bạn bè đến đối tác, từ gia đình nội ngoại hai bên đến họ hàng gần xa, trong vô vàn những con người ấy, chắc chắn bạn chẳng thể làm vừa lòng tất cả mọi người.


Phải làm gì khi hằng ngày cứ phải chạm mặt với những kẻ luôn có ác cảm và tỏ thái độ ganh ghét, thậm chí có những động thái nói xấu, chơi bẩn sau lưng. Điều này quả thật không dễ dàng gì. Có rất nhiều cách để đối phó với những kẻ không thích ta như đối mặt tranh cãi hay âm thầm trả đũa, hoặc cũng có người lặng lẽ chịu đựng, trốn tránh Nhưng nếu là một người thông minh, họ sẽ có cách ứng xử khác.


Luôn giữ cái đầu lạnh



Trong bất cứ một tình huống nào, giữ bình tĩnh luôn là giải pháp tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề. Và người khôn ngoan luôn là người biết kiểm soát cảm xúc của mình. Đứng trước những lời soi mói, nói xấu hay những động thái kích động từ phía đối phương, nếu như không biết kiềm nén cảm xúc mà bị cuốn vào những cuộc đấu đá, tranh luận vô thưởng vô phạt ấy, bạn chắc chắn là người chịu thiệt. Với việc tức giận và trả đũa, đồng nghĩa với việc chúng ta tự làm xấu hình ảnh của bản thân mình. Và đây chắc hẳn cũng là diều khiến kẻ ghét bạn hả dạ.


Không vội vàng hấp tấp, hãy bình tĩnh suy xét mọi chuyện và nghĩ đến giải pháp để xử lý nếu là những vấn đề lớn. Còn nếu là những chuyện nhỏ nhặt, thì bơ đi mà sống là phương án tốt nhất. Hãy cứ vui sống thật với con người của chính bạn, mọi người sẽ tự khắc nhận ra những lời nói xấu kia chỉ là bịa đặt.


Cố gắng hạn chế tương tác




Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nếu đã không thể yêu mến nhau thì việc hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc là cách hay nhất để bản thân không phải ôm lấy những phiền muộn, khó chịu không đáng.


Cho dù không phải lúc nào bạn cũng có thể tránh né đồng nghiệp hoàn toàn nhưng bạn có thể cố gắng hạn chế tương tác xuống mức thấp nhất có thể. Việc tránh tương tác này có lẽ là cách đối phó dễ dàng nhất.


Sống chung với lũ



Trong trường hợp, người có thái độ khó chịu với bạn lại là đối tượng mà bạn phải thường xuyên tiếp xúc và làm việc (như mẹ chồng, đồng nghiệp, bạn học) thì việc đầu tiên mà bạn cần nghĩ đến đó chính là chấp nhận sự thật. Haters gonna hate. Những người thông minh luôn biết được rằng ngoài kia luôn tồn tại rất rất nhiều loại người khác nhau, và họ chẳng thể nào thay đổi được những người ghét mình. Ghét ai là quyền của họ và chúng ta cũng không thể hoàn hảo mà cứ chạy theo làm hài lòng người khác.



Và với người thông minh, thường họ chỉ xem đó như là một vật cản cần phải vượt qua trên con đường thành công của mình. Và thay vì khó chịu với những kẻ ganh ghét ấy, họ sẽ lấy đó làm động lực để phấn đấu trở nên tốt hơn nhằm chứng tỏ bản thân mình. Chính vì vậy, ai ghét thì cứ việc ghét còn việc của bạn là sống tốt và đối xử tốt với người yêu mến mình.


Nhìn nhận lại bản thân




Một trong những điểm đáng lưu ý khác trong cách ứng phó của người thông minh với những kẻ ghét mình đó chính là việc tự nhìn nhận lại bản thân. Bạn có chắc mình là một người luôn luôn làm tốt mọi thứ và người khác khó chịu với mình không lý do? Những người luôn luôn tỏ thái độ với ta có thể đang chính là chiếc gương phản chiếu bản thân mình trong đó. Thay vì trách móc than phiền họ sẽ dành thời gian soi xét lại bản thân, liệu mình đã có những thiếu sót gì?


Chính việc tự nhìn nhận lại bản thân sẽ giúp những người thông minh và thành đạt ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn. Và đôi khi, trong quá trình ấy, những kẻ khó chịu với bạn lại chính là người vô tình giúp bạn trở nên tốt hơn.