Cha trương bửu diệp là ai

1. Cha Trương Bửu Diệp là một nhân vật công giáo Việt Nam rất được mộ mến

Ngài sinh ngày 01 tháng 01 năm 1897 tại họ đạo Cồn Phước thuộc giáo phận Long Xuyên. Ngài chết ngày 12 tháng 3 năm 1946 tại Tắc Sậy, trong thời kỳ lộn xộn căng thẳng giữa các lực lượng chính trị tôn giáo tại địa phương. Hiện nay Ngài an nghỉ tại nhà thờ Tắc Sậy thuộc giáo phận Cần Thơ.

Từ nhiều năm nay, số người hành hương đến Cha Diệp là vô số kể. Họ thuộc đủ mọi thành phần xã hội, với đủ mọi màu sắc tâm linh, đến từ đủ mọi miền đất nước. Đây là những cuộc hành hương tự phát tự nguyện. Họ có chung một cái nhìn: Cha Diệp là người từ tâm, chuyên cứu nhân độ thế.

Riêng tôi, tôi nhìn Cha Diệp như một nhà truyền giáo của thời tân Phúc Âm hoá. Truyền giáo nơi Ngài là làm chứng bằng chính con người của mình.

2. Cha Trương Bửu Diệp làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa là Cha thương xót mọi người

Vẻ đẹp nhất nơi Cha Diệp là tình yêu thương đối với đoàn chiên nói riêng và đồng bào xung quanh nói chung.

Tình yêu này được diễn tả bằng hai mặt: Phục vụ và hy sinh. Phục vụ là đáp ứng nhu cầu của dân, cách riêng là thương cảm, chia sẻ những nỗi khổ của dân, và chỉ vạch cho họ con đường dẫn tới hạnh phúc thực. Hy sinh là chịu gian khổ cùng với dân, chịu đau khổ thay cho dân, gắn bó với dân, hy sinh mạng sống mình để cứu dân. Ngài phục vụ một cách từ tốn. Ngài hy sinh một cách khiêm nhường.

Với hai nét phục vụ và hy sinh, Cha Diệp gợi nhớ lại hình ảnh Người đầy tớ Đức Giavê được Isaia nói tiên tri trong Cựu Ước (x. Is 53). Tiên tri gọi người đầy tớ này là người đầy tớ khổ đau. Đầy tớ ở đây là phục vụ. Khổ đau ở đây là hy sinh thay cho người khác.

Với hai nét phục vụ và hy sinh, Cha Diệp vẽ lại hình ảnh chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Ngôi Hai xuống thế, để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Làm chứng bằng khiêm tốn phục vụ, đem lại cho nhân loại sự sống thực, và làm chứng bằng khiêm tốn hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại.

Với hai nét phục vụ và hy sinh, Cha Diệp trở thành hình ảnh gần gũi và thân thương. Người ta cảm thấy Cha gần gũi họ, như một người thân, người thương của họ. Trong gần gũi thân thương, Cha giúp cho họ tìm được hy vọng đẹp trong những thử thách, và nhìn thấy sự sống mới đằng sau cái chết. Bên Cha, họ cảm nhận thấy cuộc sống là một chuỗi dài những tiếng gọi yêu thương, phục vụ và hy sinh, cuộc sống là một hành trình đi về tuyệt đối, cuộc sống là một huyền nhiệm chứa đựng bao tiềm năng rực sáng. Cha Diệp không lý luận về Thiên Chúa là tình yêu. Cha chỉ làm chứng một cách sống động bằng chính con người. Những ai có trực giác lành mạnh sẽ cảm nhận được sự thực sống động đó.
3. Cha Trương Bửu Diệp làm chứng cho tình yêu của người con Hội Thánh địa phương đối với dân tộc.

Sự thực là: Những người đến với Cha Diệp từ trước đến nay đa số là ngoài công giáo. Ngoài công giáo có nghĩa là không có đạo hoặc có đạo nhưng không phải công giáo. Họ là một khối lớn đa dạng, giống như một mảng của dân số trên đất nước Việt Nam này.

Đến bên Cha Diệp, đám đông đa dạng này, tuy với nhiều khác biệt, nhưng họ đã gần lại với nhau. Tôi có cảm tưởng là Cha đang xây dựng những liên hệ tốt đẹp nhất với mọi hạng người, và Cha cũng đang giúp cho Hội Thánh địa phương góp phần hữu hiệu vào việc thiết lập những tương quan tốt đẹp trong xã hội hôm nay.

