Giám đốc rạp chiếu phim Quốc gia

(Thethaovanhoa.vn) - "Chúng tôi đang phải tham gia một cuộc chơi mà luật chơi 1 chiều, do đơn vị phát hành phim chi phối. Hiện nay chúng tôi đang phải cần mẫn khắc phục điều đó, không ai cứu chúng tôi cả", Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương chia sẻ.

  • Diễn biến vụ 8 đơn vị điện ảnh khiếu nại CGV
* Ông nhìn nhận vụ 8 công ty khiếu nại CGV đang lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành trong nước như thế nào?

- Qua những bài báo truyền thông đưa thời gian qua, tôi thấy CGV cần phải điều chỉnh lại sao cho hài hòa lợi ích giữa các nhà phát hành phim, chiếu phim, sản xuất phim. Khi CGV phát hành phim họ nhập về cho các rạp khác, CGV đòi tỉ lệ ăn chia cao; khi phát hành phim của các đơn vị khác tại rạp của mình, CGV cũng đòi tỉ lệ cao hơn, là không công bằng.

CGV là đơn vị phát hành phim ngoại lớn nhất tại Việt Nam, ký được hợp đồng với các hãng phim lớn nhất thế giới, lại sở hữu cụm rạp lớn nhất tại Việt Nam, CGV đang đặt ra luật chơi chỉ có lợi cho họ.

Nhiều năm nay Trung tâm Chiếu phim Quốc gia vẫn ký hợp đồng thuê phim của CGV phát hành, tuy nhiên không bao giờ thảo luận được về tỉ lệ ăn chia, dù chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn nhưng họ không bao giờ hồi đáp. Giả dụ họ có đặt tỉ lệ ăn chia, họ 60%, chúng tôi 40% thì chúng tôi cũng đành chịu, vì từ chối chiếu phim của họ thì sẽ không có gì để chiếu. Bắt buộc chúng tôi phải hết sức cần mẫn khắc phục điều đó.

Giám đốc rạp chiếu phim Quốc gia

Ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia

Theo Luật Điện ảnh của Việt Nam thì phải có rạp mới được phát hành. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, người có quyền phát hành và lại sở hữu rạp đang thao túng thị trường. Đáng lẽ ra, ông là nhà phát hành phim, ông phải mong tất cả các rạp chiếu trên cả nước chiếu phim của mình. Đằng này ông có rạp, lạm dụng vị thế phát hành để tiêu diệt các rạp khác.

* Vụ khiếu nại vừa qua đã hé lộ tỉ lệ ăn chia 45/55 (trong đó CGV luôn chọn 55%), Trung tâm có được tỉ lệ 45% không?

- Đây thuộc về thỏa thuận giữa các bên về tỉ lệ ăn chia, không thể tiết lộ. Chúng tôi cũng không được tỉ lệ như thế đâu.

Hiện nay toàn bộ hệ thống phát hành phim nhà nước tê liệt, hệ thống rạp tại các địa phương đã lạc hậu. Tư nhân lại phát triển ồ ạt, toàn bộ thị trường hiện nay do nước ngoài nắm hết rồi. Họ đưa phim vào nước mình, kiếm được lợi nhuận mang về nước họ, lại còn truyền bá được văn hóa nước họ. Trong khi đó điện ảnh nước mình không thể phát triển được. Giờ sản xuất ra phim, lại phải đi cạy cục các cụm rạp nước ngoài để được chiếu.

Nếu nhà nước không ra tay điều tiết thì không thể giải quyết được câu chuyện này.

* Theo ông, vai trò của nhà nước sẽ ở đâu trong câu chuyện này?

- Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có kế hoạch xây dựng các cụm rạp. Nhưng hiện nay chưa có rạp nào được xây cả. Cá nhân tôi nghĩ, mỗi năm nhà nước chỉ cần đầu tư có trọng điểm, xây dựng ở 1 tỉnh thành nào đó 1 cụm rạp có 3 phòng chiếu thôi. Trong 10 năm chúng ta sẽ có một hệ thống rạp lớn. Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất điện ảnh tư nhân nhằm thúc đẩy điện ảnh nội địa.

