Đối chiếu từ vựng trong tiếng Việt và tiếng Anh

Bước đầu NGHIÊN CỨU ĐỐI CHIẾU NHÓM TỪ chỉ TRANG PHỤC giữa TIẾNG VIỆT và TIẾNG ANH [Phần 1]

31/10/201916/12/2019

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG
[ThS, Viện Ngôn ngữ học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam]

1. Dẫn nhập

Nhóm từ chỉ trang phục là một bộ phận trong hệ thống từ vựng của các ngôn ngữ. Việc nghiên cứu đối chiếu nhóm từ chỉ trang phục giữa tiếng Việt và tiếng Anh nhằm mô tả những đặc trưng trong cách định danh từ chỉ trang phục. Từ đó thấy được sự tương đồng và khác biệt về bình diện cấu trúc và ngữ nghĩa của hai ngôn ngữ này.

Chúng tôi lựa chọn những từ chỉ trang phục mang ý nghĩa là những từ chỉ vật dụng thường được làm bằng chất liệu vải, da, dùng để che bộ phận của cơ thể như những từ chỉ quần áo nói chung, từ chỉ các loại quần, áo, mũ nón, khăn, giày dép, găng [bao] tay, tất theo mô hình từ chỉ trang phục + X [X là yếu tố đi kèm có chức năng định danh]. Những từ, cụm từ có mô hình X + từ chỉ trang phục dùng để chỉ bộ phận của trang phục [cổ áo, tay áo, dây quần, đế giày,] không thuộc phạm vi nghiên cứu của bài viết này. Theo quan niệm của một số tác giả những yếu tố như ví, nơ, túi, nhẫn, xuyến, cũng thuộc nhóm từ chỉ trang phục. Tuy nhiên, chúng tôi không lựa chọn những yếu tố trên. Phạm vi đối chiếu được hạn định là đối chiếu dấu hiệu ngôn ngữ [đối chiếu nhóm từ vựng]. Thủ pháp đối chiếu là thủ pháp đối chiếu một chiều, trong đó tiếng Việt là ngôn ngữ cơ sở, tiếng Anh là ngôn ngữ được đối chiếu.

Những nhóm từ nghiên cứu là nhóm từ chỉ các loại trang phục của tiếng Việt [328 từ] và tiếngAnh [354 từ] được thu thập từ trong từ điển:

1. Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý [chủ biên], NXB Văn hoá Thông tin, 1999.

2. Từ điển từ và ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006.

3. Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Kim Thản Hồ Hải Thuỵ Nguyễn Đức Dương, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2005.

4. Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê [chủ biên], NXB Đà Nẵng, 2006.

5. Từ điển Anh Anh Việt, Nhóm biên soạn Nguyễn Thuý Liễu Nguyễn Bích Thuỷ Tiêu Yến Mai, NXB Từ điển Bách khoa, 2006.

6. Từ điển Anh Anh Việt, Nguyễn Sanh Phúc, NXB Đồng Nai, 2004.

2. Cơ sở lí luận liên quan

2.1. Khái niệm danh từ, danh ngữ

Khi nghiên cứu về danh từ, danh ngữ, các nhà ngôn ngữ đưa ra nhiều cách định nghĩa khác nhau. Trong phạm vi nội dung nghiên cứu này, chúng tôi đồng ý với khái niệm của các tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến [2006]:

Danh từ là những từ có ý nghĩa khái quát chỉ sự vật [hiểu rộng bao gồm cả người, động vật, thực vật, đồ vật, các chất, những khái niệm trừu tượng về vật tương đương với những thứ vừa kể] có thể đứng trước ấy, nọ, và thường giữ vai trò chủ ngữ hoặc bổ ngữ trong câu. [4, tr. 269].

Danh ngữ là đoản ngữ có danh từ làm thành tố chính, những thành tố phụ đứng xung quanh. [4, tr. 276].

Trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt, tác giả Nguyễn Tài Cẩn đưa ra cách hiểu loại đoản ngữ có danh từ làm trung tâm có thể được gọi tắt là danh ngữ có những đặc điểm về tổ chức như sau:

+ Bộ phận trung tâm do danh từ đảm nhiệm chiếm vị trí nằm ngay trong lòng đoản ngữ.

+ Các thành tố phụ gọi chung là định tố chia làm hai bộ phận phân bố ở trước và sau thành tố trung tâm. [2].

