Cách xử lý va chạm xã hội

Chiếc BMW bị móp và xước khi đỗ ở bãi xe siêu thị ở Đức.

Mới đây, anh Lê Tân là một khách du lịch đến Đức thăm người thân và đã vô tình được chứng kiến tình huống xử lý va chạm đâm xe với chính người anh rể của mình. Anh Tân đã chia sẻ lại câu chuyện trên mạng xã hội và nhận được rất nhiều quan tâm của cộng đồng mạng.

Theo lời kể của anh Tân, khi anh và anh rể đỗ chiếc BMW ở bãi đỗ vào siêu thị đã bị một chiếc xe khác đâm phải. Thời điểm va chạm, cả hai đều không ở đó nhưng khá bất ngờ khi ra đến nơi vẫn thấy người gây tai nạn nhẫn nại đứng chờ.

Anh Tân và anh rể tự lái xe đi siêu thị IKEA ở Đức. Ảnh nhân vật chụp cùng chiếc BMW gặp nạn khi ở siêu thị.

Chiếc Citroen này đã đâm phải xe BMW của người nhà anh Tân, và chủ xe vẫn nhẫn nại chờ người bị hại ra để giải quyết.

Anh Tân cho biết, người Đức rất ý thức về xử lý tai nạn. Họ cũng sợ nếu bỏ chạy lỡ camera bắt được hoặc ai đó nhìn thấy tố giác thì sẽ phải ra tòa vì tội gây tai nạn và bỏ chạy. Đó là lý do người tai nạn đã cố chờ bằng được chủ xe BMW.

Lúc đầu hai anh em chỉ định bắt đền 100 Euro vì trông lái xe cũng có vẻ không có tiền. Nhưng người gây tai nạn nói họ đã gọi cảnh sát và 5 phút nữa cảnh sát sẽ đến. Đúng 5 phút sau cảnh sát đến, chào hỏi nhẹ nhàng, ghi biên bản và chụp ảnh đầy đủ.

Hai bên đều phải khai thông tin vụ việc vào tờ giấy này. Theo quy định, bảo hiểm của người gây tai nạn sẽ trả tiền bồi thường cho người bị nạn. Lúc đó chưa biết phải trả bao nhiêu, nhưng về sau khi giám định xong thì khoản bồi thường trong trường hợp này là 3060 Euro [khoảng 80 triệu VNĐ].

Theo anh Tân tìm hiểu được, dù được bảo hiểm chi trả nhưng người gây tai nạn sẽ phải chịu phí bảo hiểm vào năm sau tăng thêm 10% vì lý do lái ẩu. Ngoài ra, bằng lái xe của người này bị trừ điểm. Ở Đức nếu bị trừ hết điểm thì tịch thu bằng, và không được lái xe nữa. Còn các hãng bảo hiểm thì dùng chung dữ liệu thông tin khách hàng nên có bỏ bảo hiểm này sang bảo hiểm khác thì vẫn bị tăng 10% do tội lái ẩu.

Kể từ sau khi gọi cảnh sát, vụ việc xử lý mất 15 phút gồm cả 5 phút chờ cảnh sát và 10 phút xử lý. Xong xuôi, hai bên bắt tay nhau ra về.

Theo Xe đời sống

Khi tham gia giao thông, nhất là trong thực trạng đường sá chật hẹp, luôn đông đúc các phương tiện, nhiều người không tuân thủ chấp hành luật lệ giao thông một cách nghiêm túc thì sự va chạm giao thông xảy ra là chuyện... thường ngày!

Khi xảy ra va chạm giao thông, chưa cần biết ai đúng, ai sai, lỗi nhiều, lỗi ít thuộc về phía nào, đa số người trong cuộc đều không giữ được bình tĩnh, dẫn tới cãi, chửi, thậm chí đánh lộn nhau.

Chứng kiến các vụ va chạm giao thông, tôi thấy có vụ chỉ va quệt rất nhẹ, đầu xe người sau đụng vào đuôi xe của người phía trước, dẫu xe không sao, nhưng người phía trước quay lại văng tục chửi thề. Bị xúc phạm, người có lỗi không những không xin lỗi, mà cũng trừng mắt chửi lại. Cao trào là cả hai lao vào nhau “giải quyết” bằng những cú đấm, cú đá. May mà có nhiều người đi đường can ngăn không thì sự thể còn phức tạp hơn rất nhiều...

Ảnh minh họa

Hay cách đây chừng 2 tuần, chính tôi là nạn nhân của một vụ va quệt xe, khi xe của 2 thanh niên trên mình đầy hình xăm trổ đâm trúng đuôi xe của tôi trong lúc dừng đèn đỏ, vậy mà họ không xin lỗi, còn nhìn tôi với ánh mắt khó chịu! Biết là gặp phải đối tượng “xã hội” nên tôi quay lại nhìn đuôi xe và nở nụ cười, nói: Không sao đâu! Nghe tôi nói vậy, 2 thanh niên mới nở một nụ cười ra vẻ thân thiện. Thái độ trên của tôi đã “cảm hóa”, thậm chí... triệt tiêu ý thức văn hóa hạn chế của 2 thanh niên kia, bởi chỉ cần tôi cũng nổi nóng là sẽ có chuyện ngay tức thì, kể cả tôi là người không có lỗi!

Người xưa dạy: “Một điều nhịn, chín điều lành!”, tôi nghĩ nếu không may xảy ra va chạm, ai ai cũng “nằm lòng” lời khuyên này thì chắc chắn không dẫn tới xung đột. Kể cả những vụ va chạm dẫn tới thiệt hại về vật chất, chẳng hạn như xe bị vỡ, móp méo, hỏng hóc... đi chăng nữa, thái độ bình tĩnh, nín nhịn sẽ đưa sự vụ theo hướng êm đẹp. Khi đã bình tĩnh, cả hai bên sẽ tỉnh táo nhìn nhận ra ai đúng, ai sai để rồi bàn cách giải quyết, đền bù thỏa đáng. Còn nếu cả 2 bên cứ nóng giận, sửng cồ sẽ đẩy sự vụ “căng” lên, mà một khi “cả giận sẽ mất khôn” và hậu quả đáng tiếc khó lòng tránh khỏi!

Để ngăn ngừa những va chạm dẫn tới xung đột, cũng như hậu quả khôn lường không chỉ khi tham gia giao thông mà trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta hãy luôn biết cách nhường nhịn, bình tĩnh để nhìn nhận và xử lí sự việc một cách êm đẹp nhất.

Chủ Đề