Cách xử lý khi bị băng huyết

Băng huyết sau sinh cần được xử trí ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây mất mạng. Cách chữa băng huyết sau sinh như thế nào, và biện pháp phòng ngừa băng huyết sau sinh mẹ nên nhớ!

Biểu hiện của băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh là tình trạng mất máu nhiều sau sinh với những biểu hiện dưới đây:

  • Sản phụ mất máu bất thường, lượng máu có thể chảy nhiều một lúc hoặc ra nhiều nhưng từ từ, máu có thể vón cục hoặc loãng. 
  • Máu ứ đọng nhiều trong buồng tử cung khiến tử cung tăng thể tích, đáy tử cung cao lên và to ra theo chiều ngang, mềm nhão không cứng. 
  • Mạch nhanh, chân tay lạnh, tụt huyết áp, da dẻ xanh xao, có thể vã mồ hôi hoặc sốc do mất máu nhiều. Triệu chứng này có thể nặng nhẹ khác nhau tùy vào lượng máu bị mất cũng như thể trạng của từng sản phụ.

Băng huyết sau sinh có thể gặp ngay sau sinh hoặc sau đó vài tuần

Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa vô cùng nguy hiểm, nguyên nhân gây nên hiện tượng này có thể do:

Đờ tử cung

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến sản phụ bị băng huyết sau sinh. Thông thường, sau khi sinh bé và sổ nhau, cổ tử cung sẽ co bóp và thu hẹp dần để hạn chế chảy máu. Ở những sản phụ bị đờ tử cung, tử cung sẽ không co bóp hoặc co bóp rất nhẹ khiến máu bị chảy ra nhiều.

Nguyên nhân gây đờ tử cung có thể do tử cung quá căng, chất lượng tử cung kém, nhiễm trùng ối, chuyển dạ kéo dài, thiếu máu, thai phụ bị suy nhược…

Tổn thương cổ tử cung

Vỡ hoặc rách cổ tử cung [xảy ra ở những sản phụ sinh thường] có thể khiến mẹ bị mất máu nhiều. Trường hợp này thường xảy ra ở những sản phụ sinh khó, thai to, can thiệp thủ thuật khi sinh…

Bánh nhau bất thường

Một số bất thường ở bánh nhau có thể là nguyên nhân gây băng huyết sau sinh. Ví dụ như diện tích bánh nhau lớn nên khi bong nhau sẽ chảy nhiều máu, nhau tiền đạo, nhau bám thấp…

Bất thường về nhau thai có thể gây băng huyết sau sinh

Rối loạn đông máu

Những trường hợp bị nhiễm trùng, tắc mạch ối, thai lưu, nhau bong non… thường gặp phải tình trạng rối loạn đông máu khiến cho việc cầm máu sau sinh khó khăn hơn.

Việc chảy máu nhiều có thể gây ra những biến chứng như viêm tắc tĩnh mạch, không sinh con tiếp được do phải cắt bỏ tử cung và là một trong những nguyên nhân gây suy nhược cơ thể sau sinh.

Cách chữa băng huyết sau sinh như thế nào?

Khi bị băng huyết sau sinh, sản phụ cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, dựa theo mức độ mất máu cũng như thể trạng của sản phụ, bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị riêng biệt, phù hợp nhất nhằm đem lại hiệu quả cao.

Với những trường hợp bị đờ tử cung, có thể áp dụng phương pháp xoa bóp tử cung, vê đầu ti hoặc dùng thuốc giúp co hồi tử cung nhanh. Ngoài ra, việc cho con bú mẹ sớm cũng giúp kích thích tử cung co hồi để ngăn ngừa băng huyết.

Bên cạnh đó, với những ca nặng, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật kẹp mạch máu tử cung để ngăn ngừa chảy máu. Nếu những phương pháp trên không hiệu quả thì buộc phải cắt bỏ tử cung của sản phụ.

Với những sản phụ bị băng huyết sau sinh do bất thường bánh nhau thì:

  • Nếu sót nhau sẽ dùng kháng sinh, truyền dịch, truyền máu nếu cần thiết và xử lý việc lấy hết nhau thai ra ngoài.
  • Nếu nhau không bong sẽ tiến hành bóc tách nhau, kết hợp truyền máu, kiểm soát tử cung và phẫu thuật khi cần thiết.

Với những trường hợp bị tổn thương đường sinh dục thì việc khâu phụ đường sinh dục là cần thiết.

Với những trường hợp rối loạn đông máu sẽ tiến hành điều trị theo từng nguyên nhân cụ thể.

Biện pháp phòng tránh băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong cho sản phụ. Vì thế, việc phòng tránh ngay từ sớm là vô cùng cần thiết. Hãy áp dụng những biện pháp sau để ngăn ngừa băng huyết sau sinh:

  • Khám thai định kỳ thường xuyên để theo dõi sức khỏe cũng như dự phòng sớm những tai biến có thể xảy ra nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình vượt cạn.

Bổ sung sắt cho mẹ bầu, mẹ sau sinh đầy đủ

  • Bổ sung sắt cho mẹ sau sinh đầy đủ [bổ sung ngay từ trong thai kì và cả giai đoạn sau sinh] để ngăn ngừa thiếu máu vì băng huyết sau sinh có thể xảy ra từ 24 giờ cho đến 12 tuần sau sinh.
  • Nếu có bất thường như chảy máu âm đạo, đau bụng dữ dội, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, tay chân lạnh… thì mẹ nên đi khám ngay.

Băng huyết sau sinh nở là tình trạng rất nguy hiểm mẹ không nên coi thường. Cần có những biện pháp phòng ngừa ngay từ trong thai kì để giảm thiểu nguy cơ băng huyết sau sinh, có thai ki khỏe mạnh và an toàn nhất!

Chủ Đề