Câu 2. sự đóng góp môn hóa học với sự phát triển năng lực của học sinh

1. NHIỆM VỤ CỦA VIỆC DẠY HỌC HÓA HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

1.1. VAI TRÒ CỦA HOÁ HỌC VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI:

[Sinh viên thuyết trình trên lớp]

1.2. SỰ CẦN THIẾT PHẢI HỌC HÓA HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG.

1.2.1. Mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện.   

– Môn hóa học cung cấp cho học sinh những cơ sở khoa học của hóa học: đó là những khái niệm, định luật, lý thuyết hóa học và những sự kiện hóa học vô cơ và hữu cơ cần thiết để nhận thức thế giới vật chất và đáp ứng những đòi hỏi của xã hội.

– Môn hóa học cùng với các môn khoa học khác góp phần hình thành thế giới quan, nhân cách toàn diện cho học sinh.

– Môn hóa học giúp học sinh học tốt các môn khác: sinh học, địa lí, kỹ thuật,…

1.2.2. Những kiến thức về hóa học rất cần cho cuộc sống hàng ngày.

– Giúp học sinh sử dụng có hiệu quả các vật dụng hàng ngày.

– Giúp học sinh biết ăn uống vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ.

– Giúp học sinh giải thích nhiều hiện tượng trong tự nhiên và cuộc sống.

1.2.3. Những kiến thức về hóa học là cơ sở vững chắc cho việc đào tạo nghề nghiệp cho học sinh

– Trang bị cho học sinh những kiến thức kỹ thuật tổng hợp [những ứng dụng của hoá học vào công nghệ sản xuất]

– Những kiến thức về hóa học là nền tảng của các nghề: y, dược, địa chất, công nghệ thực phẩm, hóa chất, luyện kim…

– Những kiến thức về hóa học giúp học sinh hiểu được cơ sở khoa học của nhiều ngành sản xuất cụ thể: chế tạo máy, năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, nông lâm nghiệp…

1.2.4. Quá trình học tập bộ môn hóa học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực nhận thức.

1.2.5. Những kiến thức về hóa học góp phần giáo dục đạo đức, hình thành thế giới quan cho học sinh.

1.3. NHIỆM  VỤ TRÍ  DỤC CỦA VIỆC DẠY HỌC HÓA HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Nhiệm vụ trí dục của môn hóa học là cung cấp cho học sinh hệ thống các kiến thức, kỹ năng hóa học phổ thông cơ bản và hình thành cho các em phương pháp nghiên cứu khoa học.

     *  Kiến thức hoá học phổ thông cơ bản: là những kiến thức quan trọng nhất, cần thiết nhất, chủ yếu nhất.

      *  Đặc điểm:

                – Giúp học sinh nắm được bản chất của vấn đề học tập.

                – Làm cho người học hiểu được các hiện tượng cùng loại.

                 – Xây dựng được cho học sinh những cơ sở của thế giới quan duy vật biện chứng.

1.3.1. Cung cấp cho học sinh hệ thống các kiến thức hóa học cơ bản.

          Cung cấp cho học sinh những cơ sở khoa học của hóa học: đó là những khái niệm, định luật, lý thuyết hóa học và những sự kiện hóa học vô cơ và hữu cơ cần thiết để nhận thức thế giới vật chất và đáp ứng những đòi hỏi của xã hội.

   a] Các khái niệm hóa học cơ bản và ngôn ngữ hóa học.

   b] Hệ thống kiến thức về cấu tạo chất.

              – Thuyết nguyên tử, phân tử.              – Thuyết cấu tạo nguyên tử.

              – Liên kết hóa học.                             – Cấu tạo các loại mạng tinh thể.

              – Thuyết cấu tạo hóa học.

   c] Hệ thống kiến thức về phản ứng hóa học.

              – Điều kiện phản ứng.                         – Bản chất phản ứng.

                – Cơ chế phản ứng.                         – Tốc độ phản ứng.

               – Chiều của phản ứng.                     – Cân bằng hóa học.

             – Kết quả của phản ứng.                  – Phân loại các phản ứng.

 d] Các định luật hóa học cơ bản.

            – Định luật bảo toàn khối lượng.

            – Định luật tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

            – Định luật Avogadro.

   e] Kiến thức về dung dịch và các quá trình xảy ra trong dung dịch.

   f] Kiến thức về sự phân loại các chất và các chất cụ thể.

   g] Trang bị cho học sinh những kiến thức kỹ thuật tổng hợp [những ứng dụng của hoá học vào công nghệ sản xuất].

1.3.2. Cung cấp cho học sinh hệ thống những kỹ năng cơ bản về hóa học

   a] Kỹ năng tiến hành thí nghiệm.

        – Kỹ năng thao tác với các chất và các thiết bị hóa học đơn giản.

        – Kỹ năng quan sát và giải thích hiện tượng.

        – Kỹ năng ghi chép các kết quả thực nghiệm và rút ra kết luận.

   b] Kỹ năng vận dụng kiến thức để phân tích, lý giải các hiện tượng hóa học trong sản xuất và đời sống.

   c] Kỹ năng phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, hệ thống hóa các sự kiện hóa học.

   d] Kỹ năng giải các bài tập hóa học.

