Môi trường bao gồm các thành phần nào

Môi trường tự nhiên là gì? Các thành phần, chức năng cơ bản của môi trường là gì?

Môi trường là gì?

Có thể hiểu môi trường theo nghĩa rộng hay hẹp:

+ theo nghĩa rộng  môi trường là tất cả những gì bao quanh và có ảnh hưởng đến một vật thể hay sự kiêṇ.

+ theo nghĩa gắn với con người và sinh vật , Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên. (Luật BVMT Việt Nam 2020).

Môi trường gắn với con người có thể là:

+ Môi trường tự nhiên: bao gồm các yếu tố tự nhiên đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác.

+ Môi trường xã hội: là tổng thể các mối quan hệ giữa người và người như luật lệ, thể chế, cam kết, quy định ở các cấp khác nhau.

+ Môi trường nhân tạo: gồm các yếu tố vật chất do con người tạo nên và làm thành những tiện nghi cho cuộc sống của con người (ô tô, nhà ở, đô thị, công viên,)

Một số khái niệm, thuật ngữ liên quan:

Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật.

Sự cố môi trường là tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi thất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng.

Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với con người và sinh vật.

Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học.

An ninh môi trường: là trạng thái mà một hệ thống môi trường có khả năng đảm bảo điều kiện sống an toàn cho con người trong hệ thống đó.

Các thành phần môi trường tự nhiên

  • Thạch quyển (lithosphere) hay còn gọi là địa quyển hay môi trường đất
  • Sinh quyển (biosphere) còn gọi là môi trường sinh học.
  • Khí quyển (atmosphere) hay môi trường không khí
  • Thủy quyển (hydrosphere) hay môi trường nước

(Một số tài liệu còn phân chia thêm trí quyển  noosphere)

Các chức năng cơ bản của môi trường

Là không gian sinh sống cho con người và sinh vật

  • xây dựng: mặt bằng các khu đô thị, cơ sở hạ tầng,..
  • giao thông vận tải: mặt bằng, khoảng không cho đường bộ, đường thủy, đường không.
  • sản xuất: mặt bằng cho nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, sản xuất nông-lâm-ngư
  • giải trí: mặt bằng, nền móng cho hoạt động trượt tuyết, đua xe, đua ngựa,

Là nơi chứa các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất của con người

  • thức ăn, nước uống, không khí hít thở;
  • nguyên liệu sản xuất công, nông nghiệp;
  • năng lượng cho sinh hoạt, sản xuất;
  • thuốc chữa bệnh,..

Là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong cuộc sống và sản xuất

  • tiếp nhận, chứa đựng chất thải;
  • biến đổi chất thải nhờ các quá trình vật lý, hóa học, sinh học

Làm giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên tới con người và sinh vật

  • hạn chế lũ lụt, điều hòa khí hậu, chắn bão cát,

Lưu trữ và cung cấp các thông tin cho con người

  • lịch sử địa chất, tiến hóa sinh vật, phát triển văn hóa con người
  • đa dạng nguồn gen
  • chỉ thị báo động sớm các tai biến tự nhiên như bão, động đất, núi lửa

Nguồn tham khảo: Bài giảng Môi trường và con người, Trường Đại học Khoa học Huế

Bài viết liên quan:

  • Tài nguyên đất: đặc điểm, vai trò và hiện trạng