* Cũng có ý kiến cho rằng cần nhìn nhận một cách sòng phẳng, khi điện ảnh Việt Nam đang ở đáy, các đơn vị nước ngoài đã vào gây dựng từ con số 0 và phát triển được như ngày nay.

- Khi nhà nước mở cửa về văn hóa, nếu không phải Megastar (sau này CGV mua lại – PV) thì cũng sẽ là một đơn vị nào khác mua thôi. Thời gian đầu, Trung tâm là đơn vị hỗ trợ Megastar mạnh mẽ nhất khi họ mở cụm rạp ở Vincom Bà Triệu. Tôi chỉ tiếc là sự điều tiết của nhà nước đã lỡ nhịp so với thị trường và không tạo được thế cân bằng để phát triển nội lực của mình, khiến cho điện ảnh nội địa hiện nay phát triển cực kì khó khăn.

Tư nhân có vài cụm rạp, các đơn vị nhà nước thì bị trói bởi cơ chế. Như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là đơn vị sự nghiệp, phải phục vụ nhiệm vụ chính trị trước rồi mới đến kinh doanh, không được quyền tham gia phát hành phim.

Chúng tôi có kế hoạch mở thêm 4 phòng chiếu, nhưng làm thủ tục giấy tờ suốt 1 năm rồi mà chưa xong. Trong khi đó tư nhân họ có thể quyết rất nhanh.

* Cũng có ý kiến cho rằng những đơn vị tư nhân ở Việt Nam đã từng có cơ hội để phát triển rạp chiếu nhưng không nắm bắt kịp?

- Không phải. Do vấn đề nội lực. Nên nhớ Megastar, hay CGV là những tập đoàn tài chính lớn, có trong tay tiền tỉ đô. Các công ty của Việt Nam hiện nay kiếm triệu đô đã khó, lấy đâu ra tỉ đô mà bắt kịp với họ.

* Có một vấn đề, hiện nay chúng ta đang kêu phim Việt bị chèn ép, nhưng cũng cần xem lại chất lượng phim Việt. Khi phim Việt còn nhiều phim dở như vậy khó có thể đòi hỏi những vị trí tốt ở trong rạp.

- Mỹ một năm sản xuất khoảng 300 - 400 phim, đưa vào Việt Nam 100 phim thì cũng chỉ được 10% trong số này là phim tốt thôi, còn lại họ cũng có nhiều phim yếu chứ.

Phim Việt Nam bây giờ cũng vậy thôi, sẽ có phim tốt, phim yếu. Sòng phẳng mà nói, phim Việt đã tốt hơn rất nhiều so với trước kia, phim nào làm tử tế đều có doanh thu tốt cả.

Giám đốc rạp chiếu phim Quốc gia

Tại Hà Nội vừa diễn ra hội thảo về phát hành phim. Đây không phải là hội thảo lần đầu tiên và chưa phải lần cuối cùng về đầu ra cho phim chiếu rạp nói chung.

Điều tra của chúng tôi cho thấy khán giả Việt Nam rất ủng hộ phim Việt. Phim Việt hiện nay đang cạnh tranh sòng phẳng với phim ngoại ngoài rạp, nếu phim Việt yếu thì cũng bị bay ra khỏi rạp.

Với chúng tôi thì mọi phim vào rạp đều bình đẳng, không có chuyện chèn ép phim của nước nào. Còn chuyện phim nào "hot" thì sẽ xếp phòng lớn, nhiều phòng để đảm bảo doanh thu cao, đó là nghệ thuật của các cụm rạp thôi.

* Đánh giá của ông về nhu cầu phát triển rạp chiếu hiện nay?

- Hiện nay, phần lớn các cụm rạp có từ 7-9 phòng chiếu, rất ít cụm rạp có 10 phòng trở lên. Trong khi đó phim vào quá nhiều, 1 tuần có tới 7 phim, tuần sau lại có khoảng 5-6 phim khác vào, nói thật không xếp nổi với số lượng phòng chiếu như bây giờ. Chúng tôi đều vui vẻ với tất cả các đơn vị phát hành, tất nhiên vẫn phải ưu tiên phim tốt.

Đơn cử như X-Men thì phải bố trí 2-3 phòng, vì phải tính hiệu quả cho rạp. Còn phim đuối cũng phải tính toán, chứ nếu xếp cho họ vào thời điểm toàn phim tốt sẽ không trụ được.  

