Chủ quyền quốc gia bao gồm các chủ thể nào năm 2024

Vì vậy, cần xác định rõ các đặc điểm thông tin phản ánh chủ quyền quốc gia và mối liên hệ các nội dung phản ánh trên các xuất bản phẩm bản đồ, cơ sở khoa học và thực tiễn xác định nội dung, hình thức, độ chính xác việc thể hiện chủ quyền quốc gia trên các sản phẩm bản đồ. Kết quả này sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo để bổ sung, hoàn thiện qui định hướng dẫn, kiểm tra việc thể hiện chủ quyền quốc gia trên xuất bản phẩm bản đồ.

Mối quan hệ giữa bộ phận cấu thành chủ quyền quốc gia và đặc điểm phản ánh thông tin của các xuất bản phẩm bản đồ

Thể hiện chủ quyền quốc gia là việc thể hiện quyền lực nhà nước độc lập đối với lãnh thổ xác định có chủ quyền. Một chủ thể được xác định là một quốc gia theo luật pháp quốc tế phải có đủ các yếu tố bao gồm: Lãnh thổ quốc gia xác định; cộng đồng dân cư ổn định; chính quyền với chính phủ với tư cách là người đại diện cho quốc gia trong quan hệ quốc tế; có khả năng độc lập tham gia vào các quan hệ pháp luật quốc tế. Như vậy, tất cả các sản phẩm thể hiện giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia đều thể hiện biên giới quốc gia, phạm vi lãnh thổ hay nói cách khác là thể hiện lãnh thổ quốc gia xác định có chủ quyền. Qua đó, phản ánh chủ quyền quốc gia. Mức độ thể hiện chi tiết biên giới quốc gia gắn liền với đối tượng địa lý cũng là mức độ chi tiết nội dung phản ánh chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.

Đường biên giới quốc gia, phạm vi phân bố lãnh thổ trên thực tế được xác định, nhận dạng thông qua đối tượng địa lý tự nhiên hoặc nhân tạo. Độ chính xác thể hiện biên giới quốc gia phụ thuộc vào độ chính xác biểu thị các đối tượng địa lý liên quan tới biên giới quốc gia. Độ chính xác thể hiện biên giới quốc gia trên bản đồ là việc đánh giá xem xét tới khả năng xác định đường biên giới quốc gia ngoài thực tế. Độ chính xác này có hai hình thức thể hiện:

Độ chính xác vị trí: Là độ chính xác vị trí đường biên giới quốc gia ở thực tế và các đối tượng địa lý liên quan tới đường biên giới quốc gia. Độ chính xác này thường được thể hiện trong mô hình toán học và được biểu thị dưới dạng sai số vị trí các yếu tố trên bản đồ.

Độ chính xác tương quan địa lý: Là độ chính xác vị trí đường biên giới quốc gia ở thực tế thông qua thông tin phản ánh quan hệ tương quan địa lý giữa biên giới quốc gia tới các đối tượng địa lý [kể cả tự nhiên và nhân tạo] đang hoặc đã tồn tại và xác định được. Độ chính xác này thường thể hiện trong lời văn mô tả của các điều ước quốc tế thỏa thuận về biên giới hoặc hình ảnh đính kèm [mô tả đường biên giới theo trung tuyến dòng chảy, sống núi,...].

Bản đồ là hình ảnh thu nhỏ của một phần hay toàn bộ bề mặt Trái đất lên mặt phẳng theo qui luật toán học nhất định, nội dung của bản đồ phản ánh sự vật, hiện tượng thông qua hệ thống ký hiệu bản đồ. Bản đồ biểu thị biên giới quốc gia, các đối tượng địa lý liên quan tới biên giới quốc gia, giới hạn phạm vi lãnh thổ chủ quyền của một quốc gia. Trong trường hợp này, bản đồ thể hiện các thông tin phản ánh xác định lãnh thổ quốc gia có chủ quyền hay nói cách khác, bản đồ phản ánh thông tin chủ quyền quốc gia. Mặt khác, trên bản đồ còn thể hiện các hoạt động KT-XH, đặc biệt là các hoạt động KT-XH vùng biển đảo. Qua đó, phản ánh có dân cư ổn định, một chính thể xác định và các ghi chú xác nhận và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hoặc các thông tin liên quan tới thụ đắc lãnh thổ. Các nội dung thông tin trên là các thông tin phản ánh chủ quyền quốc gia. Chính vì vậy, các bản đồ thể hiện các đặc điểm cấu thành chủ quyền quốc gia thì sẽ có nội dung thể hiện chủ quyền quốc gia.

Cơ sở xác định nội dung, độ chính xác thể hiện chủ quyền quốc gia trên các xuất bản phẩm bản đồ

Để đánh giá việc thể hiện chủ quyền quốc gia trên các xuất bản phẩm bản đồ, các sản phẩm thể hiện phạm vi đất liền biển đảo của Việt Nam có thể xác định qua các tiêu chí sau: Cơ sở xác định phạm vi lãnh thổ chủ quyền theo luật pháp quốc tế và trong nước; độ chính xác thể hiện giới hạn phạm vi lãnh thổ chủ quyền; mức độ chi tiết thông tin phản ánh giới hạn phạm vi lãnh thổ và các thông tin liên quan tới xác định chủ quyền quốc gia.

