Học lực giỏi hạnh kiểm khá xếp loại gì

Mục lục bài viết

  • 1. Cơ sở pháp lý xếp loại, đánh giá học sinh
  • 2. Căn cứ đánh giá, xếp loại hạnh kiểm
  • 3. Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm
  • 4. Hạnh kiểm cũng là cơ sở để xét được lên lớp hoặc không được lên lớp
  • 5. Căn cứ đánh giá, xếp loại học lực
  • 6. Điều kiện xét công nhận học sinh giỏi, học sinh tiên tiến
  • 7. Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm
  • 8. Trách nhiệm của giáo viên bộ môn
  • 9. Trách nhiệm của Hiệu trưởng

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý xếp loại, đánh giá học sinh

Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 26/2020/TT-BGDĐTsửa đổi Quy chế đánh giá xếp loại học sinh trung học cơ sở.

2. Căn cứ đánh giá, xếp loại hạnh kiểm

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có quy định cụ thể về căn cứ đánh giá, xếp loại hạnh kiểm cụ thể như sau:

- Căn cứ đánh giá, xếp loại hạnh kiểm:

a) Đánh giá hạnh kiểm của học sinh căn cứ vào biểu hiện cụ thể về thái độ và hành vi đạo đức; ứng xử trong mối quan hệ với thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên, với gia đình, bạn bè và quan hệ xã hội; ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập; kết quả tham gia lao động, hoạt động tập thể của lớp, của trường và của xã hội; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;

b) Kết quả nhận xét các biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh đối với nội dung dạy học môn Giáo dục công dân quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, cấp THPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Xếp loại hạnh kiểm:

Hạnh kiểm được xếp thành 4 loại: Tốt (T), khá (K), trung bình (Tb), yếu sau mỗi học kỳ và cả năm học. Việc xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ II và sự tiến bộ của học sinh.

3. Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm

Về Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm được chia làm bốn loại: loại tốt, loại khá, loại trung bình, loại yếu.

- Loại tốt: Thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực tham gia đấu tranh với các hành động tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; Luôn kính trọng thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi; thương yêu và giúp đỡ các em nhỏ tuổi; có ý thức xây dựng tập thể, đoàn kết, được các bạn tin yêu; Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn; chăm lo giúp đỡ gia đình; Hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập, có ý thức vươn lên, trung thực trong cuộc sống, trong học tập; Tích cực rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường; Tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục, các hoạt động do nhà trường tổ chức; tích cực tham gia các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Có thái độ và hành vi đúng đắn trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống theo nội dung môn Giáo dục công dân.

- Loại khá: Thực hiện được những quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng chưa đạt đến mức độ của loại tốt; còn có thiếu sót nhưng kịp thời sửa chữa sau khi thầy giáo, cô giáo và các bạn góp ý.

- Loại trung bình: Có một số khuyết điểm trong việc thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng mức độ chưa nghiêm trọng; sau khi được nhắc nhở, giáo dục đã tiếp thu, sửa chữa nhưng tiến bộ còn chậm.

- Loại yếu: Chưa đạt tiêu chuẩn xếp loại trung bình hoặc có một trong các khuyết điểm sau đây: Có sai phạm với tính chất nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần trong việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này, được giáo dục nhưng chưa sửa chữa; Vô lễ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của giáo viên, nhân viên nhà trường; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn hoặc của người khác; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi; Đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội; vi phạm an toàn giao thông; gây thiệt hại tài sản công, tài sản của người khác.

4. Hạnh kiểm cũng là cơ sở để xét được lên lớp hoặc không được lên lớp

- Lên lớp hoặc không được lên lớp

Học sinh có đủ các điều kiện dưới đây thì được lên lớp:

a) Hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên;

b) Nghỉ không quá 45 buổi học trong một năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại).

Học sinh thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì không được lên lớp:

a) Nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại);

b) Học lực cả năm loại Kém hoặc học lực và hạnh kiểm cả năm loại yếu;

c) Sau khi đã được kiểm tra lại một số môn học, môn đánh giá bằng điểm có điểm trung bình dưới 5,0 hay môn đánh giá bằng nhận xét bị xếp loại CĐ, để xếp loại lại học lực cả năm nhưng vẫn không đạt loại trung bình.

d) Hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè nên vẫn bị xếp loại yếu về hạnh kiểm.

5. Căn cứ đánh giá, xếp loại học lực

- Mức độ hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục trong Kế hoạch giáo dục cấp THCS, cấp THPT;

- Kết quả đạt được của các bài kiểm tra.

- Học lực được xếp thành 5 loại: Giỏi (G), khá (K), trung bình (Tb), yếu (Y), kém (Kém).

6. Điều kiện xét công nhận học sinh giỏi, học sinh tiên tiến

- Công nhận đạt danh hiệu học sinh giỏi học kỳ hoặc cả năm học, nếu đạt hạnh kiểm loại tốt và học lực loại giỏi.