Cuộc chiến được dự báo trước

Nhà sản xuất Trịnh Lê Minh Hằng (Skyline Media) từng chia sẻ tại buổi ra mắt Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam ngày 2/10/2015: “Có nhiều thế lực đằng sau việc phát hành một bộ phim, nhưng nhìn ở khía cạnh khách quan, tôi hiểu rạp chiếu có áp lực nhất định (sự đón nhận hoặc không của khán giả ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của rạp), nên họ sẽ đưa lại những áp lực ấy cho cả phim Việt lẫn phim ngoại nhập. Nếu phim tốt (khán giả đông), đương nhiên bộ phim sẽ được hưởng ưu đãi nhất định và ngược lại. Nếu nhà phát hành không có nhiều cụm rạp trong tay, sẽ không làm và không xoay xở được gì. Còn vừa phát hành, vừa nắm trong tay những cụm rạp quá lớn, họ sẽ ép được nhà sản xuất phim và các nhà phát hành nhỏ hơn bằng cách không lấy phim vì chê phim không hay hoặc có lấy phim phát hành cũng chỉ cho những suất chiếu “xấu”, không thể có doanh thu”.

V.B

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Giám đốc rạp chiếu phim Quốc gia

Ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã tạo nên cơn sốt phòng vé ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Ông có suy nghĩ gì về hiện tượng này?

Trước hết, phải nói rằng phần lớn khán giả đến xem phim cũng không phân biệt giữa phim do nhà nước đặt hàng hay phim do tư nhân sản xuất. Trong thời gian gần đây có rất nhiều bộ phim của điện ảnh Việt Nam sản xuất được khán giả đón nhận hết sức nhiệt tình, đặc biệt với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã tạo được sức hút đối với xã hội rất lớn trong nhiều tầng lớp khán giả. Tôi cũng thực sự ngạc nhiên và bất ngờ bởi hiệu ứng của phim có sức lan tỏa lớn như vậy. Đối với TTCPQG, ban đầu chúng tôi cũng ưu tiên dành hai phòng chiếu lớn nhất cho bộ phim, nhưng về sau do nhu cầu của khán giả ngày càng lớn nên Trung tâm đã dành đến 5 phòng chiếu với gần 40 suất chiếu trong ngày. Khán giả có thể xem bộ phim này từ sáng sớm đến suất cuối cùng trong ngày là sau 23h00. Quả thật lâu lắm rồi, ở Trung tâm mới có một phim điện ảnh Việt đốt cháy phòng vé như vậy. Hơn nữa, đây được coi là “thời điểm rơi” trong năm đối với hoạt động chiếu phim thì việc một bộ phim do nhà nước đặt hàng với nội dung câu chuyện hết sức dung dị về đề tài cuộc sống ở nông thôn đã thổi bùng lên, đốt cháy phòng vé là điều rất vui mừng cho hoạt động của Trung tâm nói riêng và cho điện ảnh Việt Nam nói chung. Đặc biệt nữa, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh còn là một bộ phim nghiêm túc theo xu hướng nghệ thuật.

Có thể thấy, bộ phim đã thu hút nhiều đối tượng khán giả quan tâm. Bên cạnh khá đông khán giả trẻ, không thiếu những khán giả cao tuổi và cả trẻ em được bố mẹ dắt theo tới phòng chiếu. Cá nhân tôi cũng vậy! Tôi đã mời mẹ tôi trên 80 tuổi cùng một số người bạn của bà đến xem phim. Sau khi xem xong, ra về ai cũng tấm tắc khen “Phim dài nhưng vẫn muốn xem nữa”. Còn cô con gái của tôi học lớp 11, xem phim xong có nói với tôi rằng “Phim hay bố ạ! Cuộc sống ở quê như thế thật sao?”. Rõ ràng, cuộc sống của những bạn nhỏ ở làng quê ấy đã chạm đến những tâm tư, tình cảm và sự sẻ chia của những bạn trẻ thành thị để họ hiểu thêm về cuộc sống ở nông thôn Việt Nam. Tôi tin rằng con gái mình cũng sẽ có những nhận thức nhất định, thậm chí điều chỉnh được những hành vi trong cuộc sống sau khi xem xong bộ phim này.

