Lê tư thành là ai

Dã sử lưu truyền rằng: Thời điểm bà Ngô Thị Ngọc Giao mang thai Lê Tư Thành [Lê Thánh Tông] luôn bị Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh tìm mọi cách hãm hại. May thay, có vợ chồng quan thừa chỉ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ tìm cách chở che. Có lẽ, đó là một trong những nguyên cớ mà Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ rơi vào thảm án [vụ án Lệ Chi Viên]. Sau khi lên ngôi, hoàng đế Lê Thánh Tông đã ban chế minh oan và truy phong chức tước cho Nguyễn Trãi vào năm 1464. Nghĩa cử của một bậc hoàng đế anh minh dẫu có muộn mằn nhưng có thể coi đó là sự "đền ơn đáp nghĩa" với những người đã vì mình mà cam chịu cái chết.

Lại nói về quá trình triều đình nhà Lê đi tìm hoàng tử Lê Tư Thành để trao ngôi báu, dã sử ghi rằng: Khi tìm được nơi ẩn náu của ông, để kiểm chứng, cận thần nhà Lê đã thử tài Lê Tư Thành bằng cách ra chủ đề cho một bài thơ vịnh con cóc. Chỉ vài phút ngẫm ngợi, Lê Tư Thành với tư chất thông minh khác thường đã đọc liền một mạch bốn câu:

Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi

Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi

Chép miệng dăm ba con kiến gió

Nghiến răng chuyển động bốn phương trời!

Cả đám cận thần reo lên, đây chính là hoàng tử của triều đình. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, mặc dù sử cũ chép là khi bà Ngọc Giao mang thai đã bị Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh tìm cách hãm hại, những quần thần thân cận đã đưa bà Ngọc Giao đi lánh nạn ở chùa Huy Văn và sinh ra Lê Tư Thành ở đó. Thế nhưng, cũng cần phải thấy rằng, chùa Huy Văn nằm ngay trong kinh thành, khó bề tránh được sự truy lùng của tay chân thân cận với Thị Anh. Rất có thể sau khi được đưa đến chùa Huy Văn, những người thân tín với bà Ngọc Giao đã phải tìm đường đưa bà đi lánh tiếp ở một nơi xa mới có thể bảo đảm an toàn tính mạng cho hai mẹ con. Phải chăng nơi xa đó chính là làng Ðô Kỳ, quê ngoại của bà, nơi có họ Ðinh đang sinh sống.

Tương truyền, bà Ngô Thị Ngọc Giao sắp đến kỳ sinh nở, do lánh nạn Nghi Dân mà chạy về đến cầu Chay [địa danh giáp Ðông Ðô và Văn Cẩm, Hưng Hà ngày nay], bà chuyển dạ. Con sông Chay là con sông tự nhiên, cũng là ranh giới giữa Duyên Hà và Thần Khê. Tới đây, bà Ngọc Giao chuyển dạ. Trong cơn đau, bà thốt lên:

Nếu là con mẹ con cha

Thì sinh ở đất Duyên Hà, Thần Khê.

Do vậy, ở Duyên Hà, Thần Khê, người dân truyền khẩu câu ca này để nhớ về sự tích hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Giao đã sinh ra Lê Tư Thành, sau là vua Lê Thánh Tông ở đất Ðô Kỳ [nay thuộc xã Ðông Ðô, huyện Hưng Hà].

Ngược dòng lịch sử, từ thế kỷ XV, ở Thái Bình và Thanh Hóa có ba làng thờ tổ họ Ðinh vốn cùng huyết thống. Ðó là làng Ðô Kỳ [nay thuộc xã Ðông Ðô, huyện Hưng Hà], làng An Lão có tên Nôm là Sáo Ðền [nay thuộc xã Song An, huyện Vũ Thư] và làng Thúy Cối [nay thuộc xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa]. Nhà thờ tổ họ Ðinh ở làng An Lão [Sáo Ðền] còn lưu được đôi câu đối, trong đó có một vế ghi rõ sự tích của họ Ðinh: "Ðồng bào tam quốc công, quán Ðô Kỳ, thiên Thúy Cối, biệt cư An Lão hương", nghĩa là: "Cùng một bọc sinh ra ba khai quốc công thần, quê gốc ở Ðô Kỳ, chuyển cư vào Thúy Cối rồi lại biệt cư về An Lão". Sử sách xưa nay vẫn từng ghi danh Ðô Kỳ có "nhất gia tam Ðinh" [Ðinh Lễ, Ðinh Liệt, Ðinh Bồ] là ba anh em ruột vốn có quê gốc ở làng Ðô Kỳ đã cùng cha là Ðinh Lan sớm tìm vào dự hội thề Lũng Nhai, có nhiều công lao giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, được ban quốc tính. Làng An Lão xưa thuộc tổng An Lão, huyện Thư Trì, nay thuộc xã Song An, huyện Vũ Thư có tên là làng Sáo Ðền. Truyền thuyết dân gian cho rằng, khi bà Ngọc Giao lánh nạn Nghi Dân đã sinh ra Tư Thành ở làng Ðô Kỳ sau đưa Tư Thành về ẩn náu ở An Lão và Tư Thành thường chơi diều sáo ở đây.