Những nhóm từ, cụm từ định danh được khảo sát trong bài viết là những danh ngữ thuộc nhóm từ định danh trang phục [quần áo, áo, quần, mũ nón, khăn, giày dép, găng [bao], tất] trong tiếng Việt và tiếng Anh. Chúng tôi đưa ra những nhóm từ vựng thuộc lớp từ vựng chỉ trang phục như sau:

1. Nhóm từ chỉ quần áo nói chung

2. Nhóm từ chỉ các loại áo

3. Nhóm từ chỉ các loại quần

4. Nhóm từ chỉ các loại mũ nón

5. Nhóm từ chỉ các loại khăn

6. Nhóm từ chỉ các loại giày dép

7. Nhóm từ chỉ các loại găng, tất.

2.2. Khái niệm nghĩa tố

Một từ có thể mang rất nhiều nghĩa, những nghĩa đó có quan hệ với nhau theo một trật tự nhất định. Đến lượt từng nghĩa chúng lại có thể phân tích thành những thành tố nhỏ hơn. Những nghĩa nhỏ hơn này được gọi là nghĩa tố [seme].

Nghĩa tố được hiểu là dấu hiệu logic ứng với một thuộc tính chung của sự vật, hiện tượng [biểu vật] được đưa vào ý nghĩa biểu niệm. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng nghĩa tố với cách hiểu của Hoàng Phê: nghĩa tố là yếu tố ngữ nghĩa chung của các từ thuộc cùng một nhóm từ hoặc riêng cho nghĩa của một từ đối lập với nghĩa của những từ khác trong cùng một nhóm từ. [9].

Ví dụ: Nghĩa từ áo thứ 1 chỉ đồ vật che kín nửa thân người. Trong nghĩa này các dấu hiệu logic để nhận diện nghĩa áo này là các nghĩa tố.

+ Nghĩa tố 1: sự phân biệt với các yếu tố trong nhóm chỉ trang phục như quần, váy, với những nhóm từ chỉ sự vật khác.

+ Nghĩa tố 2: chỉ vị trí của áo trong sự phân biệt đó, áo được sử dụng ở phần trên của cơ thể người.

3.Vài nét đặc trưng của nhóm từ chỉ trang phục trong tiếng Việt

3.1. Cấu trúc của nhóm từ chỉ trang phục

3.1.1. Mô hình cấu trúc

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập điển hình, để tạo lập từ mới, tiếng Việt thường sử dụng phương thức cấu tạo từ mới như phương thức ghép, láy, trật tự từ, Trong 328 từ tiếng Việt chỉ trang phục được khảo sát thì có 14 từ đơn chiếm 4,3% [như áo, quần, khố, váy, mũ, nón, khăn, giày, guốc, dép, ủng, găng, bao, tất], còn lại 314 từ là từ phức chiếm 95,7%. Nhóm từ chỉ trang phục phần lớn được cấu tạo bởi một yếu tố chỉ trang phục và một yếu tố chỉ đặc điểm để khu biệt và định danh các loại. Ngay cả những từ chỉ trang phục nói chung [chỉ quần áo] cũng đều là những từ ghép. Ví dụ như với nhóm từ chỉ quần áo nói chung:

+ không có từ đơn chỉ trang phục nói chung

+ có 01 từ ghép đẳng lập chỉ trang phục nói chung [quần áo]

+ có 35 từ ghép chính phụ [quần áo rét, quần áo cũ,]. Những từ ghép này có tổ hợp quần áo làm thành phần chính, thành phần định tố là những yếu tố thuộc từ loại khác nhau [chủ yếu là danh từ, động từ, tính từ].

Trong nhóm từ chỉ các loại áo được khảo sát có:

+ 01 từ đơn [từ áo mang ý chỉ chung phần trang phục che phần trên cơ thể hay phần vỏ bên ngoài của sự vật].

+ 03 từ ghép đẳng lập [áo quần, áo xống, áo xiêm]

+ 115 từ ghép chính phụ [áo rét, áo may ô, áo bà ba,].

Nhóm từ chỉ các loại quần, váy cũng có số lượng từ đơn chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với từ ghép. Đây là một đặc điểm nổi bật của tiếng Việt: Tính phân tích tính.