Về độ chính xác: Độ chính xác bản đồ được đánh giá cho từng loại đối tượng địa lý. Tương tự như vậy, đường biên giới quốc gia, vùng giới hạn lãnh thổ chủ quyền có thể được biểu thị độc lập hoặc kết hợp cùng các đối tượng địa lý liên quan. Do đó, độ chính xác biểu thị phạm vi lãnh thổ chủ quyền là độ chính xác biểu thị đường biên giới quốc gia, vùng giới hạn lãnh thổ, các đối tượng địa lý liên quan tới biên giới quốc gia và giới hạn lãnh thổ chủ quyền. Độ chính xác được đánh giá cả trên phương diện xác định vị trí và phương diện xác định mối tương quan địa lý của đường biên giới. Độ chính xác vị trí phụ thuộc vào kỹ thuật đo đạc, thành lập bản đồ; độ chính xác thể hiện tương quan địa lý phụ thuộc khả năng biểu thị mối quan hệ địa lý của các đối tượng trên bản đồ và các văn bản pháp lý kèm theo.

Độ chính xác biểu thị phạm vi lãnh thổ trên bản đồ liên quan chặt chẽ với đặc điểm phản ánh thông tin trên bản đồ. Các đặc điểm này ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng nhận thức về chủ quyền quốc gia, độ chính xác thể hiện chủ quyền quốc gia trên bản đồ, cụ thể:

Tính trực quan: Người xem bản đồ cần dễ dàng nhận thức được phạm vi, sự phân bố lãnh thổ, mối quan hệ các sự vật hiện tượng biểu thị trên bản đồ, từ đó phản ánh nội dung chủ quyền quốc gia.

Tính đo được: Các thông tin thu nhận được về phạm vi phân bố lãnh thổ, các đối tượng liên quan tới biên giới quốc gia trên bản đồ có thể thực hiện thông qua nhiều phép đo trực tiếp, gián tiếp, nội suy.

Tính bao quát: Bản đồ có thể biểu thị các sự vật, hiện tượng trên phạm vi toàn Trái đất hoặc khu vực nhỏ lãnh thổ. Tính bao quát cho phép người đọc nhận thức nhanh phạm vi lãnh thổ đang biểu thị. Tính bao quát bổ sung cho tính trực quan.

Tính chọn lọc: Bản đồ không thể biểu thị tất cả các sự vật hiện tượng trên Trái đất. Trong quá trình biểu thị phải chọn lọc các đối tượng đặc trưng, các đối tượng cũng chọn lọc các đặc điểm đặc trưng để biểu thị. Việc chọn lọc phụ thuộc vào tỉ lệ, loại bản đồ và khả năng phân biệt có giới hạn của mắt người khi đọc bản đồ.

Tính liên tục: Tính chất này đảm bảo các đối tượng được biểu thị liên tục trong phạm vi không gian biểu thị của bản đồ, đồng nghĩa với không có phần lãnh thổ nào bị bỏ trống gián đoạn.

Tính đồng dạng: Đặc tính này đảm bảo sự tương ứng về hình dạng lãnh thổ, đối tượng địa lý trên bản đồ và thực tế. Tính chất này quyết định bởi cơ sở toán học và độ chính xác của bản đồ.

Tính đơn trị: Đặc tính này phản ánh mỗi đối tượng trên thực tế đều được biểu thị duy nhất trên bản đồ và ngược lại.

Tính thông tin: Các nhận thức từ bản đồ không chỉ là những thông tin trực tiếp mà còn cả thông tin thông qua đánh giá, phân tích, chiết xuất, liên tưởng phản ánh phạm vi phân bố lãnh thổ chủ quyền trên bản đồ.

Từ các đặc điểm phản ánh thông tin trên bản đồ đối với việc thể hiện chủ quyền quốc gia cần đặc biệt chú ý xây dựng các qui định về việc thể hiện các điểm đặc trưng biên giới quốc gia, phạm vi phân bố lãnh thổ chủ quyền trên bản đồ vị trí: Dễ nhận biết trên đường biên giới quốc gia, đường biên giới quốc gia đổi hướng; vị trí bắt đầu, kết thúc tuyến biên giới quốc gia; đặc trưng của địa hình; vị trí giao cắt của đường biên giới quốc gia với các đối tượng địa lý cơ sở; vị trí xa nhất liên quan tới phạm vi lãnh thổ chủ quyền trên đất liền, biển đảo về các hướng; các đối tượng địa lý cơ sở dễ nhận biết để xác định các đường ranh giới trên biển bao gồm các đảo có điểm cơ sở lãnh hải, các đảo trong các điều ước quốc tế Việt Nam ký kết với quốc gia khác về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa,… Các đối tượng liên quan tới thụ đắc lãnh thổ, các đối tượng phản ánh việc nhận thức phạm vi lãnh thổ chủ quyền.

Chủ Đề