Ðịa danh mang tên Sáo Ðền bởi nơi đây có đền thờ hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao [mẹ vua Lê Thánh Tông], có hội thi diều sáo. Từ xa xưa, hội làng Sáo Ðền vẫn được coi là một hội lớn của trấn Sơn Nam được tổ chức trong quần thể Ðốc Hổ điện thờ Quang Thục hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao và nhà thờ họ Ðinh thờ các liệt tổ họ Ðinh với Ðinh Lễ, Ðinh Liệt, Ðinh Bồ có tấm biển rước "Lê thị Khai Cơ, Ðinh Gia khải tổ". Ngô Thị Ngọc Giao đã sống với bà ngoại ở làng An Lão đến năm 16 tuổi thì được tuyển vào cung làm tiệp dư của vua Lê Thái Tông. Các triều vua Lê ngoài việc phong thực ấp, thực hộ cho họ Ðinh còn cho xây dựng miếu điện thờ ngoại tổ của mình tại Ðô Kỳ, An Lão, Thúy Cối và Ðốc Hổ điện được xây dựng với quy mô lớn tại Sáo Ðền từ thời Lê Thánh Tông để các triều vua Lê về tế tự ngoại tổ vốn đã được sử sách ghi nhận. Tục thi thả diều ở hội Sáo Ðền gắn với truyền thuyết bà Ngọc Giao đưa Lê Tư Thành về lánh nạn và để giải buồn bà thường cho con thi diều với đám trẻ trong làng.

Ông Vũ Ðức Thơm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Kho tàng văn hóa dân gian với những truyền thuyết về nơi sinh của hoàng tử Lê Tư Thành ở Duyên Hà - Thần Khê thế kỷ XV vẫn cần tiếp tục được làm sáng tỏ. Ðây là vấn đề lớn, rất tự hào của Thái Bình, khẳng định truyền thống văn hóa, văn hiến truyền đời. Duyên Hà - Thần Khê gắn với tuổi thơ vua Lê Thánh Tông, một vị vua anh minh, yêu văn chương và có lẽ đây chính là mạch nguồn để các thế hệ tiếp theo Thái Bình có hơn 110 vị đại khoa mà đỉnh cao là nhà bác học Lê Quý Ðôn thế kỷ XVIII.

Ông Vũ Ðình Soạn, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh

Lịch sử đất nước có bước thăng trầm, đời người cũng vậy. Nhưng rất cảm phục hoàng tử Lê Tư Thành, ngay từ khi sinh ra đã gặp cảnh đời oan trái, tranh giành quyền lực, theo mẹ tìm nơi nương náu. May thay, miền quê Sáo Ðền thanh bình, tiếng tơ tiếng trúc ôm ấp, chở che. Dân có yên lành mới có hội lễ nức tiếng như vậy. Con người kiệt xuất của vương triều Lê ấy cho dù chịu cảnh đời chìm nổi vẫn tỏa sáng và trở thành vị vua anh minh nhất của triều Lê.

Ông Ðặng Hùng, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Duyên Hà - Thần Khê, miền đất địa linh nhân kiệt đã hun đúc cho tâm hồn nhân văn của vị vua anh minh triều Lê. Sáo Ðền là nơi dung dưỡng tuổi thơ đầy nhọc nhằn của hoàng tử Lê Tư Thành. Cũng nhờ khí thiêng ấy mà sau này các hoàng tử của vua Lê Thánh Tông đã tiếp nối mạch nguồn, xây dựng vương triều thời hậu Lê hưng thịnh kéo dài gần 400 năm.

