Keết hợp chế phẩm sinh học và hóa học

Để xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm dầu, các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học [Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam] đã nghiên cứu, tạo ra chế phẩm sinh học có tên thương mại là MicroDegrader xử lý ô nhiễm dầu từ ứng dụng vi sinh vật tạo màng sinh học trên than sinh học.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn TS Lê Thị Nhi Công, Viện Công nghệ sinh học, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu có giá trị cao này.

Phóng viên [PV]: Thưa bà, các sự cố tràn dầu gây ra hậu quả như thế nào? Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng phương pháp nào để xử lý ô nhiễm dầu?

TS Lê Thị Nhi Công: Các sự cố tràn dầu trên biển tác động rất lớn đến con người, hệ sinh thái và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng không chỉ là thời gian ngắn mà có thể lưu trữ rất lâu trong môi trường đất, môi trường nước. Các thành phần có trong dầu gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, như: Gây sảy thai, dị tật thai nhi, bệnh về đường hô hấp... Hiện nay, khi sự cố tràn dầu xảy ra trên biển, các công ty xử lý môi trường thường sử dụng biện pháp dùng phao quây dầu, rồi đến những biện pháp hóa học để hạn chế các thành phần của dầu tan, tràn ra môi trường. Các phương pháp vật lý và hóa học này đều có rất nhiều hiệu quả, nhanh, cơ động đặc biệt với dầu thô. Tuy nhiên, đối với biện pháp vật lý chỉ thu gom dầu lại trong một khu vực chứ không bảo đảm ngăn được các thành phần trong dầu tràn ra ngoài. Biện pháp hóa học thì chuyển các hợp chất trong dầu sang dạng hợp chất khác mà các hợp chất đó chưa hẳn an toàn cho hệ sinh thái.

PV: Vậy để xử lý hiệu quả hơn tình trạng ô nhiễm dầu, chúng ta cần áp dụng phương pháp nào, thưa bà?

TS Lê Thị Nhi Công: Để bảo vệ hệ sinh thái trước ô nhiễm dầu, cần kết hợp cả 3 phương pháp vật lý, hóa học và sinh học. Trong đó, phương pháp sinh học được xem là một trong những phương pháp xử lý triệt để, bảo đảm cân bằng sinh thái và có chi phí thấp. Từ năm 2018, Viện Công nghệ sinh học đã bắt đầu nghiên cứu chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm dầu từ ứng dụng vi sinh vật tạo màng sinh học trên than sinh học. Than sinh học được tận dụng từ phế, phụ phẩm nông nghiệp, như: Rơm rạ, vỏ trấu, thân cây ngô, bã mía... Thay vì đem đốt các phế, phụ phẩm này gây ô nhiễm khói bụi và hiệu ứng khí nhà kính thì tận dụng làm than sinh học kết hợp với vi sinh vật để tạo ra chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu. Đến năm 2020, chế phẩm sinh học này đã hoàn thiện và được thử nghiệm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa...

PV: Thưa bà, chế phẩm sinh học MicroDegrader có ưu điểm gì?

TS Lê Thị Nhi Công: Chế phẩm MicroDegrader có ưu điểm là dễ sử dụng, hiệu quả xử lý dầu tốt, giá thành thấp, thời gian bảo quản dài và thân thiện với môi trường. Các nhà khoa học đã thử nghiệm chế phẩm này tại Kho xăng dầu Đỗ Xá [Hà Nội] và cho kết quả xử lý ô nhiễm dầu chỉ trong vòng 14 ngày [các phương pháp khác mất 30 ngày], giảm 30% chi phí xử lý so với các phương pháp khác. Nước thải nhiễm dầu sau khi được xử lý bằng chế phẩm sinh học MicroDegrader đã loại bỏ hơn 95% thành phần hydrocarbon có trong nước thải, nước thu được đạt loại B QCVN 29:2010/BTNMT.

PV: Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu của bà đã gặp thuận lợi và khó khăn gì?

TS Lê Thị Nhi Công: Tôi có cơ may được làm khóa luận tốt nghiệp đại học và luận văn thạc sĩ về hướng vi sinh vật dầu mỏ. Sau đó, tôi lại may mắn được theo học chương trình học bổng tiến sĩ của Đức và tiếp tục theo đuổi hướng này. Cho tới nay, tôi đã thực hiện 4 đề tài cấp nhà nước về vi sinh vật dầu mỏ. Tôi cảm thấy rất biết ơn và trân trọng các thầy, cô đã chỉ bảo, hướng dẫn tôi từ những ngày đầu làm công tác nghiên cứu khoa học.

Trong quá trình theo đuổi hướng nghiên cứu, chúng tôi gặp những khó khăn trong vấn đề thiếu trang thiết bị, máy móc, kinh phí... Đến khi hoàn thiện được chế phẩm sinh học thì gặp khó trong việc liên hệ với các đơn vị để tiến hành thử nghiệm. Với sự quan tâm và ủng hộ từ ban lãnh đạo Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; từ các ban, bộ, ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay, sản phẩm của chúng tôi đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

PV: Hướng phát triển của nhóm nghiên cứu cho chế phẩm sinh học MicroDegrader trong thời gian tới là gì, thưa bà?

TS Lê Thị Nhi Công: Hiện nay, sản phẩm của nhóm đã được Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam [Bộ Khoa học và Công nghệ] tài trợ để thương mại hóa sản phẩm ra thị trường. Kho xăng dầu Đỗ Xá [Hà Nội] cũng đã ký hợp đồng hợp tác với nhóm nghiên cứu là tiền đề quan trọng giúp dự án nhân rộng tại các kho xăng dầu khác ở nước ta. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của các nhóm khách hàng khác nhau. Đồng thời, tìm kiếm, tư vấn và thực hiện truyền thông đến các nhà máy, xí nghiệp, khu khai thác dầu khí để góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường do dầu và các thành phần của dầu gây ra.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

LA DUY [thực hiện]

Ứng dụng công nghệ sinh học xử lý ô nhiễm dầu

Sáng 22-10, tại Hà Nội, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp và Khoa học Công nghệ Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, Hội Tự động hóa Việt Nam tổ chức Tọa đàm cà phê công nghệ nhằm giới thiệu công nghệ sinh học xử lý ô nhiễm dầu.

Chủ Đề