Làm sao để nghe hiểu được tiếng Anh

Không nghe được tiếng Anh hay gọi cách khác là điếc tiếng Anh, chúng ta hãy coi nó như một căn bệnh thì mọi thứ sẽ dễ để làm sáng tỏ hơn. Nếu đã là một căn bệnh thì Ms Hoa Giao Tiếp sẽ là một bác sĩ để chỉ cho bạn biết biểu hiện, nguyên nhân và thuốc để đặc trị đúng không nào?

Chúng ta cùng bắt đầu vào phòng khám để giải quyết câu hỏi Tại sao không nghe được tiếng Anh với Ms Hoa Giao Tiếp nhé!

TỔNG QUAN BÀI VIẾT

I.BIỂU HIỆN CỦA VIỆC KHÔNG NGHE ĐƯỢC

II. NGUYÊN NHÂN CỦA VIỆC KHÔNG NGHE ĐƯỢC

2.1: Do phát âm sai

2.2: Do vốn từ vựng nghèo nàn

2.3: Do không rèn luyện thói quen nghe thường xuyên

2.4: Do chọn file không đúng trình độ

2.5: Do nghe một cách thụ động

III. GIẢI PHÁP ĐỂ NGHE TIẾNG ANH HIỆU QUẢ

I. BIỂU HIỆN CỦA VIỆC KHÔNG NGHE TIẾNG ANH ĐƯỢC

Nhớ về khoảnh khắc mình ngồi nghe đi thì chắc chắn là bạn sẽ có một trong các biểu hiện dưới đây phải không?

  • Nghe nhưng mọi thứ trôi qua như một cơn gió và không đọng lại được gì
  • Nghe đi nghe lại nhiều lần thấy đau đầu và chán nản vì không hiểu được
  • Nghe cả 1 đoạn hội thoại nhưng chỉ bập bẹ nghe được 1 đến 2 từ còn lại là rớt mất hết thông tin.

Nếu bạn có những biểu hiện như trên thìchia buồn vì bạn đã mắc bệnh điếc tiếng Anh. Bạn đang hoang mang không biết tại sao mình lại không nghe được phải không, bạn muốn biết nguyên nhân gây ra bệnh phải không? Hãy đọc tiếp để được giải đáp nhé!

II. NGUYÊN NHÂN CỦA VIỆC KHÔNG NGHE ĐƯỢC:

2.1: Do phát âm sai:

Nguyên nhân chính và cơ bản nhất dẫn đến việc khó nghe tiếng Anh là do chúng ta phát âm sai. Thứ tiếng Anh mà chúng ta đã học được thực chất không đúng. Rất nhiều người Việt Nam phát âm không chuẩn từ vựng tiếng Anh nhưng tự cho đó là đúng và đi theo lối mòn này tạo thành thói quen. Vì thế khi nghe người bản ngữ nói tiếng Anh chuẩn, họ bối rối và lúng túng dù chỉ là một từ ngữ đơn giản.

Cụ thể, người Việt thường mắc các lỗi sai như:

Thiếu âm cuối [ending sounds]: khác với tiếng Việt, các từ tiếng Anh thường có các phụ âm đuôi như /t/, /d/, /p/, /tʃ/. Ví dụ, với các từ được thêm hậu tố /s/, /es/ hay /ed/, nếu bạn không nói đúng, người khác sẽ hiểu nhầm ngay nghĩa của từ [số ít, số nhiều] hay thời điểm của hành động [hiện tại, quá khứ]

Không có ngữ điệu: Ngôn ngữ còn để thể hiện cảm xúc. Vì vậy, nếu bạn nghe cùng một câu nói nhưng với hai ngữ điệu hoàn toàn khác nhau, nó cũng mang 2 ý nghĩa khác nhau. Ví dụ với câu Its my own fault với ngữ điệu trầm và hạ giọng ở cuối câu thể hiện thái độ hối hận, nhưng nếu lên giọng, cao giọng lại thể hiện sự tức giận, ấm ức.

Thiếu trọng âm: Trọng âm trong tiếng Anh cũng vô cùng quan trọng. Ví dụ từ desert khi phát âm với trọng âm thứ 1 là danh từ, nhưng với trọng âm thứ 2 lại trở thành động từ, và nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau. Do đó nếu chúng ta không quan tâm tới trọng âm, chúng ta cũng không thể hiểu nghĩa từ đó là gì.

Phát âm sai âm câm, không nối âm: Đây cũng là một lỗi thường gặp của người Việt vì không biết các âm câm nên phát âm sai hoàn toàn khiến người nghe bối rối. Tương tự hiện tượng không nối âm cũng ngăn cản chúng ta nghe được phát âm chuẩn.