Phải chăng hiện tượng này đang tiếp tục được xem là một tín hiệu khởi sắc đáng mừng cho điện ảnh Việt?

Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển của điện ảnh Việt, bởi chúng ta đang có lượng khán giả hết sức dồi dào, trong khi đó số lượng phim mỗi năm sản xuất ra không nhiều. Từ xưa đến nay, mọi người chỉ coi điện ảnh là một ngành nghệ thuật chứ chưa thực sự coi nó là một sản phẩm văn hóa đặc biệt mà rõ ràng trong đó có tính thương mại. Vấn đề đặt ra là không phải chỉ đến khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh xuất hiện mới được coi là điểm nhấn hay tạo ra cú hích cho điện ảnh Việt. Vì trong những năm gần đây, rõ ràng điện ảnh Việt đã có những khởi sắc đáng kể, nhưng có vẻ các nhà làm phim vẫn chưa nắm bắt hết những tâm tư, tình cảm của khán giả. Sự xuất hiện và thành công ngoài sức tưởng tượng của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với những hình ảnh trau chuốt cùng nội dung giàu cảm xúc, đi vào đời sống con người nông thôn một cách mộc mạc, dung dị với cách làm phim nghiêm túc, chỉn chu đã thực sự chinh phục khán giả nhiều lứa tuổi. Hơn nữa, khán giả bây giờ rất tinh tế và có những đánh giá hết sức khách quan. Tôi tin rằng, điều này không chỉ lay động đến với người xem mà còn với những người làm nghề nữa.

Chưa tính đến việc những bình luận trái chiều về bộ phim, nhưng có thể nói bộ phim đã rất thành công là kéo khán giả nô nức đến rạp và bàn luận sôi nổi. Theo ông, nguyên nhân nào khiến bộ phim đang thực sự thu hút sự yêu mến và quan tâm của khán giả nhiều đến vậy?

Tôi nghĩ điều này nằm ở chính nội dung của phim. Tuy phim không thực sự xuất sắc, nhưng đã thể hiện được những vấn đề của cuộc sống hiện nay. Ở đó có cuộc sống của các em học sinh tiểu học, có đầy đủ những biểu hiện của lứa tuổi, có cuộc sống vất vả, lam lũ của người lớn. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo ra một bức tranh thật lung linh, dù khốn khó, vất vả nhưng trên hết là họ biết thương yêu, quý mến, đùm bọc nhau và có những ước mơ về một ngày mai tươi sáng hơn.

Hầu hết khán giả xem phim xong đều khen phim hay. Nhiều người còn đứng xếp hàng dài chờ nhau để chụp ảnh kỷ niệm với mô hình của các nhân vật trong phim tại sảnh Trung tâm – điều chưa hề có đối với bất cứ bộ phim hot nhất nào từ trước đến nay, kể cả phim nhập khẩu. Bởi mô hình phim nước ngoài cũng rất nhiều nhưng để có số lượng người đứng đợi chụp hình lớn đến vậy thì chỉ có ở phim này. Đây cũng là một trong những tình cảm khán giả dành cho bộ phim. Thậm chí có người sau khi ra khỏi phòng chiếu, đã xuống nhà sách của Trung tâm mua một cuốn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, dù họ đã đọc rồi. Đây tuy là một cử chỉ nhỏ nhưng đã thể hiện tình cảm họ muốn tri ân với tác giả, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Còn tất nhiên, ai cũng có thể bàn luận phim chưa hay ở điểm nọ điểm kia, âu cũng là điều dễ hiểu vì phim nào nhặt ra chẳng có “sạn”, nhưng quan trọng nhất là bộ phim đã đem đến cho khán giả những cảm xúc tuyệt vời và gần như ai cũng tìm thấy hình ảnh ấu thơ của mình ở trong đó.

Giám đốc rạp chiếu phim Quốc gia

"Chính âm nhạc, bối cảnh cuộc sống và con người trong phim đã đem lại cho tôi nhiều cảm xúc thú vị"

Với tư cách là đơn vị công chiếu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - bộ phim Việt Nam do nhà nước đầu tư phối hợp với tư nhân sản xuất, ông có điều gì muốn chia sẻ với các nhà làm phim Việt từ hiệu ứng mà bộ phim thu được?

