Cắt dạ dày ăn như thế nào

Tác giả: BS. Ngô Trường Sơn – Bệnh viện Bạch Mai

Dạ dày nằm ở vị trí phần bụng trên và có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi thức ăn được nuốt vào xuống thực quản – chỗ nối họng với dạ dày. Dạ dày co bóp và tiết ra dịch vị giúp phân hủy và tiêu hóa thức ăn. Thức ăn sẽ di chuyển xuống ruột non để tiếp tục quá trình tiêu hóa.

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày bắt đầu khi các tế bào khỏe mạnh trong dạ dày trở nên bất thường và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Ung thư có thể bắt đầu ở bất kỳ phần nào của dạ dày. Có thể lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận và các bộ phận khác của cơ thể như gan, xương, phổi và buồng trứng của phụ nữ.

Hầu hết ung thư dạ dày là ung thư biểu mô tuyến xuất phát từ tổ chức tuyến bên trong dạ dày. Các loại ung thư dạ dày khác ít gặp hơn như u lympho, sarcoma, u mô đệm và khối u nội tiết thần kinh.

Vai trò của phẫu thuật ung thư dạ dày

Phẫu thuật là phương pháp loại bỏ khối u và một số mô lành xung quanh. Phương pháp phẫu thuật được chỉ định tùy thuộc vào giai đoạn.

Đối với ung thư dạ dày giai đoạn rất sớm (T1a) thì chỉ định cắt tổn thương niêm mạc qua nội soi dạ dày.

Đối với ung thư dạ dày giai đoạn sớm (giai đoạn 0 hoặc I) khi ung thư khu trú ở trong dạ dày thì phẫu thuật được sử dụng để cắt bỏ phần dạ dày bị ung thư và các hạch bạch huyết xung quanh gọi là cắt một phần dạ dày hoặc gần toàn bộ dạ dày. Trong quá trình phẫu thuật nối phần còn lại của dạ dày với thực quản hoặc ruột non.

Nếu ung thư dạ dày đã lan ra ngoài thành dạ dày có hoặc không có di căn đến các hạch bạch huyết thì phẫu thuật kết hợp với hóa trị hoặc hóa trị và xạ trị. Phẫu thuật cắt dạ dày gần toàn bộ hoặc cắt dạ dày toàn bộ. Trong quá trình phẫu thuật sẽ nối thực quản trực tiếp vào ruột non.

Các hạch bạch huyết khu vực thường được loại bỏ trong khi phẫu thuật vì ung thư có thể đã lan đến các hạch bạch huyết đó. Đây được gọi là phẫu thuật nạo vét hạch bạch huyết. Tuy nhiên vẫn còn tranh luận về việc có bao nhiêu hạch bạch huyết nên được loại bỏ. Ở châu Âu và đặc biệt là ở Nhật Bản, nhiều hạch bạch huyết bị loại bỏ hơn so với ở Hoa Kỳ.

Khi ung thư được chẩn đoán là Giai đoạn IV phẫu thuật thường không còn là phương pháp điều trị chính nữa. Các phương pháp điều trị khác được khuyến cáo thay thế.

Sau khi phẫu thuật ung thư dạ dày

Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày là một cuộc phẫu thuật lớn và có thể có những tác dụng phụ nghiêm trọng. Sau phẫu thuật bệnh nhân chỉ có thể ăn một lượng nhỏ thức ăn trong một lần. Tác dụng phụ phổ biến là nhóm các triệu chứng hay còn gọi là “hội chứng Dumping” như chuột rút, buồn nôn, tiêu chảy và chóng mặt sau khi ăn do thức ăn đi vào ruột non quá nhanh. Các triệu chứng thường giảm bớt hoặc biến mất trong vài tháng nhưng có thể là vĩnh viễn đối với một số người.

Sau khi cắt dạ dày thì cách ăn uống tiêu hóa và phân hủy thức ăn sẽ thay đổi. Dạ dày có thể nhỏ hơn hoặc có thể đã bị cắt bỏ hoàn toàn cho nên bệnh nhân sẽ cảm thấy no nhanh hơn so với trước khi phẫu thuật.

Van kiểm soát cách thức ăn di chuyển từ dạ dày đến ruột cũng có thể đã bị cắt bỏ hoặc thay đổi trong quá trình phẫu thuật. Như vậy thức ăn tiêu hóa quá nhanh và không hấp thụ được chất dinh dưỡng tốt so với trước khi phẫu thuật.

Nguyên tắc chung về chế độ ăn uống

Sau khi phẫu thuật dạ dày không giữ được nhiều thức ăn như trước khi phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ cần có 6 bữa ăn nhỏ trở lên mỗi ngày thay vì 3 bữa ăn chính để giúp ăn đúng lượng thức ăn.

