Điều 332 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2022

   Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân ( khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự). Trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

   Về xử phạt hành chính

  Theo quy định của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ, Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, thì các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:

   “Điều 4. Vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự

   1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.

   2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

   a) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này;

   b) Không đăng ký bổ sung khi có sự thay đổi về họ tên, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc theo quy định;

   c) Không thực hiện đăng ký di chuyển trước khi di chuyển nơi cư trú theo quy định;

   d) Không thực hiện đăng ký vào ngạch dự bị theo quy định.

   3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển, đăng ký vào ngạch dự bị đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

   Điều 5. Vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự

   1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

   2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

   Điều 6. Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

   1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

   2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

   a) Người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

   b) Đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự;

   c) Cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

   Điều 7. Vi phạm quy định về nhập ngũ

   1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

   2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.

   Về xử lý hình sự

   Người có hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 332, Điều 333 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

   “Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

   1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

   2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

   a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

   b) Phạm tội trong thời chiến;

   c) Lôi kéo người khác phạm tội.

   Điều 333. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ

   1. Người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

   2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

   a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

   b) Lôi kéo người khác phạm tội”.

Dương Công Luyện

Từ khóa liên quan số lượng

Câu hỏi ngày hỏi

Theo dõi sự thay đổi của Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Ngày hỏi:13/07/2017

 Tội nghiêm trọng  Trốn tránh nghĩa vụ quân sự  Bộ luật hình sự

Tội trốn tránh Nghĩa vụ quân sự được quy định như thế nào theo Bộ Luật hình sự 2015? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Nguyễn Nhật Minh, sống tại Tp.HCM. Vừa qua, tôi có lệnh triệu tập đi Nghĩa vụ quân sự nhưng vì lý do công việc, tôi không đi thì có bị ảnh hưởng gì không? Có phạm tội trốn tránh Nghĩa vụ quân sự theo Bộ Luật hình sự 2015 hay không? Hình phạt áp dụng đối với tội danh trốn tránh Nghĩa vụ quân sự theo Bộ Luật hình sự 2015 là gì? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (0905***)   

Nội dung này được Ban biên tập Thư Ký Luật tư vấn như sau:

  • Theo quy định tại Điều 332 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:

    1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

    b) Phạm tội trong thời chiến;

    c) Lôi kéo người khác phạm tội.

    Dấu hiệu pháp lý của tội danh này là:

    Khách thể: Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

    Chủ thể: Chủ thể của tội danh này là chủ thể thường, bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định (trong độ tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự).

    Mặt khách quan: Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện. Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

    Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

    - Hình phạt áp dụng đối với tội này:

    Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

    Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, căn cứ quy định này, nếu như hành vi của bạn thỏa mãn các dấu hiệu nêu trên thì mới phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo Bộ Luật hình sự 2015.

    Trên đây là nội dung tư vấn về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015.

    Trân trọng!