Hầu hết, các nhà làm phim đều có sự tìm tòi, sáng tạo riêng nhưng trong cơ chế thị trường hiện nay, đặc biệt với lĩnh vực điện ảnh thì khán giả là người thẩm định phim tốt nhất. Tôi cho rằng chẳng có ai mạo hiểm vì đồng tiền của mình bỏ ra. Bởi vậy, chắc chắn các nhà làm phim, những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh sẽ luôn phải cân nhắc khi lựa chọn những đề tài, câu chuyện để làm phim. Tôi hy vọng, trong tương lai, việc sản xuất phim và đưa phim đến với công chúng sẽ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Còn một điều này nữa, đó là không thể phủ nhận với chiến dịch quảng bá hiệu quả cũng góp phần đem lại sự thành công cho Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh, việc PR của nhà sản xuất không thể đủ để làm lay động thu hút lượng người xem khổng lồ đến rạp trong liền một tuần đầu công chiếu mà ở đây sự lan tỏa trong chính khán giả đã làm công tác quảng cáo cho bộ phim. Qua hiện tượng này, tôi cho rằng các nhà đầu tư từ trước đến nay có thể chưa nghĩ đến việc đầu tư vào phim ảnh mà chỉ nghĩ đến đầu tư vào rạp chiếu, nhưng trong tương lại chắc chắn sẽ có nhiều người quan tâm đến việc sản xuất phim. Đó cũng chính là một trong những nguồn lực để phát triển điện ảnh.

Cá nhân ông đánh giá thế nào sau khi xem phim?

Tôi đã xem bộ phim này hai lần. Lần đầu với tư cách là thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia, khi đó cảm nhận về phim ở mức độ vừa phải vì lúc đó phải dùng lý trí để xem xét phim nhiều hơn. Bên cạnh những mặt được như âm nhạc, hình ảnh trau chuốt, lời thoại mộc mạc, gần gũi, bộ phim vẫn còn những điều đáng tiếc. Ví dụ ở nhân vật Nhi, lẽ ra cô bé đóng vai ấy nhỏ hơn một chút, trong sáng hơn, tươi tắn hơn, đẹp hơn thì bộ phim sẽ lung linh hơn nữa. Còn khi xem lần thứ hai chính âm nhạc, bối cảnh cuộc sống và con người trong phim đã đem lại cho tôi nhiều cảm xúc thú vị. Tôi thấy có tuổi thơ của mình trong đó, khiến mình cảm thấy ấm áp hơn, sống tốt hơn, có trách nhiệm với cộng đồng và với bản thân hơn.

Với sự khởi sắc của điện ảnh Việt như hiện nay, ông có nghĩ rằng phim Việt ngày càng không khó để đạt doanh thu cao?

Điều quan trọng nhất là tác phẩm đó phải như thế nào. Có thể nó sẽ chết yểu ngay nếu được làm không nghiêm túc. Còn khi phim được khán giả chấp nhận được chiếu trên hệ thống rạp ở Việt Nam thì việc có lãi là chắc chắn.

Đối với Trung tâm, hiện đang có một lượng khán giả tương đối tốt, giá vé xem phim cũng hợp lý, cơ sở vất chất hạ tầng hiện đại và chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến khán giả phản hồi về các bộ phim được chiếu tại đây. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh để làm sao cho phù hợp với tiêu chí của Trung tâm mà không làm mất lòng các nhà phát hành. Trung tâm luôn ưu tiên chiếu các phim Việt Nam, thậm chí có những phim chúng tôi biết rằng về mặt doanh thu là rất khó nhưng cũng luôn tạo điều kiện để giới thiệu đến khán giả những tác phẩm trong nước.

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của công tác xã hội hóa trong phát triển điện ảnh Việt Nam?

Tôi nghĩ việc xã hội hóa điện ảnh đáng lẽ phải làm từ lâu vì chúng ta phải huy động các nguồn lực để sản xuất phim, còn nhà nước vẫn duy trì việc đặt hàng, nhưng cố gắng để tăng hiệu quả đồng vốn nhà nước đầu tư cho tác phẩm điện ảnh chất lượng hơn. Đó là điều chúng tôi luôn mong muốn, chứ không chỉ dừng lại ở những bộ phim chỉ được chiếu tại những Tuần phim hoặc các Liên hoan phim. Việc xã hội hóa là hết sức đúng đắn, sẽ tạo ra sự chủ động rất lớn cho các cơ sở sản xuất phim.

