Học làm văn cần phải học làm người trước hết

Học để làm người

Minh Quang

09:05 22/08/2019

Phân tích từ nhiều chuyên gia cho thấy, việc đi tìm triết lý giáo dục, suy cho cùng là câu chuyện về điểm khởi đầu và cũng là đích đến/ sản phẩm giáo dục. Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: cái đích học để làm người chính là tính toàn diện của giáo dục, để mỗi người lớn lên được giáo dục để trở thành Người. Chữ “Người” viết hoa và với nghĩa rộng. Điều này hoàn toàn tương hợp với những tiêu chí giáo dục hiện đại của UNESCO.

Đã có giai đoạn người ta tranh cãi về slogan “Tiên học lễ, hậu học văn” ở các trường học. Thậm chí có không ít ý kiến cho rằng nên bỏ, vì nó quá khó hiểu với học sinh tiểu học. Nhưng theo phân tích từ GS. Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thực chất “Tiên học lễ, hậu học văn” không phải là khẩu hiệu mà là phương châm giáo dục đúng muôn đời và đúng với tất cả các nền giáo dục.

Trong hành trình đổi mới giáo dục hôm nay, phạm trù “lễ” vẫn được coi trọng trong ứng xử của các mối quan hệ xã hội. Thông điệp “Tiên học lễ, hậu học văn” được truyền ngôn từ thế hệ này qua thế hệ khác, là trụ cột giáo dục đạo đức, lối sống cho con em tại các gia đình có gia phong trong sáng, gia pháp nghiêm minh, gia giáo nền nếp. Trước thực trạng đạo đức lối sống của một bộ phận thế hệ trẻ đang bị xuống cấp, bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, nhiều chuyên gia cho rằng quy tắc “Tiên học lễ” phải là quy tắc vàng trong nội dung giáo dục của bất cứ nhà trường nào. Theo GS. Vũ Tuấn, ngày nay người ta cố gắng đem đến một cuộc sống tốt hơn cho trẻ nhỏ, nhưng lại quên không tạo ra những đứa trẻ tốt hơn cho cuộc đời. Chính vì lẽ đó, việc học lễ là để cho con người ngày càng có văn hóa hơn.

Thực tế bao năm nay, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” tồn tại ở khắp các trường học, nhưng hầu hết học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo cũng chưa thực sự quan tâm. Bởi những khẩu hiệu này chưa được xây dựng thành văn hóa và phương châm thật sự trong trường học, bao trùm lên toàn bộ hoạt động dạy và học của thày cô và học sinh trong trường. “Tiên học lễ” - nghe tuy nó quá cũ, nhưng nó như một bờ đê ngăn cản “những điều không đúng” trong xã hội. Người giàu sang biết lễ thì không dâm tàn, không kiêu căng; người bần tiện biết lễ thì không nản chí, không làm bậy; người lãnh đạo có biết lễ thì mới biết trọng dụng hiền tài, biết trị nước, an dân.

Từ những phân tích ấy, điều rút ra là "Tiên học lễ, hậu học văn" dù ở thời đại nào cũng nên là mục tiêu cao cả mà ngành Giáo dục hướng tới. Nghĩa là câu chuyện "học để làm người" vẫn luôn mang tính thời sự cho đến tận ngày hôm nay, như Bác Hồ đã từng nhắc nhở "Có tài mà không có đức là người vô dụng". Nếu trường học cũng như các gia đình không quan tâm sâu sắc đến vấn đề này, những câu chuyện nhức nhối liên quan tới đạo đức, lối sống của học sinh vẫn còn tái diễn.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: Muốn phát triển một nền giáo dục thì trước hết phải có nền giáo dục mang tư tưởng thời đại. Ngày nay là thời đại dân chủ, làm cho con người phát triển hết năng lực của họ. Trong quá trình thực hiện mục tiêu ấy, việc trước tiên, theo tôi là phải thống nhất triết lý giáo dục của chúng ta, đó là “Học để làm người”, bằng cách học suốt đời và học nhanh để theo kịp thời đại. Ông cũng cho rằng, việc thảo luận triết lý giáo dục sẽ không chấm dứt, chỉ nên đưa ra nguyên tắc: Triết lý nào hay thì ủng hộ và coi đó là kho tàng văn hóa của chúng ta, được áp dụng phổ quát. Còn triết lý nào chưa thuyết phục vẫn cần được tôn trọng.

