Hướng dẫn ghi lời bác dạy tổng cục hậu cần năm 2024

ND - Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành hậu cần quân đội [11-7-1950 - 11-7-2010], vừa qua, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Hậu cần tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngành hậu cần, Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy".

Bác Hồ với ngành hậu cần

Cách đây 60 năm, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào thời kỳ phát triển mới, Ðảng ta chú trọng xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, quân sự, hậu cần và từng bước kiện toàn các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy của Bộ Quốc phòng. Ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 121/SL quy định Bộ Quốc phòng gồm ba cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp [tiền thân của Tổng cục Hậu cần - ngành hậu cần quân đội ngày nay].

Từ khi ra đời đến nay, ngành hậu cần quân đội không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng bảo đảm cho quân đội xây dựng chính quy, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngành hậu cần luôn được sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Bác Hồ. Ðặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ đạo trực tiếp, gửi thư thăm hỏi, động viên, giáo dục quan điểm phục vụ đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành hậu cần; nhiều đơn vị trong ngành đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm...

Trong thư gửi lớp cán bộ cung cấp tháng 6-1951, Người viết: "Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận. Cung cấp có đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội, thì bộ đội mới đánh thắng trận". Khi nói về trách nhiệm của người cán bộ cung cấp, Bác đã chỉ rõ "Các chú phải làm như thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng tới chiến sĩ. Ðó là bổn phận của các chú".

Năm 1995, Tổng cục Hậu cần đã tham mưu với Bộ Quốc phòng phát động phong trào thi đua: "Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy" trong toàn quân. Từ những lời Bác dạy, bằng hành động cụ thể, sáng tạo, tạo động lực mới trong công tác hậu cần và động viên khích lệ toàn ngành, từ đó phong trào thi đua đã lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, nhất là các vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở các địa phương.

Ghi sâu, vận dụng sáng tạo lời Bác dạy

Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Phú, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần nêu rõ: Bằng những hành động thực tiễn, phong trào thi đua "Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy" đã quán triệt sâu sắc những giá trị tư tưởng, lời dạy của Bác đối với ngành hậu cần. Nhất là, từ khi phong trào ra đời, toàn ngành hậu cần xây dựng các phong trào thi đua với những mục tiêu và sự điều hành tập trung thống nhất. Những tác động của phong trào đã khích lệ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đơn vị trong toàn quân và tạo ra không khí phấn đấu thi đua thực hiện lời Bác Hồ dạy. Lực lượng hậu cần có nhiều chuyên ngành, nhưng mỗi chuyên ngành hậu cần đều có phong trào thi đua riêng, như "Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy xanh, sạch, đẹp" của ngành Doanh trại; "Xây dựng đơn vị quân y năm tốt" của ngành Quân y; "Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả" của ngành Vận tải; "Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt" của ngành Quân nhu...

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã khẳng định những truyền thống của đơn vị; những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn những lời dạy sâu sắc của Bác Hồ kính yêu. Ðó là ý kiến của đại biểu Cục Vận tải, Cục Quân y, Cục Hậu cần Hải quân, Cục Hậu cần Quân khu IV, Cục Hậu cần Binh đoàn Cửu Long... Trong đội hình Tổng cục Hậu cần, ngành quân y được thành lập sớm nhất và có nhiều đóng góp quan trọng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện Chương trình y tế số 12 Quân dân y kết hợp, ngành quân y đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành đã phát động phong trào thi đua xây dựng "Ðơn vị quân y 5 tốt và Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác Hồ dạy" gắn với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ở các bệnh viện quân đội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh. Ðồng thời, nâng cao y đức, thái độ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên theo tư tưởng "người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền"; "coi bệnh nhân đau đớn cũng như mình đau đớn". Trong ba năm qua, đã có hàng trăm lượt đoàn, tổ quân y về khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng...

Trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, ngành hậu cần quân đội nói chung, ngành vận tải quân sự nói riêng luôn được sự quan tâm, dìu dắt của Bác Hồ. Cán bộ, chiến sĩ Cục Vận tải khắc sâu lời Bác dạy từ lần đầu tiên đến thăm đoàn xe của quân đội, tháng 3-1951, Bác căn dặn: "... xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu". Di sản tinh thần quý báu mà Bác để lại cho cán bộ, chiến sĩ học tập và làm theo đã làm nên những chiến công, góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của ngành hậu cần quân đội. Tháng 8-1968, tại Hội nghị lái xe và thợ sửa chữa của ngành hậu cần, Bác Hồ đã tặng cờ thưởng cho ngành xe quân sự, trên lá cờ thêu dòng chữ: "Yêu xe như con, quý xăng như máu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ". Lời dạy của Người đã trở thành chân lý của những người làm công tác vận tải quân sự qua các thời kỳ.

Trong thời gian qua, lực lượng vận tải đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ðã có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hàng nghìn tấm gương anh dũng hy sinh làm nhiệm vụ vận chuyển hoặc cứu xe, cứu hàng trong chiến đấu. Trong thời bình, bộ đội vận tải tiếp tục lao động quên mình vì những chiếc xe, con tàu... xây đắp nên truyền thống "Ðánh địch mà đi, mở đường mà tiến, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ"...

Quân chủng Hải quân là lực lượng nòng cốt quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Bảo đảm cho các lực lượng hải quân thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khí hậu, thời tiết biển, đảo khắc nghiệt, nhiều nơi khó khăn về nước ngọt và không có đất trồng rau xanh, tăng gia sản xuất gặp nhiều khó khăn, ngành hậu cần Hải quân luôn nỗ lực phấn đấu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ðảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần Hải quân xác định, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác: Phải có tình yêu thương con người, yêu thương đồng chí, đồng đội, tất cả vì bộ đội, vì hoàn thành nhiệm vụ, có trách nhiệm cao trong công tác; khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Chủ động, sáng tạo thực hiện "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư"; bảo vệ của công, xây dựng tác phong công tác khoa học, chính xác...

Phát huy truyền thống bộ đội Hậu cần trong thời kỳ mới

60 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành hậu cần quân đội và tình cảm của Bộ đội Hậu cần đối với Bác, các đơn vị ngành hậu cần quân đội nói chung, đặc biệt là các đơn vị hậu cần vinh dự được phục vụ Bác, được Bác đến thăm đã ghi sâu lời Bác dạy, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau hơn ba năm thực hiện Cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Tổng cục Hậu cần đã đạt được những kết quả rất quan trọng, có tác động rất lớn đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, xây dựng tổ chức Ðảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Cuộc vận động lớn đã tác động tích cực đến việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ, tác phong công tác của người làm công tác hậu cần.

Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, đồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh: Gần 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân luôn nhịp bước hành quân cùng bộ đội, cùng cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành hậu cần trên khắp các chiến trường, để kịp thời phản ánh và cổ vũ những chiến công vang dội của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong công cuộc CNH, HÐH đất nước hiện nay, cán bộ, phóng viên báo Ðảng lại có mặt trên khắp mọi miền đất nước, nhất là nơi biên giới, hải đảo, chia sẻ cùng đồng bào và chiến sĩ ta những khó khăn, gian khổ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc sống sôi nổi và những thành tích, chiến công của quân và dân ta luôn luôn là cội nguồn cảm hứng và đề tài vô tận để những người làm báo Ðảng sáng tạo những tác phẩm báo chí, phụng sự công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu cao đẹp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chủ Đề