Nhóm từTừ đơnTừ ghép đẳng lậpTừ ghép chính phụ
1Quần áo0135
2Áo13115
3Quần1036
4Mũ/ Nón2252
5Khăn1029
6Giày dép4136
7Găng, tất108

Bảng 1. Bảng khảo sát đặc điểm cấu tạo nhóm từ chỉ trang phục trong tiếng Việt

Khi xét mô hình của những từ chỉ trang phục tiếng Việt chúng ta có thể nhận thấy một quy luật trong cách định danh.

+ Những từ đơn được sử dụng để chỉ từng loại trang phục.

+ Từ ghép đẳng lập có cấu trúc song tiết chỉ loại trang phục tương đương thường đi theo từng cặp [quần áo áo quần; mũ nón nón mũ, giày dép, khăn khố,].

+ Từ ghép chính phụ định danh có mô hình thống nhất.

Từ chỉ trang phục
[Quần áo, Áo, Quần, Mũ, Nón, Dép, Giày, Khăn, Găng, Tất]
+X
[yếu tố định danh]

Xét từ loại của yếu tố X ta nhận thấy, phần lớn yếu tố X thuộc nhóm danh từ, động từ, tínhtừ; có khi X là tổ hợp từ, từ vay mượn từ những ngôn ngữ khác.

Danh từĐộng từTính từTổ hợp từTừ vay mượnVí dụ
Quần áo + X30,516,716,722,213,9Quần áo tang, quần áo tắm, quần áo rét,
Áo + X33,919,512,76,827,1Áo bà ba, áo bơi, áo ghi-lê, áo ba lỗ,
Quần + X27,822,219,45,625quần tắm, quần thụng, quần sooc,
Mũ/ Nón + X55,69,27,411,116,7Mũ rơm, mũ trùm, mũ rộng vành, mũ cát-két,
Khăn + X27,627,613,817,213,8Khăn mặt, khăn quàng, khăn vuông, khăn voan,
Giày/ Dép + X54,15,413,510,816,2Guốc mộc, giày khiêu vũ, dép đi mưa, dép xăng-đan,
Găng, Tất + X75012,512,50Găng tay, tất dài, găng tay da,

Bảng 2. Khảo sát từ loại nhóm từ chỉ trang phục tiếng Việt

Như vậy có thể thấy, phần lớn những từ định danh chỉ trang phục trong tiếng Việt mang đặc điểm phân tích tính, tính tổng hợp tính không thể hiện rõ ở tiếng Việt. Những danh ngữ được khảo sát phần lớn là từ ghép chính phụ, yếu tố chính đứng trước, thành phần phụ bổ sung ý nghĩa, khu biệt và định danh sự vật đứng sau.

3.1.2. Hệ thống nhóm từ

Những từ đồng nghĩa với nhau khảo sát được là 30/328 nhóm từ đồng nghĩa với nhau [quần bò = quần jeans, quần đùi = quần cộc = quần cụt = quần soóc; khăn xếp = khăn đóng, áo lọt lòng= áo sơ sinh, áo thun /áo pun = áo phông,]. Đây thường là những từ tiếng Việt vay mượn sau đó dùng song song với những yếu tố có sẵn trong tiếng Việt. Những từ đồng nghĩa cũng có thể là những từ cùng chỉ một chức năng.

Những từ vay mượn 65/328 chiếm 19,81% chủ yếu là vay mượn từ tiếng Hán, tiếng Pháp, chỉ có 1 từ vay mượn tiếng Nhật [Ki-mô-nô]. Trong quá trình tiếp xúc lâu dài với tiếng Hán và tiếng Pháp, một hệ thống từ vựng chỉ các loại trang phục theo đó du nhập vào tiếng Việt. Những từ vay mượn tiếng Pháp, một ngôn ngữ không cùng loại hình với tiếng Việt, khi vào tiếng Việt đều có những sự biến đổi để phù hợp với người bản ngữ. Chẳng hạn như áo dành cho phụ nữ trong các buổi tiệc áo đầm [đầm: dame tiếng Pháp chỉ người phụ nữ], một số từ vay mượn được phiên âm như áo măng tô, áo ba-đờ-xuy, áo sơ mi, áo may ô, áo gi-lê, Một ví dụ về nhóm từ vay mượn chỉ các loại mũ thường gặp như mũ ca-lô, mũ cát-két, mũ ni,, loại quần như quần soóc, váy đầm,; loại khăn như khăn piêu, khăn voan, Một yếu tố vay mượn từ tiếng Nhật được phiên âm là chỉ một loại áo truyền thống biểu trưng cho văn hoá, con người Nhật Bản [áo kimônô].