Và như vậy “Học để làm người” tức là học để trở thành nhân cách. Con người mới sinh ra chưa có nhân cách cụ thể. Càng lớn, phẩm chất, năng lực mới dần được bộc lộ để tạo sự khác biệt rằng người đó là chính họ chứ không phải bản sao của người khác. Trong quá trình học, những phẩm chất, năng lực dần được định hình rõ nét. Như vậy, muốn trở thành con người, có năng lực, phẩm chất tốt đẹp thì không gì khác ngoài đi học. Một nhà giáo dục nổi tiếng thế giới nói đại ý: “Cha mẹ sinh ra con, còn nền giáo dục sinh ra nhân cách”, là vì thế!

GS.TS Phạm Tất Dong phân tích cặn kẽ: “Học để làm người” trong giai đoạn hiện nay là phải học suốt đời. UNESCO xác định xây dựng xã hội học tập là xây dựng xã hội mà ai cũng phải học và học suốt đời. Bởi trước đây, quá trình sáng tạo ra một tri thức mới diễn ra chậm chạp. Ngày nay, tri thức mới được tạo ra hàng ngày, hàng giờ, việc cập nhật tri thức do đó phải thường xuyên, liên tục. Nếu không học sẽ không thể nắm được tri thức, công nghệ mới. Cách đây khoảng 30 năm, UNESCO từng khuyến cáo về cách học rằng, học vấn cao là phải làm cho ai cũng có thể với tới được và những tri thức mới phải đến với các dân tộc để họ lựa chọn tri thức cần cho dân tộc họ. Chỉ khi đó, chúng ta mới có được bản sắc riêng, nền văn minh riêng!

Như vậy, việc học để làm người cũng chính là việc rèn luyện kỹ năng, trau dồi trình độ trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ tiên tiến, trước yêu cầu của thế giới phẳng hôm nay.

Chia sẻ về quan điểm này, trong phân tích mới đây, GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng đã chỉ ra rằng về cơ bản triết lý giáo dục của người Việt Nam đã được phôi thai và hình thành khá sớm, nhờ minh triết giáo dục Hồ Chí Minh [năm 1949], và sau này được nâng lên tầm quốc tế nhờ quan điểm [hay triết lý] "bốn trụ cột giáo dục" của UNESCO - năm 1996 [Học để biết/ Học để làm việc/ Học để chung sống và Học để khẳng định mình]. Như vậy, có thể hiểu kiến thức là những hiểu biết về các môn khoa học, các định luật, định lý được viết trong sách vở. Kiến thức mang đặc tính lý thuyết và chỉ giúp cho người ta hiểu biết. Còn kỹ năng là khả năng vận dụng kiến thức để thực hành có hiệu quả một hoạt động nào đó mang tính chất hành động. Kỹ năng được hình thành dựa trên kiến thức cộng với sự tập luyện cho đến khi thuần thục. Ví dụ như kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng tổ chức/ giải quyết công việc, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng từ chối, kỹ năng thuyết phục, v.v… Và cuối cùng là kỹ năng giúp người ta thành công trong cuộc sống và kiếm được tiền.

Giờ đây, trong giới trẻ khái niệm công dân toàn cầu cũng được nhắc tới nhiều. Nên hiểu khái niệm công dân toàn cầu là những cá nhân có kiến thức và hiểu biết về các vấn đề kinh tế, xã hội của toàn cầu; có kỹ năng tư duy phê phán và sáng tạo; có bản sắc cá nhân và tôn trọng sự đa dạng, biết chung sống trong và đóng góp cho cộng đồng.

