Hướng dẫn nộp hồ sơ xin việc qua mạng

17/11/2021 15:30

Gửi hồ sơ/CV xin việc qua email không phức tạp nhưng lại cần ứng viên chú trọng tới nhiều yếu tố, tiểu tiết. Từ bước chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ xin việc tới bước viết email gửi nhà tuyển dụng đều yêu cầu sự chỉn chu, chuyên nghiệp của bạn.

Rất nhiều ứng viên - cả các bạn đã có kinh nghiệm tìm việc và những bạn mới ứng tuyển việc làm hầu như đều cảm thấy rằng, việc gửi email xin việc rất đơn giản, chỉ là gửi thư có đính kèm CV và thư xin việc. Thực tế, nếu qua loa hoặc làm không khéo, không chuẩn thì rất có thể, bạn đã bị loại đáng tiếc ngay từ bước đầu tiên tiếp cận với nhà tuyển dụng.

MỤC LỤC:
1. Nên nộp hồ sơ xin việc trực tiếp hay qua email?
2. Hồ sơ xin việc qua email bao gồm những gì?
3. Cách gửi hồ sơ/CV xin việc qua email chuẩn
4. Lỗi cần tránh khi gửi hồ sơ xin việc qua email
5. Thời điểm lý tưởng để gửi email
6. Một số mẫu email ứng tuyển việc làm chuẩn

Hướng dẫn cách gửi hồ sơ/CV xin việc qua email chuyên nghiệp

Trước khi đi vào tìm hiểu chi tiết cách gửi hồ sơ/CV xin việc qua email, điều đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu là trả lời thắc mắc của rất nhiều ứng viên - chọn nộp hồ sơ xin việc trực tiếp hay qua email sẽ "có lợi" hơn? Rõ ràng, việc bạn gửi CV xin việc, hồ sơ ứng tuyển bằng cách nào cũng nhằm một mục tiêu là giới thiệu bản thân với hình ảnh hoàn hảo nhất, phù hợp nhất tới nhà tuyển dụng. Bạn có thể nghĩ rằng nộp hồ sơ xin việc trực tiếp thì cho thấy sự chuẩn bị đầy đủ, hoặc đơn giản là bạn thích cách đó hơn. Dù thế, ở thời đại công nghệ số như hiện nay, kênh ứng tuyển qua email phổ biến và hiệu quả hơn hẳn.

Những lý do bạn nên gửi hồ sơ/CV xin việc qua email là:

  • Đa số nhà tuyển dụng yêu cầu nộp hồ sơ/CV xin việc qua email (ghi rõ trong thông báo tuyển dụng).
  • Nộp hồ sơ qua email tiện lợi và tiết kiệm thời gian hơn (cho cả nhà tuyển dụng và ứng viên).
  • Không lo bị thất lạc như nộp hồ sơ trực tiếp.
Vì vậy, trừ khi bạn ứng tuyển vào cơ quan nhà nước hoặc những đơn vị, văn phòng ghi rõ yêu cầu gửi hồ sơ xin việc bản cứng trực tiếp/ qua đường bưu điện thì hãy nộp trực tiếp, còn không, hãy gửi hồ sơ/CV xin việc qua email bạn nhé.

Đọc thêm: Gửi CV xin việc qua email gồm những gì?

Nhà tuyển dụng khác nhau, vị trí tuyển dụng khác nhau có thể có yêu cầu không giống nhau về tài liệu ứng tuyển. Cụ thể, một số doanh nghiệp chỉ cần ứng viên gửi CV xin việc qua email, trong khi những công ty và tổ chức khác có thể cần bạn gửi hồ sơ ứng tuyển hoàn chỉnh hơn với các tài liệu bổ sung chứng minh năng lực và ảnh chụp chẳng hạn. Về cơ bản, hồ sơ xin việc đầy đủ sẽ bao gồm: CV là một bản tóm tắt ngắn gọn nhưng đầy đủ để bạn tự giới thiệu về mình, gồm có các thông tin cá nhân (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email), học vấn, bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng và các chứng chỉ, thông tin tham chiếu, sở thích, hoạt động,...
Một bản CV xin việc chuẩn để ứng tuyển qua email cần đảm bảo các yếu tố như sau:
  • CV có hình thức đẹp, bố cục rõ ràng, màu sắc được tùy chỉnh hợp lý (không quá rực rỡ hoặc nhàm chán).
  • CV được viết với cách diễn đạt, liệt kê thông tin nổi bật, có điểm nhấn thu hút nhà tuyển dụng, bao gồm các từ khóa liên quan tới vị trí ứng tuyển (và có trong JD).
  • Độ dài CV phù hợp, nếu bạn xin việc làm part-time, là ứng viên ít kinh nghiệm thì có thể giới hạn CV xin việc trong 1 trang, còn đã có nhiều kinh nghiệm hoặc ứng tuyển vị trí quản lý thì CV được phép dài hơn nhưng không bao gồm các thông tin đã từ quá lâu hoặc viết thành đoạn văn.
  • Định dạng CV nên là file PDF.

