Cách tính tăng thu ngân sách

Tin tức / Thông tin Kinh tế  Xã hội                                                                           A+ | A | A-

Có nhiều cách để tăng thu ngân sách

Người đăng: dangtin        Ngày đăng: 14:06 | 02/03        Lượt xem: 8376

Bộ Tài chính mới đây đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ ngày 1.7. Nếu được UBTVQH thông qua, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm 1.000 - 1.100 đồng cho mỗi lít xăng, dầu. Theo các chuyên gia kinh tế, đề xuất này bất lợi cho doanh nghiệp và người dân, nếu Bộ Tài chính muốn tăng thu ngân sách thì nên nghĩ đến các giải pháp khác!

Theo Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về biểu thuế môi trường do Bộ Tài chính soạn thảo, cơ quan này đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng [trừ ethanol] từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít; dầu diesel lên kịch trần 2.000 đồng/lít [hiện là 1.500 đồng]; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn lên kịch trần 2.000 đồng mỗi lít hoặc mỗi kilogam [hiện là 900 đồng]. Riêng với dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, Bộ Tài chính còn đưa ra phương án chỉ tăng lên 1.500 đồng. Tuy nhiên, đơn vị soạn thảo đề xuất lựa chọn tăng thuế lên kịch khung [lên 2.000 đồng] cho tất cả loại dầu, để các mặt hàng này có mức thuế bảo vệ môi trường bằng nhau [và tất cả cùng kịch khung]. Riêng xăng máy bay do mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít đã kịch khung, còn dầu hỏa [mức thuế hiện là 900 đồng/lít] người sử dụng đa số là người nghèo, vùng sâu, vùng xa nên không điều chỉnh.

Theo Bộ Tài chính, với đề xuất trên, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến đạt khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm so với mức thuế hiện nay. Cùng với đó, số thu thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu tăng 1.568,4 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu ngân sách nhà nước dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỷ đồng/năm. Đồng thời các mức tăng này là để khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường, bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.

Trước đề xuất này, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tăng thuế bảo vệ môi trường lên 4.000 đồng/lít xăng là quá cao và quá vội vàng. Xăng dầu chiếm gần 50% chi phí vận tải, nếu thuế môi trường tăng cao thì chi phí vận tải cũng tăng mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải đang phải gánh nhiều chi phí khác như phí bảo trì đường bộ, phí BOT... Để có lợi nhuận, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh tăng giá cước vận tải, khi đó, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt nhiều nhất. Trong khi nhiều nước đang có xu hướng giảm thuế thì nước ta lại tăng thuế sẽ gây khó khăn cho người dân. Ông Hùng cho rằng cần xem xét đánh thuế môi trường phù hợp để tạo điều kiện phát triển vận tải hàng hóa và nâng mức sống của người dân.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cũng có quan điểm như trên. Theo ông, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu của người dân, do đó thuế môi trường đánh trên xăng dầu là một sắc thuế bắt buộc tính trên đầu người, bởi hầu hết gia đình đều phải sử dụng các phương tiện giao thông phục vụ nhu cầu đi lại. Nếu tăng thuế, chắc chắn giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh mức sống còn thấp.

Có nhiều cách để tăng thu ngân sách

Quan điểm tăng thuế bảo vệ môi trường để tăng thu ngân sách theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng là không đúng. Việc Bộ Tài chính thực hiện việc tăng thu ngân sách nhà nước thông qua thuế bảo vệ môi trường sẽ khiến dư luận nhầm lẫn thông điệp về bảo vệ môi trường, vì số tiền thu về không được chi dùng nhiều cho các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường mà dùng cho hoạt động khác. Như vậy sẽ mất ý nghĩa về bảo vệ môi trường. Trong khi chất lượng môi trường của chúng ta chưa được cải thiện nhưng tiền thuế bảo vệ môi trường lại được dùng vào việc khác thì không hợp lý, chỗ này Bộ Tài chính phải nghiên cứu kỹ, ông Hùng nói.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng có nhiều cách để tăng nguồn thu ngân sách mà không cần phải tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó chống thất thu thuế là biện pháp rất quan trọng. Hiện nay, tình trạng trốn thuế rất nhiều và các loại thuế đang rất lẫn lộn, thuế chồng lên thuế. Do đó, Bộ Tài chính phải nghiên cứu lại cơ cấu thuế sao cho hợp lý, đồng thời đưa ra phương pháp tính thuế và thu thuế thuận lợi nhất để tránh thất thu. Bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp thắt chặt chi tiêu ngân sách, bảo đảm chi tiêu hợp lý tiền thuế của người dân.

