Chơi game trên MacBook Air M1

MacBook có chơi được game không? Đó là câu hỏi chắc hẳn nhiều anh em đang rất là thắc mắc suốt thời gian qua, kể từ khi con SoC M1 khuynh đảo thế giới công nghệ. Về lý thuyết thì với con SoC Apple M1 này nó cho hiệu năng nhỉnh hơn cả GTX 1050Ti, nên những game nào mà về bản chất GTX 1050Ti chơi được thì Apple M1 cũng sẽ chơi được. Nhưng vì khác nền tảng nên sẽ có những game Windows chơi được mà macOS không chơi được. Chính vì vậy, hôm nay trong bài trải nghiệm chơi game này mình sẽ test vài game trên Steam, hỗ trợ macOS hoặc chạy qua Rosetta 2 để xem rằng hiệu năng chơi game của nó như thế nào, có tốt hay không.

Các tựa game mình test trong bài này bao gồm:

  • CS:GO.
  • Company of Heroes 2.
  • Shadow of The Tomb Rider.
  • DOTA 2.


Nhắc lại một chút cho anh em về cấu hình của MacBook Pro M1:

  • CPU: Apple M1 - 8 nhân, 4 nhân hiệu năng cao, 4 nhân tiết kiệm điện.
  • GPU: 8 nhân.
  • Neural Engine: 16 nhân.
  • RAM: 8GB Unified LPDDR4X-4266MHz.
  • SSD: 256 GB PCIe.

Bản MacBook Pro cũng đươc trang bị một quạt tản nhiệt nhằm tối ưu hoá nhiệt độ toả ra và hiệu năng luôn được giữ ở mức ổn định. Mình sẽ chơi thử lần lượt các game và chơi liên tục không nghỉ để có thể biết được khả năng chính xác của con SoC Apple M1.

CS:GO

Với CS:GO anh em buộc phải update lên macOS Big Sur 11.1 beta mới có thể chơi được từ Steam, mình cũng không rõ lí do tại sao nhưng cuối cùng mình cũng chơi được game, lúc đầu nó sẽ hiện màn hình đen tầm 1 phút vì trình biên dịch Rosetta phải làm việc vào lúc này [lần hiếm hoi mình cảm nhận được một ứng dụng được chạy ảo hoá qua Rosetta]. Vào game thì mình cũng thiết lập các mức settings lần lượt từ cao xuống thấp, đầu tiên là độ phân giải mặc định được máy thiết lập sẵn là 1440x900, mức đồ hoạ ở mức high. Lúc này, khi chơi, fps trung bình cho ra vào khoảng 66fps, lúc vào cảnh bắn đông người thì vào khoảng 50fps. Mình nâng tiếp độ phân giải lên 2048x1280 và hạ mức setting đồ hoạ xuống medium thì mức fps rơi vào khoảng 40, lúc đông người thì rớt xuống khoảng 30fps.


Thiết lập mức đồ hoạ medium, độ phân giải 2048x1280, combat đông
thiết lập ở mức đồ low, độ phân giải 2560x1600, combat đông

Mình quyết định nâng độ phân giải lên 2560x1600, tức là mức native của MacBook Pro, đồ hoạ chỉnh ở mức settings low thì thấy đây là mức đồ hoạ phù hợp nhất để anh em có thể chơi tốt CS:GO. Lúc bình thường khi đi cảnh thì mức fps rất ổn định ở khoảng 65-70fps, có lúc mới vào màn thì lên 85fps. Còn lúc vào trận đông người thì fps vẫn giữ ổn định ở khoảng 50fps, rất ít khi rớt xuống mức dưới 40fps.

Company of Heroes 2

CoH 2 là một tựa game tuy cũ nhưng mà hay, nên mình cũng đưa vào bài test này. Đây là tựa game dạng chiến thuật về chiến tranh thế giới lần 2. Trong game anh em sẽ phải vận dụng tài năng chiến thuật của mình cũng như những kĩ năng để có thể dành chiến thắng trong những chiến dịch căng thẳng và mang tính sống còn với toàn bộ cục diện cuộc chiến. Đây là tựa game mình thấy rất hay trên Steam, anh em nên tải về chơi.

Với tựa game này, mình dùng công cụ benchmark của tựa game để kiểm tra hiệu năng chơi game của nó như thế nào, mình đặt mức settings lần lượt từ thấp đến cao với từng độ phân giải 1440x900, 2048x1280 và 2560x1600. Kết quả anh em xem ở bảng dưới:

Còn mình thử vào game thực tế với mức đồ hoạ cao nhất và độ phân giải cao nhất [2560x1600] thì fps nó chỉ loanh quanh 30fps mà thôi, lúc vào combat đông thì tụt xuống còn khoảng 22fps. Điều này chứng tỏ sự chênh lệch giữa benchmark và trải nghiệm thực tế, benchmark cho điểm số fps ở cùng một mức cấu hình nhưng khi vào game thực tế thì nó lại thấp hơn kha khá. Nhưng nhìn chung, MacBook Pro M1 vẫn có thể cân được tốt tựa game này.