1.3.3. Phát triển năng lực nhận thức, hình thành phương pháp nghiên cứu khoa học cho học sinh

           – Khả năng quan sát mô tả.                        – Khả năng thực nghiệm.

           – Khả năng tư duy…                                  – Phương pháp phân tích và tổng hợp.

           – Phương pháp so sánh và khái quát.

           – Phương pháp suy luận từ hiện tượng quan sát đến bản chất và ngược lại.

1.4. NHIỆM VỤ ĐỨC DỤC CỦA VIỆC DẠY HỌC HÓA HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG.

1.4.1. Giúp học sinh hình thành thế giới quan.

         – Hình thành thế giới quan duy vật biện chứng, quan điểm khoa học vô thần.

         – Giúp học sinh thêm tự tin vào bản thân, tin tưởng và say mê với khoa học.

         – Giúp học sinh tăng cường khả năng độc lập, tự chủ, sáng tạo.

1.4.2. Nâng cao nhận thức của học sinh về vai trò, nhiệm vụ của hóa học đối với đời sống, xã hội, kinh tế và môi trường.

1.4.3. Góp phần giáo dục tư tưởng đạo đức, lao động và thẩm mỹ… giáo dục lòng yêu nước và ý thức cộng đồng.

       Tóm lại, việc dạy học hóa học ở trường phổ thông có nhiệm vụ cung cấp hệ thống các kiến thức, kỹ năng hóa học cơ bản; phát triển năng lực nhận thức, hình thành phương pháp nghiên cứu khoa học; góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức, thế giới quan cho học sinh.

2. GIÁO DỤC THẾ GIỚI QUAN DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ NHÂN SINH QUAN KHOA HỌC

          Quá trình dạy học có 3 nhiệm vụ cơ bản là: cung cấp kiến thức, phát triển trí tuệ và giáo dục phẩm chất nhân cách. Thế giới quan là lăng kính qua đó con người xem xét nhìn nhận thế giới, vì vậy hình thành và phát triển thế giới quan là một nội dung quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh. Vấn đề cơ bản của thế giới quan là mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại [ý thức và vật chất, cái nào có trước, cái nào quyết định, con người có thể nhận thức được thế giới hay không].

2.1. QUÁ TRÌNH GIẢNG DẠY HÓA HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG ĐÃ LÀM SÁNG TỎ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA THẾ GIỚI QUAN DUY VẬT.

2.1.1. Khái niệm về vật chất:

         – Các chất hóa học là một trong hai dạng cơ bản của vật chất: chất và trường. Chất là đối tượng nghiên cứu của hóa học. Học sinh càng có khái niệm sâu sắc về cấu tạo và tính chất của chất thì càng hiểu đầy đủ hơn về khái niệm vật chất.

         – Bản chất vật chất của các chất hóa học là các chất đều do nguyên tử và phân tử tạo nên theo những nguyên tắc và qui luật nhất định của hoá học chứ không phụ thuộc vào ý muốn của con người.

         – Vật chất cũng như các phân tử nhỏ bé của nó tồn tại một cách khách quan. Nếu công nhận sự tồn tại khách quan đó tức là công nhận chủ nghĩa duy vật.

        Nội dung cụ thể của quan điểm này là:

        – Tất cả những gì tồn tại xung quanh chúng ta đều là vật chất.

        – Vật chất có thực và tồn tại khách quan ngoài ý muốn của chúng ta.

        – Vật chất được thể hiện trong hoá học dưới các hình thức: các chất, phân tử, nguyên tử, ion, electron, proton, nơtron v.v…, [đó là dạng chất của vật chất].

        – Phân tử, nguyên tử, ion, electron, proton … là các vi hạt tuy không nhìn thấy được bằng mắt thường nhưng chúng có thực.

  2.1.2. Sự vận động của vật chất

        – Đối tượng của hóa học là nghiên cứu các chất và sự chuyển hóa giữa chúng. Các phản ứng hóa học là một trong năm dạng vận động của vật chất: vận động cơ học, vật lý, hóa học, sinh học, xã hội.

       – Trong tự nhiên hiện tượng hóa học bao giờ cũng kèm theo hiện tượng vật lý.

       – Trong cơ thể sinh vật sự sống diễn ra trong đó rất nhiều biến đổi hóa học.

        – Vật chất biến đổi không ngừng, vận động là tuyệt đối, đứng yên là tương đối. Khi nghiên cứu hóa học học sinh sẽ thấy các chất trong tự nhiên luôn luôn biến đổi không ngừng, hàng ngày, hàng giờ thậm chí hàng giây, trong cơ thể con người, động thực vật, cả thế giới vô sinh nữa cũng diễn ra rất nhiều phản ứng, những chu trình biến đổi của nhiều nguyên tố hóa học.

 Vật chất luôn luôn chuyển động, biến đổi và phát triển không ngừng:

        – Không lúc nào, không có chỗ nào có vật chất mà không có chuyển động, vật chất không chuyển động cũng như chuyển động không vật chất là điều không thể có được.

