Ngày hạch toán phải lớn hơn ngày khóa sổ

Bài 12 của Series hướng dẫn học Lý thuyết Môn Kế toán. Chủ đề: Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán

CÁC BẠN XEM VIDEO 13 – 14 NHA

Tiếp theo bài viết về Chính sách kế toán – Ước tính kế toán – Sai sót trong kế toán, hôm nay Ad sẽ giải thích về: Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán. Bài viết bao gồm các nội dung sau:

  • Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán là gì?
  • Cách xử lý với sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán?
  • Ví dụ về dạng bài tập về Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán?

1. Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán là gì?

Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán: Là những sự kiện có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến BCTC đã phát sinh trong khoảng thời gian từ sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính.

Trong đó:

Ngày phát hành báo cáo tài chính: Là ngày, tháng, năm ghi trên báo cáo tài chính mà công ty [Giám đốc hoặc người được ủy quyền] ký duyệt BCTC để gửi ra bên ngoài doanh nghiệp.

2. Có hai loại Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán

[1] Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán cần điều chỉnh

Là những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về “các sự việc” đã tồn tại trong năm tài chính cần phải điều chỉnh trước khi lập Báo cáo tài chính.

Ví dụ:

  • Kết luận của Toà án sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Xác nhận doanh nghiệp có những nghĩa vụ hiện tại vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Đòi hỏi doanh nghiệp điều chỉnh khoản dự phòng đã được ghi nhận từ trước; ghi nhận những khoản dự phòng mới hoặc ghi nhận những khoản nợ phải thu, nợ phải trả mới.
  • Thông tin nhận được sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về một tài sản bị tổn thất trong kỳ kế toán năm. Hoặc giá trị của khoản tổn thất được ghi nhận từ trước đối với tài sản này cần phải điều chỉnh. Ví dụ: Khách hàng bị phá sản sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đã chứng minh khoản phải thu của khách hàng trên BS cần phải điều chỉnh thành khoản lỗ trong năm; Hàng tồn kho được bán sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về NRV [giá trị thuần có thể thực hiện được] vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm của hàng tồn kho; Nghĩa vụ bảo hành từ sản phẩm bị lỗi đã bán trong năm tài chính;
  • Việc xác nhận sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm về giá gốc của tài sản đã mua; hoặc số tiền thu được từ việc bán tài sản trong kỳ kế toán năm.
  • Việc phát hiện những gian lận và sai sót chỉ ra rằng báo cáo tài chính không được chính xác

[2] Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán không cần điều chỉnh

Là những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về các “sự việc đã tồn tại” trong năm tài chính nhưng không phải điều chỉnh trước khi lập báo cáo tài chính.

Ví dụ: Việc giảm giá trị thị trường của các khoản đầu tư vốn góp liên doanh, các khoản đầu tư vào công ty liên kết trong khoảng thời gian từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành BCTC. Sự giảm giá trị thị trường của các khoản đầu tư thường không liên quan đến giá trị các khoản đầu tư vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Doanh nghiệp không phải điều chỉnh số liệu đã được ghi nhận trong BS đối với các khoản đầu tư. Tuy nhiên có thể bổ sung giải trình theo quy định.

[3] Cách phân biệt 1 Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán là cần điều chỉnh hay không cần điều chỉnh?

Theo khái niệm được nêu tại Chuẩn mực 23 thì cả 2 loại sự kiện này đều là “sự việc đã tồn tại” trong năm tài chính. Chỉ khác nhau ở 1 sự kiện là cần điều chỉnh và 1 sự kiện là không cần điều chỉnh. Và với cách khái niệm như này thì theo mình là chúng ta không thể hiểu được cách phân biệt giữa 2 loại sự kiện. Và chỉ có cách duy nhất là học thuộc ví dụ về từng loại sự kiện đã được nêu trong chuẩn mực.

Theo kinh nghiệm của mình, thì mình phân biệt 2 loại sự kiện này dựa trên định nghĩa trong chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 10 về sự kiện không cần điều chỉnh.

“Non-Adjusting Events – Those events that reflect conditions that arose after the end of reporting period. IAS 10

Có 2 điểm từ khái niệm này:

  • Người ta dùng từ “conditions”. Có thể dịch thô là các điều kiện, các tình trạng, các hoàn cảnh, các tình thế… Mình nghĩ như vậy sẽ rõ nghĩa hơn là chỉ gói gọn trong từ “các sự việc”.
  • Sự kiện không cần điều chỉnh thì phản ánh thông tin về các điều kiện, tình trạng… phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính. Trong khi, sự kiện cần điều chỉnh là các sự kiện cung cấp thông tin về các sự việc, trình trạng… đã tồn tại trong năm tài chính.

Với cách định nghĩa như vậy thì ta có thể thấy rõ điểm khác nhau giữa 2 loại sự kiện này.

Chúng ta sẽ cần xem sự kiện đó có cung cấp bằng chứng về “các sự việc, các tình trạng…” đã tồn tại trong năm tài chính hay không? Hay là cung cấp bằng chứng về các sự việc phát sinh sau khi năm tài chính đã kết thúc?

Phần 2. Cách xử lý với Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán

1. Các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán cần điều chỉnh

Doanh nghiệp phải điều chỉnh các số liệu đã được ghi nhận trong BCTC để phản ánh các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh.

