Hướng dẫn chơi game trong giờ học

Theo thông tin từ giáo viên, nhiều học sinh đã chơi game làm điện thoại, máy tính nhanh hết pin, dẫn đến việc vừa học online vừa sạc pin rất nguy hiểm.

Học sinh lớp 3 đã biết gửi đường link chơi game

Những vụ tai nạn liên quan đến việc trẻ ở nhà học online xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã khiến nhiều phụ huynh giật mình, tự rà soát lại các yếu tố an toàn khi con học trực tuyến.

Đã có nhiều nhắc nhở, cảnh báo từ các cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia sau các vụ việc đau lòng, trong đó có nổ điện thoại khi học online. Theo nhiều giáo viên, còn một vấn đề nữa mà về phía nhà trường cũng như các bậc phụ huynh cần lưu ý, đó là hiện tượng trẻ chơi game trước và trong khi học online.

Các em học sinh rất mê chơi game. Ảnh minh họa: Mai Nguyễn.

Trao đổi với KH&ĐS, một cô giáo ở Hà Nội chia sẻ, con trai chị học lớp 3, nhưng trong lớp các bạn đã biết chat, gửi đường link chơi game cho nhau.

Khi thành phố hết giãn cách, người lớn phải đi làm trở lại nhưng trẻ lại chưa được đến trường, sẽ có nhiều trẻ phải ở nhà một mình, hoặc ở nhà với anh, chị mà không có người lớn trông.

Điều đó dẫn đến việc, trẻ sẽ có những hành vi mà không được người lớn kiểm soát, trong đó có chơi game.

Thực tế, đã có không ít học sinh vừa học online vừa sạc điện thoại hay máy tính. Qua điều tra thông tin từ phía phụ huynh được biết, trước khi đi làm đã sạc đầy pin vào máy cho con và máy cũng còn tốt, đủ pin cho con học trong thời gian theo thời khóa biểu. Tuy nhiên, do con đã chơi game trước đó, hoặc chơi game trong giờ học dẫn đến máy hết sạch pin và phải vừa học vừa sạc.

Nhiều giáo viên cũng phản ánh, có những em mở cùng lúc nhiều cửa sổ trên màn hình máy tính, lách cô giáo chơi game. Các em chơi theo đội, nhóm và cũng rất bí mật.

Có học sinh trong giờ học online rất hay ngủ gật. Tôi liền trao đổi với phụ huynh tìm hiểu. Thì ra, con đã trùm chăn chơi điện tử thâu đêm. Phụ huynh kiểm tra đột xuất, thấy chăn phát ánh sáng mới biết con chơi lén lút. Cho nên, đến giờ học là gục", cô giáo chia sẻ.

Cần sự phối hợp, giám sát chặt chẽ từ phía phụ huynh

Theo cô giáo Đỗ Phương Nam [trường THCSTrung Tự, Hà Nội], việc chơi game sẽ là tiêu cực nếu như các em sa đà vào game, bỏ bê học hành. Đặc biệt, là chơi game để đến mức điện thoại hết sạch pin, phải vừa học vừa sạc dẫn đến máy nóng lên rất nguy hiểm.

Về phía nhà trường, các thầy cô giáo cần sát sao. Giờ học trực tuyến yêu cầu học sinh phải bật camera để giáo viên còn quan sát. Giáo viên gọi mà không trả lời được nhiều lần là có vấn đề và phải thông báo ngay cho phụ huynh nắm được.

Tuy nhiên, cùng với đó, vai trò phụ huynh rất quan trọng. Phụ huynh không chỉ giám sát, mà còn cần đồng hành, làm bạn với con. Cần cảnh báo, nói cho con biết về những nguy hiểm của việc nghiện game, đặc biệt là của việc không thực hiện an toàn về điện khi học trực tuyến.