        – Những ví dụ cụ thể của sự chuyển động của vật chất được thể hiện trong giảng dạy hoá học:

        Sự khuếch tán, hiện tượng điện phân dung dịch hoặc các chất nóng chảy, gió bão, các phản ứng hoá học xảy ra được cũng là do sự chuyển động của các phân tử chất hoá học làm cho chúng tiếp xúc được với nhau, chúng va chạm vào nhau, những va chạm có hiệu quả sẽ tạo ra chất mới.

 2.1.3. Vật chất tồn tại vĩnh viễn [vật chất không mất đi]:

        – Trong giảng dạy hoá học cần làm cho học sinh nhận thức được rằng vật chất nói chung và chất nói riêng không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, chúng chỉ có thể tồn tại ở dạng này hay dạng khác.

        – Chu trình của các nguyên tố trong tự nhiên và định luật bảo toàn khối lượng các chất trong phản ứng hoá học là biểu hiện của sự tồn tại vĩnh viễn của vật chất. 

        – Việc cân bằng phương trình phản ứng hoá học là sự thể hiện bảo toàn nguyên tử các nguyên tố. Như vậy khi có phản ứng hoá học xảy ra, nguyên tử các nguyên tố luôn luôn được bảo toàn, chỉ có cách sắp xếp các nguyên tử thay đổi để tạo ra chất mới. 

2.1. 4. Sự  thống nhất của thế giới:

        – Sự vật trong tự nhiên rất đa dạng, phong phú và phức tạp. Các chất trong tự nhiên hay nhân tạo, có chất đơn giản, có chất phức tạp, có chất cần thiết đối với con người, có chất độc hại đối với con người, chẳng hạn các đơn chất chỉ được tạo thành từ những nguyên tử của cùng một nguyên tố và số lượng nguyên tử tạo nên phân tử không nhiều, đó là những chất đơn giản.

        – Mặc dù các chất rất đa dạng và phong phú như vậy, nhưng chúng đều được tạo thành từ các phân tử. Phân tử lại được tạo nên từ các nguyên tử. Và bất kỳ nguyên tử của nguyên tố nào cũng bao gồm hạt nhân mang điện dương và lớp vỏ mang điện âm, nguyên tử nào cũng trung hoà điện, tổng điện tích dương của hạt nhân bằng tổng điện tích âm của lớp vỏ mà nguyên nhân là tổng số proton của nhân bằng tổng số electron ở vỏ.

       – Các chất có thể chuyển hóa lẫn nhau.

       – Sự thống nhất giữa các nguyên tố hóa học:

             + Nguyên tử của các nguyên tố đều cấu tạo từ các hạt cơ bản, chỉ khác nhau về số lượng và cấu trúc các hạt.

             + Tính chất của các nguyên tố chịu sự chi phối của định luật tổng quát là định luật tuần hoàn.

             + Không có nguyên tố nào hóa học đứng riêng biệt ngoài hệ thống tuần hoàn.

2.1.5. Con người có khả năng nhận thức được thế giới và cải tạo thế giới:

        Càng ngày con người càng hiểu biết nhiều về tự nhiên, về thế giới và vì vậy mà xã hội loài người ngày càng văn minh hơn. Con người bằng lao động đã tác động vào tự nhiên để tìm hiểu tự nhiên, cải tạo tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ cho lợi ích con người.

        Khi nắm được qui luật, con người càng có điều kiện đi sâu vào khám phá những bí mật của tự nhiên với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Ví dụ: năm 1870 Menđeleep đã tiên đoán sự tồn tại của 12 nguyên tố chưa biết thời đó: scanđi [êkabo], gali [êkanhôm], gemani[ êkasilic]…

        Khi giảng dạy các định luật hoá học, các học thuyết hoá học cũng như các ứng dụng hoá học điển hình, chúng ta cho học sinh thấy con người có khả năng tìm hiểu tự nhiên, khám phá ra nhiều bí mật của tự nhiên.

        Phải gắn liền giảng dạy hoá học với thực tiễn [thực hiện phương châm giáo dục của Đảng] theo hình thức:

        – Đưa thực tiễn vào bài giảng, dạy đến đâu liên hệ đến đó.

        – Giáo viên biểu diễn thí nghiệm để minh hoạ cho nội dung bài học.

        – Tổ chức cho học sinh làm thí nghiệm để củng cố kiến thức đã học.

        – Cho học sinh làm những bài tập có nội dung thực tiễn.

        – Tổ chức cho học sinh đi tham quan thực tế các cơ sở sản xuất hoá học như: sản xuất vôi, xi măng, gốm, thuỷ tinh, đường …

        – Hướng dẫn học sinh làm một số đề tài nhỏ trong sản xuất có liên quan tới hoá học.

        Phương hướng thực hiện là dựa vào những nội dung có liên quan tới thực tế.

        – Giảng dạy định luật thành phần không đổi: nước được điều chế bằng cách cho hidro tác dụng với oxi cũng như nước được điều chế bằng phản ứng trung hoà… đều có thành phần phân tử ứng với công thức hoá học là H2O.

