Công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ là gì

Thỏa thuận công nhận lẫn nhau – một giải pháp tự do hóa thương mại dịch vụ trong cộng đồng kinh tế ASEAN

Trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC), thương mại dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác nhằm tăng cường phát triển kinh tế, trao đổi văn hóa. Bên cạnh khung pháp lý về dịch chuyển thể nhân, miễn visa, việc công nhận bằng cấp, chứng chỉ lẫn nhau là một công cụ hướng đến tự do hóa thương mại dịch vụ trong AEC nhằm hướng đến người lao động có trình độ (skilled)

Công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ là gì

Xem thêm:

TỪ KHÓA: Hiệp định thương mại tự do, Pháp luật thương mại Asean,

1. Tổng quan về thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA)

1.1. Khái niệm và vai trò của thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA)

Một yếu tố quan trọng của tự do hóa các dịch vụ chuyên nghiệp là khả năng một thể nhân đủ tiêu chuẩn từ một quốc gia này (nước đi) đến hành nghề tại một quốc gia khác (nước đến). Khả năng hành nghề ở các nước khác nhau có thể đạt được bằng một số biện pháp, bao gồm sự công nhận song phương chứng chỉ và kinh nghiệm, sự hài hòa hóa chứng chỉ và thừa nhận chung bằng cấp, chứng chỉ và kinh nghiệm. Về lý luận, những thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau là các điều ước quốc tế. Theo đó, các nước, các cơ quan tiêu chuẩn hoặc các tổ chức nghề nghiệp (các cơ quan có thẩm quyền) thừa nhận sự tương đồng về tiêu chuẩn kỹ thuật của một nước khác (hoặc các thủ tục đánh giá sự phù hợp), các biện pháp kiểm dịch động thực vật hoặc, trong trường hợp của thể nhân, chứng chỉ học thuật hoặc nghề nghiệp của họ như Hiệp định Thừa nhận chung về dịch vụ kỹ thuật, kiến trúc hoặc kế toán của ASEAN. Vì thế, các MRA là những công cụ thúc đẩy tự do hóa thương mại được đàm phán và ký kết – thường là trong việc hỗ trợ những cam kết tiếp cận thị trường – làm giảm thiểu chi phí và thời gian cần thiết để có được sự chứng nhận đối với trình độ chuyên môn. Trong bối cảnh xu hướng hiện nay khi các rào cản đối với mở cửa thị trường đã có sự thay đổi từ các biện pháp biên giới (như thuế quan và hạn ngạch) cho đến các chính sách nội địa (cụ thể là quy định nội địa), sự thừa nhận lẫn nhau ngày càng được xem là một công cụ hiệu quả hỗ trợ cho tự do hóa thương mại khi mà sự hài hòa hoặc tương đồng pháp luật không đạt được.

Như vậy, vai trò của các MRA là đưa ra một biện pháp nhằm giảm chi phí thâm nhập vào trong thị trường dịch vụ nước ngoài bằng cách giúp các nhà cung cấp dịch vụ thoát khỏi gánh nặng của việc sát hạch lại ở thị trường mục tiêu (thông qua việc đáp ứng được các yêu cầu đào tạo bổ sung) cũng như là tạo thuận lợi cho các biện pháp mà trong đó họ có thể đưa ra các bằng chứng xác nhận rằng họ đã hoàn thành các điều kiện và cấp phép về trình độ chuyên môn trong thị trường của nước mục tiêu. MRA do đó là một cách để cắt giảm chi phí giao dịch và đưa ra một biện pháp gián tiếp cần thiết để vận hành các cam kết mở cửa thị trường, vốn thường xuyên được lập ra trong bối cảnh của đề xuất về một sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn hoặc hướng tới sự tự do hóa thương mại mạnh mẽ hơn.