Các chuyên gia cho rằng, thay vì tăng thuế bảo vệ môi trường, hãy đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư vào sản xuất, như vậy vừa giải quyết được việc làm, vừa giải quyết được nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để bán vốn nhà nước là có được một nguồn thu lớn. Bên cạnh đó, bộ máy nhà nước còn quá cồng kềnh đã ngốn rất nhiều ngân sách nhà nước, do đó phải gấp rút làm cuộc cách mạng tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy sao cho gọn nhẹ, hiệu quả.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong lại cho rằng, chúng ta phải nhìn tổng thể, Bộ Tài chính tăng thuế môi trường không chỉ với xăng, dầu mà tăng cả than, các chất phát thải của tài nguyên. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy, theo nguyên tắc tính toán, khi giảm nguồn thu này thì phải tăng nguồn thu kia lên, đồng thời việc tăng thuế này cũng góp phần hạn chế tiêu dùng đối với nguyên liệu hóa thạch. Đây là một phương án bảo vệ môi trường khi dùng thuế để điều tiết hành vi tiêu dùng, dịch chuyển xu hướng người tiêu dùng sang sử dụng những hàng hóa ít tác động tới môi trường hơn. Tuy vậy, ông Phong cũng lưu ý, Bộ Tài chính phải tính được phần chênh lệch khi tăng thuế môi trường 1.000 đồng/lít so với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là bao nhiêu và tiền thu từ thuế môi trường này có đúng là chi cho môi trường hay không. Đây là quyết định có thể chấp nhận được, chỉ có điều là phải sử dụng tiền thuế cho đúng mục đích ông Phong nhấn mạnh.

Tác giả:        Tuệ Anh

Nguồn tin:        //daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=402567

[Trở về]

Các tin mới:     12345678910... Ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV [Ngày đăng: 10:24 | 23/10 ] Sơ kết 03 năm sắp xếp thôn, Tổ dân phố: Nhiều kiến nghị về tổ chức và chế độ chính sách [Ngày đăng: 16:03 | 22/10 ] Thành lập Đảng bộ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và các Chi bộ trực thuộc [Ngày đăng: 10:42 | 18/10 ] Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam [Ngày đăng: 20:47 | 17/10 ] Nên có cơ chế chia sẻ rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm [Ngày đăng: 10:34 | 13/10 ] Chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp [Ngày đăng: 15:46 | 06/10 ] Những quyết sách quan trọng [Ngày đăng: 15:10 | 05/10 ]

Các tin khác:         12345678910... Đưa Quảng Nam lên tầm cao mới [Ngày đăng: 9:43 | 23/02 ] Năm 2018, Thaco sẽ nộp ngân sách Quảng Nam hơn 17.710 tỷ đồng [Ngày đăng: 9:39 | 23/02 ] Công đoàn cơ sở khối Văn xã - Tổng hợp thăm Làng Hòa Bình [Ngày đăng: 14:01 | 02/02 ] Chế độ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở: Ghi nhận tại Hội An [Ngày đăng: 14:38 | 22/01 ] Chuẩn bị thẩm định đề án vị trí việc làm [Ngày đăng: 8:50 | 18/01 ] Hơn 83 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh [Ngày đăng: 8:21 | 18/01 ] Khi đồng bào vay vốn làm ăn [Ngày đăng: 10:26 | 12/01 ]

Video liên quan

Chủ Đề