Kết thúc phim Tuyệt sắc khuynh thành

Tôi đến với “Tuyệt sắc khuynh thành” như một cái duyên. Ấy là thời điểm tôi bắt đầu cảm thấy ngao ngán và chán chường trước một rừng sách ngôn tình được xuất bản ồ ạt nhưng chất lượng không đến đâu. Một người bạn đã nhờ tôi mua giúp vài quyển sách, trong đó có “Tuyệt sắc khuynh thành”. Rồi cũng là bạn ấy đưa nó cho tôi, bảo tôi cứ đọc trước vì còn quá nhiều cuốn sách chưa xem xong. Tôi giữ lấy, nhưng không vội đọc. Tôi cần một trạng thái thảnh thơi trước khi bắt đầu quay lại với những quyển sách. Và cái ngày ấy là tận hai tháng sau.

Lướt qua số sách nằm im lìm trên giá, tôi cầm “Không kịp nói yêu em” lên. Có lẽ “Không kịp nói yêu em” đã trao cho tôi chút cảm hứng đọc lại ngôn tình, tìm về khoảng thời gian của nhiều  năm trước, lần giở từng trang sách, nấn ná đọc thêm vài chương dù giờ ngủ đã trôi qua lâu rồi. Vài ngày sau khi thoát khỏi bi kịch đeo đẵng của “Không kịp nói yêu em”, tôi chọn cho mình cuốn sách có bìa màu trắng thanh thoát, trên đó chỉ có duy nhất hình một đóa hoa màu mận kiêu hãnh mà đơn độc. Cuốn sách ấy có tựa là “Tuyệt sắc khuynh thành”, mà tôi chưa hề biết gì về nó.

Sau hai chương đầu thâm nhập vào câu chuyện, tôi mơ hồ nhận ra đây là cuốn sách thuộc thể loại tôi chẳng mặn mà: “ngược”. Để tôi kể cho bạn nghe người ta giải thích với tôi thế nào về truyện ngược nhé: “Là truyện ngược đãi, giày vò nữ chính, hoặc thể xác, hoặc tâm hồn, hoặc cả hai. Nam chính vì một nỗi hận nào đấy với nữ chính mà hành hạ cô, còn nữ chính thì dù thể nào cũng nhẫn nhịn, cho tới khi bị hư thai mới chịu rời đi. Đến lúc này nam chính mới phát hiện mình yêu nữ chính đến nhường nào. Kết thúc, một là nam chính và nữ chính hạnh phúc bên nhau, hai là nữ chính yêu một chàng trai khác biết trân trọng cô hơn.” “Tuyệt sắc khuynh thành” thật ra không nằm ngoài những tình tiết ấy, có chăng là nó dài dòng hơn, mệt mỏi hơn.

Cảm giác đầu tiên “Tuyệt sắc khuynh thành” mang đến cho tôi, chỉ là cảm giác buồn cười. Cái kiểu tình tiết sến súa, bi kịch nối tiếp bi kịch, cái cách anh nam hành hạ cô nữ, nói thật đọc lên có một cái gì đó giống tiểu thuyết ba xu. Những đoạn H dài thượt, hầu như chương nào cũng có làm tôi thoáng liên tưởng đến những truyện sex bị cấm đọc trong học đường. Tôi nghĩ về “Người đọc” của Brnhard Schlink, cũng là làm tình đấy, nhưng sao khác xa quá đỗi. “Người đọc” tinh lọc, chắt chiu đến từng câu, từng chữ, gợi mở, phóng khoáng mà rung động. Nhưng rồi tôi lại tự cười cợt mình, so sánh khập khiễng quá. Ấy vậy mà, tôi vẫn đọc, vẫn mỗi ngày thêm vài chương truyện. Cuốn sách dày hơn 500 trang thôi, chưa phải là cuốn sách dài nhất mà tôi từng đọc, nhưng nắm giữ kỷ lục lâu nhất để tôi hoàn thành. Mất những một tuần thay vì một đêm ngấu nghiến. Nếu không vì Phi Yên giỏi trong cách dẫn dắt khán giả, nếu không phải vì Cẩm Ninh đã dịch từng câu chữ như chính tay mình viết nên câu chuyện đó, có lẽ tôi đã chẳng bị “Tuyệt sắc khuynh thành” níu kéo. Nếu ai đó hỏi tôi rằng, “Tuyệt sắc khuynh thành” có hay không, quả thật tôi chẳng biết trả lời. Nhưng nếu ai đó hỏi tôi, bỏ một tuần để đọc “Tuyệt sắc khuynh thành” có lãng phí không, tôi có thể trả lời ngay mà không cần suy nghĩ, không!

