Mặt trái nền kinh tế thị trường

Trong những thập kỷ gần đây, do sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hoá kinh tế, những nước đang phát triển có thể nhanh chóng hội nhập nền kinh tế quốc tế; tạo ra bước phát triển nhảy vọt về hệ thống thị trường, tăng trưởng kinh tế và có thể bước vào nền kinh tế thị trường (KTTT). Thực chất KTTT là nền kinh tế hàng hoá; ở đó các quy luật kinh tế của kinh tế hàng hoá hoạt động mạnh mẽ, thông qua hệ thống thị trường tương đối đồng bộ và ở trình độ cao; thị trường trở thành đặc trưng nổi bật, chi phối mãnh liệt các chủ thể hoạt động trong nền kinh tế. Tuy vậy, KTTT có những hạn chế, khuyết tật của nó. Ngoài những mặt trái như dễ phá vỡ sự cân đối nền sản xuất xã hội; tạo sự cạnh tranh khốc liệt, độc quyền, buôn bán gian lận, lừa đảo, phân hoá giàu nghèo, thất nghiệp, làm ô nhiễm môi trường KTTT còn là nguyên nhân làm băng hoại đạo đức, lối sống, nhân cách con người trong xã hội.

Đất nước ta hiện nay đang tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó đổi mới kinh tế là trọng tâm. Thực chất của đổi mới kinh tế là chuyển từ mô hình kinh tế tập trung quan liêu hành chính bao cấp sang phát triển nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nghị quyết Đại hội IX của Đảng nêu rõ: Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; đó chính là nền KTTT định hướng XHCN. KTTT định hướng XHCN mà Đảng ta chủ trương xây dựng là một kiểu tổ chức nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH vận hành theo các quy luật kinh tế khách quan của nền KTTT, các quy luật của thời kỳ quá độ; đồng thời, có sự quản lý điều tiết của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong nền KTTT định hướng XHCN, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nền KTTT định hướng XHCN có tác động ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách người cán bộ, đảng viên với những biểu hiện như: tính quyết đoán, năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đồng thời, là điều kiện thuận lợi để mỗi người rèn luyện, hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, lối sống XHCN. KTTT định hướng XHCN phát triển, các năng lực tiềm ẩn trong nhân dân được giải phóng, đời sống mọi tầng lớp nhân dân được cải thiện từng bước. Trên cơ sở đó, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp đổi mới được củng cố. Đó là điều kiện tốt để chúng ta xây dựng, củng cố phát triển nhân cách người cán bộ, đảng viên hiện nay.

Bên cạnh những mặt tác động tích cực, KTTT cũng gây ra hàng loạt những hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự phân hoá giàu nghèo làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội; dễ nảy sinh những tệ nạn tham nhũng, tội phạm, bạo lực; kích thích chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý. Đối với những nước mới bước vào KTTT như nước ta, sự đụng độ giữa KTTT và các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trở thành vấn đề nan giải.

Tác động tiêu cực từ mặt trái của KTTT đến nay chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, trong khi có những mặt trở nên nghiêm trọng, nhất là tình trạng quan liêu, tham nhũng, hối lộ, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một số cán bộ có chức, có quyền Tình hình đó đã tạo sự tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị, nhân cách của cán bộ, đảng viên.

Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư (khoá XI) đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Đánh giá về những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Trung ương nhận định: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển KTTT, các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn, yếu kém, sự tha hoá của một số cán bộ ta trong cơ chế mới, tìm mọi cách khoét sâu thêm mâu thuẫn, làm suy yếu Đảng, lôi kéo, mua chuộc cán bộ, chia rẽ nội bộ chúng dùng tất cả các phương tiện truyền thông, trong đó đặc biệt là Internet xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ Đảng, các lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Mục tiêu là chia rẽ nội bộ ta, giảm lòng tin của dân đối với Đảng, lôi kéo để chuyển hoá tư tưởng chính trị, nhân cách đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện âm mưu đa nguyên chính trị, gây hoang mang trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện tự diễn biến từ bên trong. Đó là nguy cơ, thách thức lớn, liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ XHCN.

Nguyên nhân dẫn đến ảnh hưởng tác động mặt trái KTTT tới phát triển nhân cách người cán bộ, đảng viên, trước hết về nguyên nhân khách quando việc thực hiện đổi mới kinh tế phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chưa lường hết được những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế; chưa có sự chuẩn bị thật kỹ về lập trường, tư tưởng và cả cách thức tiếp cận mới cho cán bộ, đảng viên.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển với quy mô ngày càng lớn, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước, đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển. Trong khi đó, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hoá, tăng cường hoạt động chống phá cách mạng nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

Về nguyên nhân chủ quan, do mộ bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng.

Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền KTTT định hướng XHCN chưa kịp thời. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ, đảng viên còn nể nang, cục bộ; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống còn hình thức; một số nơi có tình trạng cán bộ, đảng viên tốt không được bảo vệ, nêu gương; người vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống không bị lên án và xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Như vậy, nước ta bước vào KTTT định hướng XHCN là tất yếu khách quan, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. Song, KTTT cũng làm phát sinh nhiều vấn đề tác động cả mặt tích cực và mặt tiêu cực đến phát triển nhân cách cán bộ, đảng viên. Để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, khuyết tật của KTTT tới nhân cách người cán bộ, đảng viên hiện nay, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, cụ thể, phù hợp, trước hết cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, chính trị trong cán bộ, đảng viên về KTTT định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.

Công tác tư tưởng, chính trị quyết định thành hay bại đến xây dựng, phát triển nhân cách người cán bộ, đảng viên trong cơ chế thị trường định hướng XHCN. Vì vậy, công tác tư tưởng cần được quan tâm hàng đầu trong giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên về KTTT ở nước ta hiện nay. Khi mọi cán bộ, đảng viên hiểu rõ những mặt tích cực, nhất là các mặt trái của KTTT sẽ tạo sự đồng thuận, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về KTTT, đòi hỏi trước hết từng cấp ủy phải thấm nhuần sâu sắc chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTT ở nước ta; xác định các biện pháp phù hợp để tuyên truyền, vận động mỗi cán bộ, đảng viên phát huy mặt tích cực, đấu tranh với các mặt tiêu cực không để tác động ảnh hưởng đến phát triển nhân cách của mình. Đồng thời, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng, chính trị đến phát triển nhân cách người cán bộ, đảng viên.

Hai là, thường xuyên tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên nhằm phát triển nhân cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tự phê bình và phê bình đã được coi là quy luật phát triển của Đảng ta, nhất là trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và trước thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống như hiện nay trong cơ chế thị trường. Vì vậy, người cán bộ, đảng viên muốn có nhân cách tốt, có uy tín trước quần chúng, cần phải nêu cao tự phê bình và phê bình thường xuyên như rửa mặt hằng ngày.

Trong thực hiện tự phê bình và phê bình, trước hết cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải làm gương cho cấp dưới noi theo. Phải dám nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm tự phê bình và phê bình, xem đó là cách tốt nhất để sửa mình, phát triển nhân cách, không để những tiêu cực của cơ chế thị trường len lỏi, gặm nhấm đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên.

Đồng thời, phải xử lý nghiêm và kịp thời những cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng Có như vậy mới giữ vững và phát huy truyền thống của một Đảng cách mạng chân chính, đã từng tôi luyện nên đội ngũ đảng viên có nhân cách toàn diện, có lý tưởng cách mạng cao đẹp, biết hành động sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân.

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống XHCN.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.Vì vậy, thực hiện tự tu dưỡng, tự rèn luyện một cách nghiêm túc, bền bỉ, thường xuyên là một giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên để phát triển nhân cách của mình trong cơ chế thị trường.

Sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng không phải là những nội dung trừu tượng mà nó diễn ra hàng ngày thông qua những việc cụ thể khi thực hiện chức trách, bổn phận của cán bộ, đảng viên. Đạo đức cách mạng phải là văn hoá ứng xử trong các mối quan hệ đó theo nguyên tắc đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết và trước hết. Việc giữ gìn nhân cách, phẩm chất đạo đức cách mạng phải là của chính mỗi cán bộ, đảng viên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong bài Đạo đức cách mạng: Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hang ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị.

Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là học tập đức tính Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là chuẩn mực đạo đức truyền thống trong quan hệ đối với mình; đồng thời, đó cũng là chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng, là cơ sở để phát triển nhân cách cán bộ, đảng viên một cách bền vững.

Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay đối với cán bộ, đảng viên là phải loại bỏ thói chạy theo danh vọng, địa vị, giành giật lợi ích cho mình, lạm dụng quyền hạn, chức vụ để chiếm đoạt của công, thu vén cho gia đình, cá nhân, cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Phải thẳng thắn, trung thực, bảo vệ chân lý, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ người tốt; không chạy thành tích, không bao che, giấu giếm khuyết điểm. Phải tích cực học tập phong cách Hồ Chí Minh, cụ thể là phong cách quần chúng, phong cách dân chủ và phong cách nêu gương.

Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu gương đối với mình, đối với người và đối với công việc; kiên quyết chống thói tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo; phải luôn học tập cầu tiến bộ, giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết; thật thà, không dối trá, lừa lọc; phải có lòng khoan dung, độ lượng. Đó là con đường để mỗi cán bộ, đảng viên tự hoàn thiện mình để không ngừng phát triển nhân cách người cán bộ, đảng viên trong nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta hiện nay./.


Video liên quan