Hướng dẫn ăn uống

  • Bắt đầu với 6 hoặc nhiều bữa ăn nhỏ hàng ngày. Khi mới bắt đầu ăn chỉ có thể ăn thoải mái tử nửa đến 1 bát thức ăn mỗi lần. Theo thời gian có thể có khẩu phần ăn lớn hơn và ăn ít thường xuyên hơn. Quá trình này có thể mất vài tháng hoặc có thể tiếp tục tuân theo chế độ ăn 6 bữa nhỏ.
  • Nhai kỹ thức ăn giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
  • Ăn chậm, nên ngừng ăn trước khi quá no và cảm thấy khó chịu.
  • Ngồi thẳng lưng trong bữa ăn.
  • Ăn bữa ăn cuối cùng trong ngày ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ.
  • Uống không nhiều hơn nửa cốc chất lỏng trong bữa ăn vì sẽ giúp ăn đủ thức ăn rắn mà không bị quá no. Giữ cho thức ăn không di chuyển vào ruột non quá nhanh.
  • Bổ sung protein trong mỗi bữa ăn. Các nguồn protein tốt bao gồm trứng, thịt, thịt gia cầm, cá, các loại hạt, sữa, sữa chua, pho mát, bơ đậu phộng và đậu phụ.
  • Tránh thức ăn cay và ngọt ngay sau khi phẫu thuật.
  • Tránh thức ăn béo và đường nếu gây khó chịu.

Hướng dẫn uống chất lỏng

  • Uống khoảng 8 đến 10 cốc chất lỏng mỗi ngày. Tránh đồ uống có ga nếu cảm thấy no.
  • Uống ít nhất 1 giờ trước hoặc 1 giờ sau bữa ăn để giúp tránh cảm giác quá no và ngăn ngừa tình trạng mất nước.
  • Không uống nhiều hơn nửa cốc trong bữa ăn.

Sử dụng Vitamin B12

Nếu phần lớn dạ dày đã bị cắt bỏ trong khi phẫu thuật thì cần bổ sung thêm vitamin B12. Có thể bổ sung vitamin B12 dưới dạng uống hoặc dạng tiêm hàng tháng.

Có thể cần bổ sung vitamin và khoáng chất khác.

Không dung nạp thức ăn sau phẫu thuật

Không dung nạp thức ăn là khi có cảm giác khó chịu hoặc các triệu chứng khó chịu sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc đồ uống. Sau khi phẫu thuật có thể mắc một số chứng không dung nạp thức ăn mà trước khi phẫu thuật chưa từng mắc phải.

Không dung nạp đường

Một số người bị chuột rút, đau dạ dày hoặc tiêu chảy trong vòng khoảng 20 phút sau khi ăn thức ăn hoặc đồ uống có nhiều đường. Đây được gọi là hội chứng Dumping. Hội chứng này cũng có thể do ăn quá nhiều cùng một lúc.

Một số người cảm thấy yếu, đói, buồn nôn, lo lắng, run rẩy hoặc đổ mồ hôi từ 1 đến 2 giờ sau khi ăn một bữa ăn có đường. Điều này xảy ra do cơ thể tiết ra thêm insulin sau khi ăn một lượng lớn đường. Có quá nhiều insulin trong máu khiến lượng đường trong máu thấp.

Hội chứng Dumping và lượng đường trong máu thấp có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và xem loại thức ăn. Cố gắng tránh thực phẩm và đồ uống có nhiều đường, chẳng hạn như nước ngọt có đường, các loại nước ép trái cây, kẹo, đường mía, mật ong, bánh ngọt và bánh quy…

Có thể ăn một lượng nhỏ bánh ngọt, bánh quy và kẹo được làm ngọt bằng cồn đường. Ăn quá nhiều có thể đi tiêu phân lỏng hoặc tiêu chảy.

Ăn nhiều bữa nhỏ, có nguồn protein trong bữa ăn và bao gồm thực phẩm có chất xơ hòa tan như trái cây đóng hộp, chuối, bơ đậu phộng và bột yến mạch cũng có thể giúp giảm các triệu chứng.

Không dung nạp chất béo

Một số người gặp khó khăn khi tiêu hóa một lượng lớn chất béo. Lúc đầu hãy thử ăn một lượng nhỏ sau đó tăng lượng chất béo trong chế độ ăn uống một cách từ từ. Thực phẩm giàu chất béo bao gồm: Bơ, bơ thực vật và các loại dầu, mayonaise, sốt kem trộn salad, kem phô mai, khoai tây chiên và khoai tây chiên ngô, đồ chiên, thịt béo.

Nếu đi ngoài phân có mùi hôi hơn bình thường hoặc nhợt nhạt, nhờn hoặc nổi váng, có thể cơ thể tiêu hóa chất béo không tốt.

