Đánh tướng nhà Trần nào chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân Nguyên Mông ở Tuyên Quang năm 1285

Hơn 800 năm trước, vào thế kỷ XIII, cả thế giới kinh hoàng, khiếp đảm về họa Tác-ta của đế chế Mông Cổ. Quân Mông Cổ đã khuấy đảo suốt từ Á sang Âu, từ bờ tây Thái Bình Dương đến biển Hắc Hải ngập chìm trong khói lửa chiến tranh do chúng gây ra. Biết bao quốc gia nghiêng đổ, biết bao vua chúa các nước bị giết, bị cầm tù. Vậy mà ba lần đoàn quân khổng lồ ấy xâm lăng Đại Việt thì cả ba lần chúng đều đại bại.

Trận chiến cuối cùng là chiến thắng Bạch Đằng giang lẫy lừng của quân dân Đại Việt vào ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý (9/4/1288) đã chôn vùi uy danh của Đại Hãn Nguyên Mông, buộc Hốt Tất Liệt ở Yên Kinh phải bãi binh, tôn trọng nền độc lập, tự do của Đại Việt.

1. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mông Cổ lần thứ nhất (1258)

Năm Đinh Tỵ (1257), Hốt Tất Liệt sai một đạo quân do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy đánh chiếm nước Đại Lý (Vân Nam) rồi sai sứ sang dụ vua Trần Thái Tông về hàng. Vua Trần Thái Tông không chấp nhận, bắt giam sứ Mông Cổ và hạ lệnh cho các quan vùng biên ải đề phòng cẩn mật. Ba lần sứ Mông Cổ được cử sang Đại Việt đều không được trở về.

Ngày 12/12/1257, Hốt Tất Liệt sai tướng Ngột Lương Hợp Thai đem quân sang xâm lược nước ta. Quân dân Đại Việt đã dùng chiến thuật chiến tranh du kích, thực hiện kế sách vườn không, nhà trống để tiêu hao dần sinh lực của giặc. Chờ cho chúng quẫn bách về lương thực, khốn khổ vì không hợp thủy thổ, ngày 24/12/1257, vua Trần Thái Tông và Thái tử Trần Hoảng chỉ huy các tướng lĩnh đem binh thuyền từ sông Thiên Mạc ra sông Hồng tiến về giải phóng Thăng Long. Trong trận quyết chiến ở Đông Bộ Đầu quân ta đã giành thắng lợi. Quân Mông Cổ bị đánh bật khỏi thành Thăng Long, cố chết chạy về Vân Nam.

2. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai (1285)

Sau khi thôn tính hoàn toàn đất Nam Tống, lập ra Đại Nguyên năm 1279, Hốt Tất Liệt quyết tâm chiếm bằng được nước Đại Việt để mở đường tràn xuống Đông Nam Á, thực hiện mộng bá chủ thế giới. Tháng 12/1284, Hốt Tất Liệt sai con trai là Thoát Hoan đem 50 vạn quân sang xâm lược nước ta, ngoài ra còn lệnh điều thêm 10 vạn quân do Toa Đô chỉ huy từ Chiêm Thành đánh ra Nghệ An nhằm đưa nước ta vào thế bị đánh cả hai đầu.

Ngày 2/2/1285, quân giặc chia làm 6 mũi đánh vào Nội Bàng. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đích thân chỉ huy đại quân đánh trả. Trước khi quân Nguyên kéo vào nước ta, Hưng Đạo Vương đã ra lệnh cho toàn dân làm kế vườn không, nhà trống, cất giấu lương thực, thực phẩm không để rơi vào tay giặc. Mùa hè đến, quân Nguyên mệt mỏi, vừa thiếu đói lại thêm dịch bệnh ốm đau, tinh thần trở nên hoảng loạn. Trong khi đó, quân Đại Việt vẫn bảo tồn được lực lượng, lại tăng thêm sĩ khí.

Tháng 5/1285, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cùng các tướng lĩnh khác đưa binh thuyền ra Bắc chuẩn bị chiến dịch phản công. Trần Quốc Tuấn giao Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật dẫn quân đánh vào các đồn trại ở dọc sông Hồng rồi tiến lên giải phóng Thăng Long. Đích thân Trần Quốc Tuấn kéo quân về Vạn Kiếp đánh chiếm đồn A Lỗ là căn cứ quan trọng bậc nhất của giặc.

Cuối tháng 5/1285, Trần Quang Khải cho binh thuyền ngược sông Hồng đánh vào các cứ điểm quan trọng của giặc ở Tây Kết và Hàm Tử thắng lợi. Sau chiến thắng Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, quân ta ào ạt tiến lên bao vây Thăng Long, tiến công dữ dội vào quân giặc suốt từ sáng sớm đến tối. Quân giặc mệt mỏi, thiếu thốn lương thực, thực phẩm và vũ khí. Chúng liều chết phá vòng vây vượt sông Hồng chạy sang Gia Lâm. Kinh thành Thăng Long sau mấy tháng bị chiếm đã được giải phóng.

