Đại học không phải la con đường duy nhất

Ba ngày trước, khi hơn 200 trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn thì cũng là lúc thí sinh cảm nhận được đủ các cung bậc cảm xúc. "Ba mẹ ơi con đậu rồi" hay chỉ là một sự im lặng bao trùm cả gia đình. Liệu đại học có phải là con đường duy nhất hay không? Mình sẽ nói lên quan điểm của mình trong bài viết này.

Thành tựu tuổi 18

Đa số các bạn học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường đều chuẩn bị cho mình một tâm thế sẽ tiến vào đại học. Đó sẽ là thành tựu đầu tiên trong cuộc đời của các bạn. Một đích đến mà tất cả học sinh đều phải đua để giành lấy một suất. Khi đã nắm chắc phần thắng trong tay, các bạn nghĩ rằng mình đã mở ra một cánh cửa mới cho tương lai. Trái lại những bạn bị văng khỏi đường đua thì mang tâm lý của một người thua cuộc.

Tuổi 18 có thể là dấu ấn của người này và cũng có thể là nỗi buồn của người khác.

Lợi ích của việc học đại học

Xưa giờ nhiều người vẫn hay nói vui rằng đại học chính là "học đại". Thế nhưng câu nói vui ấy quả thật không sai. Khi lên tới bậc đại học thì khả năng tự lập của các bạn sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Giảng viên đại học không như giáo viên ở cấp trung học, họ không chăm bẩm hay kè kè bắt các bạn phải học. Bạn có thể học hoặc không tùy ở bạn chọn. Điểm số sẽ quyết định bạn ra trường hay kẹt lại và có nguy cơ "cuốn gói" sau năm, sáu năm "nhây" không trả hết nợ môn.

Photo by Romain V / Unsplash

Trên lớp giảng viên cũng chỉ như là một người hướng dẫn về môn học. Họ chỉ nói về những điều cơ bản hay hướng tiếp cận chủ đề. Còn lại việc của bạn là tự học, tự học và tự học. Vì chỉ nắm bắt trên lớp là chưa đủ để các bạn ra đời thực hành. Chưa kể đến việc không phải giảng viên nào cũng có lối truyền đạt dễ hiểu mang lại sự hứng thú trong môn học. Nói đến đây thì các bạn cũng thấy rằng việc ra trường có việc làm hay không do chính bản thân mình quyết định.

Một điều mình phải công nhận rằng việc học ở môi trường đại học cho chúng ta khả năng tư duy khá tốt. Những bài luận, đồ án cuối môn ở đại học đa số là hướng mở khiến việc tìm tòi để giải quyết là một phần không thể thiếu. Một ví dụ cụ thể như bản thân mình học ngành CNTT, một đồ án cuối môn phần mềm. Nếu chỉ dựa vào những kiến thức trên lớp chắc chắn không thể hoàn thành được. Thay vào đó mình phải tìm kiếm thêm trên Google làm thế nào để viết được chức năng A, sửa lỗi chức năng B để nó chạy.

Chính vì những cái mình tìm kiếm, mày mò mà sau này nó thành một kỹ năng quan trọng khi đi làm. Khi ra đời đi làm cũng y hệt như vậy, sếp giao dự án cho làm và bằng mọi giá bạn phải hoàn thành. Nếu khả năng sinh tồn ở đại học của bạn tốt thì khi đi làm bạn sẽ không quá bỡ ngỡ hay lo lắng.

Nếu lỡ xui trượt đại học

Photo by Tony Tran / Unsplash

Những bạn ở trong hoàn cảnh này cũng đừng quá tự ti với bản thân. Người ta có câu: "Thua keo này ta bày keo khác". Bạn có thể chọn con đường khác để đi lên, miễn là đừng bỏ cuộc. Bạn có thể khởi đầu bằng một trường trung cấp nghề, hoàn toàn hợp lý.

NHƯNG

Trên đời này cái gì cũng có cái giá của nó. Bạn cần chấp nhận rằng con đường bạn đi sẽ dài hơn những bạn học đại học. Bởi vì sao?

Như mình có giải thích phía trên việc học đại học cho bạn một tư duy tốt. Mình đã từng có thời gian giảng dạy tại bậc trung cấp. Tại đây trưởng khoa và bên phòng đào tạo cũng lưu ý rõ về lượng kiến thức đẩy vào cho sinh viên. Bậc trung cấp yêu cầu sinh viên thực hành nhiều. Các giảng viên cần phải nói ít lý thuyết thôi mà chú trọng là cho các bạn làm thực tế. Mới đầu nghe có vẻ hay ho nhưng mấu chốt là các bạn chỉ cần làm được là xong. Còn vì sao nó như vậy, hay còn hướng nào khác không thì không cần quan tâm. Vô tình đã đẩy các bạn vào lối mòn và khi ra đi làm các bạn cũng chỉ cần làm cho nó ra kết quả là đủ.

Bậc trung cấp sẽ giới hạn tư duy, khả năng sáng tạo, những ý tưởng mới của bạn đúng theo tên gọi của nó: "trường nghề". Nó sẽ đào tạo cho bạn cái nghề ra đời kiếm tiền. Những điều này không phải là "chém gió" mà thực tế mình đã gặp những bạn sinh viên sau tốt nghiệp ở cả hai bậc học.

Khỏi học nữa mà đi làm luôn được không?

Photo by Jackson Simmer / Unsplash

Đây cũng là hướng mà một số bạn chọn để đi. Nhưng bản thân mình cho là "dở", vì nó sẽ giới hạn khả năng phát triển của bạn về sau. Việc học giống như một cái bản đồ nó sẽ mở ra nhiều hướng đi cho bạn. Nó tốt hơn việc ra đời mà không biết phải làm gì, định hướng tương lai thế nào.

Lối đi nào cho chúng ta?

Nếu đã hiểu những gì mình so sánh giữa hai bậc học thì những bạn nào nếu tiếp tục bằng con đường trung cấp nghề phải hiểu được mình đang ở đâu. Bằng mọi giá các bạn phải tiếp tục học nhiều hơn người khác, bất chấp con đường có dài hơn. Kết hợp với việc tự học, tự tìm tòi để tạo một thói quen tư duy, tự sinh tồn.

Việc học không bao giờ dừng lại cho dù cấp bậc nào. Các bạn có thể đọc thêm chương 4 của cuốn sách: Giới hạn của bạn chỉ là xuất phát điểm của tôi để hiểu vì sao chúng ta luôn phải học, học và học.

Lời kết

Trên đây là tất cả những chia sẻ cũng như quan điểm bản thân mình suốt 10 năm học tập và làm việc. Có thể đúng với bạn hoặc có thể không. Nhưng hy vọng nó sẽ truyền thêm động lực để các bạn đi tiếp. Mới 18 tuổi thôi mà, đời còn dài.

Chỉ cần đừng nản lòng mà bỏ cuộc thì tương lai bạn vẫn còn rất sáng.

Photo by Warren Wong / Unsplash

Video liên quan

Chủ Đề