Khởi kiện quyết định xử lý kỷ luật

Tìm hiểu một số quy định về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và quyền được bồi thường thiệt hại của nạn nhân của hành vi tra tấn

1. Ông Nguyễn Văn K trú tại xã PS huyện PĐ hỏi: Gần đây đọc báo tôi thấy có đăng cả quyết định giải quyết khiếu nại của người dân. Xin cho pháp luật quy định triển khai thực hiện việc này như thế nào?

 Trả lời [có tính chất tham khảo]

Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 [Nghị định số 124/2020/NĐ-CP] quy định việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại, cụ thể:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi có quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức sau:

a] Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác

Thành phần tham dự gồm: người giải quyết khiếu nại, người khiếu nại hoặc người đại diện thực hiện việc khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trước khi tiến hành cuộc họp công khai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có văn bản thông báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết trước 03 ngày.

b] Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại. Thời gian niêm yết quyết định giải quyết khiếu nại ít nhất là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

c] Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

Việc thông báo quyết định giải quyết khiếu nại trên các phương tiện thông tin đại chúng gồm báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm lựa chọn một trong các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện việc thông báo. Trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử thì phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Số lần thông báo trên báo nói ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo hình ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo in ít nhất 02 số phát hành liên tục. Thời gian đăng tải trên báo điện tử, trên cổng thông tin điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử ít nhất là 15 ngày liên tục.

Như vậy, việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định đã nêu trên.

2. Ông Lê Văn H, trú tại thành phố H hỏi: Xin cho biết quyết định giải quyết khiếu nại chỉ được gửi cho người khiếu nại hay còn gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khác?

 Trả lời [có tính chất tham khảo]

Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại, như sau:

a] Đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại; người giải quyết khiếu nại lần hai, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

b] Đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu; người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được gửi cho Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Như vậy, quyết định giải quyết khiếu nại sẽ gửi cho người khiếu nại và cá nhân, tổ chức được nêu như trên.

3. Bà Trần Thị T, trú tại phường XP thành phố H hỏi: Sau khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại đã hết trách nhiệm hay còn có trách nhiệm gì trong việc thi hành quyết định?

 Trả lời [có tính chất tham khảo]

Điều 31 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 [Nghị định số 124/2020/NĐ-CP] quy định trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, cụ thể:

1. Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm áp dụng các biện pháp để thực hiện hoặc có văn bản chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Văn bản chỉ đạo nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thi hành; cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; nội dung, thời hạn phải thực hiện; việc báo cáo kết quả thực hiện với người giải quyết khiếu nại.

2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tự mình hoặc giao cho cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành hoặc cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Trường hợp phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý kịp thời, nghiêm minh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý.

Như vậy, sau khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại vẫn phải có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định cụ thể như trên.

4. Anh Dương Văn N, trú tại huyện PV hỏi: Người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại nếu có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời [có tính chất tham khảo]

Điều 40 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 [Nghị định số 124/2020/NĐ-CP] quy định việc xử lý kỷ luật đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, cụ thể:

1. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a] Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

b] Bao che cho người bị khiếu nại.

c] Đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

2. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có một trong những hành vi cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại.

3. Hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có hành vi cố ý báo cáo sai lệch kết quả xác minh nội dung khiếu nại dẫn đến quyết định giải quyết khiếu nại sai gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người. Trường hợp người được giao nhiệm vụ xác minh không có chức vụ thì áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương.

Như vậy, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại nếu có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại thì sẽ bị kỷ luật theo quy định như trên.

5. Bà Dương Thị Ngọc H, trú tại phường TL, thành phố H hỏi: Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại sẽ bị xử lý kỷ luật như thế nào?

Trả lời [có tính chất tham khảo]

Điều 41 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 [Nghị định số 124/2020/NĐ-CP] quy định việc Xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, cụ thể:

1. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a] Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

b] Bao che cho người bị khiếu nại.

c] Đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

2. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a] Cố ý không thụ lý giải quyết khiếu nại đối với vụ việc khiếu nại đủ điều kiện thụ lý thuộc thẩm quyền.

b] Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc.

c] Cố ý không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

3. Hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a] Vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.

b] Cố ý ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.

Như vậy, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại sẽ bị xử lý kỷ luật theo các hình thức được quy định như trên.

6. Ông Lê Văn H, công tác tại trại giam BĐ hỏi: Đề nghị cho biết trong những trường hợp nào thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không thụ lý giải quyết khiếu nại về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam?