Từ trước đến nay, nhà nước chỉ chú trọng nhiều đến đầu tư sản xuất phim. Nhưng tôi có quan niệm ngược lại, nếu coi tác phẩm điện ảnh là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt, tức là phải có tính giải trí thương mại thì phải có đầu ra cho sản phẩm đó. Trong khi đó, đầu ra hiện nay của chúng ta, gần như trong hệ thống rạp thuộc nhà nước quản lý không đáp ứng được nhu cầu xem phim của công chúng, quá sập xệ, xuống cấp, không được nhà nước quan tâm. Duy nhất TTCPQG được nhà nước đầu tư và bằng sự nỗ lực của cán bộ viên chức thì hình ảnh của Trung tâm đã cạnh tranh được với các cụm rạp tư nhân. Thiết nghĩ, nếu ở các tỉnh thành trên cả nước, mỗi nơi có khoảng ba phòng chiếu với một không gian văn hóa rộng, không chỉ có chiếu phim mà có thêm các loại hình dịch vụ khác thì tôi tin rằng các rạp nhà nước sẽ “sống” được. Bởi vậy, nhà nước nên quan tâm đến việc chấn hưng các hệ thống rạp chiếu phim, vì đó là các thiết chế văn hóa vừa truyền bá được văn hóa, lại vừa đem lại lợi ích về mặt kinh tế.

Trong vài năm gần đây, Trung tâm đã tự chủ thành công dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTT&DL. Rõ ràng về mặt cơ ngơi và trang thiết bị vật chất Trung tâm không hề thua kém các cụm rạp tư nhân và lượng khán giả đến với Trung tâm ngày một nhiều hơn. Có được điều này là nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo và ủng hộ của Bộ VHTT&DL, muốn xây dựng TTCPQG trở thành một thiết chế văn hóa để tổ chức các Tuần phim, đặc biệt là các Tuần phim nước ngoài tại Việt Nam. Hầu hết các nước khi đến đây thực hiện các Tuần văn hóa đều ngạc nhiên tại sao ở Việt Nam lại có cụm rạp nhà nước hiện đại như thế này. Họ rất hài lòng khi giới thiệu những tác phẩm của họ tại Trung tâm. Đồng thời với ý thức của cán bộ viên chức và người lao động tại đây, chúng tôi luôn coi khán giả là những vị khách hết sức đặc biệt để phục vụ ngày càng tốt hơn. Vì vậy, quan tâm đầu tiên của chúng tôi tuy nhỏ nhưng đã mạnh dạn thay đổi từ việc cải tạo những khu vệ sinh. Tiếp đến là nâng cao chất lượng, các phòng chiếu hiện nay về mặt kỹ thuật như các phòng chiếu của Mỹ, đảm bảo sự hiện đại và theo kịp thế giới. Quang cảnh trong và ngoài Trung tâm cũng đã tạo ra một không gian văn hóa và thân thiện. Những áp phích phim và cả khu tôn vinh các nghệ sĩ điện ảnh cũng làm khán giả cảm thấy gần gũi hơn. Mỗi năm, Trung tâm cũng tạo công ăn việc làm cho rất nhiều các bạn sinh viên. Do đó, đội ngũ người lao động ở Trung tâm luôn trẻ trung và thanh lịch.

Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một Trung tâm chiếu phim bắt kịp với xu hướng thế giới, đáp ứng nhu cầu xem phim của mọi đối tượng khán giả và hy vọng đến cuối năm 2016, sẽ hoàn thành và ra mắt 4 phòng chiếu mới hiện đại. Tôi tin rằng năm 2017, TTCPQG sẽ là một trong những cụm rạp hiện đại và là địa chỉ tin cậy để khán giả khán giả Thủ đô đến thưởng thức điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung.

Tại TTCP Quốc Gia, tính đến ngày 14/10, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã bán ra 73.030 vé, với doanh thu trên 4 tỷ đồng (trong đó riêng ngày 30/9 – suất chiếu sớm của bộ phim là 1.232 vé với doanh thu 76 triệu đồng)


Kim Anh