Cách nhìn riêng trong cuộc sống

Cách nhìn riêng trong cuộc sống

Đề kiểm tra học kì I lớp 12(17-18)

SỞ GD&ĐT KIÊN GIANG

TRƯỜNG THPT GIỒNG RIỀNG

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II, LỚP 12 - NĂM HỌC 2017-2018

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Cuộc sống là một bức tranh đa màu bởi nó được ghép nên từ suy nghĩ đa dạng của rất nhiều cá nhân. Chỉ khi nào ta tin tưởng vào suy nghĩ độc lập của bản thân thì khi đó một tư duy riêng biệt mới được hình thành trong ta. Đừng nghĩ rằng người khác không đồng tình với ta nghĩa là ta không đúng. Trên thực tế, đôi khi theo đuổi một cách nhìn riêng biệt sẽ giúp ta có được những cống hiến to lớn và ý nghĩa nhất cho bản thân và người khác. Vì thế, hãy trân trọng suy nghĩ của riêng mình.

Ngược lại, cũng không nên ép buộc người khác phải có cách nhìn nhận giống mình. Cố gắng thuyết phục các thành viên trong gia đình tin tưởng những điều mình từng trải qua là một việc làm vô nghĩa, bởi trước tiên, mỗi người đều có những trải nghiệm của riêng mình. Bên cạnh đó, mỗi người lại có tầm hiểu biết riêng và thái độ về sự hiện diện cũng như vai trò của bản thân trong cuộc sống cũng rất khác nhau. Cho rằng bằng cách nào đó, họ sẽ suy nghĩ giống ta là một điều ảo tưởng. Mỗi chúng ta trải qua tuổi thơ của mình theo những cách khác nhau và mỗi người đều có quyền giữ những cảm nhận đó cho riêng mình.

Hãy vui vẻ khi là chính mình và hãy để người khác cũng có được cảm giác ấy.

( Quên hôm qua sống cho ngày mai Tian Dayton, Ph.D,

NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr. 102- 103)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, vì sao không nên ép buộc người khác phải có cách nhìn nhận giống mình? (0,5 điểm)

Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn trích. (1,0 điểm)

Câu 4. Anh/ Chị có đồng tình với ý kiến: Hãy vui vẻ khi là chính mình và hãy để người khác

cũng có được cảm giác ấy? Vì sao? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tầm quan trọng của cách nhìn riêng trong cuộc sống.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hành động Mị chạy theo A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và hành động thị theo không Tràng về làm vợ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.

-------------------HẾT-------------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám viên coi thi không giải thích gì thêm.

THANG ĐIỂM CHẤM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

Đọc hiểu

3.00

1

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận

0.5

2

Theo tác giả, không nên ép buộc người khác phải có cách nhìn nhận giống mình vì:

- Mỗi người có những trải nghiệm của riêng mình.

- Mỗi người có tầm hiểu biết riêng và thái độ về sự hiện diện cũng như vai trò của bản thân trong cuộc sống khác nhau.

- Mỗi người trải qua tuổi thơ theo những cách khác nhau.

( Thí sinh trình bày 2 trong 3 ý trên tính điểm tuyệt đối)

0.5

3

Nội dung chính của đoạn trích: Trân trọng suy nghĩ của riêng mình và tôn trọng suy nghĩ của người khác

1.0

4

- Thí sinh nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình.

- Lí giải hợp lí, thuyết phục về quan điểm của mình.

1.0

II

Làm văn

7.00

1

Nghị luận xã hội

2.00

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn

0.25

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

0.25

Tầm quan trọng của cách nhìn riêng trong cuộc sống

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ:

1. 0

Thí sinh có thể lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều hướng. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích cách nhìn riêng: Quan điểm, cách tiếp cận, cách đánh giá riêng về những vấn đề trong cuộc sống.

- Cách nhìn riêng giúp họ có thể phát huy cá tính sáng tạo, để lại dấu ấn của mình một cách sâu sắc

- Giúp cho xã hội phát triển, bức tranh đời sống thêm phong phú, đa dạng.

Mỗi người cần độc lập trong suy nghĩ và có chính kiến.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

0.25

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

d. Sáng tạo

0.25

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

2

Nghị luận văn học

5.00

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

0.25

Có đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

0.5

Hành động Mị chạy theo A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và hành động thị theo không Tràng về làm vợ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đánh giá được vấn đề.

* Giới thiệu ngắn gọn về hai tác giả, hai tác phẩm, hai vấn đề nghị luận

* Cảm nhận hành động Mị chạy theo A Phủ và hành động thị theo không Tràng về làm vợ.

- Phân tích hành động Mị chạy theo A Phủ:

+ Mị là cô gái trẻ đẹp, là con dâu gạt nợ, bị bóc lột đày đọa về thể xác và tâm hồn; Mị vẫn luôn tiềm tàng sức sống mãnh liệt.

+ Khi nhìn thấy dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ, Mị động lòng thương và cởi trói cho A Phủ, cùng chạy theo A Phủ.

+ Chạy theo A Phủ là hành động bộc phát của Mị nhưng đó là quá trình dồn nén, bức xúc cả về thể chất lẫn tinh thần; Là biểu hiện, là kết quả của sức sống tiềm tàng mạnh mẽ đã được trỗi dậy của Mị.

- Phân tích hành động thị theo không Tràng về làm vợ:

+ Thị là nạn nhân của cái đói với cuộc sống trôi nổi, bấp bênh; thị bất chấp tất cả để được ăn và chấp nhận theo không Tràng về làm vợ.

+ Đó là hành động có phần liều lĩnh, phó mặc cho cuộc đời, cho số phận.

+ Hành động theo Tràng về làm vợ là hành động hoàn toàn theo bản năng, thị làm tất cả chỉ để được ăn, được sống. Nhưng đó là ý thức bám lấy sự sống, không hề buông xuôi số phận; Đó là niềm lạc quan yêu cuộc sống, vượt lên trên cái thảm đạm để xây dựng mái ấm gia đình.

* Sự tương đồng và khác biệt:

- Tương đồng: Nhân vật Mị và người vợ nhặt là những người có số phận đáng thương, có cuộc đời nghiệt ngã và đầy bất hạnh; Cả hai đã vượt qua những rào cản, những bất công xã hội xã hội, vượt qua qua số phận bất hạnh để tìm đến hạnh phúc; Hành động của hai nhân vật thể hiện sự quan tâm, đồng cảm, thông cảm với những số phận bất hạnh, trân trọng, ngợi ca những phẩm chất cao đẹp đối với người phụ nữ của hai tác giả.

- Sự khác biệt:

+ Nhân vật Mị được khắc họa thông qua nghệ thuật miêu tả nội tâm rất tinh tế; nhân vật người vợ nhặt được khắc họa thông qua ngoại hình và tình huống truyện độc đáo.

+ Tô Hoài tập trung khắc họa số phận, vẻ đẹp của người phụ nữ miền núi dưới ách áp bức thống trị của chúa đất phong kiến; Kim Lân tập trung miêu tả số phận của người phụ nữ trong nạn đói 1945.

0.5

1.0

1.0

1.0

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

0.25

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

d. Sáng tạo

0.5

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận


Cách nhìn riêng trong cuộc sống
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang

Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: