Lãi suất gửi ngân hàng năm 2011

Mức bình quân khoảng 15%/năm được tính theo con số vừa được cơ quan chức năng cập nhật, trong khi trần lãi suất huy động VND thời gian qua và hiện nay là 14%/năm.Ngày 24/6, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể, bàn về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2011.Một tài liệu phục vụ cho cuộc họp trên là báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và các nhiệm vụ, chủ yếu trong 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.Theo đánh giá trong tài liệu này, mặt bằng lãi suất ở mức cao và ảnh hưởng của nó đến sản xuất kinh doanh là một trong những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế bên cạnh những kết quả đã đạt được.Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng rằng: “Lãi suất huy động vốn bình quân tăng khoảng 3% so với cuối năm 2010 (năm 2010 bình quân khoảng 12%/năm). Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khá lớn (khoảng 3-4%)”.Đồng thời bản báo cáo cũng đưa ra lý giải "các tổ chức tín dụng cạnh tranh bằng công cụ lãi suất để giữ thị phần huy động vốn thông qua việc thỏa thuận trả thêm chi phí cho người gửi tiền vượt mức lãi suất trần".Tham khảo cho chi tiết trên, dữ liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất huy động VND bình quân cuối năm 2010 ở mức 12,44%/năm.Từ những con số này, một tính toán thông thường cho thấy lãi suất huy động VND bình quân của các ngân hàng thương mại là khoảng từ 15% - 15,5%/năm, được đề cập một cách chính thức từ báo cáo của cơ quan chức năng, thay vì trong các thông tin phản ánh thời gian qua. Đáng chú ý là, khi tính “bình quân” đồng nghĩa với thực tế còn có những mức cao hơn.Thế nhưng, theo Thông tư số 02/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 3/3/2011, lãi suất huy động VND của các tổ chức tín dụng tối đa là 14%/năm, có hiệu lực cùng ngày ban hành và áp dụng cho đến nay.Một lần nữa, trần lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước lại “va” với thực tế thị trường - theo ghi nhận từ báo cáo trên.Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định: “Theo đánh giá chung, mặt bằng lãi suất tuy đã có dấu hiệu giảm nhưng còn cao và đang vượt quá khả năng chịu đựng của một bộ phận doanh nghiệp. Cần tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để từng bước giảm lãi suất, khôi phục môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh…”. Và lãi suất cao cũng là một nguyên nhân khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.Trở lại với cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 24/6, lãi suất cao và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn cũng là một nội dung được thảo luận. Là chủ doanh nghiệp, đại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) cho rằng “ngân hàng đang hạch toán hai sổ nên trần lãi suất 14%/năm nhưng lãi suất thực là 17-18%/năm. Quyết định hành chính làm méo mó hạch toán trong doanh nghiệp”.Ông Việt cũng đưa ra nhận xét “lòng tin của nhân dân giảm khi tiền không đưa vào sản xuất, lưu thông mà chủ yếu chuyển qua tích trữ vàng, USD, đất đai…”.Cũng liên quan đến những khó khăn của doanh nghiệp trong điều kiện lãi suất cao, TS. Trần Du Lịch cho rằng doanh nghiệp cần thay đổi quan điểm từ tăng trưởng sang quan điểm trụ vững.“Phải cắn răng chịu, không để áp lực như năm 2010. Trong thời gian trước do áp lực đã nới lỏng chính sách tiền tệ, gây hậu quả cho năm 2011”, ông Lịch nói.Còn về trần lãi suất hiện nay, ông Lịch phát biểu: “Không nên bỏ trần lãi suất mà chỉ bỏ khi nới tín dụng, để tiến tới thả lãi suất theo diễn biến thị trường. Với CPI giảm thì có thể giảm lãi suất để đỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.Ở hướng này, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh quan điểm điều hành rằng, lãi suất sẽ bám sát tín hiệu của lạm phát. Khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ để tác động tới lãi suất, thậm chí sử dụng cả biện pháp hành chính.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

------------------

Số: 30/2011/TT-NHNN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------------------

Hà Nội, ngày 28 tháng 09 năm 2011

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH LÃI SUẤT TỐI ĐA ĐỐI VỚI TIỀN GỬI BẰNG ĐỒNG VIỆT NAM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TẠI TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng như sau:

Điều 1. Tổ chức tín dụng ấn định lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) và cá nhân bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức như sau:

1. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm.

2. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 14%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 14,5%/năm.

3. Tiền gửi bao gồm các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng), cá nhân theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng.

Điều 2. Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi quy định tại Điều 1 Thông tư này áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.

Điều 3. Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật và Thông tư này.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2011 và thay thế Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 03 tháng 03 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam.

2. Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng ấn định lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Thông tư này.

3. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với tổ chức tín dụng vi phạm quy định tại Thông tư này.

4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 Nơi nhận: - Như khoản 4 Điều 4; - Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng (để báo cáo); - Ban Lãnh đạo NHNN; - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Tư pháp (để kiểm tra); - Công báo;

- Lưu: VP, Vụ CSTT, PC.

KT. THỐNG ĐỐC PHÓ THỐNG ĐỐC

Nguyễn Đồng Tiến

Lãi suất gửi ngân hàng năm 2011

Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với mức giảm từ 5 -8%/năm so với cuối năm 2011, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất huy động VND tương đối ổn định với kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống, giảm khoảng 0,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Hiện nay, lãi suất tiền gửi phổ biến không kỳ hạn ở mức 1 - 2%/năm; kỳ hạn dưới 1 tháng 2%/năm; từ 01 tháng đến dưới 12 tháng 8,8 - 9%/năm, từ 12 tháng trở lên 10 - 12%/năm.

Theo đó, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm.

Nếu như cuối năm 2011, lãi suất cho vay lên tới trên 20%/năm, các doanh nghiệp chỉ “mơ” lãi suất giảm còn 15 – 16%/năm, nhưng hiện giờ mức lãi suất cho vay mà các ngân hàng thương mại đưa ra chỉ dao động 12% – 13%/năm, thậm chí còn thấp hơn.

Đánh giá về xu hướng giảm lãi suất hiện nay, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với mức giảm từ 5 -8%/năm so với cuối năm 2011, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2012, Chính phủ  đã yêu cầu, trong tháng 12 này, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, yêu cầu “xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại”.

Thị trường tiền tệ đang chờ đợi quyết  định cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước.

Từ đầu tháng 11 , lãi suất huy động VND được khá nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm từ 0,3% - 0,8%. Ví dụ, tại Techcombank, lãi suất huy động cao nhất hiện chỉ còn 12%/năm, thay vì mức 12,5%/năm trước kia. Hay như ngân hàng Eximbank, lãi suất cao nhất chỉ còn 12%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, thay vì mức 12,3 - 12,8% cũ.

Agribank huy động 12%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, còn kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng lần lượt ở mức 11%/năm và 11,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở Vietinbank là 12%/năm và từ 10 - 11%/năm cho kỳ hạn từ 13 - 36 tháng…

Những ngày gần đây, một vài ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng.

Theo bảng niêm yết lãi suất sáng ngày 7/12 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất cao nhất chỉ còn 12%/năm  ở kỳ hạn 13 và 36 tháng. Kỳ hạn từ  1-9 tháng, lãi suất cao nhất chỉ còn 8,8%/năm.

Tại Eximbank, lãi suất huy động tiền đồng được ngân hàng này giảm sâu hơn, mức cao nhất chỉ còn 11,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Từ kỳ hạn 15 tháng trở đi, lãi suất chỉ còn 11%/năm… 

Tại một số ngân hàng lớn khác như Vietcombank, lãi suất huy động VND cho khách hàng cá nhân hiện cũng chỉ còn 10,5%/năm cho các kỳ hạn dài 12 - 24 - 36 - 48 - 60 tháng, còn lãi suất huy động từ khối doanh nghiệp kỳ hạn 12 tháng còn 10%/năm. Tại Vietinbank, kỳ hạn 12 - 13 tháng được gửi ở mức 11%/năm, từ 13 đến 36 tháng là 10%/năm và kỳ hạn trên 36 tháng chỉ còn duy trì ở mức 9%/năm...

Công Trí