Không hiểu sao, dù là lần đầu tiên đọc một câu chuyện ngược, nhưng tôi lại có cảm giác rằng câu chuyện này rõ ràng kịch tính hơn, hấp dẫn và ít nhiều sâu sắc hơn những tác phẩm khác. Đây có lẽ là một trong những tác phẩm ngược xuất sắc nhất trong dòng văn học ngôn tình Trung Quốc. Thật may vì tôi đã dõi theo câu chuyện của Vị Hi đến tận những trang cuối cùng, để một lần nữa mở toang cửa sổ  ra, như khi gấp lại cuốn tiểu thuyết “Không kịp nói yêu em”. Nhưng lần này, đón lấy tôi là một cơn gió lạnh và bầu trời đen kịt, hệt như câu chuyện và số phận của tất cả nhân vật trong “Tuyệt sắc khuynh thành”.

Có rất nhiều điều để tôi tâm đắc với tác phẩm này. Dĩ nhiên, đó là giọng văn lúc bi thương, đau đớn, lúc nhẹ nhàng, lúc vui tươi… nhưng dẫu là lúc nào, dẫu cho là tác phẩm khác, dù khéo léo che đi tên tác giả, tôi vẫn có thể khẳng định, chỉ có thể là của Phi Yên. Không biết có ai như tôi không, khi đọc Phi Yên đã liên tưởng đến Tân Di Ổ. Chắc là có đấy, hình như có ai đó đã bảo, Phi Yên, Tân Di Ổ và Phỉ Ngã Tư Tồn, đều là những người dùng văn chương để châm vào trái tim độc giả. Nhưng tôi không cho là như vậy. Tôi cảm thấy Tân Di Ổ dùng sự thật nghiệt ngã đối diện với cuộc đời, Phỉ Ngã Tư Tồn dùng kết thúc bi ai để kể cho chúng ta nghe những câu chuyện tình, còn Phi Yên lại dùng cả một câu chuyện dài lẩn quẩn những đau thương chỉ để nói lên những điều mà có khi sống hết cả đời người, ta cũng không bao giờ phải chịu. Đó là số phận của những con người thấp cổ bé họng, phải bán mình cho chốn phù hoa, phải chờ đợi ai đó đến nhặt xác cho mình. Đó là số phận của chàng trai chỉ vì mưu sinh của họ mà vừa kịp lành vết thương này lại phải nhận những vết thương khác. Đó cũng là sự lựa chọn của những con người xuất thân cao quý, hoặc dùng tình yêu làm công cụ trả thù hoặc để hàn gắn cuộc đời khiếm khuyết của họ… Nếu Tân Di Ổ khéo léo cài đặt những chi tiết thật nhỏ mà đôi khi ta vô tình đọc lướt qua, bỏ sót nó, để rồi ồ lên thán phục cái sự sắp xếp tài tình ấy, thì Phi Yên lại khơi gợi nó, và tuyên bố, tôi đang giấu nó đấy, bạn không đọc đến những chương hồi cuối cùng, thì đừng hòng nắm hết toàn bộ câu chuyện.