1.2. Cấu trúc của thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA)

Nhằm cung cấp một hướng dẫn cho các thành viên trong việc thiết lập một MRA cụ thể trong lĩnh vực dịch vụ, ngày 29/5/1997, Hội đồng Thương mại dịch vụ WTO đã ban hành Sách hướng dẫn  (có đính kèm MRA mẫu về dịch vụ kế toán).[1] Sách hướng dẫn mẫu này chỉ có giá trị khuyến nghị, không phải là một phụ lục để giải thích các điều khoản của Hiệp định GATS. Do đó, nó đương nhiên không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ của các thành viên WTO.[2]

Sách hướng dẫn này bao gồm 2 phần: phần A “Tiến hành đàm phán và các nghĩa vụ có liên quan theo GATS” và phần B “Hình thức và nội dung của thỏa thuận”. Nếu phần A chỉ liên quan đến thủ tục thông báo và kiểm tra sự tương thích với các điều kiện quy định tại Đ.VII GATS thì phần B là phần quan trọng nhất, đưa ra các nội dung phải có trong một MRA.[3]

2. Khung pháp lý của cơ chế thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

2.1. Cơ sở pháp lý của cơ chế thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ (ASEAN Framework Agreement on Services)[4] (Hiệp định AFAS) là tiền đề pháp lý cho sự phát triển của các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) trong khu vực ASEAN. Từ cơ sở đó, các thành viên ASEAN tiến hành đàm phán và xây dựng các MRA trong từng lĩnh vực dịch vụ cụ thể.

Ngoài ra, về mặt chính sách, việc thúc đẩy các MRA cũng được ghi nhận tại các phiên bản AEC Blueprint.[5] Cụ thể, trong bản AEC Blueprint 2007, được quy định tại phần A2 mang tên “tự do dòng chảy dịch vụ” (free flow of services) và tiếp tục được khẳng định chi tiết tại phần A.5 AEC Blueprint 2025 mang tên “tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động lành nghề và khách thương gia”. Trong trường hợp cần thiết, ASEAN sẽ xem xét các sửa đổi theo hướng hoàn thiện đối với các MRA hiện hành và xem xét xây dựng các MRA mới.

Tóm lại, các thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRA) giữa các nước thành viên ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp… là một công cụ quan trọng góp phần giúp tự do lưu chuyển các dịch vụ chuyên nghiệp trong ASEAN. MRA cho phép chứng chỉ của các nhà cung cấp dịch vụ được cấp bởi cơ quan chức năng tương ứng tại quốc gia của mình được thừa nhận bởi các thành viên khác trong khu vực. Cho đến nay, các nước ASEAN đã ký thoả thuận công nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn, kỹ năng các ngành dịch vụ kỹ thuật, y khoa, kiến trúc, kế toán và du lịch, cụ thể như sau: (1) thỏa thuận ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ kỹ thuật, Kuala Lumpur, Malaysia, 09/12/2005; (2) thỏa thuận ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ điều dưỡng, Cebu, Philippines, 08/12/2006; (3) thỏa thuận khung ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với Dịch vụ Kiểm định, Singapore, 19/11/2007; (4) thỏa thuận ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ Kiến trúc, Singapore, 19/11/2007; (5) thỏa thuận ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ nha khoa, Cha-am, Thái Lan, 26/02/2009; (6) thỏa thuận ASEAN về Công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ y khoa, Cha-am, Thái Lan, 26/02/2009; (7) thỏa thuận khung ASEAN về Công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ kế toán, Cha-am,Thái Lan, 26/02/2009; (8) thỏa thuận ASEAN về công nhận lẫn nhau đối với nghề du lịch, Bangkok, Thái Lan, 09/11/2012.[6]

2.2. Đặc trưng của cơ chế thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

Với các nét khái quát và vai trò của MRA trong việc thúc đẩy tự do hóa di chuyển thể nhân cung ứng dịch vụ đã được trình bày ở phần trên, MRA có các đặc trưng những điểm tích cực sau:

– Có cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền của nước chủ nhà và nước của thể nhân cung cấp dịch vụ, được giám sát và bảo đảm bởi một cơ quan khu vực.

Một trong những nhân tố quyết định thành công trong việc triển khai các MRA chính là việc thành lập (hoặc chỉ định) các cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm tại các nước ký kết và chịu sự giám sát bởi một cơ quan khu vực. Ví dụ đối với MRA về dịch vụ kiến trúc, 3 cơ quan đóng vai trò quan trọng là Cơ quan Quản lý nghề nghiệp (Professional Regulatory Authority), Ủy ban giám sát (Monitoring Committee) và Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN (ASEAN Architect Council). Các cơ quan này có chức năng nhiệm vụ được quy định cụ thể tại Điều 4 MRA nêu trên, có thể tóm tắt như sau: Cơ quan Quản lý nghề nghiệp phụ trách xem xét các hồ sơ và cho phép các ứng viên đã được công nhận là kiến trúc sư ASEAN (bởi AAC) được hành nghề tại nước mình với tư cách độc lập hoặc hợp tác với các kiến trúc sư trong nước, Ủy ban giám sát phụ trách phát triển, tiến hành và duy trì Hệ thống đăng ký quốc gia kiến trúc sư ASEAN của nước xuất xứ, Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN có thẩm quyền trao hoặc tước bỏ chức danh kiến trúc sư ASEAN của một ứng viên cụ thể có nguyện vọng làm việc ở nước ngoài, thực hiện các biện pháp cần thiết để thúc đẩy việc các thành viên ASEAN cho phép Kiến trúc sư ASEAN hành nghề tại nước mình…

