Luật an ninh mạng thể chế hóa chủ trương

Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 với các quy định cụ thể để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Tại Điều 8 Luật An ninh mạng quy định cấm các hành vi sau:

“1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:

  1. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;
  1. Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  1. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;
  1. Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

đ] Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

  1. Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này”

Liên quan đến nội dung này, trong quá trình xây dựng Luật An ninh mạng cũng như sau khi Luật có hiệu lực thi hành, các thế lực thù địch đã đưa ra các luận điệu xuyên tạc nhằm mục đích gây cản trở, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Một trong những vấn đề được đề cập đến là liệu Luật An ninh mạng có vi phạm quyền tự do ngôn luận hay không.

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền quan trọng của quyền con người và quyền công dân. Cho đến nay, quyền này đã được ghi nhận trong pháp luật quốc tế về quyền con người và khẳng định trong hiến pháp, pháp luật của các quốc gia.

Tại Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 [Việt Nam là thành viên] quy định:

“1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp;

2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận;

3. Việc thực hiện những quyền này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt để:

[a] Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,

[b] Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng,sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.”

Còn trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quyền tự do ngôn luận cũng được quy định thống nhất. Trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013, quyền con người, quyền công dân nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng được ghi rõ và bảo đảm trong thực tế. Quyền tự do ngôn luận chỉ hạn chế các hành vi gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Hiện nay, Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định:

“1. Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Đồng thời Hiến pháp 2013 đã dành hẳn một chương để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 25 Hiến pháp quy định:

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Thể chế hóa Hiến pháp 2013, các văn bản Luật của nước ta như: Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016 cũng quy định thống nhất theo hướng quyền tự do ngôn luận của công dân được tôn trọng và bảo đảm, đồng thời quyền này sẽ bị hạn chế nhất định để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Luật Báo chí 2016 quy định: “Công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…” nhưng tạiĐiều 9Luật này cũng quy định rõ các hành vi nghiêm cấm: Đăng, phát thông tin chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam như xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền, với lực lượng vũ trang, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; phá hoại chính sách đoàn kết quốc tế; kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.

Luật tiếp cận thông tin 2016 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác”.

Qua các trích dẫn trên đây cho thấy, quyền tự do ngôn luận không phải là không có giới hạn, quyền này được pháp luật quốc tế và pháp luật nước ta ghi nhận và bảo đảm thực hiện nhưng sẽ bị hạn chế trong trường hợp vì lý do quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Do đó, việc Điều 8 Luật An ninh mạng nghiêm cấm các hành vi nêu trên là hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật nước ta, không vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Bên cạnh đó, xét về mặt thực tiễn, trong những năm gần đây các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng. Đó là các hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, như là hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Nhà nước, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự an toàn xã hội; nổi lên là các hoạt động lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc, cá độ... qua mạng, lấy cắp thông tin cá nhân, làm nhục, vu khống người khác qua mạng... Từ thực tiễn đó cho thấy, các hoạt động trên không gian mạng phải được điều chỉnh trong một giới hạn nhất định để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; nói cách khác một số hành vi cần được nghiêm cấm để các hoạt động trên không gian mạng đảm bảo an toàn và lành mạnh. Việc nhân dân quyền tự do ngôn luận để làm phương hại đến an ninh quốc gia, đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác phải được xử lý. Do đó, việc Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị cấm tại Điều 8 là hoàn toàn phù hợp./.

Chủ Đề