Nếu như bạn chưa rõ CV xin việc của mình đã đúng chuẩn hay chưa, hãy tham khảo ngay các mẫu CV xin việc chuyên nghiệp trong bộ công cụ CV Pro của JobOKO. Hàng chục mẫu CV được thiết kế đẹp, phân loại theo từng ngành nghề và dành cho cả ứng viên có kinh nghiệm, chưa có kinh nghiệm, lao động phổ thông,... kèm theo hướng dẫn viết chi tiết có thể giúp bạn hoàn thành CV ứng tuyển chất lượng trong thời gian ngắn.

CV là tài liệu quan trọng khi gửi hồ sơ xin việc qua email

Thư xin việc (cover letter) là tài liệu khác trong hồ sơ xin việc qua email. Thường thì nhà tuyển dụng sẽ không yêu cầu bắt buộc phải có đơn xin việc, tuy nhiên, đa số các ứng viên chọn gửi kèm cả tài liệu này. Thư xin việc sẽ cần:
  • Giới hạn trong 1 trang.
  • Đầy đủ các phần nội dung chính.
  • Tập trung vào lý do vì sao bạn là ứng viên phù hợp nhất.
  • Bày tỏ mong muốn, kỳ vọng được trao cơ hội phỏng vấn.
Có 2 trường hợp bạn nên gửi kèm portfolio qua email xin việc: Khi nhà tuyển dụng viết rõ ứng viên cần gửi kèm danh sách dự án/ sản phẩm đã thực hiện (tham gia); hoặc bạn tự tin và muốn chủ động "khoe" với nhà tuyển dụng portfolio ấn tượng của mình.
Tùy vào lĩnh vực cụ thể, portfolio thường bao gồm link bài báo, nội dung đã viết trên blog, website (Nhân viên content), bộ ảnh chụp (Nhiếp ảnh), sản phẩm thiết kế (Nhân viên thiết kế đồ họa),... Portfolio nên là dạng infographic, thiết kế đẹp, thể hiện được tài năng, phong cách của bạn và chỉ nên bao gồm những tác phẩm tốt nhất. Ngoài ra, nếu nhà tuyển dụng yêu cầu gửi kèm hình ảnh cá nhân (thường là với các vị trí lễ tân, trợ lý giám đốc,...) hoặc chứng chỉ, bằng cấp liên quan thì bạn sẽ phải scan file mềm để đính kèm trong hồ sơ xin việc gửi qua email. Sau khi đã hoàn thành hồ sơ/CV xin việc qua email, đã đến lúc tìm hiểu cách gửi hồ sơ/CV xin việc qua email đúng cách. Tiêu đề (phần Subject) trong email quyết định "số phận" hồ sơ xin việc của bạn có đến tay nhà tuyển dụng hay không, và họ có mở ra xem hay không. Nếu tiêu đề không đúng định dạng (hoặc tệ hơn là không có tiêu đề) thì email bạn gửi ứng tuyển dễ bị đẩy vào mục Spam hoặc nhà tuyển dụng đánh giá ngay lập tức là ứng viên thiếu chuyên nghiệp là loại không đọc email cũng như không xem CV.
Cách đặt tiêu đề email xin việc như sau:
  • Nếu nhà tuyển dụng ghi rõ "form" yêu cầu, chẳng hạn như "Ứng viên gửi CV về địa chỉ email với cấu trúc Họ tên - Vị trí ứng tuyển", thì bạn hãy làm đúng như thế.
  • Nếu nhà tuyển dụng không đề cập, bạn nên viết tiêu đề email theo cấu trúc: [Vị trí ứng tuyển - Họ và tên] (đơn giản và hiệu quả nhất) hoặc [CV - Họ tên - Vị trí ứng tuyển].
  • Trường hợp gửi hồ sơ/CV xin việc qua email bằng tiếng Anh, tiêu đề cần viết không dấu và đúng tên vị trí việc làm trong tiếng Anh (theo JD của nhà tuyển dụng).
Ví dụ: "Subject: ỨNG TUYỂN BIÊN TẬP VIÊN - NGUYỄN VĂN A"; hoặc email xin việc tiếng Anh thì sẽ là "Subject: ENGLISH TRANSLATOR - NGUYEN VAN A".