– Thống nhất các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghề nghiệp cụ thể.

Mục tiêu của việc ký kết các MRA là nhằm thiết lập cơ chế để công nhận trình độ, bằng cấp, chứng chỉ… của người lao động từ các nước ký kết. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc dịch chuyển lao động chính là sự khác biệt lớn giữa các quốc gia liên quan đến hệ thống giáo dục, đào tạo, rèn luyện kỹ năng, thực hành nghề nghiệp… Do đó, việc quy định các tiêu chuẩn thống nhất trong một liên kết kinh tế khu vực hướng đến một thị trường chung là cực kỳ cần thiết. Cụ thể, trong khu vực ASEAN, các MRA về dịch vụ kiến trúc, kỹ thuật cũng như du lịch đã có bước tiến rất lớn khi quy định các điều kiện của một Kiến trúc sư ASEAN (ASEAN Architect), một kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN (ASEAN Chartered Professional Engineer) hay một Bếp trưởng ASEAN…[7]

– Có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên có liên quan.

Đa số các MRA đều có ít nhất một điều khoản quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các thành viên. Ví dụ, Điều 7 MRA về dịch vụ kỹ thuật, Điều 7 MRA về dịch vụ kiến trúc, Điều 6 MRA về Dịch vụ điều dưỡng… Trong khu vực ASEAN, nhìn chung, các cơ chế này đều dẫn chiếu đến và nhắc lại tầm quan trọng của Nghị định thư 2004 về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN, tức là cơ chế giải quyết tranh chấp “khép kín”, giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Một trường hợp ngoại lệ và đặc biệt nhất là MRA về dịch vụ điều dưỡng quy định khá cụ thể về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa thể nhân và Cơ quan Quản lý điều dưỡng của nước tiếp nhận.[8] Theo đó, một y tá (điều dưỡng) nước ngoài có thể bắt đầu thủ tục giải quyết tranh chấp bằng cách gửi khiếu nại trực tiếp lên cơ quan phụ trách MRA của quốc gia mà họ đang hành nghề (theo thỏa thuận này gọi tắt là NRA – Nursing Regulatory Authority). Nếu người này không đồng ý với giải thích và cách giải quyết của NRA đó, họ có thể liên lạc với NRA của quốc gia xuất xứ để hai cơ quan tiến hành tham vấn giải quyết tranh chấp. Nếu tham vấn không thành, bất kỳ NRA nào của hai bên tranh chấp có thể gửi đơn đến Ủy ban Phối hợp ASEAN về điều dưỡng để tìm kiếm giải pháp thỏa thuận. Quy trình giải quyết tranh chấp theo Thỏa thuận MRA về dịch vụ điều dưỡng kết thúc bằng một thủ tục giải quyết tranh chấp theo Cơ chế của ASEAN – theo Nghị định thư 2004 về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp giữa quốc gia xuất xứ (Country of Origin) và quốc gia nơi người cung cấp dịch vụ hành nghề.

