Công tác điều dưỡng là gì

Ngày nay, ngành Điều dưỡng đã và đang trở thành một ngành độc lập, cùng song hành và phát triển với các ngành khác trong khối ngành khoa học sức khoẻ. Nhân lực điều dưỡng, hộ sinh chiếm số lượng lớn trong hệ thống y tế Việt Nam, dịch vụ do điều dưỡng, hộ sinh cung cấp được đánh giá là một trong bốn trụ cột của hệ thống y tế (WHO). Trước đây, công tác điều dưỡng được xem như là một thành phần phụ thuộc vào công tác điều trị, nhưng hiện nay, người điều dưỡng đã được trao quyền để thực hiện công việc chăm sóc người bệnh một cách chủ động và chuyên nghiệp.

Trong năm 2018, tiếp tục thực hiện các nội dung chăm sóc người bệnh theo qui định tại Thông tư số 07/2011/TT - BYT của Bộ Y tế Hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện và Kế hoạch số 34/KH-SYT ngày 13/01/2014 của Sở Y tế Triển khai Chương trình hành động quốc gia tăng cường công tác điều dưỡng, hộ sinh đến năm 2020. Năm 2018, Sở Y tế đã ban hành văn bản số 147/SYT-NVY Hướng dẫn trọng tâm công tác điều dưỡng năm 2018 tập trung vào các nội dung chính sau: (1) Củng cố, hoàn thiện và tăng cường năng lực quản lý, điều hành của hệ thống quản lý điều dưỡng tại đơn vị; (2) Tăng cường nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ phù hợp, ưu tiên nhân lực điều dưỡng tại các khoa trọng điểm, thực hiện lộ trình cao đẳng hóa nhân lực điều dưỡng, hộ sinh đáp ứng yêu cầu hội nhập ASEAN; (3) Xây dựng và từng bước hoàn thiện các quy trình quản lý và chuyên môn chuẩn về chăm sóc người bệnh theo các quy định của Bộ Y tế phù hợp với đặc thù của từng đơn vị; (4) Thực hiện tốt đổi mới phong cách, thái độ giao tiếp ứng xử, chuẩn nghề nghiệp điều dưỡng viên Việt Nam trong quá trình chăm sóc người bệnh; (5) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực điều dưỡng và áp dụng trong chăm sóc người bệnh nhằm cải tiến thực hành điều dưỡng. Các đơn vị trong Ngành đã nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

1. Hệ thống điều dưỡng đã dần được hoàn thiện đến các Bệnh viện và Trung tâm, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý điều dưỡng có trình độ đại học, cao đẳng và đã được tập huấn, đào tạo, cập nhật chuyên môn về quản lý điều dưỡng chiếm tỷ lệ trên 80%. Phòng điều dưỡng các đơn vị đã xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm rõ ràng, chi tiết, cụ thể, có giám sát, đánh giá định kỳ và đột xuất để đánh giá chất lượng chăm sóc người bệnh đưa ra những giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.

2. Các bệnh viện, trung tâm đã có kế hoạch cho đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Một số khoa trọng điểm như Khoa Hồi sức tích cực, Khoa sản, Khoa khám bệnh đã tổ chức làm ca và xây dựng mô hình phân công chăm sóc phù hợp đảm bảo an toàn cho người bệnh trong quá trình đến khám và điều trị. Đặc biệt, tại Khoa Hồi sức tích cực bệnh viện đa khoa tỉnh, có các nhân viên hỗ trợ chăm sóc đã được đào tạo cơ bản về công tác chăm sóc vệ sinh cá nhân cho người bệnh, đảm bảo người bệnh được sạch sẽ, an toàn, giảm tỷ lệ loét do tì đè vì nằm viện lâu ngày...

3. Các quy trình chuyên môn về điều dưỡng đã được cập nhật, chuẩn hoá theo quyết định số 4068/QĐ-BYT ngày 27/9/2016 của Bộ Y tế. Bộ tài liệu giáo dục sức khoẻ cho người bệnh đã được xây dựng theo danh mục các bệnh phù hợp với từng khoa, người bệnh đã được tư vấn, giáo dục sức khoẻ phù hợp với bản thân trong quá trình nằm viện.

4. Đề án đổi mới phong cách, thái độ giao tiếp ứng xử đã làm đổi mới căn bản về tư duy, vai trò của người bệnh; về phương thức, chất lượng dịch vụ chăm sóc cũng như phong cách của người cán bộ y tế nói chung và người điều dưỡng nói riêng. Người bệnh đã được pháp luật trao quyền trong việc lựa chọn hình thức và cơ sở khám chữa bệnh, đến với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện nay, không chỉ có người bệnh cảm ơn thầy thuốc mà thầy thuốc cần nói lời cảm ơn với người bệnh. Người điều dưỡng, hộ sinh thực hiện đổi mới từ những việc giao tiếp ứng xử, hành chính, tác phong và chuyên môn trên người bệnh.

5. Công tác nghiên cứu khoa học đã đạt được những kết quả nhất định, có những đề tài, sáng kiến của điều dưỡng, hộ sinh đã được áp dụng vào thực tiễn, mang lại những hiệu quả và hiệu suất trong thực hành.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác điều dưỡng năm 2018 còn có những khó khăn và thách thức. Với những sự đổi mới căn bản của Ngành Y tế hiện nay, công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh của tỉnh sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

CN. Dương Thị Thanh Huyền

Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế