Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện một ca lọc máu

Sáng ngày 24/8/2023, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội thảo khoa học chủ đề: “Catheter có cuff, đường hầm dùng cho lọc máu: Lợi ích và một số thách thức” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về thận nhân tạo/lọc máu trong, ngoài nước và các học viên, các y bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện.

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Đỗ Gia Tuyển - Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, chủ tọa Hội thảo đã nhấn mạnh: Đặt Catheter có cuff tạo đường hầm là một trong những kỹ thuật tiên tiến dùng cho lọc máu với bệnh nhân suy thận. Hội thảo khoa học được tổ chức có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân suy thận nặng, cùng cập nhật những thông tin mới về kỹ thuật chuyên sâu lĩnh vực thận nhân tạo và lọc máu.

Báo cáo của GS người Singapore Wong Weng Kin đã trao đổi về kỹ thuật đặt Catheter và những khó khăn thách thức khi trong quá trình trước, trong và sau khi đặt Catheter cùng những cách xử lý những tình huống phức tạp. Tại Singapore, việc đặt Catheter ngắn hạn và dài hạn đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối hoặc chờ ghép thận là 80%. Các biến chứng có thể xảy ra như tổn thương mạch máu, nhiễm khuẩn huyết, loạn nhịp tim, đứt gẫy Catheter, hẹp tĩnh mạch trung tâm, mất chức năng... Chú ý nhóm bệnh nhân suy thận kèm theo bệnh tim mạch, đái tháo đường. Loại Catheter có lỗ lọc đối xứng có nhiều ưu điểm và giảm được chống đông bảo quản Catheter sau lọc. Khi đặt Catheter ưu tiên tĩnh mạch cảnh trong bên phải, hạn chế đâm chọc qua cơ để giảm biến chứng chảy máu, hạn chế dùng panh khi mở rộng đường hầm, khi làm xong phải ép bằng tay để hạn chế chảy máu, đảm bảo tốc độ máu thông suốt, tỷ lệ tái tuần hoàn thấp, hạn chế tối đa độ rung. Việc đặt Catheter cần chú ý đúng đối tượng, đúng thời điểm và lựa chọn loại nào dựa trên cá thể hóa trong điều trị. Ngoài việc sử dụng để lọc máu cho bệnh nhân suy thận, kỹ thuật đặt Catheter có cuff tạo đường hầm còn được chỉ định trong một số trường hợp thay huyết tương, ghép tế bào gốc. Kỹ thuật chuyên sâu này được thực hiện tại ICU, phòng Can thiệp, các phòng có thiết bị hồi sức tim phổi, máy siêu âm, với ekip có kỹ thuật chuyên môn tốt, các vật tư tiêu hao cần thiết theo yêu cầu đặt ra. Khi cần thiết có thể tham khảo ảnh chụp XQ ngực.

Báo cáo của BSCKII. Phạm Văn Hiền - Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy đề cập tới “Kỹ thuật Catheter đường hầm có cuff trong thận nhân tạo, những biến chứng thường gặp”. BS Hiền trao đổi về quy trình kỹ thuật đặt Catheter đôi có cuff tạo đường hầm vào tĩnh mạch trung tâm, trước hết đối với những người bệnh có chỉ định chạy thận nhân tạo và cần có đường mạch máu: Đường mạch máu tạm thời trong suy thận cấp, chuẩn bị ghép thận, thẩm phân phúc mạc; Hỗ trợ đường mạch máu, hay tắc Catheter đường thẩm phân phúc mạc; Sử dụng trong thời gian chờ thông động mạch tĩnh mạch trưởng thành; Sử dụng là đường mạch máu lâu dài, chống chỉ định thông động tĩnh mạch, thất bại trong thông làm thông động tĩnh mạch. Các tĩnh mạch phải/trái được sử dụng ưu tiên: Tĩnh mạch cảnh trong phải, tĩnh mạch cảnh trong trái, đùi, dưới đòn. Lưu ý: Đùi và dưới đòn chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, dưới đòn không được dùng cho bệnh nhân chạy thận qua AVF [Kỹ thuật tạo cầu nối động - tĩnh mạch là phẫu thuật nối trực tiếp một động mạch - mạch máu đưa máu từ tim đi khắp cơ thể và tĩnh mạch - mạch máu vận chuyển máu về tim, ở cạnh cánh tay, giúp hình thành một mạch máu lớn cung cấp đường vào mạch máu cho bệnh nhân chạy thận]/AVG [Cầu nối nhân tạo, sử dụng vật liệu nhân tạo nối giữa động mạch và tĩnh mạch được đặt trong đường hầm dưới da để thuận tiện cho quá trình lọc máu]. Các Catheter cần sử dụng thích hợp, chiều dài ngắn nhất tính từ đầu Catheter đến cuff: 19 cm. 23cm, 37cm, 42 cm với các yêu cầu khắt khe về chất liệu. Theo BS Hiền, các biến chứng có thể xảy ra khi đặt Catheter gồm: Chảy máu, rối loạn nhịp, lạc chỗ Catheter, nhiễm trùng, giảm và mất chức năng, tụt hoặc hỏng Catheter. Để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra, cần thực hành thường xuyên các kỹ năng đặt dưới hướng dẫn siêu âm, chuẩn chỉ vị trí của đầu Catheter so với bóng tim, chăm sóc tốt sau đặt.