Việc trở thành công dân toàn cầu chỉ đơn thuần là của giới trẻ. Đó là đòi hỏi cho mọi thế hệ để có thể sống được hiệu quả hơn. Tuy nhiên giới trẻ bị đòi hỏi nhiều hơn và cũng có nhiều điều kiện và cơ hội hơn. Để Việt Nam thực sự hiện đại hóa, phù hợp với hoàn cảnh đất nước trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, cần phải quốc tế hóa nền giáo dục Việt Nam để phát triển nhanh. Quốc tế hóa từ triết lý giáo dục cho đến chương trình, sách giáo khoa và toàn bộ quá trình giáo dục, như các nước phát triển đã làm. Chỉ khi đó, nguồn nhân lực do chúng ta tạo ra mới đủ trình độ và sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi số. Ông Trần Văn Nhung nêu ra "công thức" của công dân toàn cầu, theo đó, “Công dân toàn cầu” = Sức khoẻ tốt + Trái tim nhân nhậu + Bộ óc tốt + Kỹ năng sống tốt + Tiếng Anh + IT, ICT. Ông Nhung cũng nhấn mạnh rằng, tất nhiên dùng công thức chỉ là để viết tắt cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Theo công thức này, công dân toàn cầu cần có đầy đủ các tố chất văn, thể, mỹ, hài hòa không cực đoan, phiến diện. Và đặc biệt luôn phải nhớ mình là người Việt Nam!

Chủ đề: Học để làm người

Muốn làm được việc lớn trước hết phải học cách làm người

Làm người hãy chính đạo ngay thẳng, làm việc hãy lỗi lạc quang minh. Mạnh Tử nói: Làm người hãy học cách “ngẩng đầu không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với người”. Làm việc hay làm người, nhất định cần phải chính đại quang minh.

Vậy, đạo đức làm người là gì? 

Làm một người hiếu thuận

Hiếu đễ là yếu tố căn bản nhất giúp ta có thể làm người. Cổ nhân dạy: “Bách thiện hiếu vi tiên”, tất cả mọi việc hành thiện đều bắt đầu từ chữ Hiếu. Một người nếu không biết hiếu kính cha mẹ, sẽ rất khó tưởng tượng họ sẽ hành xử như thế nào với người khác.

Làm một người thiện lương 

Trong “Trụ Minh”, đại văn học gia Phương Hiểu Nhụ đời Thanh có viết: “Giao thiện nhân giả đạo đức thành, tồn thiện tâm giả gia lý ninh, vi thiện sự giả tử tôn hưng”. Tạm dịch: Kết giao với những người bạn tốt có thể giúp ta bồi dưỡng phẩm đức tốt đẹp. Trong tâm có thiện lương sẽ giúp gia đình hòa thuận an bình. Làm việc tốt sẽ làm tử tôn sau này hưng vượng.

Trong “Đạo Đức Kinh” có thuyết: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”. Quy luật của đại đạo và trời đất là đều như nhau: Không có thân sơ, chỉ có thiện quả đãi thiện nhân.

“Nhân chi sơ tính bản thiện”, mỗi người khi sinh ra bản tính ai cũng đều lương thiện như nhau. Bên trong mỗi người đều có một phần thiện niệm, bởi vậy khi làm điều gì không tốt, tâm sẽ tự thấy bất an. Nếu bạn luôn hành thiện giúp đỡ người khác vô điều kiện, khi làm được một việc tâm sẽ tự thấy vui.

Làm một người chăm chỉ 

Đây chính là phần thưởng của trời đất ban tặng. Làm việc chăm chỉ là phẩm chất căn bản cần có giúp ta có thể làm thành đại sự và lập nghiệp. Từ xưa tới nay, những người thất bại đa phần đều vì lười biếng. Thành công lớn thường tỉ lệ thuận với chăm chỉ. Đây là nền tảng tích lũy giúp tạo ra những kỳ tích.

Làm một người khoan dung

Cổ nhân thường nói: “Hữu dung nãi đại”, nghĩa là: Dung hòa rồi lớn mạnh. Sống giữa những va chạm sinh hoạt hằng ngày, hãy giữ cho mình một trái tim khoan dung, bao dung với cả những sự việc thiên hạ khó có thể chịu đựng.

Vào thời Xuân Thu, Sở Trang Vương thắng trận và bày tiệc ăn mừng chiến thắng. Đang lúc quân thần ăn uống vui vẻ, ông cho gọi một tỳ thiếp được sủng ái là Hứa Cơ tới để kính rượu mọi người.