Viết tiêu đề email xin việc theo cấu trúc nào phù hợp?

Cách gửi hồ sơ/CV xin việc qua email thực chất quan trọng nhất chính là phần nội dung của email. Nội dung thường ngắn gọn nhưng phải được trình bày rõ ràng và có định dạng dễ theo dõi, cũng như cung cấp các thông tin mà nhà tuyển dụng muốn biết. Cụ thể hơn, bạn cần viết email thế nào để nhà tuyển dụng muốn mở CV và hồ sơ xin việc bạn đính kèm.
  • Xưng hô với nhà tuyển dụng: Một cách thông minh để xưng hô với nhà tuyển dụng trong email ứng tuyển là bạn hãy tự xưng Em hoặc Tôi (tùy độ tuổi và kinh nghiệm). Đối với nhà tuyển dụng, có thể viết là Anh/Chị hoặc gọi chung là Quý công ty/công ty để đảm bảo tính khách quan. Việc tự xưng sẽ cần có sự đồng nhất trong suốt email.
  • Lời chào: Mở đầu email ứng tuyển, bạn cần gửi lời chào tới nhà tuyển dụng. Nếu bạn đã biết chắc chắn ai là người nhận email (do nhà tuyển dụng ghi trong tin tuyển là liên hệ với Mr/Mrs/Ms [tên]) thì bạn có thể dùng ngay là Dear Mr/Mrs/Ms [tên] hoặc Kính gửi Mr/Mrs/Ms.
Tuy nhiên, đa phần chúng ta có thể không biết chính xác ai là người nhận email xin việc của mình, vì thế, để tránh sai lầm khi gửi cho anh A nhưng anh B mới là người check email, bạn hãy viết chung chung là: Kính gửi Phòng Tuyển dụng Công ty [tên công ty]; hoặc Kính gửi Trưởng phòng Marketing (trường hợp bạn xin việc trong phòng ban nào thì viết tên phòng ban đó).
Lưu ý, tránh các xưng hô quá xuề xòa như "Gửi anh [tên]" hoặc quá câu nệ như "Thưa Ngài/Thưa Ông/Bà". Các bạn sinh viên mới ra trường cũng có thể viết đơn giản là "Kính gửi Anh/Chị" (dù không thực sự chuyên nghiệp nhưng có thể chấp nhận được).
  • Giới thiệu bản thân: Tiếp theo đó, bạn cần cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai. Bạn chỉ nên giới thiệu mình trong một câu của email, như là: "Em là Trần Minh N, sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành..." hoặc "Tôi là Lê Thị A, năm nay 27 tuổi và là một kỹ sư môi trường có 5 năm kinh nghiệm".
  • Tìm hiểu được tin tuyển dụng qua kênh nào: Ngay sau lời chào và lời tự giới thiệu, bạn sẽ cần viết rõ đã thấy JD, thông tin đăng tuyển qua kênh nào. Đừng thắc mắc vì sao điều này lại quan trọng, đơn giản là vì nhà tuyển dụng muốn có thông tin để đo lường hiệu quả tuyển dụng (biết được đăng tin qua kênh nào nhiều ứng viên chất lượng, tuyển được nhân sự phù hợp).
Gợi ý cách viết câu chia sẻ thông tin bạn thấy tin tuyển ở đâu như sau: "Qua nền tảng tuyển dụng Joboko.com, tôi được biết công ty đang có nhu cầu tuyển dụng vị trí Nhân viên Lễ tân văn phòng" (hoặc các vai trò khác).
  • Lý do bạn ứng tuyển (cảm thấy mình phù hợp, có ai giới thiệu): Đây là phần quan trọng nhất trong email ứng tuyển của bạn và hãy thực sự đầu tư diễn giải ở phần này - có thể viết thành 1 hoặc 2 đoạn ngắn. Thông tin cần có tập trung vào việc bạn có thế mạnh nào để tự tin ứng tuyển. Đừng lặp lại CV, hãy viết thật thuyết phục, ví dụ bạn cảm thấy mình phù hợp vì đã có kinh nghiệm tương tự, vì bạn có chuyên môn cao hoặc tay nghề thành thạo, có chứng chỉ,...