ĐẶT CATHETER CÓ CUFF TẠO ĐƯỜNG HẦM LÀ KỸ THUẬT CHUYÊN SÂU TRONG NGÀNH THẬN NHÂN TẠO, ĐEM LẠI NHIỀU LỢI ÍCH CHO BỆNH NHÂN.

Tuy vậy, việc đặt Catheter có cuff tạo đường hầm cũng tạo ra nhiều thách thức đối với ekip thực hiện và chăm sóc. Trong báo cáo của BS. Nguyễn Khắc Long - Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai đã trao đổi về nội dung thực hành đường vào mạch máu, sử dụng Catheter có cuff, đường hầm tiếp cận tĩnh mạch trung tâm trong thực hành, một số tồn tại và những ưu thế trong tương lai.

Kỹ thuật chuyên sâu này có các ưu điểm hơn so với cách đặt Catheter tĩnh mạch đùi: Thời gian sử dụng kéo dài lâu hơn, vị trí đặt ít ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân, hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng ... Kỹ thuật này được chi trả bởi hệ thống bảo hiểm y tế và có những hướng dẫn quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế, là lựa chọn tối ưu cho người bệnh lọc máu chưa có AVF/AVG [Chống chỉ định Shunt, hạn chế về mạch máu]. Tuy vậy, các bác sĩ luôn phải đối diện với hai vấn đề lớn, đó là: Nhiễm khuẩn liên quan đến Catheter và Catheter rối loạn chức năng.

Báo cáo của BS Long đã nêu rõ những điều cần chú ý trong việc chăm sóc và bảo quản Catheter để khắc phục những bất cập trên: Về dung dịch bảo bơm vào lòng Catheter nên sử dụng chất có tính chống đông với mục đích chống hình thành huyết khối trong lòng Catheter. Heparin 5000UI/ml thường được sử dụng, nên lưu ý dung dịch này không phòng ngừa nhiễm trùng liên quan đến Catheter, cân nhắc biến chứng chảy máu liên quan đến Heparin bảo quản, Heparin thúc đẩy quá trình lớp Biofilm và thúc đẩy vi khuẩn phát triển, Heparin 1000UI và 10.000 UI cùng có tác dụng như nhau trong chống huyết khối.

BS Long cũng chia sẻ kinh nghiệm xử trí nhiễm khuẩn liên quan đến Catheter: Cần chẩn đoán sớm, chính xác khi có hiện tượng sưng, đau, đỏ và tiết dịch cùng dấu hiệu của nhiễm trùng hệ thống. Cần cấy máu ngay khi nghi ngờ nhiễm khuẩn máu. Hướng xử trí phụ thuộc vào các yếu tố [Đặc điểm, nguy cơ của bệnh nhân, đặc điểm vi khuẩn liên quan, vai trò của Catheter với bệnh nhân, loại nhiễm khuẩn gì]. Cần chú ý: Việc rút bỏ Catheter nhiều khi rất khó với bệnh nhân khó khăn về ĐVMM. Nếu nhiễm trùng qua da, không có nhiễm trùng hệ thống đi kèm thì dùng kháng sinh tại chỗ và chăm sóc vị trí, tùy thuộc người bệnh có dùng kháng sinh hệ thống hay không. Nếu nhiễm trùng đường hầm thường phải rút bỏ Catheter, dùng kháng sinh hệ thống và có thể phải rạch mở đường hầm. Có nhiễm trùng máu thì phải dùng kháng sinh phổ rộng tĩnh mạch, kháng sinh đồ, rút bỏ Catheter, tìm ổ nhiễm trùng biến chứng khác [viêm nội tâm mạc].

Trong phần thảo luận và kết luận, các chủ tọa và báo cáo viên đều thống nhất: Người bệnh bắt đầu lọc máu phụ thuộc vào Catheter là rất phổ biến. Catheter có cuff tạo đường hầm là lựa chọn phù hợp khi người bệnh chưa có thông động tĩnh mạch, có nhiều ưu thế hỗ trợ người bệnh lọc máu. Tuy nhiên vấn đề nhiễm khuẩn và biến chứng mạch máu liên quan đến Catheter vẫn luôn đặt ra thách thức, cần lưu ý để giảm thiểu tối đa những trở ngại không mong muốn. Với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, cần tiếp cận theo hướng đa ngành như: Chăm sóc giảm nhẹ, lọc máu, thay thận....

Tại Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu - Bệnh viện Bạch Mai, kỹ thuật đặt Catheter có cuff tạo đường hầm luôn được chỉ định đúng người bệnh, đúng trình độ chuyên môn của ekip thực hiện và tuân thủ quy trình nghiêm ngặt theo hướng dẫn. Việc này đã hỗ trợ nhiều bệnh nhân suy thận nặng được cải thiện chất lượng sống.

Hội thảo khoa học về “Đặt Catheter lọc thận lâu dài” tại Bệnh viện Bạch Mai đã cập nhật nhiều những kinh nghiệm, kỹ năng tối ưu để các y bác sĩ chuyên ngành Thận tiết niệu và Lọc máu nâng cao chất lượng điều trị.

Chủ Đề