  • Xem thêm: Làm chủ bảng phát âm IPA

2.2: Không nghe được tiếng Anh do vốn từ vựng nghèo nàn

Bạn cho rằng từ vựng không liên quan gì tới nghe nói? Vậy thì bạn đã nhầm. Vốn từ vựng nhiều hay ít cũng ảnh hưởng đến khả năng nghe tiếng Anh của bạn.

Bạn có thể hiểu câu nói đó vì bạn biết các từ ngữ trong câu, nên chỉ cần 1 từ mới cũng đủ làm bạn bối rối. Nhưng thực tế, đôi khi chúng ta có thể không cần biết hết tất cả các từ vựng mà vẫn nghe hiểu được đối phương qua phương pháp đoán từ [key words] và ngôn ngữ hình thể [body language]. Tuy nhiên đó chỉ là các công cụ hỗ trợ, còn việc trau dồi cho mình một lượng từ vựng vừa đủ vẫn vô cùng cần thiết nếu muốn nghe hiểu được tiếng Anh.

  • Tham khảo: Lộ trình học từ vựng cho người mới bắt đầu

2.3: Không nghe được tiếng Anh do không rèn luyện thói quen nghe thường xuyên

Thông thường những người học không tốt tiếng Anh sẽ rất ngại nhắc đến ngôn ngữ này. Chính vì thế chúng ta ít khi dành thời gian để nghe các video, audio tapes hay các bản tin bằng tiếng Anh.

Không có thói quen nghe tiếng Anh thường xuyên sẽ khiến bạn cảm thấy khó khăn hơn nhiều trong việc nghe nói. Bạn không thể phản ứng kịp với những âm thanh mình đang nghe, và não bộ của bạn cũng không thể xác định thứ ngôn ngữ này ngay lập tức nếu chưa từng được làm quen với tiếng Anh trước đây.

2.4: Không nghe được do chọn file nghe không đúng trình độ của bản thân

Nhiều người than phiền rằng người bản ngữ nói rất nhanh khiến họ không thể nghe được. Và họ luôn phải yêu cầu nói chậm lại một chút.

Tuy nhiên trong các lớp học, buổi hội thảo hay cuộc họp, chúng ta không thể yêu cầu giáo viên hay cử tọa nói chậm lại chỉ vì chúng ta không nghe được họ nói gì. Và điều đó đặt ra vấn đề, bạn không thể luôn yêu cầu người bản ngữ nói chậm hơn, mà chính bạn phải tập cách nghe bắt kịp tốc độ của họ.

Làm thế nào để thực hiện được điều này? Bạn cần có một quá trình luyện tập nghe nói dần dần, khi đã quen với những câu từ đơn giản, bạn có thể ngay lập tức hiểu được ý người bản ngữ mà không phải lo lắng về tốc độ của họ nữa. Bạn không thể vượt cấp khi mà ở trình độ cơ bản lại muốn nghe được từ các show nước ngoài, cần phải bình tĩnh nghe từ chậm đến nhanh, phù hợp với trình độ của bản thân.

2.5: Không nghe được do nghe một cách thụ động

Sở dĩ có nguyên nhân này xảy ra bởi chúng ta là người Việt Nam, một quốc gia không sử dụng tiếng Anh.

Nếu như đối với tiếng Việt, bạn lơ đãng một chút cũng không vấn đề gì, khi quay trở lại bạn vẫn hiểu những gì mình đang nghe, bởi đó là ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta. Nhưng đối với việc nghe tiếng Anh, tâm trí bạn luôn phải dành một sự tập trung tối đa. Chỉ cần một giây lơ là, bạn sẽ ngay lập tức rơi vào vòng xoáy u mê vì không xác định được người bản ngữ đang nói đến đâu, và kết quả nghe của bạn sẽ tuột dốc không phanh từ đó.

Đừng biện minh cho mình rằng em hay nghe tiếng Anh mà làm gì em cũng bật nhạc tiếng Anh để nghe, đi giặt, tắm hay ăn em đều bật nhạc nước ngoài để nghe mà vẫn thấy trình độ không lên. Như bạn đã biết não chỉ tập trung để làm được một việc nếu bạn giặt thì những thứ bạn nghe bên ngoài chỉ là bị động sẽ không được não ghi nhớ mà nó chỉ thoáng qua thôi.

Trên đây là 5 nguyên nhân dẫn đến việc bạn không nghe được tiếng Anh. Vậy khi đã biết được tại sao thì câu hỏi giải quyết như thế nào sẽ không còn quá khó khăn phải không? Mình cùng đi tiếp nhé!

III. GIẢI PHÁP ĐỂ NGHE ĐƯỢC TIẾNG ANH HIỆU QUẢ

Với mỗi nguyên nhân chúng ta sẽ đưa ra được cái giải pháp tương tự để giải quyết. Vậy chúng ta có 5 giải pháp dưới đây:

>>> Khám phá bí kíp LUYỆN NGHE TIẾNG ANH HOÀN HẢO tại đây

3.1: Học phát âm bài bản

Trước khi muốn nghe được hãy đảm bảo rằng bất kì từ nào bạn học được bạn hãy cố gắng phát âm thật chuẩn nó trước đã. Muốn như vậy, khi học phát âm hãy tra phiên âm và lặp đi lặp lại từ vựng đó thật nhiều lần để nó trở thành bản năng.

Học bảng phát âm IPA thật bài bản từ âm đơn đến âm đôi, với mỗi âm thì hãy lấy ví dụ và đọc thật đúng. Khi phát âm được đúng rồi thì bạn mới có thể nghe được âm từ người nước ngoài nói.

3.2: Tích luỹ vốn từ vựng

Có thể tích luỹ trong quá trình nghe cũng có thể tích luỹ trong quá trình đọc. Bạn có nhiều cách để tích luỹ từ vựng nhưng phải đảm bảo rằng bạn học từ vựng theo các tiêu chí sau đây:

  • Học theo chủ đề
  • Học cụm từ chứ không học từ đơn lẻ

Sau khi học được từ vựng hãy đặt câu để áp dụng ngay cụm từ đó và sẽ tuyệt vời nhất nếu câu mẫu gắn liền với cuộc sống, sự quan tâm của bạn chứ không phải người khác.

3.3: Rèn luyện thói quen nghe

Theo nghiên cứu, để biến một hành động thành một thói quen thì bạn cần lặp đi lặp lại nó ít nhất 30 ngày và học nghe cũng không ngoại trừ. Để tạo thành thói quen bạn hãy đặt luật cho bản thân, mỗi ngày dù có bận rộn đến cỡ nào cũng sẽ dành 30 phút để học nghe, để ngồi nghiêm túc tại bàn, chuẩn bị đầy đủ giấy bút rồi bật file nghe lên, vừa nghe vừa học.

Tuyệt đối đừng làm việc riêng trong quá trình nghe và đừng gián đoạn ngày nghe ngày nghỉ, vui thì nghe mà chán thì lại thôi, hãy nghiêm khắc với bản thân mình sau 30 ngày chắc chắn bạn sẽ thấy một sự thay đổi rõ rệt.

3.4: Chọn file nghe đúng trình độ

Như thế nào là chọn file nghe đúng trình độ? Thì sau đây Ms Hoa Giao Tiếp sẽ gợi ý cho các bạn những thông tin hữu ích dưới đây. Bạn cần phải biết bản thân mình đang ở mức nào bằng cách làm bài test ngắn. Sau đó, hãy chọn ra chủ đề mà bạn cảm thấy hứng thú để bắt đầu nghe từ dễ đến khó. Các nguồn các dành cho các bạn gồm:

Nguồn nghe cho người mới bắt đầu:

  • Giáo trình nghe tiếng anh cho người mới bắt đầu listen in
  • Ấn phẩm của oxford có tên là Are you listening
  • Cuốn listen carefully
  • Cuốn Basic tactics for listening

Nguồn nghe cho người có nền tảng:

  • Tactics for listening developing và expanding
  • Tactics for listening expanding

3.5: Nghe một cách chủ động

Hãy chuẩn bị 1 cuốn sổ thật đẹp để ghi lại những gì bạn nghe được, bất cứ từ nào mà không cần phải hiểu được tất cả những gì bạn nghe.

Nghe ít nhất 3 lần sau đó vừa bật script lên vừa nghe để nắm được qua nội dung. Rồi lại tắt và nghe lại, ghi lại các từ vựng mới mà mình không biết rồi đọc lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi nhớ được nó.

Sau khi hiểu được nội dung hội thoại, nắm được các từ vựng thì lại bật file nghe lên rồi ghi chép lại lần nữa những gì nghe được. Hãy nghe cho đến khi bạn thuộc và nói theo được đoạn thoại thì đến lúc đó nó mới thành của bạn.

Vậy là qua bài viết này bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi tại sao nghe tiếng anh mãi không được phải không? Chúc các bạn sớm nâng trình nghe thành công!

Video liên quan

Chủ Đề