Lựa chọn một đề tài nghiên cứu khoa học

Góc NCKH

Lựa chọn một đề tài nghiên cứu khoa học

Tiêu chí chọn đề tài nghiên cứu khoa học

TIÊU CHÍ CHỌN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Trong quá trình nghiên cứu khoa học, bước đầu tiên và có thể nói là nền móng cho cả quá trình nghiên cứu chính là bước chọn đề tài nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu có thể đến từ nhiều nguồn như đời sống thường nhật, bài giảng của giảng viên, bài báo khoa học, và đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu cũng như khả năng của người viết.

Tuy nhiên, những yếu tố trên là chưa đủ. Trong quá trình nghiên cứu, có nhiều nhóm nghiên cứu khoa học càng đi sâu càng gặp khó khăn, hoặc là có thể hoàn thành đề tài nhưng điểm lại không cao, một trong những nguyên nhân chính là do bước chọn đề tài chưa tốt. Để chọn được một đề tài tốt, các nhóm cần lưu ý một số tiêu chí sau.

1. Tính khoa học

Rõ ràng là bất cứ bài viết nghiên cứu khoa học nào cũng phải đảm bảo được tính khoa học của nó. Tính khoa học thể hiện ở việc đề tài nghiên cứu khoa học phải gắn với một khuôn khổ lí thuyết và cơ sở lí luận rõ ràng. Đây chính là cơ sở cho các chương tiếp theo trong một đề tài nghiên cứu khoa học, vì vậy nên nếu đề tài chưa đảm bảo được tính khoa học thì khó lòng mà có thể tiếp tục được.

2. Tính mới và độc đáo

Tính mới của một đề tài nghiên cứu khoa học được thể hiện dưới nhiều dạng, có thể liệt kê ra như sau:

a, Đề tài hoàn toàn mới:

Đề tài hoàn toàn mới (trong một phạm vi lãnh thổ nhất định) là những đề tài chưa hoặc được rất ít người nghiên cứu đến. Những đề tài này thường được đánh giá cao vì kết quả của đề tài mang lại giá trị cao hơn so với một đề tài nghiên cứu lại đề tài cũ.

b, Đề tài sử dụng cách tiếp cận mới:

Nói vậy tức là đề tài đã được nghiên cứu trước đây, nhưng nay được nghiên cứu lại với cách tiếp cận mới, đó có thể là cơ sở lí thuyết mới, phương pháp mới hoặc sử dụng công cụ, kĩ thuật nghiên cứu mới

c, Đề tài sử dụng số liệu mới:

Việc sử dụng số liệu mới sẽ giúp kết quả của đề tài có tính cập nhật và khả năng áp dụng vào thực tiễn cao hơn.

d, Khám phá ra điều mới:

Tức là sau quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu phát hiện ra điều mà chưa nghiên cứu nào đã phát hiện ra trước đây, dựa trên cơ sở lí luận đúng đắn. Như vậy đề tài có thể đưa ra một hướng đi mới mà các đề tài tương tự trước đó chưa thực hiện được.

3. Tính khả thi

Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng khi nghiên cứu khoa học. Một đề tài được coi là có tính khả thi khi mà nhóm nghiên cứu có thể tiếp cận được cơ sở lí luận cần thiết cũng như nguồn số liệu liên quan. Ngoài ra các yếu tố khác như kinh phí, người hướng dẫn cũng có thể ảnh hưởng đến tính khả thi của đề tài.

4. Tính áp dụng

Sau khi kết thúc đề tài nghiên cứu, nhóm nghiên cứu phải đưa ra được một giải pháp nhất định cho đề tài nghiên cứu (nếu đấy là đề tài nghiên cứu thực tiễn) hoặc một lí thuyết mới (nếu đấy là đề tài nghiên cứu lý thuyết). Đề tài có khả năng áp dụng như vậy sẽ được đánh giá cao hơn.

Trên đây là một số yêu cầu cơ bản mà một đề tài nghiên cứu khoa học cần thoả mãn được. Một khi đã đảm bảo được các tiêu chí trên thì đề tài của các bạn sẽ dễ dàng thực hiện hơn, cũng như được đánh giá cao hơn trong mắt hội đồng đánh giá đề tài.

                                                     

Video liên quan