        – Khi giảng dạy định luật bảo toàn khối lượng chúng ta cho học sinh thấy rõ ý nghĩa của định luật này là giúp ta tính toán được lượng chất cần dùng, lượng chất thu được của một quá trình hoá học khi cho biết hiệu suất và yêu cầu của công việc.

         – Khi giảng dạy các bài sản xuất hoá học cho học sinh thấy ngành sản xuất hoá học đó dựa trên cơ sở những phản ứng hoá học nào, áp dụng những nguyên tắc khoa học nào?

        Ví dụ: Khi dạy bài sản xuất axit sunfuric, chúng ta phải cung cấp cho học sinh các phản ứng hoá học làm cơ sở: Điều chế SO2, điều chế SO3, hấp thụ SO3 để tạo ra H2SO4. Việc điều chế SO2 có nhiều cách nhưng phản ứng điều chế SO2 trong sản xuất H2SO4 là đốt quặng pirit sắt [FeS2].

            Những nguyên tắc khoa học chủ yếu được áp dụng trong sản xuất axit sunfuric là: tăng diện tích tiếp xúc giữa quặng với oxi của không khí bằng cách quặng nghiền nhỏ cho vào phía hông của lò, không khí thổi từ phía đáy lò lên. Tận dụng nhiệt [thực hiện ở thấp trao đổi nhiệt]. Fe2O3 của phản ứng đốt quặng được sử dụng để sản xuất gang, thép.

 2.1.6. Sự vật và hiện tượng trong tự nhiên có mối quan hệ với nhau, gắn bó, phụ thuộc và qui định lẫn nhau.

        – Các chất có mối quan hệ với nhau: Chất vô cơ có quan hệ với chất vô cơ, chất vô cơ có quan hệ với chất hữu cơ, chất hữu cơ có quan hệ với chất hữu cơ.

        – Cấu tạo và tính chất có quan hệ với nhau. Cấu tạo quyết định tính chất. Khi biết tính chất chúng ta có thể suy ra cấu tạo.

       – Tính chất có quan hệ mật thiết với điều chế, ứng dụng và trạng thái thiên nhiên.

        – Điều kiện phản ứng, trật tự phản ứng có quan hệ với sản phẩm của phản ứng.

2.2. QUÁ TRÌNH GIẢNG DẠY HÓA HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG ĐÃ LÀM SÁNG TỎ CÁC QUI LUẬT CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG

        Sự vận động, biến đổi và phát triển không ngừng của vật chất tuân theo những qui luật nhất định mà phép biện chứng gọi là qui luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập; qui luật lượng đổi chất đổi; qui luật phủ định của phủ định.

2.2.1. Qui luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập

       Qui luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập có ý nghĩa là vạch ra nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Qui luật này là qui luật cơ bản, chủ yếu nhất của phép biện chứng. Nội dung của qui luật này có thể nêu lên rằng: Sự vật, hiện tượng vốn có mâu thuẫn bên trong, giải quyết mâu thuẫn trong quá trình đấu tranh làm cho sự vật không đứng yên mà không ngừng vận động, biến đổi để chuyển từ trạng thái chất lượng này sang trạng thái chất lượng khác.

        a] Thể hiện trong cấu tạo các nguyên tử:

Nguyên tử được cấu tạo bởi hai phần là nhân và lớp vỏ. Nhân và lớp vỏ là hai mặt đối lập nhau, nhân mang điện dương, lớp vỏ mang điện âm. Âm mâu thuẫn với dương, chúng hút nhau. Mâu thuẫn được giải quyết bằng cách electron ở lớp vỏ phải chuyển động không ngừng thì nguyên tử mới tồn tại được.

         b] Thể hiện khi nghiên cứu các cặp khái niệm sau:

        – Phản ứng oxi hoá  –  khử  là một hiện tượng hoá học gồm hai mặt đối lập nhau đó là quá trình oxi hoá và quá trình khử. Quá trình oxi hoá là quá trình chất khử nhường electron, quá trình này ngược với quá trình khử là quá trình chất oxi hoá nhận electron. Mâu thuẫn được giải quyết là phản ứng xảy ra, tạo chất mới và tính oxi hoá và tính khử yếu hơn các chất oxi hoá và khử ban đầu.

        – Kim loại và phi kim.                                          – Axit và bazơ.

        – Đơn chất và hợp chất.                                       – Chất hoà tan và không hoà tan.

        – Phản ứng phân tích và phản ứng kết hợp.          – Phản ứng thuận và phản ứng nghịch…

2.2.2. Qui luật lượng đổi chất đổi:

          Có ý nghĩa là giải thích được nguyên nhân chuyển đổi từ trạng thái chất lượng này sang trạng thái chất lượng kia của sự vật hay hiện tượng. Nội dung của qui luật là: Sự vật hay hiện tượng chuyển đổi từ trạng thái chất lượng này thành trạng thái chất lượng kia diễn ra bằng sự thay đổi về lượng chuyển dần thành sự thay đổi về chất.

       a] Sự biến đổi tính chất của các nguyên tố và hợp chất được tạo ra từ các nguyên tố đó trong một chu kỳ và trong phân nhóm chính.

        – Trong một chu kỳ theo chiều từ trái sang phải [theo chiều điện tích hạt nhân tăng], tính kim loại giảm đồng thời tính phi kim tăng.