Đột nhiên một cơn gió mạnh thổi qua làm ngọn nến vụt tắt, căn phòng bỗng chốc tối om om. Lúc này, một võ tướng say rượu vô ý mạo phạm Hứa Cơ. Vì sợ hãi thất kinh, người tỳ thiếp giật lấy dải lụa trên mũ của người kia xuống và kể sự tình với Sở Trang Vương. Nàng lại yêu cầu ông lập tức sai người châm nến để trừng phạt thật nặng người kia. Chẳng ngờ Sở Trang Vương không những chưa sai người châm nến, mà còn nói với mọi người: “Hôm nay uống rượu thật vui, mọi người hãy tự giật bỏ giải mũ của mình xuống coi như một trò tiêu khiển!” Các tướng lĩnh nghe vậy lấy làm lạ lắm nhưng không ai dám trái lời…

Sau khi nến được thắp trở lại, yến tiệc lại bắt đầu lại từ đầu, Trang Vương không hề truy vấn tới người đã mạo phạm ái phi của mình.

Sau này, khi Sở Trang Vương khởi binh phạt Trịnh, phó tướng Đường Giảo xung phong đảm nhận mang hơn trăm quân tinh nhuệ tiên phong mở đường, không quản vào sinh ra tử, lập được công lao hiển hách.

Khi luận công ban thưởng, Đường Giảo từ tạ mà đáp: “Trong bữa yến tiệc lần trước, thần chính là người đã mạo phạm tới ái phi của đại vương. Nhờ ân sủng của đại vương, nên hôm nay thần nguyện được liều mình báo đáp”. Trang Vương nghe xong vô cùng xúc động.

Làm một người trung thực

Trung thực là nền tảng để lập thân, là mỹ đức tốt đẹp cần có của mỗi người. Một người không trung thực thì không nên kết giao. Muốn gánh vác việc đại sự to lớn, đầu tiên cần trung thực, thành thật không khoa trương.

Một người không thành thật, khi lừa dối người khác cũng là đang tự lừa dối bản thân. Họ không thể chí công vô tư thật tâm tu thân dưỡng tính, lại không cách nào có được lòng tin của người khác và không thể đứng vững trong xã hội.

Làm một người khiêm tốn 

Khiêm tốn là một bộ phận quan trọng làm nên nhân phẩm của con người. Trong “Chu Dịch” có câu: “Quân tử tàng khí vu thân, đãi thời nhi động”, tức là người quân tử cất giấu vũ khí, chờ thời cơ. Hàm nghĩa của lời nói này chính là: Người quân tử có tài năng và tài nghệ siêu việt hơn người bình thường, nhưng họ không khoe khoang mà chờ đến khi thời cơ thích hợp mới đem tài năng và tài nghệ ra thi triển.

Người khiêm tốn không mưu cầu danh lợi, điềm tĩnh ung dung, ôn hòa hiền hậu, yên tĩnh giống như trời đất. Họ luôn đặt mình ở vị trí thấp, nhưng không ai có thể phủ nhận sự uyên bác của họ. Người luôn khiêm tốn cho mình ở vị trí thấp, ít phóng túng, kín đáo… thì cũng giống như biển lớn, luôn đặt mình ở chỗ thấp, nhưng không ai có thể phủ nhận sự thâm sâu.

Làm một người chính trực

Có câu: “Thân chính không sợ bóng nghiêng, chân chính không sợ giày lệch”, thân chính tâm an thì ma quỷ không dám động tới. Phẩm hạnh đoan chính thì làm người mới có ngọn nguồn, làm việc mới có kiên cường. Lòng dạ bao la như trời biển, trước sau như một, rộng rãi bao dung.

Làm người hãy chính đạo ngay thẳng, làm việc hãy lỗi lạc quang minh. Mạnh Tử nói: “Ngưỡng bất quý vu thiên, phủ bất tạc vu nhân”, tức là: Làm người hãy học cách ngẩng đầu không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với người. Làm việc hay làm người nhất định cần chính đại quang minh, xử thế ngay thẳng, không nên vụng trộm tổn hại tới lợi ích của người khác.