Về phía giặc, do sức đã tàn, thế đã yếu, Thoát Hoan rút chạy theo hướng Vạn Kiếp. Hưng Đạo Vương và Hưng Ninh Vương chỉ huy quân đón đánh. Chiến sự diễn ra vô cùng quyết liệt ở vùng Quế Võ (Bắc Ninh). Quân Thoát Hoan cố sống vượt sông Như Nguyệt lại bị Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đổ quân ra đánh. Quân Nguyên thất bại nặng nề. Tại sông Thương, tàn quân giặc bắc cầu phao để chạy. Đợi khi quân giặc qua cầu, quân ta đổ ra đánh mạnh từ hai bên sườn. Bị bất ngờ, đội ngũ quân giặc rối loạn, chen lấn xô đẩy nhau, cầu phao bị đứt, một phần lớn quân giặc rơi xuống sông chết đuối. Đội quân đi sau cũng bị quân ta tập kích tổn vong rất nhiều. Thoát Hoan sai Lý Hằng chỉ huy tàn quân mở đường chạy về biên giới Lạng Sơn. Tại biên giới, Hưng Đạo Vương đã bố trí quân ở các cửa ải hiểm yếu để phục kích chặn giặc. Tại Vĩnh Bình, quân của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiến đã chờ sẵn. Vừa khi giặc tới, tên thuốc độc bắn ra xối xả, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho quân lính khiêng chạy qua biên giới mới thoát chết. Các tướng cầm đầu Lý Quán và Lý Hằng kẻ bị bắn chết, người bị trúng tên thuốc độc.

Ở hướng biên giới Tây Bắc, quân của Nakirut Đin cũng tìm đường chạy trốn về Vân Nam, bị đội dân binh của Hà Đặc, Hà Chương đổ ra chặn đánh, bị tiêu diệt rất nhiều.

Ngày 24/6/1285, đạo quân do vua Trần Nhân Tông đích thân chỉ huy tấn công quyết liệt vào đoàn thuyền của Toa Đô. Tướng giặc là Trương Hiển phải đầu hàng, Toa Đô bị chém đầu tại trận. Ô Mã Nhi và Lưu Khuê lấy thuyền con trốn chạy ra biển thoát chết.

Sau một tháng phản công quyết liệt, quân dân Đại Việt đã tiêu diệt và quét sạch 60 vạn quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai kết thúc thắng lợi hoàn toàn.

3. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ ba (1287 - 1288)

Sau hai lần xâm lược nước ta thất bại nhục nhã, vua Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt vô cùng căm giận, huy động 50 vạn quân, chia làm 3 đạo tiến vào nước ta. Lần này, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông lại sắc phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang. Ngày 28 tháng 11 năm Đinh Hợi (1287), Phán thủ Thượng Vị Hầu Trần Toàn đem thủy quân đánh địch ở vùng Đa Mỗ (Núi Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh). Giặc chết đuối rất nhiều, quân ta bắt sống hàng trăm tên, thu được nhiều ngựa và vũ khí. Tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt nhưng quân của Trần Khánh Dư không đủ sức ngăn được đạo thủy quân của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp. Chúng ngược sông Bạch Đằng kéo vào Vạn Kiếp hội quân với Thoát Hoan. Đầu tháng 2/1288, quân địch ở Vạn Kiếp lên tới 30 vạn. Để bảo toàn lực lượng, quân ta tạm rút khỏi kinh thành Thăng Long. Thua giặc trận đầu, Trần Khánh Dư tạ tội với triều đình và xin ở lại lập công chuộc tội. Ông quay lại, chờ cho Ô Mã Nhi đi qua, đem quân tấn công vào đoàn thuyền chở lương thực của Trương Văn Hổ, lấy được rất nhiều lương thực, vũ khí rồi cho đánh đắm thuyền giặc. Quân ta tiêu diệt sạch đoàn thuyền lương của giặc, Trương Văn Hổ phải lẻn xuống chiếc thuyền con trốn về nước (ngày 11/1/1288). Thắng lợi của quân ta ở vùng Đông Bắc khiến cho Thoát Hoan càng bị cô lập và suy yếu. Đầu tháng 3/1288, Thoát Hoan buộc phải quyết định bỏ Thăng Long chuyển quân về Vạn Kiếp tổ chức phòng thủ và cho người về nước cầu viện, lấy thêm lương thực. Hưng Đạo Vương đoán biết ý giặc đã sai các tướng đem quân lên giữ núi Kỳ Cấp và ải Nữ Nhi ở mặt Lạng Sơn không cho người đi lại.