Khi so sánh sơ bộ 8 MRAs đã ký trong khu vực ASEAN, chúng tôi nhận thấy mức độ cụ thể và chi tiết nhất thuộc về MRA được ký kết gần đây nhất – MRA về nghề du lịch. Trên tinh thần hướng đến một Khu vực Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Region) và được khẳng định một lần nữa trong Hiệp định Du lịch ASEAN (ASEAN Tourism Agreement, gọi tắt là “ATA”), các rào cản đối với thương mại trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ lữ hành giữa các thành viên ASEAN phải được cắt giảm một cách đáng kể. Có nhiều biện pháp để đạt được các mục tiêu quy định tại Điều 1 Hiệp định ATA như mở rộng các thỏa thuận miễn thị thực cho công dân các nước thành viên du lịch trong nội bộ khu vực trên cơ sở các thỏa thuận miễn thị thực song phương giữa các thành viên sẵn sàng, hài hòa hóa các thủ tục cấp thị thực cho khách du lịch quốc tế, hợp tác nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận bầu trời giữa các nước thành viên thông qua tăng cường tự do hóa dịch vụ hàng không, tiếp tục đàm phán về mở cửa tiếp cận thị trường dịch vụ du lịch trong khuôn khổ AFAS. Sự phát triển nguồn nhân lực được thực hiện thông qua nhiều biện pháp thực thi cụ thể, trong đó thành công nhất là triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN được ký kết năm 2012.

2.3. Hạn chế của cơ chế Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

Bên cạnh những thành tựu, cơ chế MRA trong ASEAN vẫn không phải là giải pháp hoàn hảo cho vấn đề di chuyển thể nhân cung cấp dịch vụ. Trên thực tế, cơ chế này vẫn tồn tại những hạn chế:

– Phạm vi hạn chế của MRA về dịch vụ trong AEC

Hiện nay các MRA này chỉ công nhận trình độ, kỹ năng và tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển các lao động lành nghề (skilled labour) trong một số ngành nghề (8 ngành nghề đã nêu trên) chứ không dành cho tất cả các đối tượng trong độ tuổi lao động, bao gồm các lao động phổ thông. Theo một số nghiên cứu, hiện nay 87% người di cư trong nội khối ASEAN là lao động phổ thông, sự dịch chuyển lao động lành nghề còn rất hạn chế. Trên thực tế, cầu lao động phổ thông tại các nước phát triển trong ASEAN (ASEAN-6) rất cao, chủ yếu trong các lĩnh vực như giúp việc nhà ở Malaysia và Singapore (với nguồn cung từ Philippines và Indonesia), lao động nông nghiệp ở Malaysia (từ Indonesia), xây dựng ở Malaysia và Singapore (từ các nước Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam (các nước CLMV) và chế biến thực phẩm ở Thái Lan (từ các nước CLMV ).[9] Trước thực trạng đó, sự hợp tác giữa các nước xuất khẩu và tiếp nhận lao động nêu trên về các vấn đề như tạo điều kiện lao động hợp pháp, bảo vệ người lao động, chống buôn người… là cực kỳ quan trọng. Rõ ràng trong trường hợp này, các MRA không có vai trò gì đáng kể.

– Các rào cản “bên trong” cơ chế MRA về dịch vụ trong ASEAN

Mặc dù việc triển khai các cơ chế MRA trong một số lĩnh vực dịch vụ như kiến trúc và kỹ thuật đã có những bước tiến đáng kể[10] bằng việc ban hành một hệ thống (network) đăng ký nghề nghiệp khu vực ASEAN. Tuy nhiên, một rào cản rất lớn tồn tại trong các MRA chính là quy định ứng cử viên phải đáp ứng các điều kiện theo pháp luật của nước sở tại để có thể đăng ký hoặc được cấp giấy phép lao động. Điển hình, theo cơ chế MRA về dịch vụ kiến trúc, một kiến trúc sư ASEAN (một ứng viên đã nộp đơn và được Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN công nhận) muốn thực sự làm việc hợp pháp ở nước ngoài phải hoàn thành thủ tục đăng ký hành nghề tại nước tiếp nhận với tư cách “Kiến trúc sư nước ngoài đã đăng ký” (RFA). Do đó, chính việc đăng ký này mới là thủ tục đóng vai trò quan trọng nhất.