Phụ huynh không nên cấm con chơi game hoàn toàn, có thể khiến con thèm, tìm cách chơi vụng. Thay vào đó, có thể giới hạn giờ chơi của con, ví dụ, 15 phút hay 30 phút/ngày nếu con học tốt. Và mỗi khi con học không tốt hoặc vi phạm thì sẽ trừ dần thời gian.

Với những gia đình có người lớn, như ông bà ở nhà thì có thể giao cho ông bà giám sát cháu. Trong trường hợp gia đình quá neo người, thì cũng không nên phó mặc hoàn toàn cho nhà trường, mà vẫn phải đồng hành, theo sát con mỗi khi có thể, rèn cho con ý thức tự giác.

Hoặc phụ huynh cũng có thể gọi điện, hoặc về nhà kiểm tra đột xuất. Như vậy, sẽ nắm được tình hình của con.

Chứ không nên lấy lý do vì bận mà trăm sự nhờ thầy cô, thậm chí tin nhắn cô gửi còn không đọc. Bởi đối với việc học online, vai trò của phụ huynh rất lớn, cô Nam chia sẻ.

TS Nguyễn Phan Kiên, giảng viên Bộ môn Công nghệ Điện tử và Kỹ thuật Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, việc vừa học bài online vừa sạc điện thoại nếu trong thời gian ngắn không sao. Nhưng trong thời gian dài, khi pin vừa phải nhận dòng sạc vào, vừa phải cấp nguồn cho việc sử dụng sẽ gây nóng máy, quá tải. Nếu pin không tốt sẽ gây cháy, nổ. Đặc biệt, việc chơi game sẽ khiến máy ngốn pin rất nhiều. Các phụ huynh nên cố gắng giám sát con, đặc biệt là các học sinh lớp dưới khi học online, tránh các tai nạn đáng tiếc.

Xử lý khi phát hiện con chơi game

Mất tập trung, làm việc riêng, chơi, xem, nói chuyện… khi đang học là những tình huống đã được lường trước khi triển khai hình thức học trực tuyến. Cô một nơi, trò một nẻo, không gặp gỡ và quản lý trực tiếp nên việc cô giảng- còn trò thỉnh thoảng chú ý sang chuyện khác là việc rất dễ xảy ra.

“Giờ học 45 phút, ngồi lâu ê ẩm khắp người nên có lúc em cũng mở “cửa sổ” khác, khi thì xem youtube, lướt zalo, Facebook… Em luôn xác định là ngó chút rồi quay lại học nhưng quả thật, có lúc em bị “kéo” cả chục phút cho đến khi cô gọi tên mới giật mình và quay trở lại....”- Nguyễn Hải Anh, học sinh lớp 11 tại quận Cầu Giấy thú nhận.

 Con học học trực tuyến tập trung là mong muốn của phụ huynh và thầy cô

Học online, các tính năng giao tiếp của phần mềm nhiều khi là yếu tố khiến các em phân tán, mất tập trung. Nêu giải pháp “rắn” vì con mải chơi khi đang học, chị Lê Thu Hạnh, trú tại huyện Hoài Đức kể: “Trong lớp học, thấy các con nói chuyện nhoay nhoáy qua cửa sổ chat, cô và phụ huynh có nhắc nhưng những chuỗi chuyện vẫn nối dài. Không những vậy, con trai mình còn lập một nhóm chơi game riêng trên phần mềm team. Việc con vừa chơi, vừa học, mình vẫn bắt gặp và đã dặn dò, thỏa hiệp nhiều nhưng rồi đâu đóng đấy. Hôm trước, thậm chí mình còn cho cậu con học lớp 4 nghỉ nguyên buổi học vì cái “tội” mải chơi, không làm bài tập. Đôi khi chính các trò “được phép chơi” trong giờ học online [quizizz, Blooket..] lại khiến các con mải mê quá nên mình kiến nghị cô giảm thời lượng hoặc bỏ trò chơi trong tiết học”.