Hãy học cách làm người chính trực, ngay thẳng cẩn thận. Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Tĩnh vi táo quân”, ý nói tĩnh là chủ của xao động, nóng nảy. Tĩnh có thể loại bỏ được khí nóng trên thân thể người, làm mất sự nóng nảy trên cơ thể người.

Trong tác phẩm “Đại học” cũng viết: “Tĩnh rồi mới có thể an định, an định rồi thì sau mới lo nghĩ, mưu sự mà làm thành được việc”. [Nguyên văn: “Tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc”]. Có thể nói, tĩnh là an định, là yên ổn, là cơ sở, nền móng của suy nghĩ và làm thành việc lớn.

Làm một người thủ tín 

Trong “Luận ngữ” Khổng Tử giảng: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nguyệt, kì hà dĩ hành chi tai?”. Tạm dịch: Người mà không đáng tin cậy, làm sao làm được việc. Xe lớn mà không có cái đòn lớn, xe nhỏ mà không có cái chốt nhỏ, làm sao dùng để đi đây?

Thủ tín là lực hấp dẫn của nhân cách có dùng bao nhiêu tiền cũng không mua được. Đường đường chính chính làm người, quang minh chính đại làm việc. Vĩnh viễn đừng bao giờ vứt bỏ sự tín nhiệm của người khác đối với bản thân mình, bởi vì khi người khác tín nhiệm ta tức là giá trị của ta đã nằm trong sự cảm nhận của người khác rồi. Thất tín là thất bại lớn nhất của đời người, thủ tín mới có thể được lòng người!

Làm một người lạc quan

Trong cuộc sống hiện đại, mười việc thì có chín việc không được như ý, không thể sự sự đều suôn sẻ. Tuy nhiên, dù gặp bao nhiêu chông gai, hay khó khăn thế nào thì hãy luôn tiến về phía trước. Tốt cũng chỉ một ngày, xấu cũng chỉ một ngày, chi bằng hãy nhìn vào khía cạnh tươi đẹp của cuộc sống, tự hài lòng với bản thân để luôn cảm thấy hạnh phúc vui vẻ.

Tô Thức là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong “Bát đại gia Đường Tống”. Cả đời ông lang bạt kỳ hồ, vận mệnh long đong tuyệt vọng nhiều lần. Tuy nhiên, dù ở trong bất kỳ nghịch cảnh nào ông cũng không thở dài hay đổ lỗi cho bất kỳ ai. Dù ở bất cứ nơi đâu và hoàn cảnh nào, ông luôn giữ cho mình những thú vui tao nhã trong cuộc sống, như leo núi vãn cảnh, gặp vực vịnh cảnh ngâm thơ, luôn tận lực tìm ra niềm vui trong kiếp nhân sinh, bằng lòng với số mệnh.

Làm một người đức độ 

Đức độ là nguyên tắc xử thế của cổ nhân. Trong Chu Dịch, quẻ Khôn nói rằng: Đất có tính nhu hoà, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật. [Nguyên văn: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật. Hậu đức tái vật tựu thị dĩ hậu đức khứ bao dung vạn vật. Đại địa dĩ quảng hậu chi đức, tái hàm vạn vật, dung tái vạn vật”]. “Hậu đức tái vật” nghĩa là lấy đức dày mà bao dung, nâng đỡ vạn vật.

Người xưa ví Đạo của đất là thiện lương, từ bi. Đất có thể chuyên chở vạn vật, sinh mệnh, con người. Người có đức dày cũng như mặt đất bao dung, nâng đỡ tất cả. Vì đức dày nên mới có thể bao dung, dung chứa mọi sự, mọi vật.

Bậc quân tử nên noi theo trời đất, lấy đức dày mà bao dung, nâng đỡ vạn vật. Một người đức độ có thể bao dung trước mọi người, mọi vật, mọi ý kiến và sai lầm của người khác.

Đức độ là nhân phẩm tốt nhất, thông minh nhất cần có của mỗi người. Một người có đức độ, người khác đều muốn ở cùng họ, làm bạn với họ và tin tưởng họ tuyệt đối.

Theo DKN

Video liên quan

Chủ Đề