Một số rào cản hoàn toàn có thể được áp dụng trong giai đoạn này, ví dụ các yêu cầu về quốc tịch, ngôn ngữ: một y tá Philippines muốn được hành nghề tại Thái Lan phải trải qua kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia và kỳ thi đó được thực hiện bằng tiếng Thái. Trường hợp đối với kiến trúc sư nước ngoài (bao gồm cả kiến trúc sư ASEAN), Cục Quản lý kiến trúc sư Campuchia cho áp dụng bài kiểm tra đầu vào nhưng cách bài kiểm tra và những môn cơ bản của bài kiểm tra là không rõ ràng. Indonesia lại yêu cầu ứng viên phải chuẩn bị bài luận liên quan đến các dự án của mình và cũng có thể được người đánh giá phỏng vấn. Trong tương lai gần, một loại kiểm tra đánh giá mới sẽ được Indonesia áp dụng. Trong một số hoạt động cụ thể trong lĩnh vực kỹ thuật hay Kiến trúc, kiến trúc sư nước ngoài được yêu cầu phải hành nghề kết hợp với các thể nhân địa phương chứ không được hành nghề độc lập (independent practice). Cả Việt Nam và Myanmar đều quy định: “Kiến trúc sư nước ngoài đã đăng ký hành nghề tại Việt Nam không được hành nghề độc lập khi chứng nhận các công việc (sản phẩm) kiến trúc mà luật trong nước có quy định thẩm quyền chứng nhận thuộc về Kiến trúc sư trong nước”.

Như vậy, khi so sánh giữa một kiến trúc sư bình thường và một kiến trúc sư ASEAN khi muốn cung cấp dịch vụ kiến trúc tại các quốc gia khác, thì những lợi thế mà kiến trúc sư ASEAN có được không quá nhiều và quá nổi bật. Những rào cản về mặt thủ tục hành chính này rõ ràng có thể làm giảm sút động cơ của các lao động tri thức trong việc tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Từ đó, gây vô hiệu hóa trên thực tế vai trò của cơ chế MRA.

– Mức độ hạn chế của tự do dịch chuyển thể nhân trong AEC

Mặc dù được kỳ vọng nhiều nhưng rõ ràng chính sách của AEC cho đến nay không đảm bảo tự do dịch chuyển hoàn toàn đối với các lao động lành nghề mà chỉ hướng đến tạo thuận lợi cho quy trình này. Hiệp định MNP (viết rõ) mặc dù đã được các quốc gia ASEAN ký kết nhưng mức độ cam kết trong các Biểu của từng quốc gia là khác nhau và nhìn chung là không sâu. Trong khi đó, trong khuôn khổ EU, các công dân châu Âu, ở bất cứ trình độ nào, đã có thể tự do di chuyển, cư trú và tìm kiếm việc làm tại bất cứ quốc gia thành viên nào.[11] Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự thận trọng của AEC nói riêng và ASEAN nói chung, trong đó sự khác biệt quá lớn liên quan đến nền tảng văn hóa, chính trị, tôn giáo, trình độ phát triển, năng suất lao động… giữa các thành viên trong khu vực dẫn đến thực trạng xã hội khó chấp nhận các lao động người nước ngoài, nhất là lao động có trình độ cao. Ngoài ra, một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức hoạt động của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên.[12] Trên thực tế, ASEAN không hướng đến mức độ liên kết cao như EU, do đó các MRA trong ASEAN chưa thể tiến xa đến mức thống nhất các tiêu chuẩn, thủ tục và thay thế hoàn toàn các quy định pháp luật trong nước tiếp nhận lao động.

– Các rào cản bên ngoài khác

Để thực sự các thỏa thuận MRA được thực thi trên thực tế, chính những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của nó (các lao động có trình độ cao) là chủ thể đóng vai trò quyết định. Với tư cách là những người trực tiếp sử dụng cơ chế này, họ cần có được đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định của mình. Hiện nay, việc tiếp cận thông tin về các MRA tại các quốc gia thành viên ASEAN còn chưa được đảm bảo. Cần lưu ý việc thông tin về MRA không nên chỉ hạn chế ở đối tượng là các hiệp hội ngành nghề có liên quan mà còn phải phổ biến cho những đối tượng tiềm năng như học sinh, sinh viên tại các trường đại học trong Cộng đồng để họ sớm có định hướng nghề nghiệp sau này và có ý thức về những giá trị chung. Những nội dung cần tư vấn không chỉ gói gọn ở cơ chế MRA, những điều kiện cần phải đáp ứng, các cơ quan có thẩm quyền… mà cần phải thông tin đầy đủ, thậm chí tư vấn về những vấn đề như pháp luật về lao động, các chính sách an sinh xã hội, điều kiện ngoại ngữ và những thông tin về văn hóa, tập quán, phong tục… của các quốc gia tiếp nhận dịch vụ. Đó thực sự là biện pháp tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy việc sử dụng cơ chế MRA cho các thể nhân trong AEC.