Còn chị Hà Mai An, trú tại quận Thanh Xuân phàn nàn: “Gia đình cho con gái học tại phòng riêng để tương tác với cô, với bạn thoải mái, tự nhiên nhưng mình phát hiện, song song với cửa sổ lớp học, con thường xuyên mở youtube để xem. Biết là thế, mình cũng không dám cấm mà chỉ nhắc nhở con tập trung, tự giác học bởi đến người lớn cũng không thể tránh khỏi việc này…”.

Thấu hiểu và đồng hành cùng con

Nghe các câu chuyện trên, cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 tại quận Hoàng Mai khẳng định: Đúng là tình trạng học sinh chơi game, xem youtube trong giờ học online là việc không tránh khỏi bởi cô cũng nghe một số phụ huynh trao đổi về vấn đề này. Với lớp do mình chủ nhiệm, trước giờ học, cô Ngọc luôn nhắc học sinh phải mở camera để tăng giám sát từ xa cũng như quán triệt việc học sinh không chơi game, làm việc riêng hay nói tự do… Trong tiết học, cô luôn cố gắng tạo sự hào hứng cho các con bằng các câu chuyện vui, tăng tương tác, làm việc nhóm.... Hết giờ, cô yêu cầu các em đứng dậy, rời khỏi màn hình cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn chứ không ngồi tràn lan. Nếu phát hiện học sinh vi phạm, cô sẽ phạt bằng cách trừ điểm... Các hình thức đó phần nào hạn chế được tình trạng trên bởi học sinh tiểu học đa phần đều biết sợ.

 Để tiết học online vui nhộn, sinh động, thu hút sự tập trung của học sinh có vai trò lớn của giáo viên

Theo nhà giáo Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Yên [quận Cầu Giấy], cha mẹ hãy rèn cho con thói quen “giờ nào việc nấy” như khi đang học thì không ăn vặt, không nói chuyện với anh chị em trong nhà, không chơi game, không xem youtube… Tạo cho con không gian học yên tĩnh cũng là điều kiện quan trọng để trẻ giữ được sự tập trung. Bên cạnh đó, bố mẹ cần đồng hành với nhà trường, thầy cô để xây dựng nguyên tắc, phương pháp học online hiệu quả, khoa học và yêu cầu con nghiêm túc thực hiện.

“Với học sinh, đặc biệt là học sinh nhỏ tuổi, sự tập trung thường chỉ được 20-25 phút. Do vậy, để tăng hào hứng cho trẻ ở những tiết học online, thầy cô nên vận dụng những trò chơi, câu chuyện ẩn dụ, game học tập….; coi đó là phần thưởng, cộng điểm khích lệ… để kéo sự tập trung của trẻ. Tuy nhiên, không nên lạm dụng game mà phải cân bằng thời lượng bởi trẻ cũng dễ dàng lơ đãng việc học nếu được học bằng game quá nhiều…- Diễn giả Đỗ Thái Đăng - Giám đốc Công ty Giáo dục Nhân tài Đất Việt góp ý kiến

Học trực tuyến đòi hỏi quá trình tự học nhiều hơn. Với cấp THCS, THPT, tinh thần tự giác, quyết tâm phải đặt lên hàng đầu. Với cấp tiểu học, nhất là lớp 1, lớp 2, luôn cần sự đồng hành, quan tâm của các bậc phụ huynh; sự phối hợp, sát sao giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Tình yêu thương, sự thấu hiểu và trách nhiệm của gia đình, thầy cô giáo sẽ là động lực để khích lệ, rèn luyện tinh thần tự giác, kiên trì, sáng tạo, nghiêm túc của học sinh trong điều kiện học tập online.

Trước thềm năm học được coi là khó khăn và nhiều thách thức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn các thầy cô sẽ tiếp tục phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy để đạt được mục tiêu về chất lượng; các bậc phụ huynh khắc phục khó khăn, tạo điều kiện học tập cho con em mình để cùng thích nghi và quan trọng hơn là các em học sinh có thể tìm thấy niềm vui trong việc học tập và rèn luyện.

Chủ Đề