Khu công nghiệp công nghệ cao Láng Hòa Lạc

Sau 23 năm phát triển, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang dần trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, đô thị sinh thái, thông minh; nơi tập trung, liên kết hoạt động đào tạo nhân lực; ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao.

Hình thành hệ sinh thái từ nhiều dự án đầu tư

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập từ năm 1998, tại huyện Thạch Thất và Quốc Oai [tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội]. Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện khu công nghệ cao có quy mô gần 1.600 ha với các khu đô thị vệ tinh xung quanh. Tính đến nay, Ban Quản lý đã thu hút được 100 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376 ha. Trong đó có 86 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài.

Riêng năm 2021, thu hút được 6 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.590 tỷ đồng [5 dự án trong nước, 1 dự án nước ngoài]. Về công tác giải phóng mặt bằng của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đến nay tổng diện tích đất đã giải phóng mặt bằng là 1.356 ha, diện tích còn lại cần giải phóng mặt bằng là 226 ha.

Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trao đổi với Báo Quân đội nhân dân.

Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết: Hiện nay, tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có trên 24.000 người đang học tập và làm việc, với khoảng 9.500 học sinh, sinh viên và khoảng 14.500 người lao động. Trong đó số lượng lao động có trình độ đại học và tương đương trung bình đạt trên 50%, thậm chí có những dự án, tỷ lệ này đạt trên 90%.

Đặc biệt, đã có sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cụ thể: Giữa Công ty Cổ phần DT&C Vina và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội [Viettel], Công ty Vinsmart trong lĩnh vực thử nghiệm tương tích điện từ, an toàn điện cho các sản phẩm điện, điện tử, thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông.

Kết nối hoạt động nghiên cứu và sản xuất, chia sẻ phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất giữa các đơn vị ở trong và ngoài khu [hợp tác giữa Viện V-KIST với Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm CVI, Tập đoàn Viettel và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A; Hợp tác giữa Viện thực phẩm chức năng với các đơn vị sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng để chuyển giao các kết quả nghiên cứu…].

Phòng thử nghiệm điện tử EMC của Công ty Cổ phần DT&C Vina tại Khu Công nghệ cao Hòa lạc.

Các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, Công nghệ sinh học phục vụ y tế, Công nghệ cơ khí chính xác, Công nghệ tự động hóa... Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia [NIC] đã chính thức được khởi công ngày 9-1-2021. Dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút các nguồn lực để tăng cường hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư

Lý giải về việc thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ caoHòa Lạc chưa như kỳ vọng, Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho rằng: Các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nước ngoài thường có nhu cầu quy mô diện tích đầu tư lớn và tiến độ bàn giao đất khá nhanh, trong khi quỹ đất liền khoảnh với diện tích lớn tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc không có nhiều, nếu có thì bị vướng mặt bằng chưa được giải phóng và không thể xử lý nhanh được để đáp ứng ngay yêu cầu của nhà đầu tư.

Mặt khác, các nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng dự án thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở,… Tuy nhiên, theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 27-5-2016, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được quy hoạch và phân chia các khu vực theo các chức năng cụ thể. Vì vậy, Ban quản lý không thể đáp ứng yêu cầu trên của nhà đầu tư. Ngoài ra, các dự án đầu tư của các bộ, ngành, địa phương hoặc các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức [ODA] của nước ngoài đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc triển khai chậm, chưa thực sự hiệu quả.

Nhân viên Viện Thực phẩm chức năng [tại Khu Công nghệ cao Hòa lạc] vận hành thiết bị máy móc hiện đại.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề nghị, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy; tiếp tục nghiên cứu các phương án đón nhận xu hướng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài; trong quá trình thu hút, triển khai dự án đầu tư cần bám sát chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng.

Đẩy mạnh hợp tác với trường đại học, viện nghiên cứu trong đào tạo, chuyển giao công nghệ, hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao, các startup tại khu. Tăng cường hợp tác quốc tế với nước ngoài, nhằm nâng cao tiềm lực công nghệ cao và tiếp cận với các nhà đầu tư lớn.

Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, để thu hút nhà đầu tư và sử dụng đất, hạ tầng hiệu quả, Ban quản lý sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và y tế. Bởi đây là các lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng, điều kiện phát triển cũng như nhu cầu của thị trường lớn và cũng là những lĩnh vực hiện nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có thế mạnh với các hệ sinh thái đang dần hình thành.

Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ và tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp đã đầu tư ổn định tại thị trường Việt Nam và ASEAN đầu tư mở rộng các hoạt động nghiên cứu để phát triển sản phẩm. Thu hút các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía Bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Việc này vừa bảo đảm nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành lĩnh vực, vừa tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo các chuyên gia, Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng phải tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, gắn với khen thưởng, xử phạt rõ ràng. Cùng với đó, quan tâm để triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu công nghệ cao, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, ươm tạo công nghệ, tạo hệ sinh thái cho các startup. Ban quản lý cần đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát huy hết tiềm năng của khu; năng động, chủ động hơn, không ngồi chờ các nhà đầu tư và phải coi các nhà đầu tư là đối tác. Quan trọng hơn, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phải đặt yêu cầu về giá trị gia tăng trên 1 ha, từ đó, lựa chọn những lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng ít đất nhưng mang lại hiệu quả lớn.

Bài và ảnh: LA DUY

Làng phần mềm đầu tiên tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. [Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN]

Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa phát triển được như kỳ vọng nhưng đã cơ bản thiết lập được các thành tố quan trọng, có tính chất nền móng đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra như thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào Việt Nam; xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam; liên kết giữa sản xuất, nghiên cứu-triển khai; chuẩn bị nguồn nhân lực công nghệ cao cho Việt Nam; hình thành vườn ươm công nghệ cao… đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng “Đề án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo hướng phù hợp với Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng với phương châm hoạt động là gắn kết nghiên cứu và triển khai với sản xuất, đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, dịch vụ công nghệ, xây dựng vườn ươm công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực.... hướng tới vai trò như một cửa khẩu công nghệ cao quan trọng của Việt Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Gắn kết để thu hút công nghệ cao

Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhấn mạnh năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn thu hút được 6 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 5.590 tỷ đồng nâng tổng số dự án thu hút được tại Khu lên 100 dự án đầu tư, trong đó có 86 dự án trong nước [chiếm tỷ lệ 86%] và 14 dự án đầu tư nước ngoài [chiếm tỷ lệ 14%] với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376ha.

Đảm bảo phương châm thu hút công nghệ cao, có tới 74 dự án đầu tư công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ sinh học... Trong 26 dự án còn lại có 14 dự án tập trung vào nghiên cứu và phát triển [R&D]...

[740 tỷ đồng xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc]

Đáng chú ý, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn lớn của Việt Nam với các cơ sở đào tạo, sản xuất, nghiên cứu và triển khai như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel với 5 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.700 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup với 3 dự án, vốn đầu tư đăng ký 9.020 tỷ đồng; Tập đoàn FPT với 4 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5.430 tỷ đồng; Tập đoàn VNPT có 2 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.765 tỷ đồng…

Ngoài ra có dự án hợp tác với nước ngoài như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc [V-KIST] với 35 triệu USD vốn vay không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc; Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia [NIC] của Bộ Kế hoạch và Đầu tư [với sự hỗ trợ của Tập đoàn SK, Hàn Quốc]; Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và Dự án Đại học Việt Nhật [hỗ trợ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản]; Dự án Đại học Việt-Pháp [hỗ trợ vốn vay ODA của Ngân hàng ADB và Chính phủ Pháp]; Dự án của Tập đoàn Hanwha AeroSpaces, Hàn Quốc, sản xuất các bộ phận và cấu kiện của động cơ máy bay và động cơ gas tuabin công nghiệp [vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD]…

Các dự án viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu ứng dụng gắn trực tiếp với sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp sẽ là nền tảng cho việc phát triển năng lực nội sinh nghiên cứu và phát triển, gắn kết nghiên cứu phát triển với sản xuất; các nhà đầu tư nước ngoài [Hanwha, Nidec, Nissan Techno...], các doanh nghiệp lớn trong nước [Viettel, FPT, VNPT, Vinsmart...] đã lựa chọn Khu công nghệ cao Hòa Lạc là địa bàn đầu tư trọng điểm, đây là cơ sở để hình thành nên các ngành công nghiệp, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực của Việt Nam.