Xã hội hôm nay đang rất cần những người có khả năng biến đổi những tương quan chia rẽ, hiềm khích, nghi kỵ thành những tương quan hoà hợp, yêu thương, tin tưởng. Cha Diệp đã xuất hiện như một người có khả năng đó. Hoạt động tình thương của Cha là một đóng góp quan trọng vào việc xây dựng những tương quan an hoà trong dân tộc Việt Nam. Thành công và động lực của việc xây dựng những liên đới tình thương này là do sự Cha thuộc về Đức Kitô, và liên kết với Đức Kitô.

Xã hội hôm nay cũng đang rất cần những người có khả năng nâng cao dân tộc lên về chiều kích thiêng liêng và trong lãnh vực các giá trị tinh thần. Cha Diệp đang được chứng minh là người có khả năng đó. Thái độ bao dung, khiêm hạ của Cha, nhất là tấm lòng yêu thương quảng đại của Cha đang khơi dậy từng triệu lương tâm xa gần. Họ nghĩ tới Đấng mà Cha tôn thờ. Họ nhớ về Hội Thánh Đức Kitô, mà Cha phục vụ. Họ nhận ra tình thương đạo Chúa là không biên giới, luôn mở rộng đón nhận mọi người.

Tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình không phải dễ, yêu thương kẻ ghen ghét mình càng không đơn giản. Làm ơn cho kẻ hại mình lại càng rất khó. Thế mà Cha Diệp trước kia cũng như bây giờ đã thực hiện được như thế. Đúng như lời Chúa Giêsu dạy. Đó là tấm gương sáng ngời của Hội Thánh địa phương trước lịch sử dân tộc.

4. Cha Trương Bửu Diệp làm chứng cho tình yêu của con người có đức tin với cuộc sống đồng bào

Càng ngày tôi càng thấy hình ảnh Cha Diệp đi xa đi rộng. Cha có mặt trong các nhà ở, trong các cửa hàng, trong chợ, trong quán, trong xe. Cha hiện diện đều khắp từ phố phường thành thị cho đến nông thôn hẻo lánh. Tôi tìm hiểu tại sao đông đảo đồng bào đã đón Cha Diệp vào cuộc sống một cách thân mật như thế. Câu trả lời tổng hợp là: Vì Cha lo cho cuộc sống của đồng bào.

Thực vậy, trước ảnh Cha Diệp, người ta nói với Cha về đủ mọi vấn đề cuộc sống. Họ nói một cách rất tự nhiên. Với một cách nào đó, Cha Diệp cũng thân tình chia sẻ với họ về những vấn đề cuộc sống mà họ quan tâm.

Qua thái độ của Cha, tôi nhớ lại hình ảnh người mục tử tốt lành trong Kinh Thánh. Tìm cánh đồng nào có cỏ xanh non để chiên ăn. Tìm chỗ nào có bóng mát để chiên nằm nghỉ. Tìm dòng sông nào có nước sạch trong để chiên uống (x. Tv 22,1-3a,3b - 4,5-6).

Người lo cho cuộc sống đồng bào như vậy không chỉ cần có thiện tâm, thiện chí, mà cũng cần có trình độ trí thức, kinh nghiệm sống. Nhất là trong thời buổi văn minh này.

Điều độc đáo của người có đức tin, khi lo cho cuộc sống, là còn tìm nuôi sống mình bằng Lời Chúa, cầu nguyện và biết mình. Những ai tới Cha Diệp, cho dù để xin Ngài giúp đỡ các chuyện vật chất, cũng đều cảm thấy mình phải cầu nguyện, phải biết mình, phải hướng về Chúa, để hứa mình sẽ cố gắng nên tốt hơn.

Cuộc sống hôm nay đang có nhiều bước đi lên, nhưng cũng không thiếu nhiều bước đi xuống. Sự xuống dốc đạo đức và sự thành hình những giai cấp giàu nghèo mới sẽ trở nên trầm trọng trong vài năm tới. Trong một tình hình như thế, nếu truyền giáo dành nhiều đầu tư cho việc nâng cao đời sống vật chất, trí thức, mà không quan tâm đủ đến việc bảo trì, phát triển nếp sống luân lý và công bình xã hội, thì hậu quả sẽ không lường được.