Từ đồng âm trong nhóm từ khảo sát chỉ có 01 từ [áo lá có nghĩa áo tơi và áo lót]. Trong nhóm từ khác không thấy sự xuất hiện của hiện tượng đồng âm này.

Nghĩa phái sinh của từ áo gồm 8 yếu tố mang nghĩa chỉ vỏ bên ngoài của động, thực vật và sự vật như áo gối, áo cối, áo hạt, áo quan,.

Những biến thể âm của tiếng Việt có 5 trường hợp là áo phông áo thun áo pun, áo chẽn áo chét, quần xì quần xilíp, quần soóc quần xà lỏn, khăn quàng khăn choàng. Những biến thể âm này có thể là những từ vay mượn và phiên âm thành những âm khác nhau hoặc mang đặc trưng thanh điệu của từng vùng miền nhưng đến nay đều được chấp nhận sử dụng.

3.2. Cấu trúc ngữ nghĩa của nhóm từ chỉ trang phục

Trong nhóm từ tiếng Việt được khảo sát, chúng tôi đã thống kê theo 10 tiêu chí. Tử số chính là tần số xuất hiện các đặc trưng và mẫu số là số lượng từ đem ra khảo sát. Ở đây, chúng tôi chỉ xem xét những từ ghép chính phụ [loại trừ từ đơn và từ ghép đẳng lập bởi chúng đều mang ý chỉ chung phần vải che một số bộ phận của cơ thể người].

TTTên đặc trưngTỉ lệ
[%]
Ví dụ
1Về vị trí trang phục mặc trên người5,5áo eo, áo nịt ngực, áo nịt vú, áo đổi vai, áo eo, quần đùi, khăn trùm,
2Về số lượng đơn vị lớp vải của các loại trang phục0,9áo đơn, áo kép, áo mớ [áo gồm nhiều lớp, người phụ nữ giàu có xưa hay mặc1]
3Về chất liệu vải16,8áo bông, quần lĩnh, quần da, mũ len, mũ cói, mũ rơm, khăn len, dép nhựa,
4Về chức năng của các loại trang phục19,2áo đi mưa, áo cưới, áo lễ, áo lót, quần lót, quần áo lót,
5Về cách thức sử dụng6,1áo choàng, áo khoác, quần áo nịt, quần lót, dép xỏ ngón, khăn quàng cổ,
6Về người sử dụng7,6áo cô dâu, áo lính thuỷ, áo bộ đội, mũ ni [dành cho Phật tử],
7Về thời gian sử dụng5,8áo đông xuân, quần áo đông xuân, giày đi mưa, áo mưa,
8Về kiểu dáng loại trang phục15,9áo lửng, áo đuôi tôm, quần loe, quần lửng, khăn vuông, mũ lưỡi trai, khăn xếp,
9Về màu sắc2,1áo chàm, áo vàng, áo xanh, áo nâu [áo màu đỏ, dài, khăn trắng, khăn quàng đỏ,
10Về tính chất của loại trang phục8,2áo rét, áo thụng, quần thụng, quần rộng, quần dài, nón mê, mũ rộng vành,

__________
1. Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ tiếng Việt.

Tỉ lệ trên cho thấy, để định danh trang phục, người Việt thường sử dụng những đặc trưng về công dụng của loại trang phục được sử dụng [19,2%] sau đó là đặc điểm về chất liệu vải [16,8%] và kiểu dáng loại trang phục [15,9%], đặc điểm về tính chất của các loại trang phục cũng được chú ý [8,2%]. Các đặc trưng về thời gian sử dụng hay chỉ đặc điểm vị trí loại trang phục trên cơ thể ít được sử dụng.