        Ví dụ: Chu kỳ 3 bắt đầu từ nguyên tố Na [Z = 11] là kim loại điển hình. Tiếp đến là Mg [Z = 12] là kim loại mạnh nhưng hoạt động kém hơn natri. Al [Z = 13] là kim loại nhưng oxit và hidroxit đã có tính lưỡng tính. Si [Z = 14] là một phi kim. Từ P [Z = 15] đến S [Z = 16] tính phi kim mạnh dần. Đến Cl [Z = 17] là một phi kim điển hình. Cuối cùng là Ar [Z = 18] là khí trơ.

        Trong một phân nhóm chính, đi từ trên xuống dưới tính kim loại của các nguyên tố mạnh dần, đồng thời tính phi kim yếu dần.

 b] Trong việc nghiên cứu mối liên quan giữa cấu tạo và tính chất một số chất như:

         – O2 và O3; NO và NO2; CO và CO2.                     – Kim cương và than chì.

         – Dãy đồng đẳng của các hợp chất hữu cơ.           – Các chất đồng phân.

2.2. 3. Qui luật phủ định của phủ định:

          Sự biến đổi về lượng không chỉ diễn ra từ từ mà còn có những biến đổi đột ngột chuyển thành sự vật đối lập. Như vậy giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt đối lập của sự vật không chỉ làm cho sự vật chuyển động mà còn chuyển hoá thành mặt đối lập.

        Ví dụ: Trong một chu kỳ sự biến thiên tính chất kim loại và phi kim, tính bazơ của oxit và hidroxit thể hiện qui luật lượng đổi chất đổi, nhưng đến nguyên tố cuối cùng của một chu kỳ thì tính kim loại và phi kim, tính bazơ,  tính axit của nguyên tố và hợp chất của chúng đều không còn nữa, các khí hiếm đã phủ định tính phi kim và cả tính phi kim của các nguyên tố trước đó, hợp chất của chúng cũng không có tính bazơ hay tính axit. Sang chu kỳ sau lại lặp lại nhưng không phải phủ định trong vòng luẩn quẩn luân hồi mà trong sự đi lên theo hình trôn ốc, theo sự biến hoá.

         Tóm lại: Quá trình dạy học hóa học ở trường phổ thông đã góp phần quan trọng trong việc cùng các bộ môn khác hình thành và phát triển thế giới quan duy vật biện chứng cho học sinh.

2.3. QUÁ TRÌNH GIẢNG DẠY HÓA HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG GIÚP GIÁO DỤC QUAN ĐIỂM VÔ THẦN KHOA HỌC LÒNG YÊU NƯỚC VÀ TINH THẦN QUỐC TẾ CHÂN CHÍNH

    2.3.1.Vì sao phải giáo dục quan điểm vô thần khoa học:

 Từ nội dung giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng chúng ta thấy việc giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng không thể tách rời việc giáo dục những quan điểm vô thần khoa học là bồi dưỡng những quan điểm đúng đắn về thế giới khách quan, gạt bỏ những điều mê tín dị đoan, lòng tin vào Thượng đế.

        Nội dung giáo dục quan điểm vô thần khoa học bao gồm:

        – Giải thích các hiện tượng hóa học xảy ra trong thực tiễn. Làm cho học sinh nhận thức được rằng các hiện tượng thực tế có liên quan tới nội dung hoá học chính là tính chất của các chất hoá học chứ không có điều gì bí ẩn cả.

        a] Sự cháy.

        b] Giải thích hiện tượng ma trơi, sự phát sáng của một số loại gỗ mục, mùi khét khi có sét đánh, cây cối hoa màu sau mưa giông có sấm chớp thường xanh tươi và chóng phát triển.

       c] Vật chất có thực, tồn tại vĩnh viễn khách quan vừa là quan điểm duy vật biện chứng, vừa là quan điểm vô thần khoa học.

 2.3. 2.  Phải giáo dục lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính cho học sinh, vì rằng đây là nhiệm vụ hàng đầu trong giáo dục tư tưởng đạo đức cho họ. Tuỳ thuộc vào nội dung môn học, các bộ môn trong nhà trường đóng góp thích hợp nhiệm vụ chung này của nhà trường. Khi lòng yêu nước đã thâm nhập vào con người học sinh nó sẽ trở thành sức mạnh vô địch mà chính những con người giáo dục họ và con người được giáo dục cũng không lường nổi được sức mạnh đó.

        Những nội dung hoá học giúp giáo dục lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính là:

        a] Đất nước ta giàu và đẹp.

        – Giới thiệu các mỏ khoáng chất và kim loại trong các lĩnh vực sản xuất hoá học: sản xuất phân đạm, axit H2SO4, gang thép …

        b] Giới thiệu kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế, thành tích về sản xuất hoá học của nước ta để học sinh thấy được tính chất ưu việt của xã hội ta và sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng cùng với những phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

        c] Bồi dưỡng lòng căm ghét giai cấp thù địch.

        d] Bồi dưỡng ý chí xây dựng đất nước Việt nam giàu đẹp.

        e] Giáo dục tinh thần quốc tế chân chính.

3. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG, KỸ XẢO THỰC HÀNH HOÁ HỌC CHO HỌC SINH              Hoá học là khoa học thực nghiệm, vì thế nhiệm vụ này là bắt buộc, là cần thiết không thể thiếu được trong giảng dạy hoá học. Trong giảng dạy hoá học thì thí nghiệm hoá học là phương tiện dạy học quan trọng, tối thiểu, nó là nguồn kiến thức quan trọng bậc nhất.

3.1. Kỹ năng thực hành hoá học:

        – Kỹ năng là khả năng thực hiện một cách hợp lý những hành động trí tuệ và tay chân trong những tình huống khác nhau.

        – Dấu hiệu đặc trưng của kỹ năng là nhận thức được đầy đủ về mục đích của hoạt động và biết lựa chọn con đường đúng đắn, ngắn nhất.

        – Những kỹ năng thí nghiệm cần chú ý rèn luyện cho học sinh: Lắp ráp các chi tiết của dụng cụ thí nghiệm và tiến hành thí nghiệm theo hướng dẫn: Lắp ống nghiệm hay bình cầu vào giá sắt, điều chỉnh con bọ lên cao hay xuống thấp, điều chỉnh thanh kẹp ống nghiệm xa hay gần cọc giá, đun nóng ống nghiệm …

        – Đoán trước các hiện tượng của phản ứng hoá học trên cơ sở lý thuyết đã học. Cho Al vào dung dịch muối Cu[II] thì dung dịch muối Cu[II] sẽ mất màu do tạo ra dung dịch muối Al[III] không có màu và tạo ra Cu kim loại không tan có màu đỏ gạch.

        – Quan sát hiện tượng xảy ra.

        – Giải thích hiện tượng đã quan sát được trên cơ sở lý thuyết đã nghiên cứu.

        – Phân tích chính xác điều kiện của bài toán. Đặt kế hoạch giải bài toán và giải theo kế hoạch đã định.

3.2. Kỹ xảo thực hành hoá học:

        – Kỹ xảo thực hành hoá học là khả năng thực hiện một cách nhanh chóng thoải mái hơn những hành động trí tuệ trong việc tiến hành thí nghiệm hoá học

        – Quan hệ kiến thức, kỹ năng và kỹ xảo.

        * Để có kỹ năng thí nghiệm trước hết phải có kiến thức [học sinh phải hiểu vì sao phải làm thế này mà không thể làm thế kia].

        * Thực hiện các động tác thí nghiệm đúng theo hướng dẫn; phối hợp các động tác thích hợp do đã nhận thức được đầy đủ mục đích của hoạt động là đã có kỹ năng. Như vậy kiến thức là cơ sở để có kỹ năng.

        * Khi các phương pháp thực hiện đã trở thành tự động hoá do kỹ năng được lặp đi lặp lại nhiều lần thì khi ấy học sinh đã có kỹ xảo thí nghiệm [kỹ năng được rèn luyện nhiều lần thì trở thành kỹ xảo].

3.3. Một số kỹ năng cần rèn luyện để trở thành kỹ xảo.

        – Sử dụng chai, lọ, cốc và các dụng cụ thuỷ tinh: Bất kỳ một loại dụng cụ nào khi sử dụng đều phải được rửa sạch, nếu rửa bằng nước không sạch thì phải rửa bằng xà phòng hoặc bằng hoá chất cần thiết và sau đó lại rửa bằng nước cho sạch. Rửa xong úp ngược miệng xuống dưới cho ráo nước. Với ống nghiệm phải rửa bằng chổi lông…

        – Đo thể tích chất lỏng, chất khí, khối lượng các vật bằng cân kỹ thuật …

        – Lắp dụng cụ thí nghiệm từ các chi tiết đã chuẩn bị sẵn.

        – Tiến hành những động tác cơ bản của thí nghiệm hoá học.

        – Trình bày kết quả công việc thực nghiệm.

3.4. Những điều kiện để hình thành kỹ xảo.

        – Chia kỹ xảo thí nghiệm thành những động tác đơn giản theo một trật tự hợp lý nhất. 

        – Giáo viên giải thích thứ tự tiến hành các động tác và trình bày cách thực hiện.

        Trong từng động tác giáo viên phải giải thích cho học sinh hiểu vì sao phải làm như vậy và có thể làm cách khác được không. Khi giải thích cần thiết có thể vẽ hình để làm nổi bật một vài khía cạnh của động tác.

        – Giáo viên báo trước những sai lầm có thể xảy ra khi thực hiện động tác.

        – Giáo viên phải kiểm tra xem học sinh đã hiểu đúng những điều mình giải thích chưa hoặc làm mẫu chưa.

        Trong thực tế có nhiều kỹ năng không phát triển được thành kỹ xảo vì có sự cách quãng dài trong luyện tập phát triển kỹ năng đó thành kỹ xảo. Do đó không thể yêu cầu hình thành tất cả các kỹ xảo về những kỹ thuật thí nghiệm đã có. Nhưng những kỹ năng như sử dụng dụng cụ đun nóng, giá sắt, cặp gỗ, đèn cồn, bình lọ thuỷ tinh, nghiền trộn chất rắn, hoà tan chất rắn vào chất lỏng, pha trộn chất lỏng, lắc hoặc khuấy hoá chất, sử dụng các dung dịch, dung dịch kiềm đều có thể phát triển thành kỹ xảo.

4. PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NHẬN THỨC VÀ NĂNG KHIẾU CHO HỌC SINH

4.1. Tính chất của giảng dạy hoá học.

        Việc giảng dạy hoá học có ba tính chất sau đây:

 4.1.1. Tính chất giáo dục: Tính giáo dục của việc giảng dạy hoá học được thực hiện thông qua nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, bồi dưỡng thế giới quan và nhân sinh quan cho học sinh.

4.1.2. Tính phát triển: Trong giảng dạy hoá học, để cho học sinh hiểu được nội dung của vấn đề, giáo viên phải sử dụng nhiều phương tiện dạy học, do vậy giúp học sinh phát triển óc quan sát, đặc biệt khi giáo viên sử dụng thí nghiệm sẽ có tác dụng huy động nhiều cơ quan cảm giác tham gia vào quá trình nhận thức, hình thành biểu tượng, ghi nhớ và suy luận [tư duy của học sinh được phát triển mạnh mẽ].

4.1.3. Tính lý thuyết và thực nghiệm: Hoá học là khoa học thực nghiệm, vì vậy giảng dạy hoá học có tính chất lý thuyết như những môn học khác đồng thời nó còn có tính chất thực nghiệm. Thông qua thực nghiệm [thí nghiệm] mà việc giảng dạy hoá học có nhiều khả năng làm phát triển nhận thức của học sinh. Dựa vào dấu hiệu bên ngoài của hiện tượng thí nghiệm, giáo viên giúp đỡ họ giải thích hiện tượng trên cơ sở các học thuyết hoá học chủ đạo tương ứng với từng giai đoạn học tập. Tính chất này là sự thể hiện cụ thể công thức nhận thức: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý và nhận thức hiện thực khách quan.” [Lênin].

        Nếu giáo viên sử dụng tích cực, hợp lý thí nghiệm biểu diễn trong giảng dạy hoá học sẽ có tác dụng nâng cao chất lượng học tập của học sinh một cách đáng kể, làm phát triển óc tư duy lôgic, học sinh ghi nhớ sâu sắc, độ bền kiến thức cao.

4.2. Các phương pháp làm phát triển năng lực nhận thức cho học sinh:

        Để phát triển tốt năng lực nhận thức cho học sinh, trong giảng dạy hoá học người giáo viên cần nắm vững và sử dụng tốt các phương pháp lôgic trong việc hình thành kiến thức mới.

4.2.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp:

           Phân tích là phân chia cái toàn thể thành từng bộ phận để nghiên cứu.

           Tổng hợp là liên kết, thống nhất lại các bộ phận đã được phân tích để nhận thức được sâu sắc hơn, đầy đủ hơn cái toàn thể.

            Cơ sở của mối quan hệ biện chứng giữa phân tích và tổng hợp là mối quan hệ giữa toàn thể và bộ phận, giữa hệ thống và các thành tố.

           Không có phân tích thì không có tổng hợp. Phân tích chuẩn bị cho tổng hợp, không phân tích nghiên cứu các bộ phận thì không hiểu được cái toàn bộ. Mặt khác, tổng hợp giúp ta hiểu được cái bộ phận trong cái tổng thể, giúp cho phân tích đi sâu vào bản chất sự vật, hiện tượng. Không tổng hợp thì không thể hiểu đuợc tính chất, vai trò, vị trí của từng bộ phận trong cái tổng thể.

4.2.2. Phương pháp qui nạp:

        Qui nạp là phương pháp hình thành kiến thức mới dựa vào sự nghiên cứu nhiều hiện tượng cụ thể, riêng lẻ để đi tới kết luận chung, tổng quát về tính chất của các chất.

        Đặc điểm của phương pháp này là nhận thức đi từ cái riêng đến cái chung.

        Ví dụ: Để hình thành khái niệm oxit chúng ta có thể sử dụng phương pháp qui nạp. Trước hết chúng ta đưa ra một số công thức oxit [cả oxit kim loại và oxit phi kim]. Sau đó cho học sinh nhận xét oxit là những chất được tạo thành từ mấy nguyên tố để dẫn dắt họ đến kiến thức oxit là hợp chất. Sau đó lại nêu ra câu hỏi các hợp chất oxit có điểm gì chung về thành phần nguyên tố. Với câu hỏi họ dễ dàng trả lời cái chung của các oxit đều chứa nguyên tố oxi.

        Từ những kiến thức cụ thể, riêng biệt như vậy chúng ta yêu cầu học sinh có thể nêu định nghĩa oxit như thế nào? Phương pháp qui nạp được sử dụng nhiều trong giảng dạy hoá học lớp 8 và 9.

4.2.3. Phương pháp suy diễn [diễn dịch]:

        Ngược với phương pháp qui nạp, suy diễn là phương pháp hình thành kiến thức mới dựa vào những nguyên lý chung đúng đắn để đi đến kết luận cho một trường hợp cụ thể. Đặc điểm của phương pháp này là nhận thức đi từ cái chung đến cái riêng.

