Mục tiêu đấu tranh chủ yếu của công nhân và nông dân trong phong trào cách mạng 1930 đến 1931 là
Khối liên minh đấu tranh của hai giai cấp nông dân và công nhân
làm cho đế quốc Pháp vô cùng lúng túng và bị động (Ảnh tư liệu)

Nhân ngày Quốc tế Lao động, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân trong cả nước dấy lên làn sóng đấu tranh dân tộc và dân chủ mạnh mẽ.

Ở Bắc Kỳ, công nhân khu Mỏ Hòn Gai bãi công, biểu tình. Lần đầu tiên ở vùng mỏ, lá cờ đỏ búa liềm được treo trên đỉnh núi Bài Thơ.

Tại Thái Bình, hơn 1.000 nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng biểu tình lên thị xã Thái Bình đòi tự do dân chủ, đòi cải thiện đời sống và chống khủng bố.

Ở Trung Kỳ, nông dân các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận đã nổi dậy đấu tranh. Ngày 1/5/1930, cờ đỏ búa liềm lần đầu tiên xuất hiện ở Quảng Nam. Tại thị xã Hội An và các vùng nông thôn Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn... đều có rải truyền đơn treo cờ Đảng.

Đặc biệt, sáng ngày 1-5, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An, công nhân và nông dân Vinh - Bến Thủy đã vùng dậy biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, chống khủng bố đòi bồi thường thiệt hại cho các gia đình bị tàn sát trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy sợi Nam Định, ủng hộ Liên Xô. Chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp. Chúng huy động binh lính đến bắn vào đoàn biểu tình, nhưng anh em binh sĩ người Việt chống lệnh của bọn chỉ huy Pháp không bắn vào đồng bào mình.

Mặc dù vậy, bọn giám binh, chánh mật thám tỉnh, bọn chủ người Pháp đã tức tối bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết và 18 người bị thương.

Trong khi làn sóng đấu tranh của quần chúng đang dâng lên ở thành phố Vinh - Bến Thủy, 3.000 nông dân tập trung tại đình làng Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương - Nghệ An) tổ chức mít tinh, biểu tình vào đồn điền của tên ký Viễn đòi trả lại ruộng đất và con đường giao thông độc đạo hắn đã lấn chiếm của dân. Tên ký Viễn phải bỏ trốn. Mấy ngày sau, bọn đế quốc tập trung binh lính đến đàn áp làm 17 nông dân bị chết và một số khác bị thương.

Tại Nam Kỳ, khoảng 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Chợ Lớn) đã biểu tình đến quận lỵ đòi giảm thuế, bỏ sưu. Bọn Pháp đàn áp dã man làm 9 người chết, 50 người khác bị thương. Nhưng đoàn biểu tình vẫn không lùi bước, buộc địch phải nhượng bộ, nhận bản yêu sách, giảm thuế, giảm sưu.

Tại Sa Đéc và Long Xuyên, các cuộc biểu tình của nông dân quận Cao Lãnh và quận Chợ Mới đều giành được thắng lợi. Hai tên chủ quận Chợ Mới và Cao Lãnh buộc phải giải quyết yêu sách của quần chúng: hoãn thuế 2 tháng, thả những nông dân bị bắt vì thiếu thuế.

Máu của công nhân và nông dân Việt Nam đã đổ trong dịp kỷ niệm 1-5-1930. Nhưng sự đàn áp dã man của địch không dập tắt được phong trào. Khắp nơi, quần chúng họp mít tinh, truy điệu những người đã hy sinh để nung nấu thêm chí căm thù đế quốc, phong kiến và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới. Những cuộc mít tình, biểu tình, bãi công vẫn tiếp tục dâng cao. Trong tháng 5, 54 cuộc đấu tranh đã nổ ra (Bắc Kỳ có 21 cuộc, Trung Kỳ có 21 cuộc, Nam Kỳ có 12 cuộc), trong số đó có 18 cuộc đấu tranh của công nhân, 34 cuộc của nông dân.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa phong trào bãi công của công nhân ở nhà máy và phong trào biểu tình của nông dân ở nông thôn đã hình thành khối liên minh đấu tranh của hai giai cấp nông dân và công nhân, làm cho đế quốc Pháp vô cùng lúng túng và bị động.

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.