Không dung nạp Lactose (sữa)

Lactose là một loại đường có trong sữa hoặc các sản phẩm từ sữa. Một số người gặp khó khăn trong việc tiêu hóa đường lactose sau khi cắt dạ dày gọi là không dung nạp lactose. Các triệu chứng của chứng không dung nạp lactose bao gồm đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy. Những triệu chứng này có thể xảy ra từ 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn các sản phẩm từ sữa.

Vì vậy sau khi phẫu thuật hãy từ từ đưa các sản phẩm từ sữa trở lại chế độ ăn uống. Sữa, kem và pho mát mềm có lượng lớn lactose. Phô mai cứng, sữa chua và bơ có lượng đường lactose nhỏ hơn.

Để kiểm tra khả năng chịu đựng với các thực phẩm từ sữa, hãy bắt đầu bằng cách uống một khẩu phần sữa khoảng nửa cốc.

  • Nếu không có bất kỳ triệu chứng nào của chứng không dung nạp lactose thì có thể bắt đầu ăn nhiều thực phẩm từ sữa hơn.
  • Nếu có bất kỳ triệu chứng nào của chứng không dung nạp lactose thì vẫn có thể ăn thực phẩm có lượng lactose nhỏ hơn. Chú ý đến cảm giác sau khi dùng các sản phẩm từ sữa khác nhau và cùng với các thực phẩm không phải từ sữa.

Đôi khi chứng không dung nạp lactose xảy ra sau phẫu thuật và sẽ biến mất theo thời gian. Bệnh nhân có thể thử lại các sản phẩm từ sữa sau một vài tháng để xem liệu có còn các triệu chứng đó hay không.

Quản lý các vấn đề chung

Sau đây là những vấn đề thường gặp sau khi cắt dạ dày. Ghi nhật ký thực phẩm và viết ra bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề nào gặp phải có thể giúp nhận ra lý do tại sao vấn đề lại xảy ra. Có thể sử dụng nhật ký thực phẩm và đồ uống hàng ngày.

Mẹo để kiểm soát buồn nôn

  • Tránh thức ăn có nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ.
  • Đừng ăn hoặc uống quá nhanh. Thử đặt nĩa xuống giữa các lần cắn.
  • Không nên ăn hoặc uống quá nhiều cùng một lúc.
  • Không nằm thẳng sau bữa ăn. Chờ 2 đến 3 giờ trước khi nằm xuống.

Mẹo kiểm soát đầy bụng

  • Không ăn hoặc uống quá nhiều cùng một lúc.
  • Không uống quá nhiều trong bữa ăn.
  • Đừng ăn hoặc uống quá nhanh. Thử đặt nĩa xuống giữa các lần cắn. Mất 20 phút để não nhận ra rằng đã no.
  • Nếu gặp khó khăn khi ăn 6 bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn, hãy tạo một lịch trình với thời gian ăn uống đã định.
  • Nếu quay trở lại khẩu phần lớn hơn trước khi phẫu thuật, hãy thử chuẩn bị bữa ăn nhỏ hoặc bữa ăn sẵn trước thời hạn để luôn có sẵn.
  • Tránh đồ uống có ga như soda.
  • Tránh các loại rau có thể khiến bị đầy hơi (chẳng hạn như bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải, hành tây và đậu).

Mẹo kiểm soát tiêu chảy

Đầu tiên hãy thử ăn ít đường hơn. Sau đó hãy thử ít sữa hơn. Cuối cùng hãy thử ít chất béo hơn. Hãy chú ý xem liệu bệnh tiêu chảy có thuyên giảm khi cắt giảm bất kỳ thứ nào trong số này hay không. Nếu có, hãy ăn ít những thực phẩm đó.

  • Tránh sử dụng rượu đường được sử dụng trong kẹo cao su, kẹo cứng, thuốc giảm ho, món tráng miệng từ sữa, kem phủ, bánh ngọt và bánh quy. Có thể kiểm tra thành phần trên sản phẩm để lựa chọn cho phù hợp.
  • Thử ăn các loại thực phẩm có chất xơ hòa tan, chẳng hạn như trái cây đóng hộp, chuối, bơ đậu phộng và bột yến mạch.

Đảm bảo an toàn thực phẩm

  • Cho thức ăn thừa vào tủ lạnh hoặc tủ đông ngay.
  • Vứt bỏ thức ăn thừa trong tủ lạnh sau 2 ngày.
  • Vứt bỏ thức ăn thừa đông lạnh sau 6 tháng.
  • Rã đông thức ăn thừa trong tủ lạnh hoặc lò vi sóng, không để trên quầy bếp. Hâm nóng thực phẩm ở nhiệt độ an toàn cho đến khi còn hơi nóng.

Tài liệu tham khảo 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=229684198949370&id=100057233732575