Quang Viện

//VUA LÊ TƯ THÀNH SINH Ở ĐÂU? HUYỀN THOẠI VỀ CÂU CA DAO ... “Có phải con Mẹ, con Cha Thì sinh ở đất Duyên Hà, Thần Khê ”. Nhìn bề ngoài, làng Đô Kỳ [xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình] không khác bất kỳ một làng quê nào khác của tỉnh lúa, với vẻ bình lặng, êm đềm, với những khóm tre xanh và đồng lúa vàng rực hai vụ chiêm mùa. Thế nhưng rất ít người biết rằng cách đây ngót sáu thế kỷ, Đô Kỳ từng là nơi định cư của một “Khai Quốc Công thần” triều Lê, và hơn thế nữa, làng quê này còn được cho là nơi sinh của vị Vua anh minh, hùng tài đảm lược nhất trong lịch sử Việt Nam: Vua Lê Thánh Tông ... Thời trước, vùng đất mà ngày nay là các xã Đông Đô, Tây Đô, Chi Lăng, Hòa Bình, huyện Hưng Hà thuộc về hai huyện Duyên Hà và Thần Khê của phủ Tiên Hưng trấn Sơn Nam Hạ. Hai làng Mậu Lâm , Đô Kỳ thời đó là xã Mậu Lâm và xã Đô Kỳ. Xã Mậu Lâm có 2 làng là làng Sâm, làng Sành. Xã Đô Kỳ có các làng Duyên Trường, Khánh Lai, An Nội, Phú Lễ, Đồng Phú, Phú Năng. Gia phả họ Đinh ở Đô Kỳ cho biết, Thuỷ tổ họ này là ông Đinh Thỉnh gốc làng Thuỷ Khối [nay thuộc Thọ Xuân, Thanh Hoá] vốn là người học rộng biết nhiều, văn hay chữ tốt. Ông Đinh Thỉnh dạy học ở nhà họ Phạm đất Đô Kỳ, lấy con gái nuôi của ông họ Phạm là bà Phạm Thị Gái rồi định cư luôn ở quê vợ, sinh ra Đinh Tôn Nhân. Biết Lê Lợi ở đất Lam Sơn là người anh hùng, nuôi chí diệt giặc Minh rửa nhục cho đất nước, ông Đinh Thỉnh cùng con là Đinh Tôn Nhân tìm vào theo và được ông Lê Khoáng [thân phụ của Lê Lợi] rất yêu quý, gả con gái là Lê Thị Ngọc Vợi cho ông Đinh Tôn Nhân. Ông bà sinh được 3 người con trai là Đinh Lễ, Đinh Bồ. Đinh Liệt. Khi Lê Lợi hội thề ở Lũng Nhai, xưng là Bình Định Vương, dựng cờ khởi nghĩa, các ông Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt, theo cậu ruột [Lê Lợi] đều trở thành tướng lĩnh dưới cờ Bình Định Vương. Trong trận vây thành Thăng Long, ông Đinh Lễ đánh giặc ở Mai Động, voi sa lầy bị gặc bắt, do không chịu khuất phục nên ông bị Vương Thông giết, lúc đó ông mới có một người con gái nhỏ tên là Đinh Thị Ngọc Kế. Cha hy sinh, Ngọc Kế ở với chú là Đinh Liệt rồi sau lấy Ngô Từ, một vị tướng của Bình Định Vương, sinh ra Ngô Thị Ngọc Giao, chính là mẹ của Vua Lê Thánh Tông sau này. Về Vua Lê Thánh Tông, sử chính thống đều ghi Ngài sinh ở chùa Huy Văn [Hà Nội] vào ngày 20 tháng 7 năm Tân Dậu [1441], lên 3 tuổi được phong làm Bình Nguyên Vương. Nhưng những câu chuyện về Ngài qua ký ức dân gian vùng Đô Kỳ Ỷ Đún thì lại khác... Giặc tan, Đinh Liệt được Vua ban cho đất Đô Kỳ làm trang ấp, ông sinh được hai con là Đinh Đột, Đinh Thế Hiển, Thế Hiển sinh Đinh Thế Thực, Đinh Thế Biểu... Lúc này, cung đình triều Lê nhiều chuyện rối ren. Vua Thái tổ [Lê Lợi] băng, Thái Tông [Nguyên Long] kế vị mới 9 tuổi. Khi trưởng thành, Nhà vua lập nhiều phi tần, trong đó có 3 người được Ngài rất yêu quý là bà phi Dương Thị Bí, Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh và Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao. Lúc đó, Dương Thị Bí đã sinh hoàng tử Nghi Dân và được Vua lập làm Thái tử, Nguyễn Thị Ngọc Anh cũng đã sinh Hoàng tử Bang Cơ. Do sự dèm pha, vu khống của Nguyễn Thị Ngọc Anh, Vua Thái Tông phế bỏ Dương Thị Bí làm dân thường, truất ngôi Thái tử của Nghi Dân, chỉ phong làm Lạng Sơn Vương, lập Bang Cơ làm Thái tử. Khi Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao có mang, Nguyễn Thị Ngọc Anh sợ bà sinh con trai, sẽ có sự tranh dành địa vị Thái tử của con mình, nên để phòng xa, bà Nguyên phi này lại xúc xiểm, vu khống Tiệp dư họ Ngô với Vua. Nghe theo lời xúc xiểm đó, Vua Lê Thái Tông đã định giết hại bà, nhưng được vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ ra sức can ngăn, nên Vua chỉ đày Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao ra chùa Huy Văn. Có lẽ chính vì thế mà chính sử đã chép rằng Vua Lê Thánh Tông sinh tại ngôi chùa này. Nhưng theo nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng [hội viên hội Khoa học Lịch sử Việt Nam] thì Vua Lê Thánh Tông không sinh ở chùa Huy Văn. Bằng sự nghiên cứu công phu các cuốn gia phả như “Ngô gia Thế phả ”, “Đinh tộc Thế phả ” ở Đông Đô, “Ngọc phả họ Đinh ” và “Gia phả họ Đinh ” ở Thanh Hoá, cùng với nhiều tư liệu lịch sử khác, nhà sử học này đã cho rằng ở chùa Huy Văn được một thời gian, gần đến ngày sinh, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đã được vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và Đinh Liệt đã bí mật đưa về Đô Kỳ. Đô Kỳ ở xa kinh thành, là trang ấp của Đinh Liệt. Vừa là Khai quốc Công thần vừa giữ một chức vụ lớn ở triều đình, nên thế lực của Đinh Liệt ở Đô Kỳ rất lớn. Hơn thế nữa mẹ đẻ của Tiệp dư, bà Đinh Thị Ngọc Kế lại đang ở Đô Kỳ với cháu là Đinh Thế Biểu, nên có thể lo bảo vệ được cho Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao sinh nở an toàn, tránh khỏi sự hãm hại của Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh cùng phe cánh. Dân gian kể rằng khi được đón Bà về đến cầu Chay, bên này là đất huyện Duyên Hà và bên kia là đất huyện Thần Khê thì Tiệp dư họ Ngô trở dạ, nhưng mãi không sinh được. Thấy vậy, Bà bèn bảo mang hương hoa đến và thắp hương khấn rằng: “Có phải con mẹ, con cha Thì sinh ở đất Duyên Hà,Thần Khê ”. Vừa khấn dứt lời thì bà sinh một Hoàng tử “Tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, thực là bậc anh minh ” [ĐVSKTT], Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đặt tên con là Lê Tư Thành. Vì chuyện này mà vợ chồng Đinh Liệt bị bắt giam mấy năm trời, còn vợ chồng Nguyễn Trãi thì bị Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh để bụng thâm thù, và đó cũng chính là nguồn cơn của vụ thảm án Lệ Chi Viên sau này. Tại thôn Mậu Lâm xã Đông Đô ngày nay còn có đền thờ bà Vú Sữa Hoàng Thị Hiến. Vốn là một bà lang mát tay, rất giỏi chữa bệnh bằng các loại dược thảo địa phương, tương truyền rằng chính bà là người đã đỡ đẻ cho Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao được mẹ tròn con vuông, và cũng là người cho Hoàng tử Lê Tư Thành bú sữa của mình. Khi bà mất, Vua Lê Thánh Tông đã sai lập đền thờ bà, cấp 17 mẫu ruộng để lấy sản phẩm hàng năm cúng tế. Trong đền có bức đại tự ghi ba chữ “Trung Nghĩa Nữ ” và rất nhiều câu đối ca ngợi công lao của bà. Các triều đại sau sắc phong bà là “Thanh Cung Trình Kỳ Hộ Quốc ”. Đền có một cây Quéo [xoài] và một cây đa có tuổi đời trên 500 năm, tương truyền là chúng được trồng ngay sau khi đền thờ bà Vú Sữa Hoàng Thị Hiến xây xong. Tại làng Đô Kỳ hiện còn đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Giao và cạnh đó là một ngôi chùa, trước chùa có hai cây thị cũng trên 500 năm tuổi, chùa được cho là do ông Đinh Liệt đã xây dựng, và hai cây thị đó do chính tay ông trồng. Trong đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao có bức đại tự ghi 4 chữ “ Lê Triều Quốc Mẫu”. Tương truyền rằng đền là do Vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng thờ thân mẫu của mình, có tên là “Dụ Phúc Đường”. Khi Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao mất, dân làng và dòng họ Đinh đất Đô Kỳ mới tu sửa, biến hành cung thành đền thờ bà. Trước đây, ở bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc rìa làng Đô Kỳ còn có bốn cái miếu, dân làng vẫn gọi là Tứ Trấn hay Tứ Phủ, tượng trưng cho “Tứ Trấn bảo vệ kinh thành ”, còn hành cung - sau này là đền thờ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao ở chính giữa. .. Chuyện Hoàng tử Lê Tư Thành - Vua Lê Thánh Tông có sinh ở làng Đô Kỳ [xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay] hay không, với các nhà sử học, chắc sẽ còn nhiều bàn cãi, tranh luận. Chỉ biết rằng người dân xã Đông Đô ai cũng tin thế, và rất tự hào về điều đó./.

Trang Thông tin điện tử huyện Hưng Hà. Thái Bình

Người sưu tầm Đinh Xuân Vinh

Video liên quan

Chủ Đề