Chẳng hạn, bạn có thể viết rằng: "Đọc kỹ các yêu cầu trong mô tả công việc của quý công ty, tôi cảm thấy mình rất phù hợp với tiêu chí tuyển dụng nên đã tự tin ứng tuyển. Với kinh nghiệm 3 năm trong vai trò Nhân viên IT và bằng cấp chuyên nghiệp bậc đại học, tôi có nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng hoàn hảo để chắc chắn sẽ thích nghi nhanh với môi trường mới và hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ được giao".
Hoặc: "Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em đã biết về các sản phẩm/dịch vụ và danh tiếng của công ty, ao ước được trở thành một thành viên góp phần làm nên những thành công ấn tượng hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, khi biết công ty đang tuyển vị trí [tên vị trí], em đã ngay lập tức ứng tuyển. Em chắc chắn rằng với kết quả học tập loại Xuất sắc và kinh nghiệm 2 năm qua, em có thể học hỏi nhanh, cống hiến và nỗ lực vì mục tiêu chung".
Lưu ý: Dù bạn viết lý do ứng tuyển là gì, đừng quên nhấn mạnh rằng bạn mong muốn được tham gia phỏng vấn. Có thể viết là: "Vì vậy, em/tôi gửi email ứng tuyển vào vị trí này với kỳ vọng có được cơ hội phỏng vấn và sớm trở thành nhân viên chính thức trong công ty".
  • Liệt kê các file đính kèm trong email: Nếu bạn quên nhắc tới file đính kèm thì rất có thể, toàn bộ email bạn gửi là "công cốc". Hãy nhắc nhẹ nhà tuyển dụng rằng bạn có đính kèm các tài liệu "chứng minh năng lực" bằng cách viết: "Thông tin chi tiết tôi xin được gửi đến quý công ty qua các file đính kèm bao gồm [liệt kê danh sách các file bạn gửi]". Trường hợp chỉ gửi CV xin việc, bạn có thể viết ngắn gọn rằng: "Thông tin chi tiết, anh/chị vui lòng xem tại file CV đính kèm".
Kết thúc email gửi hồ sơ/CV xin việc, đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian xem xét hồ sơ của bạn. Trong tiếng Việt, hãy viết: "Xin chân thành cảm ơn quý công ty" hoặc "Rất mong sẽ sớm nhận được phản hồi từ công ty"; tiếng Anh thì bạn có thể viết "Thank you for your consideration".
Có lẽ ứng viên hiện nay không còn xa lạ với những lời khuyên cần để chữ ký email thế nào cho chuyên nghiệp. Dù vậy, lưu ý cũng không bao giờ là thừa. Chữ ký của bạn nên bao gồm họ tên, số điện thoại và địa chỉ email, có thể thêm nghề nghiệp (chức danh). Cách này giúp nhà tuyển dụng một lần nữa nhớ về bạn như một ứng viên tiềm năng.

Đọc thêm: Cách tạo chữ ký email chuyên nghiệp

Tính tổng thể, một email xin việc nên được viết ngắn gọn trong khoảng 200 - 250 từ. Đây được xem là độ dài phù hợp nhất để email không quá "cụt ngủn" mà cũng tránh dài dòng (vì nhà tuyển dụng sẽ hiểu thêm về bạn, đánh giá chính xác hơn dựa trên hồ sơ xin việc đầy đủ nên bạn không nên ôm đồm, nhồi nhét hết thông tin trong email).

