Hội kín xứ an nam review

TTO - Rất đông bạn đọc trẻ đến dự buổi giao lưu với hai dịch giả Nguyễn Thanh Xuân và Phan Tín Dụng vào chiều 15-6 nhân buổi ra mắt hai tác phẩm: Tâm lý dân tộc An Nam và Hội kín xứ An Nam.

Rất đông bạn trẻ ngồi đến cuối buổi giao lưu để nghe trao đổi về sách của người Pháp viết về người Việt Nam - Ảnh: L.ĐIỀN

Cả hai quyển sách đều của tác giả người Pháp. Tâm lý dân tộc An Nam - đặc điểm quốc gia; sự tiến hóa lịch sử; trí tuệ, xã hội và chính trị [Psychologie du peuple Annamite - viết vắn tắt là Tâm lý dân tộc An Nam] của Paul Giran xuất bản năm 1904, Hội kín xứ An Nam [Les sociétés secrètes en terre d’Annam] của Georges Coulet xuất bản năm 1926, đều là cái nhìn về xã hội và con người Việt Nam thời bấy giờ qua lăng kính người Pháp - cụ thể là những nhà cai trị tại thuộc địa.

Theo dịch giả Phan Tín Dụng, đây là những tác giả thuộc thế hệ người phương Tây thứ hai sau các giáo sĩ thừa sai đến vùng Viễn Đông, họ ghi chép những điều họ chứng kiến, có tài liệu trong tay, và bằng một phương pháp lịch sử mới khác hẳn lối viết sử biên niên của chúng ta từ trước.

Trong đó, Tâm lý dân tộc An Nam được Paul Giran viết khi vừa tốt nghiệp Trường Thuộc địa và nhận nhiệm sở tại Đông Dương. Cái nhìn của một quan cai trị đối với dân tộc đang bị đô hộ mang ít nhiều phiến diện. Nói như dịch giả Phan Tín Dụng, cứ xem đây là một quyển kiểu "người An Nam xấu xí" để khỏi khó chịu khi đọc, bởi "dường như tác giả đã bị sốc nhiều khi tiếp xúc với dân tộc An Nam lúc bấy giờ".

Còn Hội kín xứ An Nam lại là một công trình thú vị khác, không đi vào đời sống tâm lý cá tính của người An Nam mà tập trung nghiên cứu sự nảy sinh, phát triển, tác động của các hội kín tại Việt Nam, đặt trong diễn trình các hội kín của Trung Quốc và trong khu vực.

Georges Coulet - tiến sĩ văn chương, từng dạy Trường Pétrus Ký ở Sài Gòn - đã tỏ ra rất am hiểu đời sống tinh thần của người An Nam xét trong góc độ kết nối quần thể trên nền tảng tín ngưỡng. Chính điều đó hình thành một hiện tượng xã hội là hội kín, với sự dẫn dắt của hầu hết là các ông đạo - những người thu phục quần chúng bằng các khả năng mang màu sắc siêu nhiên, tâm linh và xuất thế gian.

Có mặt tại buổi giao lưu, TS Bùi Trân Phượng cho rằng cả hai tác phẩm này đều là những tài liệu quan trọng, trước hết cho giới nghiên cứu sử. Và theo bà, lẽ ra Việt Nam nên dịch tác công trình loại này từ sau 1945 mới phải.

Tuy nhiên, quan điểm của tác giả, cách nhìn, kể cả tư tưởng và những nhận định cần đặt trong diễn tiến nhận thức của giới quan lại mẫu quốc đối với thuộc địa... Vì vậy, sách cần thiết phải có một lời giới thiệu kỹ với những lưu ý chi tiết để tránh hoang mang cho bạn đọc, nhất là bạn đọc tuổi 20.

Đây cũng chính là điều quan tâm khiến nhiều bạn đọc đến dự giao lưu, nhiệt tình đặt câu hỏi và ngồi kín khán phòng đến tận phút chót.

Cuốn sách là một nghiên cứu kinh điển về Hội kín ở xứ An Nam, cùng với nhiều câu chuyện, sự kiện, tình tiết bí mật thường không được nhắc trong sách sử chính thống. Khởi đầu từ sự bất ngờ và ngỡ ngàng của người Pháp về chuỗi sự kiện mưu loạn bạo động diễn ra ở khắp 3 kỳ vương quốc An Nam kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến trước năm 1930 [có dẫn ở phần “Dẫn nhập”]; đặc biệt là sự kiện 1913 ở Chợ Lớn [Phan Xích Long và các huynh đệ] và vụ Khám Lớn Sài Gòn năm 1916, không hiểu làm thế nào mà tại cùng một thời điểm, ở khắp nơi trên toàn cõi Nam kỳ lại đồng loạt bùng nổ khởi nghĩa.

Đào sâu nghiên cứu, tác giả Coulet nhận ra đây không thể là ngẫu nhiên, là sự bột phát của đám đông quần chúng mà phải có sự sắp xếp và tổ chức tinh vi. Từ đây mà ông tìm kiếm để bóc tách, hòng tìm hiểu về hội kín.

Tác giả: Georges Coulet Dịch giả: Nguyễn Thanh Xuân – Phan Tín Dụng Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn Công ty phát hành: Alphabooks

Bắt đầu từ việc tìm hiểu văn bản luật qua các bộ luật xưa cũ phong kiến, ông nhận ra ngay cả các triều đình phong kiến cũng “đụng độ” các hội kín. Sự cẩn trọng tỉ mỉ được các nhà lập pháp dựng lên để chống lại các hội kín chứng tỏ rằng những hội như vậy luôn tồn tại ở An Nam

Theo lời tác giả, “công trình này sẽ cố gắng chứng minh bằng cách phân tích các yếu tố phép thuật, tín ngưỡng và đời thường được tìm thấy trong tất cả các hội kín An Nam, rằng hội kín của người An Nam là một hiện tượng xã hội, chính xác trong bản chất và được định rõ qua những biểu hiện. Tất cả hội kín trên đất An Nam đều bao hàm yếu tố:

Phép thuật qua các biểu tượng, Tín ngưỡng qua các nghi lễ và điều lệ, Đời thường bởi tổ chức thực tế. Sự kết hợp mật thiết của ba yếu tố trên tạo nên một tổng thể hài hòa và một ‘thực thể xã hội’ mạnh mẽ sống động.”

Đặc biệt, trong tác phẩm của mình, Coulet không chỉ khảo cứu về các hội kín theo kiểu Thiên Địa hội ở An Nam mà còn đề cập đến nhiều tổ chức bí mật khác. Riêng về phong trào hội kín ở An Nam, Coulet đã tỏ ra rất công phu trong việc biên soạn. Tuy nhiên, tài liệu của Coulet cũng có một số hạn chế. Xuất phát từ cách nhìn của một học giả thực dân, Coulet đã quy cho các cuộc khởi nghĩa chống Pháp là các “hoạt động nổi loạn”. Mặt khác, dường như Coulet quá nhấn mạnh yếu tố tôn giáo, thần bí trong các hội kín mà chưa đánh giá đúng mức khía cạnh dân tộc của phong trào. Nhưng, xét ở giá trị sử liệu, tác phẩm đã cung cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý về cách tổ chức, lề lối hoạt động, thành phần tham gia… của các hội kín trên vùng đất này. Các tác giả về sau khi nghiên cứu về hội kín ở An Nam đều trích dẫn tác phẩm của Coulet. Có thể nói, đây là nguồn tư liệu có giá trị tham khảo cao, rất hữu ích đối với người nghiên cứu và bạn đọc.

Chủ Đề