Tất cả những phân tích trên cho thấy việc công nhận theo MRA không phải là tự động,[13] ngay cả đối với các lĩnh vực dịch vụ đã có MRA và ngay cả khi ứng viên đã có quy chế nghề nghiệp ASEAN (như đã phân tích ở trên). Do đó, vai trò của các MRA không nên được xem là tuyệt đối. Trong thời gian tới, nếu việc thừa nhận lẫn nhau này có thể hướng đến việc chấp nhận một cách tự động khả năng cung cấp dịch vụ của các kiến trúc sư chỉ thông qua MRAs thì cơ chế này sẽ có hiệu quả thực tế hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này, thì cần có một sự tương đồng đáng kể trong hệ thống cung cấp chứng chỉ hành nghề tại các nước ASEAN. Vì vậy, con đường hoàn thiện MRA để trở thành một công cụ thực sự hiệu quả cho tự do hóa thương mại vẫn là công việc của tương lai.

CHÚ THÍCH

[1] Guidelines for Mutual Recognition Agreements on Arrangements in the Accountancy Sector. Số hiệu văn bản: S/L/38 28 May 1997

[2] Phần Mở đầu (Introduction) của văn bản trên.

[3] Các nội dung phải có trong MRA bao gồm: 1) Các bên tham gia, 2) Mục tiêu của thỏa thuận, 3) Phạm vi của thỏa thuận, 4) Các điều khoản công nhận lẫn nhau, 5) Cơ chế thực thi, 6) Cấp chứng chỉ và các quy định khác của nước chủ nhà, 7) Xem xét lại thỏa thuận. Trong các mục này, chúng tôi cho rằng mục 4 đóng vai trò quan trọng nhất về mặt nội dung, chiếu theo mục đích của một MRA. Theo Sách hướng dẫn, một MRA phải quy định rõ các điều kiện cho việc công nhận trên lãnh thổ của mỗi thành viên và mức độ tương đương được chấp nhận giữa các bên. Trên tinh thần đó, nếu một MRA nhằm mục đích công nhận trình độ thì phải quy định rõ: (i) trình độ đào tạo tối thiểu (các điều kiện đầu vào, thời gian học, các môn học); (ii) mức độ kinh nghiệm tối thiểu (địa điểm, thời gian và điều kiện hướng dẫn thực hành nghề nghiệp trước khi cấp chứng chỉ, khung tiêu chuẩn đạo đức và quy tắc hành nghề); (iii) các kỳ thi phải hoàn thành (các kỳ thi liên quan đến kỹ năng hành nghề); (iv) những cách thức, điều kiện theo đó trình độ của người lao động được đào tạo tại nước xuất xứ được công nhận tại nước tiếp nhận (nước chủ nhà); (v) liệt kê các bằng cấp cụ thể hoặc chứng chỉ được cấp bởi một số tổ thức cụ thể, hoặc liệt kê những điều kiện tối thiểu để được cấp chứng chỉ bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ, bao gồm việc ấn định rõ một số trình độ được cho phép đối với một số hoạt động nghề nghiệp cụ thể. Ngoài ra, trong một số trường hợp nước chủ nhà (nước tiếp nhận lao động) thấy cần thiết phải quy định một số điều kiện bổ sung nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ được cung cấp tại nước của họ, MRA giữa 2 nước phải quy định chi tiết những điều kiện này là gì?. Ví dụ, các kỳ thi, trắc nghiệm thái độ, thực hành nghề nghiệp bổ sung tại nước chủ nhà hoặc nước xuất xứ, hướng dẫn thực hành và thậm chí là ngôn ngữ sử dụng cho các bài thi.

[4] Tham khảo tại website: http://www.asean.org/communities/asean-economic-community/item/asean-framework-agreement-on-services.

[5]  Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC Blueprint) là một văn bản được thông qua tại các Hội nghị cấp cao ASEAN nhằm vạch ra các mục tiêu và hoạt động cụ thể nhằm hướng đến việc xây dựng bốn trụ cột của AEC bao gồm: (1) thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; (2) một khu vực kinh tế cạnh tranh; (3) một khu vực phát triển đồng đều; (4) hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Các hoạt động liên quan đến người lao động mà AEC được định hướng triển khai bao gồm: (1) tạo thuận lợi cho việc di chuyển thông qua cấp visa hoặc giấy thông hành cho khách thương gia hoặc người lao động có trình độ; (2) công nhận bằng cấp chứng chỉ; (3) thực thi và phát triển các MRA mới; (4) phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ; (5) các kỹ năng và bằng cấp chứng chỉ cốt lõi cho các dịch vụ ưu tiên; (6) tăng cường các năng lực về chương trình thị trường lao động.