Độ dài Email từ 200 - 250 chữ là hợp lý

Nhà tuyển dụng hiểu rằng, chắc hẳn bạn sẽ ứng tuyển cùng lúc ở các công ty, tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn có thể CC một email xin việc cho tất cả các nhà tuyển dụng. Không cá nhân hóa nội dung email khi gửi hồ sơ xin việc, bạn đang thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và không tôn trọng nhà tuyển dụng.
Cá nhân hóa ở đây có nghĩa là, mỗi email gửi cho nhà tuyển dụng khác nhau, bạn cần điều chỉnh tên vị trí ứng tuyển cho chính xác, nội dung email cũng nên thay đổi đúng tên công ty,... Lưu ý, hãy chỉnh thông tin cần thiết cả ở CV, thư xin việc và email ứng tuyển bạn nhé. Thông qua cách gửi hồ sơ/CV xin việc qua email, bạn có thể thấy rằng quy trình không khó, thế nhưng trên thực tế vẫn có nhiều ứng viên phạm phải các lỗi "khó lòng tưởng tượng". Nhận thức được các lỗi hay gặp khi gửi hồ sơ xin việc qua email là một cách hữu ích để bạn tránh không "đi vào vết xe đổ".
  • Gửi sai địa chỉ email: Đây có thể là lỗi "ngớ ngẩn" nhất của bất kỳ ứng viên nào. Đánh máy sai một chữ hoặc một dấu chấm cũng có nghĩa là hồ sơ/CV xin việc của bạn thất lạc, sẽ không nhận được phản hồi. Hãy đọc kỹ địa chỉ email trên tin đăng tuyển, có thể copy cho chính xác 100% trước khi soạn và gửi email.
  • Sai tên công ty, người nhận: Đây là một lỗi hay xảy ra nếu bạn không điều chỉnh nội dung email trước khi gửi mà CC email cho một loạt nhà tuyển dụng hoặc copy nguyên si nội dung email gửi đi trước đó. Không nhà tuyển dụng nào chấp nhận việc ứng viên gửi email xin việc mà đang xin việc cho công ty nào cũng không nhớ, do đó, bạn cần kiểm tra lại trước khi "send".
  • Không đính kèm file: Bên cạnh đó, đừng vì quá tập trung vào soạn thảo email mà quên không đính kèm file. Email ứng tuyển dĩ nhiên quan trọng, nhưng file đính kèm là CV, thư xin việc, hay một hồ sơ ứng tuyển đầy đủ sẽ còn quan trọng hơn. Hãy thật tỉ mỉ và cẩn thận để không quên hoàn toàn hoặc đính kèm thiếu bất kỳ file nào.
  • Dung lượng file quá lớn: Thông thường, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu rõ ràng là ứng viên gửi file CV xin việc với định dạng PDF - hoặc không thì bạn cũng nên để định dạng file này. Dung lượng file thư xin việc và CV thôi có thể gửi qua email thoải mái, tuy vậy, nếu hồ sơ ứng tuyển của bạn đầy đủ với cả ảnh chân dung, portfolio thật "dày", các bản scan bằng cấp, chứng chỉ thì JobOKO khuyên bạn nên nén file lại.
Nhìn chung, các lỗi hay gặp khi gửi hồ sơ/CV xin việc qua email phần lớn là do ứng viên bất cẩn, vội vàng. Hãy bình tĩnh, đảm bảo luôn kiểm tra kỹ tất cả trước khi gửi đi, bạn sẽ yên tâm với quy trình ứng tuyển chuẩn nhất qua email của mình. Những email ứng tuyển sớm (tính từ thời gian tin tuyển dụng hiển thị) có thể thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng và giúp bạn có nhiều cơ hội được mời phỏng vấn hơn. Đồng thời, việc bạn chuẩn bị sớm và gửi hồ sơ/CV xin việc qua email trong thời hạn (càng sớm càng tốt) cho thấy bạn đã hoàn toàn sẵn sàng và quan tâm tới công việc, vai trò tại công ty.
Dưới đây là một số gợi ý để bạn lựa chọn thời gian gửi email xin việc hiệu quả:
  • Thứ Hai: Đầu tuần làm việc là thời điểm tuyệt vời để gửi email của bạn. Bạn có thể có nhiều khả năng được phỏng vấn hơn nếu chọn thời điểm này.
  • Thứ Ba: Đây cũng là một lựa chọn tốt vì vẫn là đầu tuần và nhiều nhà tuyển dụng mới bắt đầu check email ứng viên gửi tới.
  • Thứ Tư và thứ Năm: Giữa tuần thường là thời điểm bận rộn của những kế hoạch, dự án và do đó, email ứng tuyển vào những ngày này khó được chú ý và có thể vô tình bị bỏ lỡ. Nói cách khác, bạn không nên gửi email xin việc vào thứ Tư và thứ Năm.
  • Thứ Sáu: Thời điểm này, nhà tuyển dụng có thể đang bận rộn với những cuộc họp, báo cáo cuối tuần và email xin việc của bạn cũng dễ bị bỏ sót trong quá nhiều nhiệm vụ.
  • Hai ngày cuối tuần: Ngoài giờ làm việc là thời điểm hoàn toàn không thuận lợi để ứng tuyển việc làm qua email. Hầu hết người nhận sẽ không xem email của họ vào cuối tuần và email của bạn còn có nguy cơ bị thất lạc, chuyển vào mục spam hoặc đẩy xuống các vị trí "xa xôi" ngay cả khi đã sang tuần mới.
Vậy, thứ Hai và thứ Ba đầu tuần vẫn là những thời điểm tốt nhất để bạn gửi email ứng tuyển.