5. Cha Trương Bửu Diệp làm chứng cho tình yêu của người có Thánh Thần Đức Kitô đối với những chuyển biến lịch sử

Khi hỏi thăm những người được Cha Diệp giúp đỡ, tôi được biết điều này: Mỗi người đều được Cha giúp. Nhưng giúp chừng nào, khi nào, cách nào, thì mỗi người nhận được khác nhau. Sự kiện đó chứng tỏ rằng: Cha Diệp rất nhạy bén với các tình tiết của con người và xã hội. Và đó chính là nghệ thuật truyền giáo.

Mỗi thời điểm có những vấn đề riêng của nó. Mỗi giai đoạn lịch sử có những khát vọng riêng của nó. Mỗi trình độ văn minh có những phong cách riêng của nó. Mỗi địa phương, mỗi người có những thuận lợi và nguy cơ riêng của mình. Nếu chúng ta không nắm bắt được những điểm đó, để rồi cứ truyền giáo bằng cách nhai lại những vấn đề lỗi thời, với những giọng điệu lỗi thời, thì sẽ tạo ra cho đạo mình một bộ mặt ấu trĩ lạc hậu xấu xí, khiến người ta muốn xa tránh.

Thánh Kinh nhắc bảo: “Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời ở dưới bầu trời. Thời để sinh và thời để chết, thời để trồng và thời để nhổ lên, thời để giết chết và thời để chữa lành, thời để phá và thời để xây,... thời để nín thinh và thời để lên tiếng, thời để yêu và thời để ghét, thời giặc giã và thời bình an.

“Lợi gì mà làm điều khiến mình chỉ tổn công lao nhọc... Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời hợp cảnh” (Gv 3,1-11).

Nhạy bén với thời điểm là điều mà Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh như một điều kiện để truyền giáo. Muốn có điều đó, chúng ta phải trở nên dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha dạy: “Chúa Thánh Thần bảo đảm cho sứ điệp Tin Mừng được luôn tươi trẻ và hợp thời, để việc rao giảng khỏi phải lặp đi lặp lại theo hình thức một cách nhàm chán và cứng nhắc. Thật vậy, các sứ giả Tin Mừng phải coi mình là những người phục vụ ‘giao ước mới’. Không phải là giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống (2 Cr 3,6). Đây không phải là quảng bá cho việc phục vụ theo bản văn cũ của Lề Luật, mà là theo tinh thần mới của Thánh Thần (x. Rm 7,6). Đòi hỏi này là một vấn đề sống còn của Tân Phúc Âm hoá” (Đức Gioan Phaolô II, Giáo lý Năm Thánh 2000, bài 22).

Cha Trương Bửu Diệp là một nhà truyền giáo của Tân Phúc Âm hoá. Tân Phúc Âm hoá là giới thiệu Phúc Âm với cách diễn đạt mới, với phương pháp mới, với phong cách mới, với cường độ mới, với lửa tin yêu mới. Âm thầm mà lan rộng thấm sâu. Khiêm tốn mà lôi cuốn thuyết phục. Bởi vì đức tin của Cha được phiên dịch ra tình yêu thương quảng đại đối với con người, phục vụ rộng cho con người và hy sinh cao cho con người. Đó là ngôn ngữ hợp thời, mà người Việt Nam hôm nay dễ hiểu. Đó chính là ngôn ngữ Tin Mừng, được chính Chúa Giêsu dùng, để giới thiệu Thiên Chúa và để đổi mới tôn giáo của dân Người.

12 tháng 3 năm 2012 - Ngày giỗ
+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN

 Cha Phanxicô Xaviê TRƯƠNG BỬU DIỆP (1897 – 1946)

Một mẫu gương mục tử: Sống chết vì đoàn chiên

 Ai đã từng đến du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có lẽ sẽ không thể bỏ qua một điểm hành hương nổi tiếng: Tắc Sậy. Từ những năm của thập niên 1980 trở đi, hằng năm cứ vào ngày 11–12/3 dòng người lương giáo từ các nơi tuôn về Tắc Sậy, trên nhiều chiếc xe đò chở khách người ta còn có thể thấy hình một vi linh mục mặt vuông chữ điền rất dễ mến. Họ đến Tắc Sậy để làm gì vậy? Thưa để kỷ niệm lễ giỗ của một vị linh mục có tên là Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.