Bi kịch trùng bi kịch, giày vò lấp giày vò của “Tuyệt sắc khuynh thành” làm tôi hồ nghi, liệu trên đời này có Vị Hi thật không, có Ngyễn Thiệu Nam thật không, có Lăng Lạc Xuyên thật không, có những người như Mạc Như Phi, Trì Mạch… thật không? Tôi nhớ có lần đọc một tiểu thuyết ba xu của Việt Nam, trong đó những cô gái bán mình làm điếm, nếu dám diếm số tiền khách boa mà không chia lại cho má mì, sẽ phải chịu hành phạt xẻo hai núm vú. Đối với một cô gái mà nói, đau là một lẽ, xẻo mất núm vú thì có khác gì tước đi của họ cái đặc quyền làm phụ nữ. Người đã đến bước phải làm điếm, thì còn có thể làm gì khác? Bây giờ cả làm điếm cũng không được, sống trên đời này còn nghĩa lý gì. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ, họ là những con người gánh chịu đau đớn nhất về tâm hồn rồi. Vậy mà cô gái bé nhỏ Vị Hi ấy, trải qua tuổi thơ bị anh chị hành hạ, trải qua cái ám ảnh nhấn nước rồi bắt nhìn thẳng vào họ, nhấn nước rồi lại bắt nhìn thẳng vào họ; 14 tuổi nhận lấy hung tin cha mình bức chết cha của người con trai cô dành cho những tình cảm e ấp đầu đời, mẹ cắt cổ tay tự vẫn còn em gái bị ném xuống những bậc cầu thang, lăn lông lốc; 21 tuổi bị bọn đàn ông lắm tiền sỉ nhục bằng đủ mọi cách, bị người đàn ông mình yêu thương suốt 7 năm trời hết lần này đến lần khác chà đạp, phỉ nhổ, lừa tình… bị cha bán rẻ, bị anh lấy dao cứa cổ đủ cho không thể nói nhưng không đủ để chết, trong vòng bốn mươi phút, lần lượt rứt từng móng tay của cô… Liệu trên đời này có ai đủ sức để chịu từng ấy trò hành hạ, đủ kiên cường để đón nhận tiếp những đau đớn mới trong tâm hồn như Vị Hi không? Tôi e là không. Nhưng Phi Yên lại nói, trong truyện của cô ấy có.

Không biết có ai nhận ra không, ngay cả khi bị người đàn ông mình từng quỳ trên hơn 900 bậc thang để cầu phúc cho anh, bán máu mình để mua cho anh chiếc bật lửa nhân ngày sinh nhật nói rằng anh chỉ xem cô như công cụ trả thù, anh chưa từng yêu cô, cả khi nghe anh nói qua điện thoại rằng anh và cô hợp tác để rồi bị người anh cùng cha rứt từng móng tay, khi người ta vẫn không buông tha cô, khi người ta trở thành nỗi ám ảnh khiến cô đến ngưỡng điên khùng, khi cô lăn xuống những bậc cầu thang vẫn bị anh ta lạnh lùng cưỡng bức đến chỗ kín rách một đường dài… cô chưa bao giờ tìm đến cái chết. Vậy mà, khi được tin Lăng Lạc Xuyên mất rồi, cô không nghĩ rằng mình nên tiếp tục sống.

Tôi thích những nụ cười hiếm hoi chỉ xuất hiện khi Vị Hi ở cạnh Lăng Lạc Xuyên, thích người đàn ông ngang ngược đó trở nên ngốc nghếch khi đối diện với cô, thích những chi tiết nhẹ nhàng trong muôn trùng khổ đau Phi Yên giăng ra. Tôi thích cách Phi Yên buộc Vị Hi không thể rời xa Nguyễn Thiệu Nam, vì quá sợ, và vì quá yêu. Tôi càng thích cách Phi Yên cho cô gái đáng thương ấy, ngay cả tột cùng đớn đau, vẫn có thể tiếp tục đón lấy tình yêu thuần khiết, chứa chan của một người con trai khác, người mà cô từng nghĩ rằng, giống Nguyễn Thiệu Nam. Tôi dõi theo tất cả bọn họ, không nỡ bỏ qua bất kỳ chi tiết nào, kể cả nhân vật nhỏ như Tiểu Văn, như những đứa trẻ Campuchia. Tôi thích những chi tiết dài lê thê nhưng không thừa thãi của Phi Yên. Tôi thích cách mà Phi Yên gián tiếp nói rằng, Vị Hi rất yêu Nguyễn Thiệu Nam, nhưng không phải là yêu nhất. Tôi thích Phi Yên đặt tên nhân vật và lý giải về nó. Tôi thích cách mà Phi Yên nhào nặn số phận, tạo thành một Nguyễn Thiệu Nam chỉ biết trả thù, tạo nên Vị Hi có thể thứ tha. Tôi thích Vị Hi nhìn ra hết mọi lắc léo của người thân, mọi thủ đoạn của Nguyễn Thiệu Nam, chỉ là cô lựa chọn vạch trần hay không, chứ không phải cô là con búp bê ngu ngơ chẳng biết gì. Tôi thích câu chuyện về người chồng trao cho vợ chiếc bao cao su như một cách bảo vệ cô ấy. Phải có một lượng kiến thức rộng lớn mới viết được nhiều điều như thế. Tôi thích từng nhân vật của “Tuyệt sắc khuynh thành”, cả Nguyễn Thiệu Nam tôi cũng không ghét được. Ai cũng nói anh ta là cầm thú, ai cũng bảo anh ta bệnh hoạn. Tất cả đều ở một điểm giới hạn nào thôi. Nguyễn Thiệu Nam chỉ cho rằng Vị Hi là của anh, chưa bao giờ bệnh hoạn đến mức nghĩ Vị Hi chỉ yêu anh. Nguyễn Thiệu Nam cầm thú đến đâu, thì ba năm cuối cùng của cuộc đời, anh đã dành trọn cho vợ anh, thử một lần trở lại thời hoa niên ấy.