Thoát Hoan thấy quân thế của Hưng Đạo Vương rất mạnh, chưa thể phá được bèn nghe lời các tướng, sai Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp dẫn thủy quân theo đường sông Bạch Đằng về trước còn đường bộ thì sai Trình Bằng Phi, Trương Quân dẫn binh đi chặn hậu.

Hưng Đạo Vương biết mưu đó bèn sai Nguyễn Khoái dẫn binh qua đường tắt lên mé thượng lưu sông Bạch Đằng kiếm gỗ đẽo nhọn bịt sắt đóng khắp giữa sông rồi phục binh chờ. Khi nào nước thủy triều lên thì đem binh ra khiêu chiến, nhử cho thuyền giặc đi vào chỗ đóng cọc, đúng lúc thủy triều xuống thì quay binh lại hết sức mà đánh. Lại sai Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa dẫn quân lên phục ở ải Nội Bàng (Lạng Sơn) chờ quân giặc chạy đến thì đổ ra đánh.

Những chiến thuyền của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp theo dòng sông Bạch Đằng bỗng thấy tướng nhà Trần là Nguyễn Khoái dẫn chiến thuyền đến khiêu chiến liền tức giận thúc quân xông vào đánh. Nguyễn Khoái quay thuyền chạy. Bấy giờ đang lúc thủy triều lên, mặt nước mênh mông. Ô Mã Nhi cứ thúc thuyền đuổi theo. Nguyễn Khoái nhử cho quân giặc đi khỏi xa chỗ đóng cọc mới quay thuyền đánh lại. Hai bên đánh đang hăng thì đại binh của Hưng Đạo Vương tiếp đến. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thấy thế quân ta mạnh quá quay thuyền chạy trở lại. Khi chúng chạy đến khúc sông có đóng cọc thì nước thủy triều đã rút xuống, thuyền của giặc vướng phải cọc đổ nghiêng ngửa, đắm vỡ rất nhiều. Quân ta thừa thắng đánh quyết liệt, quân giặc chết như rạ, máu loang đỏ cả khúc sông. Các tướng giặc Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc đều bị bắt sống. Trận chiến trên sông Bạch Đằng ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý (9/4/1288) quân ta lấy được hơn 400 chiến thuyền của giặc, bắt sống rất nhiều quân giặc. Chiến thắng Bạch Đằng giang là chiến thắng vĩ đại nhất trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ ba.

Thoát Hoan nghe tin thủy quân bị vỡ liền hốt hoảng theo đường bộ chạy về ải Nội Bàng thì gặp quân mai phục của Phạm Ngũ Lão đổ ra đánh. Trương Quân dẫn 300 quân đi đoạn hậu bảo vệ cho Thoát Hoan chạy trốn bị Phạm Ngũ Lão chém chết. Thoát Hoan chạy thoát ra được ngoài cửa ải nhưng quân sĩ mười phần tổn hại đến sáu, bảy phần.

Từ ải Nữ Nhi đến núi Kỳ Cấp đều có quân ta phục sẵn. A Bát Xích, Trương Ngọc bị quân ta bắn tên độc xuống như mưa, cả hai đều bị chết. Tướng giặc Trình Bằng Phi lấy hết sức bảo vệ Thoát Hoan chạy ra Đàn Kỳ qua Lộc Châu rồi lẻn đường tắt chạy về châu Tư Minh. Áo Lỗ Xích đi sau thoát chết, nhặt nhạnh tàn quân theo Thoát Hoan chạy về Yên Kinh.

Như vậy, nước Đại Việt ta dưới triều Trần luôn muốn giữ hòa bình, hữu nghị để xây dựng đất nước, nhân dân được lạc nghiệp, an cư, sống trong cảnh thái bình, hạnh phúc. Nhưng quân xâm lược đã không để ta yên, lúc nào chúng cũng muốn thôn tính nước ta. Cả dân tộc ta đoàn kết một lòng đánh giặc cứu nước. Quân dân ta quyết đánh và đã chiến thắng cả ba lần, lần sau oanh liệt hơn lần trước.

Năm 2018, kỷ niệm 730 năm (1288 - 2018) chiến thắng Bạch Đằng và kỷ niệm ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông là dịp để chúng ta ôn lại những bài học lịch sử - bài học xây dựng thành lũy trong lòng dân để chiến thắng kẻ thù hung bạo và mạnh nhất thế giới thời đó và phát huy hào khí Đông A trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trần Hồng Đức
Phó Chủ tịch thường trực Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam
(sưu tầm)