Cử quốc ca nghĩa là gì

Sử dụng Quốc ca thế nào cho đúng?

Thứ năm - 31/10/2019 14:33

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Quốc ca là Bài hát chính thức của quốc gia được dùng khi có nghi lễ trọng thể. Tại khoản 3 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca. Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, bài Tiến quân cađã trở thành một khúc ca yêu nước mang hồn thiêng sông núi, là những âm điệu tự hào về lịch sử và truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quy định Quốc ca Việt Nam là bài Tiến quân ca được kế thừa từ Hiến pháp năm 1946 cho đến nay. Để việc sử dụng Quốc ca được thống nhất, ngày 21/7/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 975-TTg quy định Điều lệ về sử dụng Quốc ca, theo đó: Quốc ca có thể hát bằng lời hoặc cử bằng nhạcNếu hát thì khi khai mạc hát đoạn 1, khi bế mạc hát đoạn 2. Văn bản số 975-TTg cũng phổ biến đoạn 1 và đoạn 2 của Quốc ca như sau:

Đoạn 1: Đoàn quân Việt Nam đi,
Chung lòng cứu quốc,
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa,
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca,
Đường vinh quang xây xác quân thù,
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu,
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường,
Tiến lên! Cùng tiến lên!
Nước non Việt Nam ta vững bền.

Đoạn 2:Đoàn quân Việt Nam đi,
Sao vàng phấp phới,
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than,
Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới,
Đứng đều lên gông xích ta đập tan,
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,
Quyết hy sinh, đời ta tươi thắm hơn,
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường,
Tiến lên! Cùng tiến lên!
Nước non Việt Nam ta vững bền.

Ngày 02/10/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, quy định như sau: Quốc ca được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ tại các công sở nhà nước, trường học, các nghi lễ sinh hoạt chính trị của đất nước, các đoàn thể, các lễ hội quốc gia, các sự kiện thể thao cấp Nhà nước và Quốc tế; Quốc thiều [nhạc của bài Tiến quân ca] được sử dụng trong các buổi lễ thượng cờ, lễ đón các nguyên thủ quốc gia, các nghi lễ cấp Nhà nước.

Đảng viên Chi bộ 3 Viện KSND TP Cần Thơ hát Quốc ca
khai mạc Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022.
Trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, trả lời kiến nghị của cử tri về việc hướng dẫn việc hát Quốc ca cả hai lời của bài Tiến quân ca, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện có văn bản số 5788/BVHTTDL-VP ngày 24/12/2018 trả lời với nội dung: Việc hát cả hai lời hay một lời Quốc ca tùy thuộc vào bối cảnh, không gian, thời điểm và nội dung của sự kiện, song vẫn đảm bảo tính thiêng liêng và phù hợp với thông lệ quốc tế đối với các sự kiện ngoại giao, có tính quốc tế. Đồng thời khẳng định văn bản số 975-TTg ngày 21/7/1956 của Thủ tướng Chính phủ vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý.

Như vậy, từ những căn cứ pháp lý đã nêu cho thấy: Việc hát Quốc ca một lời hay cả hai lời của bài Tiến quân ca sẽ do nơi tổ chức buổi Lễ quyết định căn cứ vào bối cảnh và nội dung của sự kiện diễn ra.

Suốt chặng đường phát triển của đất nước, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mỗi khi Quốc kỳ được kéo lên cũng là lúc triệu triệu trái tim yêu nước vang ca nhịp điệu hào hùng Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc trong niềm tự hào dân tộc để tưởng nhớ đến các anh linh đã hy sinh vì tự do, độc lập của nước nhà, để không khuất phục trước những khó khăn, để phấn đấu xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp./.


Tác giả bài viết: Tin, ảnh: Ngô Hải Sơn

Nguồn tin: VKS ND TP Cần Thơ

Video liên quan

Chủ Đề