Trả lời [có tính chất tham khảo]

Điều 45 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định những trường hợp khiếu nại về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam không được thụ lý giải quyết, cụ thể:

1. Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp, trừ trường hợp người khiếu nại là người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

3. Người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình.

4. Thời hiệu khiếu nại đã hết.

5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền sẽ không thụ lý giải quyết khiếu nại về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo những trường hợp được quy định như trên.

7. Anh Lý Văn L, trú tại xã LS, huyện PL hỏi: Trong quá trình bị tạm giam, tôi thấy cán bộ quản lý trại tạm giam có một số việc làm và thái độ với tôi chưa đúng với nội quy, quy định và muốn gửi kiến nghị, khiếu nại cho cơ quan có thẩm quyền. Đề nghị cho biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết khiêu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam?

Trả lời [có tính chất tham khảo]

Điều 46 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, như sau:

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trách nhiệm kiểm sát của mình.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với việc giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới; quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nhận được đơn khiếu nại quy định tại Điều 44 của Luật này, thì phải chuyển khiếu nại của người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho Viện kiểm sát nhân dân trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại.

Như vậy, khi có khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thì anh Lý Văn L gửi khiếu nại đến các cơ quan đã quy định như trên.

8. Anh Phan Văn H, trú tại xã LS, huyện PL hỏi: Xin cho biết người khiếu nại có quyền và nghĩa vụ gì trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam?

Trả lời [có tính chất tham khảo]

Điều 47 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam như sau:

1. Người khiếu nại có các quyền:

- Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại; Người khiếu nại được trực tiếp khiếu nại hoặc gửi đơn khiếu nại thông qua cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

- Rút khiếu nại trong bất kỳ thời gian nào của quá trình giải quyết khiếu nại.

- Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại.

- Tiếp tục khiếu nại trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

- Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ:

- Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó.

- Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được quy định cụ thể như trên.

9. Anh Trần Văn V, trú tại xã PC, huyện PĐ hỏi: Xin cho biết người tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam có những quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Trả lời [có tính chất tham khảo]

Điều 57 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định quyền và nghĩa vụ của người tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam như sau:

1. Người tố cáo có các quyền sau đây:

a] Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền;

b] Yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình;

c] Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;

d] Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù.

2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a] Trình bày trung thực về nội dung tố cáo;

b] Nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình;

c] Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.

Như vậy, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được nêu rõ như trên.

10. Anh Nguyễn X, trú tại xã LV, huyện PL hỏi: Xin cho biết đơn tố cáo phải đáp ứng những điều kiện gì theo quy định pháp luật hiện hành?

Trả lời [có tính chất tham khảo]

Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018 quy định việc tiếp nhận tố cáo như sau:

1. Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

2. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.

Như vậy, đơn tố cáo phải làm đúng theo quy định tại khoản 1 nêu trên.

11. Ông Nguyễn M, trú tại huyện PL hỏi: Xin cho biết người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý kỉ luật theo hình thức nào?

Trả lời [có tính chất tham khảo]

Điều 22 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo quy định về xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, như sau:

1. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a] Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật;

b] Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập.

2. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a] Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo;

b] Cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo; không quyết định xử lý tố cáo theo thẩm quyền hoặc không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý tố cáo.

3. Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a] Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;

b] Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;

c] Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.

Như vậy, các hình thức xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật được nêu rõ như trên.

12. Ông Phạm Văn N, trú tại xã TT, Thị xã HT hỏi: Anh tôi bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt về giết người và bị áp dụng hình phạt tù chung thân. Sau 20 năm chấp hành án phạt tù, anh tôi được minh oan. Xin hỏi, thiệt hại về tinh thần của anh tôi được tính như thế nào?

Trả lời [có tính chất tham khảo]

Điểm b khoản 3 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định thiệt hại về tinh thần, như sau:

Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 05 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định:

Người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 27 của Luật thì khoảng thời gian được tính kể từ ngày người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù đến ngày chấp hành xong biện pháp ngăn chặn hoặc được trả tự do hoặc đến ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Như vậy, đối với trường hợp của anh trai ông N, ông bị kết án oan sai thì Nhà nước sẽ có trách nhiệm bồi thường, trong đó có bồi thường thiệt hại về tinh thần. Theo các quy định nêu trên, thiệt hại về tinh thần của ông sẽ được tính từ ngày ông bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù đến ngày ông được trả tự do. Mỗi một ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được tính giá trị bằng 05 ngày lương cơ sở.

Chủ Đề