        Ví dụ: Hình thành kiến thức mới về clo ở lớp 10. Sau khi học sinh đã nghiên cứu bài nhận xét chung về các phi kim [halogen]. Mặc khác việc nghiên cứu clo ở lớp 10 được dựa trên các học thuyết chủ đạo về cấu tạo nguyên tử, liên kết hoá học, hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hoá học và lý thuyết phản ứng oxi hoá khử. Nghĩa là khi nghiên cứu clo phải làm cụ thể tính chất đặc trưng của phi kim, phi kim nhóm VIIA của hệ thống tuần hoàn…

        Phương pháp này thường được sử dụng nhiều hơn trong giảng dạy hoá học lớp 10, 11, 12, đặc biệt là giảng dạy các nguyên tố cụ thể, các dãy đồng đẳng.

        * Phương pháp qui nạp kết hợp với suy diễn:

        Trong thực tế dạy học nói chung và giảng dạy hoá học nói riêng, người ta không đơn thuần sử dụng một phương pháp lôgic và trong từng phần nội dung cũng không phải chỉ sử dụng một phương pháp lôgic mà sử dụng chúng trong sự phối hợp linh hoạt.

        Ví dụ: Nghiên cứu tính chất hoá học của axit H2SO4, với axit H2SO4­ loãng chúng ta sử dụng phương pháp suy diễn, nhưng với axit H2SO4 đặc thì lại phải sử dụng phương pháp qui nạp.

4.2. 4. Loại suy:

        Loại suy là phương pháp hình thành kiến thức mới dựa vào sự giống nhau về một số dấu hiệu nào đó của hai hay nhiều đối tượng mà đi đến kết luận về sự giống nhau cả những giấu hiệu khác của chúng.

        Cần lưu ý rằng để sử dụng phương pháp loại suy cần phải kiểm tra lại bằng thực nghiệm.

4.2.5. So sánh và đối chiếu:

        So sánh và đối chiếu là thiết lập những điểm giống nhau và khác nhau của các chất, nêu lên những khái niệm phản ánh chúng với nhau.

        Tác dụng của so sánh và đối chiếu là giúp phân biệt chính xác các chất, hệ thống hoá những khái niệm đã hình thành. Nội dung của so sánh đối chiếu là nêu lên những dấu hiệu và thuộc tính của sự vật, đối chiếu những thuộc tính đó với những điều đã biết về đối tượng cùng loại hoặc khác loại, tổng hợp xem các đối tượng cùng loại có gì giống nhau và khác nhau.

        Các cách so sánh: Có hai cách so sánh các đối tượng nghiên cứu. Sử dụng cách nào là tuỳ thuộc vào các đối tượng nghiên cứu.

        – So sánh tuần tự là sự so sánh những kiến thức mới với kiến thức đã có nhưng không đối lập nhau [tính chất của đối tượng mới với đối tượng đã nghiên cứu thuộc cùng loại, tính chất của các đối tượng này chỉ khác nhau về mức độ].

        Ví dụ: So sánh tính chất của F2­, Br2, I2­ với Cl2. So sánh tính chất của kim loại phân nhóm chính nhóm II với kim loại, phân chính nhóm I. Hoặc so sánh tính chất hoá học của axit H2SO4 loãng với axit HCl.

        – So sánh đối chiếu là sự so sánh những kiến thức mới với những kiến thức đã có nhưng có tính chất đối lập nhau [tính chất của đối tượng mới với đối tượng đã nghiên cứu là khác loại].

          Ví dụ: Kim loại có tính khử, tính khử đối lập với tính oxi hoá của phi kim. Axit tác dụng với kim loại, ngược lại bazơ tan có thể tác dụng với phi kim [trừ axit có tính oxi hoá].

4.2. 6. Khái quát hoá:

        – Tại sao phải khái quát hoá? Mục đích của khái quát hoá là gì? Chúng ta biết rằng sự vật vốn có những dấu hiệu và thuộc tính để phân biệt nó với sự vật khác. Các dấu hiệu và thuộc tính đó có thể là chung,  là bản chất. Nhưng cũng có những dấu hiệu và thuộc tính là chung nhưng không bản chất. Khái quát hoá là tìm ra cái chung, cái bản chất trong tập hợp các dấu hiệu và thuộc tính của sự vật nghiên cứu.

        – Các mức độ khái quát hoá:

        Khái quát hoá cảm tính là nêu lên những dấu hiệu cụ thể, bề ngoài: Clo là chất khí màu vàng nhạt, mùi hắc, tan được trong nước.

        Khái quát hoá hình tượng là nêu lên những dấu hiệu bản chất lẫn với dấu hiệu không bản chất: Clo tác dụng mạnh với kim loại và hidro.

        Khái quát hoá khái niệm là nêu lên những dấu hiệu chung, bản chất và qui nạp chung lại thành nội dung của khái niệm: Clo là phi kim có tính oxi hoá mạnh, khi tác dụng với kim loại nó đưa kim loại tới bậc oxi hoá tối đa.

Video liên quan

Chủ Đề