Có nên mặc cả

(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)

Nhớ thời sinh viên, ký túc xá của trường tôi gần một khu chợ đêm. Khu chợ này hoạt động mỗi buổi tối, nhộn nhịp với các hàng quán thức ăn, đồ uống và các quầy bán giày dép, quần áo cho sinh viên.

Có lần, tôi hí hửng vì mua được một đôi dép giá 120 ngàn đồng, tưởng đây là giá hời vì tôi tập tành trả giá từ 150 nghìn.Nhưng mấy hôm sau, thằng bạn cùng phòngmua đôi dép y changnhưng giá chỉ 100 nghìn đồng trong sự ngỡ ngang của tôi. Tôi "điều tra" thì do nó biết cách trả giá hơn, nên cô bán hàng giảm mạnh tay hơn của tôi. Điều lạ là, khi bán cho tôi lẫn cho thằng bạn, cô đều không quên câu chốt hạ: "Cô thấy con sinh viên nên bán giá gốc cho tụi con xài, chứ bán không có lời gì hết trơn".

Khi còn nhỏ, do nhà gần chợ nên tôi có dịp chứng kiến chuyện các bà nội trợ trả giá với nhau từng đồng. Tôi rất sợ mỗi lần được mẹ nhờ đi mua thịt, cá, rau... các cô bán hàng ở chợ thường có thần thái rất "dữ dằn". Nếu ai lơ tơ mơ, các cô nói thách rồi "chém" ngọt xớt. Vì thế, những gian hàng thực phẩm này lâu lâu lại có cãi cọ, do cuộc mặc cả bất thành, khách thì trề môi bỏ đi, người bán thì lườm nguýt rồi lấy giấy ra đốt phong long.

>> 'Nhiều người Việt muốn ăn rau sạch nhưng đi chợ mặc cả từng đồng'

Phải công nhận một điều, mặc cả dính chặt vào đời sống hàng ngày, trở thành một thói quen cố hữu của nhiều người. Bên đi mua thì luôn nghĩ rằng: Món đồ này làm gì có giá như thế, chắc là lại kêu giá thách rồi, thôi chịu khó mặc cả một chút, giảm đồng nào hay đồng nấy, nếu không được thì qua hàng khác mua. Bên bán thì nghĩ rằng: Kiểu gì nó chẳng trả giá, thôi thì mình kê thêm chút đỉnh, lát nữa giảm xuống là vừa, trăm người bán vạn người mua mà sợ gì. Nói thách sinh ra trả giá hay trả giá sinh ra nói thách cũng như câu chuyện con gà hay quả trứng. Nhưng nó xuất phát từ điểm cốt lõi là do người bán và người mua không tin tưởng lẫn nhau.

Mặc cả cũng làm nhiều người tính già hoá non. Khi nghe người bán nói giá, họ chỉ biết kêu giá cao rồi đòi giảm giá, chứ không hề xem xét mẫu mã, thương hiệu, chất lượng hàng như thế nào. Có khi người bán đưa hàng loại hai, loại ba nhưng kêu giá loại một cho người mua trả xuống là vừa.

Tôi mua đồ chưa bao giờ trả giá. Nếu cảm thấy bị hớ, tôi sẽ không bao giờ mua ở tiệm đó nữa. Nếu ai cũng như tôi, những hàng quán có thói quen hét giá trên trời sẽ đột nhiên vắng khách, họ sẽ tự điều chỉnh lại cách buôn bán của mình, môi trường buôn bán kinh doanh sẽ trở nên lành mạnh hơn.

Đang tải...

  • {{title}}

>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.

Thanh Lãng