Lựa chọn thời điểm thích hợp để ứng tuyển việc làm sẽ gia tăng tỷ lệ thành công

Tham khảo các mẫu email ứng tuyển việc làm được thiết kế chuẩn sau đây (dành cho các đối tượng ứng viên khác nhau) sẽ giúp bạn dễ hình dung về bố cục, nội dung của email khi gửi hồ sơ/CV xin việc. Tham khảo và tùy chỉnh thông tin cho phù hợp nhất với công việc, ngành nghề, kinh nghiệm bạn nhé. Chưa có kinh nghiệm, bạn có thể diễn đạt rằng dù chưa có kinh nghiệm nhưng đã đi thực tập/làm thêm, bổ sung rằng bạn học hỏi nhanh, trân trọng cơ hội của công ty nếu trúng tuyển,...
Kính gửi Phòng Tuyển dụng Công ty [tên công ty]
Em là Trần Minh N, sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành... Qua nền tảng tuyển dụng JobOKO.com, em được biết công ty đang có nhu cầu tuyển dụng vị trí Nhân viên Kế toán. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em đã biết về các sản phẩm/dịch vụ và danh tiếng của công ty, ao ước được trở thành một thành viên góp phần làm nên những thành công ấn tượng hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, khi biết công ty đang tuyển vị trí [tên vị trí], em đã ngay lập tức ứng tuyển. Em chắc chắn rằng với kết quả học tập loại Xuất sắc và kinh nghiệm 2 năm qua, em có thể học hỏi nhanh, cống hiến và nỗ lực vì mục tiêu chung. Vì vậy, em gửi email ứng tuyển vào vị trí này với kỳ vọng có được cơ hội phỏng vấn và sớm trở thành nhân viên chính thức trong công ty. Thông tin chi tiết, anh/chị vui lòng xem tại file CV đính kèm.

Rất mong sẽ sớm nhận được phản hồi từ công ty.


Trần Minh N Các mẫu email ứng tuyển cho ứng viên có kinh nghiệm sẽ có thể làm nổi bật thông tin như kinh nghiệm, thành tích, làm việc ở công ty có thương hiệu mạnh, quy mô lớn.

Email ứng tuyển bằng tiếng Anh cần đảm bảo đủ nội dung thông tin, trong khi dùng từ hợp lý, không sai ngữ pháp hoặc chính tả.

Cách gửi hồ sơ/CV xin việc qua email thực chất là một quy trình đầy đủ các bước từ việc chuẩn bị tài liệu tới khi gửi đến nhà tuyển dụng. Tìm hiểu và ghi nhớ các phương pháp và mẹo kể trên, bạn có thể chuẩn hóa quy trình ứng tuyển của mình và gia tăng cơ hội được mời phỏng vấn, nhận việc.