Tôi thích tình người trong mối quan hệ phức tạp nhất, mà cũng giản đơn nhất của Vị Hi, Như Phi và Trì Mạch. Tôi yêu nhân vật Trì Mạch, yêu cái cách anh ấy ngủ với Như Phi nhưng rung động trước Vị Hi, yêu anh kìm nén tình cảm của mình, yêu anh xúc động ôm lấy cô ngoài biển, yêu anh biết gối cô rỉ máu trên những bậc thang cũng không lôi cô về mà cõng cô quỳ nốt quãng đường còn lại, yêu anh từng nghĩ đến việc rời xa cô, rồi lại quay về lúc cô thê thảm, yêu anh người chi chít sẹo vì cô, yêu anh hết yêu cô rồi vẫn không bỏ lại cô, yêu anh yêu mãnh liệt một người vẫn dang tay đón nhận một thứ hạnh phúc mình thật sự thuộc về, yêu anh dùng tứ chi để sống nhưng dùng khối óc để vực dậy những người bên cạnh, yêu anh sẽ không bao giờ chết trước Vị Hi, yêu tình bạn của ba người bọn họ, yêu hình tượng chiếc giường đôi và chiếc giường đơn lặng lẽ cùng hiện hữu trong một căn phòng.

Tôi nể Phi Yên có thể nghĩ ra nhiều bất hạnh như thế cho Vị Hi. Tôi phục Phi Yên đủ sức lực để Nguyễn Thiệu Nam dùng súng kết liễu đời mình, để Vị Hi ôm bức tranh chàng trai xăm hình hoa Triều Ảnh chết dần mòn trong bệnh tật, để lại Lăng Lạc Xuyên cô độc ngồi trên xe lăn. Ba người bọn họ, sống trên đời đều rất khổ đau, nhưng hai người chết rồi là hết, chỉ còn lại mỗi anh cố quên đi khổ đau, mà lại sợ mình quên cả tháng ngày hạnh phúc. Từng ấy thời gian Vị Hi làm đứa trẻ, anh cũng làm đứa trẻ, nhưng Vị Hi đi rồi, ngoài việc thẩn thờ chờ đợi cô, anh còn có thể làm gì? Ngày trước cô không sống, chỉ là đang trả thù. Bây giờ anh không sống, chỉ là đang chờ đợi. Tôi yêu Phi Yên ngay cả khi làm độc giả tuyệt vọng nhất, vẫn nhẹ nhàng xoa dịu nó bằng hình ảnh Lạc Xuyên lồng vào Vị Hi, mưa rơi xuống đồng bằng, sương sớm còn chưa tan. Và, tôi yêu hết thảy những gì thuộc về “Tuyệt sắc khuynh thành”.

~ Những dòng chữ ngổn ngang , những suy nghĩ không ngay hàng thẳng lối, những điều yêu thích lần lượt tái hiện trong đầu – Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 11 năm 2012 ~

Video liên quan

Chủ Đề