- Công nhận đạt danh hiệu học sinh tiên tiến học kỳ hoặc cả năm học, nếu đạt hạnh kiểm từ loại khá trở lên và học lực từ loại khá trở lên.

=> Như vậy có nghĩa là đối với con bạn nếu muốn đạt loại giỏi thì phải đáp ứng điều kiện đáp ứng đạt hạnh kiểm loại tốt và học lực loại giỏi..

7. Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm

- Kiểm tra sổ gọi tên và ghi điểm của lớp; giúp Hiệu trưởng theo dõi việc kiểm tra cho điểm, mức nhận xét theo quy định của Quy chế này.

- Tính điểm trung bình các môn học theo học kỳ, cả năm học; xác nhận việc sửa chữa điểm, sửa chữa mức nhận xét của giáo viên bộ môn trong sổ gọi tên và ghi điểm, trong học bạ.

- Đánh giá, xếp loại hạnh kiểm và học lực từng học kỳ, cả năm học của học sinh. Lập danh sách học sinh đề nghị cho lên lớp, không được lên lớp; học sinh được công nhận là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến; học sinh phải kiểm tra lại các môn học, học sinh phải rèn luyện về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè.

- Lập danh sách học sinh đề nghị khen thưởng cuối học kỳ, cuối năm học.

- Ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm và vào học bạ các nội dung sau đây:

+ Kết quả đánh giá, xếp loại hạnh kiểm và học lực của học sinh;

+ Kết quả được lên lớp hoặc không được lên lớp, công nhận học sinh giỏi, học sinh tiên tiến học kỳ, cả năm học, được lên lớp sau khi kiểm tra lại hoặc rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè;

+ Nhận xét đánh giá kết quả rèn luyện toàn diện của học sinh trong đó có học sinh có năng khiếu các môn học đánh giá bằng nhận xét.

- Phối hợp với Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Ban Đại diện cha mẹ học sinh của lớp để tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh.

8. Trách nhiệm của giáo viên bộ môn

Thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên; tham gia kiểm tra, đánh giá định kì theo phân công của Hiệu trưởng; trực tiếp ghi điểm hoặc mức nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Đối với hình thức kiểm tra, đánh giá bằng hỏi - đáp, giáo viên phải nhận xét, góp ý kết quả trả lời của học sinh trước lớp; nếu quyết định cho điểm hoặc ghi nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh thì phải thực hiện ngay sau đó.

Tính điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số), xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kì, cả năm học và trực tiếp vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ.

Tham gia đánh giá, xếp loại hạnh kiểm từng học kỳ, cả năm học của học sinh.

9. Trách nhiệm của Hiệu trưởng

- Quản lý, hướng dẫn giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện và phổ biến đến gia đình học sinh các quy định của Quy chế này; vận dụng quy định của Quy chế này để đánh giá, xếp loại học sinh khuyết tật.

- Kiểm tra việc thực hiện quy định về kiểm tra, cho điểm và đánh giá nhận xét của giáo viên. Hàng tháng ghi nhận xét và ký xác nhận vào sổ gọi tên và ghi điểm của các lớp.

- Kiểm tra việc đánh giá, xếp loại, ghi kết quả vào sổ gọi tên và ghi điểm, vào học bạ của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm; phê chuẩn việc sửa chữa điểm, sửa chữa mức nhận xét của giáo viên bộ môn khi đã có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm.

- Tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì các môn học theo quy định tại Quy chế này; kiểm tra, đánh giá lại các môn học theo quy định tại Điều 16 Quy chế này; phê duyệt và công bố danh sách học sinh được lên lớp sau khi có kết quả kiểm tra lại các môn học, kết quả rèn luyện về hạnh kiểm trong kì nghỉ hè.

- Kiểm tra, yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện Quy chế này phải khắc phục ngay sai sót trong những việc sau đây:

+ Thực hiện chế độ kiểm tra cho điểm và mức nhận xét; ghi điểm và các mức nhận xét vào sổ gọi tên và ghi điểm, học bạ; xếp loại hạnh kiểm, học lực học sinh;

+ Sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại hạnh kiểm và học lực của học sinh.

- Xét duyệt danh sách học sinh được lên lớp, không được lên lớp, danh hiệu thi đua, kiểm tra lại các môn học, rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè. Phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh trong sổ gọi tên và ghi điểm và học bạ sau khi tất cả giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm đã ghi nội dung.

- Quyết định xử lý theo thẩm quyền, đề nghị các cấp có thẩm quyền quyết định xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm; quyết định khen thưởng theo thẩm quyền, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế này.

Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào, Hãy gọi: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Đội ngũ luật sư của Công ty luật Minh Khuê luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc của quý khách hàng.