Với trung tâm ươm tạo doanh nghiệp trực thuộc Ban Quản lý đã đi vào hoạt động và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia [NIC] đang triển khai xây dựng với cơ sở hạ tầng tốt sẽ là những vườn ươm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tiềm năng và cơ hội phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng được khẳng định qua việc các tổ chức quốc tế như JICA, KOICA, ADB... hỗ trợ tài chính và các nguồn lực khác để xây dựng và phát triển cũng như hỗ trợ các dự án đầu tư của các nhà đầu tư tại đây.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang dần hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, với nguồn vốn trung hạn 2021-2025 cùng với các chính sách phù hợp kịp thời để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước

Hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao

Cùng với việc các trường đại học đặt trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc như Đại học FPT, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, một phần Đại học Việt-Nhật, Đại học Văn Lang... gắn với đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ kỹ thuật cơ điện tử; công nghệ sinh học nông y dược; kỹ thuật hàng không; khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano; kỹ thuật điện và năng lượng tái tạo; khoa học vũ trụ và công nghệ vệ tinh; khoa học dữ liệu; robot và tự động hóa; quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế… hoạt động đào tạo, thu hút công nghệ cao được chú trọng, bước đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo và nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp [các sinh viên được đào tạo và tốt nghiệp từ trường đại học tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã làm việc tại các dự án của doanh nghiệp chiếm khoảng 97%.

Phối cảnh tổng thể Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. [Nguồn: MOST]

Bên cạnh đó, nhiều khóa đào tạo hỗ trợ cho các doanh nghiệp về khởi sự doanh nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tài chính kế toán, đàm phán hợp đồng kinh doanh, sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu...

Trong 100 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, có 60 dự án đang hoạt động, các dự án còn lại đang trong quá trình đầu tư/chuẩn bị triển khai.

Các doanh nghiệp triển khai đưa vào hoạt động góp phần tạo việc làm cho 14.500 người lao động, tỷ lệ lao động nước ngoài chiếm chưa đến 1% tổng số lao động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nhiều người Việt Nam trong các doanh nghiệp đã có thể tiếp nhận chuyển giao để thực hiện những công việc trước đây người nước ngoài đảm nhiệm.

Đồng thời, có sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao, điển hình là sự liên kết giữa Công ty Cổ phần DT&C Vina và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Tập đoàn Viettel, Công ty Vinsmart... trong lĩnh vực thử nghiệm tương tích điện từ, an toàn điện, độ tin cậy... cho các sản phẩm điện, điện tử, thiết bị ICT; giữa Tập đoàn Hanwha và Công ty M3, Công ty Widia Shinki...

Ngoài ra, có sự kết nối hoạt động nghiên cứu và sản xuất, chia sẻ phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất giữa các đơn vị nghiên cứu và sản xuất ở trong và ngoài Khu [hợp tác giữa Viện V-KIST với Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm CVI, Tập đoàn Viettel, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A…; Hợp tác giữa Viện thực phẩm chức năng với các đơn vị sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng để chuyển giao các kết quả nghiên cứu…

Tại buổi tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang tập trung tăng cường hoạt động nghiên cứu và triển khai, nghiên cứu làm chủ công nghệ, giải mã công nghệ, khai thác sáng chế, triển khai thực nghiệm tạo ra công nghệ cao, công nghệ mới được ứng dụng sản xuất các sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, tạo các dịch vụ công nghệ cao và qua đó hình thành các cơ sở nghiên cứu công nghệ cao, các doanh nghiệp công nghệ cao.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được các dự án đầu tư thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển, phát triển công nghệ, hỗ trợ hoạt động R&D, cung ứng các dịch vụ công nghệ cao.

Các dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển nhằm phát triển các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến có thể tạo ra các kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa, chuyển giao công nghệ, ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đầu tư, triển khai các Testlab về công nghệ như “IoT Innovation Hub;” xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa; đầu tư, xây dựng trang thiết bị phòng thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật cần thiết hỗ trợ các nhóm ươm tạo phát triển công nghệ, sản phẩm theo hình thức hợp tác công-tư; xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin khoa học và công nghệ về chuyên gia, đề tài, dự án, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, các quỹ đầu tư, hỗ trợ cho khoa học và công nghệ, hệ thống phòng thí nghiệm, bước đầu tổ chức các hoạt động tư vấn, trình diễn, chuyển giao công nghệ./.

HL [TTXVN/Vietnam+]

Video liên quan

Chủ Đề