Đôi dòng tiểu sử

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 1-1-1897, được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 2-2-1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, Chợ Mới, Tỉnh An Giang.

Cha ngài là Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), mẹ ngài là Lucia Lê Thị Thanh. Gia đình sinh sống tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1904, lúc ngài lên 7 tuổi thì mẹ mất. Theo cha, gia đình dời lên Battambang, Campuchia, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyển thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh cho ngài người em gái tên là Trương thị Thìn (1913), hiện còn sống tại họ đạo Bến Dinh, xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp.

Năm 1909, cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền cho ngài vào Tiểu chủng viện Cù lao Giêng, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới An Giang. Mãn Tiểu chủng viện, ngài lên Ðại chủng viện Nam Vang, Campuchia (lúc đó các họ đạo khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long trực thuộc giáo phận Phnom Penh, Campuchia).

Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Ðức cha GB. Chabalier. Lễ vinh quy và mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1924-1927, được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia.

Năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Cù lao Giêng.

Sống chết vì đoàn chiên

Tháng 3 năm 1930, ngài về nhậm họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như: Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, Rạch Rắn.

Theo lời kể của ông Giacôbê Huỳnh Văn Lập 76t, ngày xưa là chú bé giúp lễ ở với cha (ông Ba Lập hiện vẫn còn sống ở tại Tắc Sậy) thì cha Diệp rất hiền nhưng khi giảng thì có lúc giọng cha rất hùng hồn mạnh mẽ, có lúc lại rất êm đềm. Cha cũng rất thương người nghèo: ông còn nhớ khi có những người nghèo đói bất kể lương giáo hay người lỡ đường cha đều kêu vào rồi mở lẫm lúa cho họ lấy lúa đem ra xay giã lấy gạo (vì lúc đó không có nhà máy xay lúa như bây giờ).

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương vì chiến tranh giữa Nhật và Pháp, dân chúng nhiều người di tản. Cha Bề trên điạ phận Phêrô Trần Minh Ký ở Bạc Liêu kêu gọi ngài lánh mặt; người Pháp 3 lần đem xe đến rước, khuyên ngài tạm lánh khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.

Ngày 12-3-1946, ngài bị Nhật bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy, tất cả bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm luá của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Cũng theo lời kể của ông Ba Lập thì họ chất rơm chung quanh tính đốt tất cả, nhưng cha Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam. Cha khuyên giáo dân ăn năn tội và giải tội cho họ. Cha bị mời đi làm việc 3 lần và lần thứ ba thì không thấy trở về nữa. Sau khi cha bị mời đi lần thứ ba bổn đạo thấy cửa lẫm để mở ngỏ và họ đã trốn thoát.

Sau đó vài ngày giáo dân đã tìm thấy xác ngài từ một cái ao của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chuá Giêsu trên thập giá.

Thi hài ngài được vớt lên và chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay, được trùng tu và khánh thành ngày 4-6-1989. Ngài là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

Chứng nhân Đức Ái

Lễ giỗ đầu đầu tiên do cha Antôn Vũ Xuân Vinh tổ chức năm 1979 với thành phần tham dự đến từ những họ đạo chung quanh (chỉ khoảng chừng 30 người). Nhưng dần dần số người nhận được ơn lành nhờ lời bầu cử của cha Diệp ngày càng nhiều và họ đổn thổi về sự hiển linh của ngài nên rất đông đảo người lương cũng như giáo trong nước và cả ngoài nước đều tuôn về Tắc Sậy để cầu khấn với ngài. Số khách hành hương trong ngày lễ giỗ ngày càng tăng, con số lên đến hàng chục ngàn người và không chỉ trong ngày lễ giỗ mà còn thường xuyên trong năm vẫn có những người đến hành hương. Vì thế kể từ 21-01-1997 Đức Giám mục Cần Thơ đã chính thức thành lập Trung tâm Truyền giáo Phanxicô tại Tắc Sậy. Từ nơi đây rất nhiều người đã nhận được những ơn lành phần xác cũng như phần hồn.

Nếu ngày xưa ngài đã vì thương đoàn chiên mà sẵn sàng sống chết vì họ thì ngày nay ngài lại trở thành chứng nhân của Đức Ái qua biết bao nhiêu ơn lạ nhờ lời bầu cử của ngài cho tất cả những ai chạy đến với ngài.