Đặc biệt, đặc trưng về số lượng lớp vải trên trang phục chỉ được sử dụng với nhóm từ chỉ các loại áo mà không được thể hiện ở các nhóm từ khác. Đặc trưng thứ 5 [cách thức sử dụng trang phục] chỉ được sử dụng với nhóm từ chỉ quần áo, áo, quần, khăn mà không xuất hiện với cụm từ thuộc nhóm khác. Những từ thuộc nhóm khăn, giày dép, găng tất không có sự phân biệt người sử dụng. Những từ thuộc nhóm găng tất không có đặc trưng khu biệt thời gian sử dụng, kiểu dáng và màu sắc. Đặc trưng chỉ màu sắc rất hiếm xuất hiện với từ định danh trang phục. Chúng chỉ được thể hiện ở nhóm từ áo, mũ, khăn.

4. Đối chiếu với nhóm từ tương ứng trong tiếng Anh

4.1. Đối chiếu về cấu trúc

4.1.1. Tính tổng hợp tính hay phân tích tính

Trong khi tiếng Việt là điển hình cho các ngôn ngữ đơn lập thì tiếng Anh là ngôn ngữ biến hình. Tiếng Việt sử dụng các phương thức trật tự từ, phương thức ghép, láy, để tạo từ mới thì tiếng Anh lại sử dụng phương thức biến hình đặc trưng. Theo Nguyễn Đức Tồn, việc định danh các sự vật cần chú ý tới tính chất hoà kết thành một khối hay tách thành những tên gọi riêng biệt. Tính chất này có căn cứ vào tính tổng hợp tính và phân tích tính của từ xét về mặt cấu tạo.

+ Tính chất tổng hợp tính được hiểu là các đặc trưng định danh được hoà kết, tổng hợp không tách thành các thành phần cấu tạo định danh tương ứng.

+ Tính chất phân tích tính nghĩa là dựa vào hình thái bên trong của từ tách thành những đặc trưng định danh tương ứng.

Theo khảo sát, nhóm từ chỉ các loại trang phục trong tiếng Việt chỉ có 4,3% như áo mang ý chỉ phần vải che phần thân người trên hay phần bên ngoài của sự vật, quần mang ý chỉ phần vải che phần thân dưới, phần chân của cơ thể; mũ mang ý chỉ vật dùng để che phần đầu; giày dép chỉ vật để che phần chân, mang tính tổng hợp tính còn lại 95,7% mang tính phân tích tính. Trong tiếng Anh có 44,9% từ mang tính tổng hợp tính ví dụ như: coat, dress, gown, cloak, gard, hat, cap, trouser, things, togs, furnishing,..., còn lại 55,1% mang tính phân tích tính. Như vậy có thể thấy đại đa số những yếu tố chỉ loại trang phục trong tiếng Việt mang tính phân tích tính. Trong tiếng Anh, những yếu tố định danh loại trang phục có sự tương đương về tỉ lệ phân tích tính và tổng hợp tính. Tiếng Anh là ngôn ngữ vừa mang tính tổng hợp tính vừa mang tính phân tích tính.

Ví dụ: topcoat [áo bành tô], tailcoat [áo đuôi tôm], raincoat [áo mưa], tennis shoes [giày tennis], dancingshoes [giày khiêu vũ], wooden cap [mũ len],

Còn tiếp:

Mời xem: Bước đầu NGHIÊN CỨU ĐỐI CHIẾU NHÓM TỪ chỉ TRANG PHỤC giữa TIẾNG VIỆT và TIẾNG ANH [Phần 2]

Sự GIAO THOA VĂN HÓA đầu thế kỷ XX qua trường hợp NHÓM HÀN THUYÊN [Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,]

05/02/2020 Chức năng bình luận bị tắt ở Sự GIAO THOA VĂN HÓA đầu thế kỷ XX qua trường hợp NHÓM HÀN THUYÊN [Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,]

Văn hóa Việt Nam hiện nay một mặt luôn giữ gìn những tinh hoa truyền thống của dân tộc, một mặt vẫn có sự tiếp biến giao lưu với văn hóa khu vực và quốc tế. Vậy sự tiếp biến đó bắt đầu từ khi nào? Nó thăng hoa vào giai đoạn nào? Lịch sử dân tộc trải qua nhiều biến cố thăng trầm, song hành với những biến cố đó là nhiều sự dịch chuyển của văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trong đó, giai đoạn đầu thế kỷ XX từ 1930 đến 1945 có thể xem là thời kỳ có nhiều thay đổi lớn với sự du nhập của nhiều luồng tư tưởng khác nhau trong xã hội.

Video liên quan

Chủ Đề