Shadow of the Tomb Raider


Tựa game này quả thực là một thử thác quá sức với lại MacBook Pro, ngay cả những chiếc máy gaming cũng phải ngán ngẩm tựa game này, nhưng mình vẫn quyết định thử. Khi vào game, mình cho chạy Performance test với múc độ đồ hoạ thấp nhất, độ phân giải mặc định mà máy đã thiết lập sẵn và bắt đầu chạy benchmark.

Kết quả sau khi benchmark ra được ở tựa game này với mức đồ hoạ thấp nhất rời vào khoảng 51fps. Khi vào game chơi thử với mức đồ hoạ như vậy thì nó đạt khoảng 45fps, một con số cũng gần với con số benchmark. Mình lần lượt nâng mức độ đồ hoạ lên và độ phân giải lên tương ứng thì mức fps bắt đầu tụt dần và nó xuống còn khoảng 20fps cho mức đồ hoạ gần cao nhất và độ phân giải cao nhất. Tới lúc này game rất lag và gần như không thể chơi được nữa.

So sánh khi điều chỉnh mức đồ hoạ giũa thấp nhất [bên trái] và cao nhất [bên phải]

Một điều thú vị mình thấy được khi chơi Tomb Raider là khi benchmark quạt nó đã kêu, đúng vậy anh em, quạt nó đã kêu khi mình chạy bài test Shadow of the Tomb Raider. Đây là lần đầu tiên kể từ khi mình nhận được máy, chạy đủ thứ bài test thì nay quạt nó mới chịu quay. Điều này chứng tỏ tựa game này đã quá sức với chiếc MacBook Pro và quạt đã phải quay để tản nhiệt cho con SoC đang hoạt động hết công suất.

DOTA 2

Dota 2 là tựa game huyền thoại mà hẳn là nhiều anh em cũng đang chơi, mình thì không rành chơi dota, cũng chỉ là gà thôi, nhưng bất chấp vào chơi để test cho anh em xem. Với Dota 2 thì mình để độ phân giải mặc định máy đã set sẵn là 1440x900 [không có tuỳ chọn cao hơn] và những thứ còn lại mình để ở mức cao nhất [High và Ultra].

Khi vào game, ở những phân cảnh không có quá nhiều nhân vật hay chi tiết, hay những lúc đi cảnh thì mức fps loanh quanh 65-70 fps, không hơn. Còn những lúc vào combat mạnh thì fps rớt xuống khoảng 40-50fps.

FPS thể hiện khác nhau ở hai mức đồ hoạ khác nhau, ở mức đồ hoạ thấp không thể chơi được

Lúc này mình thắc mắc rằng tại sao có thể chơi được Dota 2 với mức fps hơn 100fps? Mình mới bèn thử đưa hết mọi thứ về thấp nhất [lowest] thì lúc này mới có thể chơi được ở mức fps khoảng 98-99. Nhưng đồng nghĩa với lại đồ hoạ sẽ xấu và sẽ có răng cưa, nhìn sẽ giống như có một lớp mờ mờ như sương ở trên màn hình vậy, rất khó chịu và mình không thể chơi nổi với mức settings và đồ hoạ như thế. Cuối cùng, mình đành phải đưa về mức phù hợp nhất thì mọi thứ đã ổn trở lại.

Anh em đừng hiểu lầm là MacBook Pro yếu, nó không yếu nếu so với những con Ultrabook khác chơi Dota 2 max settings ở mức 60-70fps, chỉ là với mức fps trên 100 thì đánh đổi lại quá nhiều thứ về chất lượng hiển thị, không đẹp và không ngon.

Về nhiệt độ khi chơi game, nó thực sự mát, trong suốt quá trình mình chơi game thì nó không bao giờ vượt qua ngưỡng 50 độ ở thân vỏ. Phần kê tay và phần bàn phím không có quá nóng và khó chịu với tay mình. Để đạt được ngưỡng nhiệt độ lý tưởng như vầy là nhờ vào tiến trình 5nm trên Apple M1 và có một quạt tản nhiệt hoạt động bên trong.

Anh em không thể đòi hỏi gì hơn nữa ở một chiếc máy mỏng nhẹ như thế này. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ của nó được sinh ra để làm, làm chủ phân khúc của mình. Nếu anh em lựa chọn mức đồ hoạ hợp lý thì vẫn có thể chiến được những tựa game mà anh em thích, nó sẽ không nóng ran đến mức khó chịu như những chiếc máy khác nhưng đồ hoạ cũng sẽ không quá tệ, nhờ vào 8 nhân GPU tích hợp mạnh nhất trong những chiếc laptop có GPU tích hợp.

Tổng kết lại, MacBook Pro chạy M1 là một con máy không phải yếu, nó rất mạnh về CPU và GPU nếu so với các máy ultrabook mỏng nhẹ trong phân khúc, nhưng để chơi game ngon nhất thì chưa hẳn nó là sự lựa chọn đúng đắn. MacBook vốn dĩ sinh ra không phải để chơi game nhưng những gì nó thể hiện đã chứng mình ràng nó đã vượt qua được giới hạn của chính nó, những chiếc MacBook Pro 13-inch từ trước tới giờ chưa bao giờ có thể chơi được những tựa game trên với mức fps như vậy, hơn nữa đây là chạy qua một lớp giả lập Rosetta chứ chưa hẳn là chạy native. Nếu sau này được tối ưu native cho SoC M1 thì có thể nó sẽ làm tốt hơn nữa.

Chủ Đề