[6] Nội dung của các thỏa thuận này thông thường bao gồm định nghĩa liên quan đến lĩnh vực dịch vụ nằm trong phạm vi áp dụng của Cơ chế Công nhận lẫn nhau, quy định nghĩa vụ bắt buộc chỉ định cơ quan phụ trách MRA của các quốc gia thành viên ASEAN, ban hành Cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực thi MRA. Về mặt thuật ngữ, các MRA mang tên “Thỏa thuận Khung” (đối với dịch vụ Kế toán, Kiểm toán và Kiểm định) chỉ đưa ra các nguyên tắc định hướng cho các đàm phán song phương hoặc đa phương sau này giữa các thành viên ASEAN nhằm mục đích cụ thể hóa hơn nữa các tiêu chuẩn công nhận trình độ nghề nghiệp. Ngược lại, một số MRA quy định trực tiếp tiêu chuẩn thống nhất về trình độ của thể nhân cung cấp dịch vụ tương ứng bằng cách đưa vào các khái niệm mới về quy chế thể nhân ASEAN (với các hệ thống đăng ký toàn ASEAN), ví dụ: Kiến trúc sư ASEAN, Kỹ sư chuyên nghiệp theo điều lệ ASEAN, các chức danh nghề du lịch ASEAN… Các quy chế này thực sự mở ra một viễn cảnh tự do hành nghề trong khu vực ASEAN bằng cách sắp xếp hợp lý và thống nhất một cửa quy trình chứng nhận, hướng đến dỡ bỏ các rào cản để thiết lập một thị trường chung và cơ sở sản xuất chung với sức cạnh tranh cao.

[7] Ví dụ, theo quy định tại MRA của ASEAN về dịch vụ kiến trúc, một sinh viên ngành Kiến trúc sau khi hoàn thành chương trình học ít nhất 5 năm tại một đại học có uy tín/ được công nhận tại một nước thành viên ASEAN, đã đăng ký hoặc được cấp chứng chỉ hành nghề bởi Cơ quan Quản lý nghề nghiệp (PRA) của nước xuất xứ, đã có kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp ít nhất 10 năm liên tục sau khi tốt nghiệp, được cấp chứng nhận bởi Cơ quan Quản lý nghề nghiệp của nước xuất xứ về việc không có các vi phạm nghiêm trọng liên quan đến kỹ thuật, tiêu chuẩn đạo đức hành nghề trong phạm vi địa phương cũng như quốc tế… thì đáp ứng đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký cho Hội đồng kiến trúc sư ASEAN (AAC) để được công nhận là kiến trúc sư ASEAN. Tuy nhiên, để chính thức được làm việc với chuyên ngành Kiến trúc tại nước tiếp nhận lao động, ứng cử viên còn phải đáp ứng các điều kiện theo pháp luật của nước sở tại để có thể đăng ký (và đương nhiên phải đóng một khoản phí không cao hơn phí mà Kiến trúc sư nội địa phải trả – theo nguyên tắc NT) tại Cơ quan PRA của nước đó với tư cách “Kiến trúc sư nước ngoài đã đăng ký” (Registered Foreign Architect).

[8] Điều  VI “Giải quyết tranh chấp” của MRA ASEAN 2006 về Dịch vụ Điều dưỡng.

[9] Flavia Jurje, Sandra Lavenex, “ASEAN Economic Community: what model for labour mobility?”, Working paper no 2015/02, NCCR Trade Regulation.

[10] Yoshifumi Fukunaga, “Assessing the Progress of ASEAN MRAs on Professional Services”, Economic Research Institute for ASEAN and East Asia, 3/2015.

[11] Guntur Sugiyarto and Dovelyn Rannveig Agunias,  A “Freer” Flow of Skilled Labour within ASEAN: Aspirations, Opportunities and Challenges in 2015 and Beyond, 12/2014.

[12] Điều 2.(e) Hiến chương ASEAN.

[13] Panthip Pruksacholavit, “Advancing the right to Freedom Movement in the AEC Framework – What the AEC can learn from the EU”, The Indonesian Journal of International and Comparative Law, số 4, 2014.