2. Các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán không cần điều chỉnh

Doanh nghiệp không phải điều chỉnh các số liệu đã ghi nhận trong báo cáo tài chính về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh

Nếu các sự kiện không cần điều chỉnh phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là trọng yếu, việc không trình bày các sự kiện này có thể ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng khi dựa trên các thông tin của BCTC. Vì vậy doanh nghiệp phải trình bày đối với các sự kiện trọng yếu không cần điều chỉnh về:

  • Nội dung và số liệu của sự kiện;
  • Ước tính ảnh hưởng về tài chính, hoặc lý do không thể ước tính được các ảnh hưởng này

Các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán không cần điều chỉnh cần phải trình bày trên BCTC:

  • Việc hợp nhất kinh doanh theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Hợp nhất kinh doanh” hoặc việc thanh lý công ty con của tập đoàn;
  • Việc công bố kế hoạch ngừng hoạt động, việc thanh lý tài sản hoặc thanh toán các khoản nợ liên quan đến ngừng hoạt động; hoặc việc tham gia vào một hợp đồng ràng buộc để bán tài sản hoặc thanh toán các khoản nợ;
  • Mua sắm hoặc thanh lý tài sản có giá trị lớn;
  • Nhà xưởng sản xuất bị phá hủy vì hỏa hoạn, bão lụt;
  • Thực hiện tái cơ cấu chủ yếu;
  • Các giao dịch chủ yếu và tiềm năng của cổ phiếu thường;
  • Thay đổi bất thường, quan trọng về giá bán tài sản hoặc tỷ giá hối đoái.
  • Thay đổi về thuế có ảnh hưởng quan trọng đến tài sản, nợ thuế hiện hành hoặc thuế hoãn lại;
  • Tham gia những cam kết, thỏa thuận quan trọng hoặc những khoản nợ tiềm tàng;
  • Xuất hiện những vụ kiện tụng lớn.

3. Lưu ý

[1] Chi trả cổ tức

Nếu cổ tức được công bố sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm nhưng trước ngày phát hành BCTC, thì khoản cổ tức này không phải ghi nhận là nợ phải trả trên BS mà được trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định.

[2] Hoạt động liên tục

Nếu Ban Giám đốc xác nhận sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm có dự kiến giải thể doanh nghiệp, ngừng sản xuất kinh doanh, thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động hoặc phá sản thì doanh nghiệp không được lập BCTC trên cơ sở nguyên tắc hoạt động liên tục.

Nếu kết quả kinh doanh bị giảm sút và tình hình tài chính xấu đi sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm thì phải xem xét nguyên tắc hoạt động liên tục có còn phù hợp để lập báo cáo tài chính hay không. Nếu nguyên tắc hoạt động liên tục không còn phù hợp để lập báo cáo tài chính nữa thì doanh nghiệp phải thay đổi căn bản cơ sở kế toán chứ không phải chỉ điều chỉnh số liệu đã ghi nhận theo cơ sở kế toán ban đầu.

Phần 3. Bài tập về Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán cần điều chỉnh & không cần điều chỉnh

Yêu cầu. Trong các sự kiện sau đây, sự kiện nào là sự kiện cần điều chỉnh? Biết rằng báo cáo tài chính của doanh nghiệp chưa phát hành?

Ví dụ 1. Sự kiện liên quan đến Hàng tồn kho

[1] Ngày 10/1/N+1, bán số hàng tồn kho tại 31/12/N, giá bán cao hơn giá gốc. Tại ngày 31/12/N, doanh nghiệp có lập dự phòng giảm giá HTK cho lô hàng này.

Sự kiện này cung cấp bằng chứng về giá trị của sự suy giảm giá trị thực tế của hàng tồn kho mà công ty đã lập dự phòng tại thời điểm kết thúc năm tài chính. Nghĩa là đã cung cấp bằng chứng về 1 sự kiện đã xảy ra trong năm tài chính. Do vậy, đây là sự kiện cần điều chỉnh.

[2] Ngày 10/2/N+1, nhà kho bị hỏa hoạn. 1 nửa số hàng tồn kho 31.12.N đã bị thiệt hại không thể phục hồi.

Sự kiện này cung cấp thông tin về tình trạng của hàng tồn kho tại 10/2/N+1 chứ không phải là tại 31.12.N. Do vậy, đây là sự kiện không cần điều chỉnh. Tuy nhiên, sẽ cần phải thuyết minh trên BCTC nha các bạn.

[3] Ngày 10/3/N+1, phát hiện 1 lô sản phẩm sản xuất nhập kho trong năm N bị lỗi không thể khắc phục. Công ty chưa lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Tình huống này sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

  • Sản phẩm đã bị lỗi tại 31.12.N nhưng công ty chưa phát hiện ra. Khi đó, công ty đã đánh giá sai về giá trị hàng tồn kho. Vì vậy nên không lập dự phòng. Như vậy, sự kiện ngày 10.3 đã cung cấp thông tin về tình trạng sản phẩm tại 31.12.N. Do vậy, đây là sự kiện cần điều chỉnh.
  • Sản phẩm phát sinh lỗi trong giai đoạn từ 1.1 – 10.3.N+1. Có thể do bảo quản không đúng cách dẫn đến lỗi. Khi đó, sự kiện ngày 10.3 đã cung cấp thông tin về tình trạng sản phẩm trong năm N+1 chứ không phải tại 31.12.N. Do vậy, đây là sự kiện không cần điều chỉnh.

Lưu ý: Mình phân tích chi tiết câu chữ thì mới chia 2 trường hợp. Còn thông thường thì khi đề cập đến sản phẩm “sản xuất nhập kho năm N” thì chúng ta sẽ hay hiểu là sản phẩm đã bị lỗi tại 31.12.N nhé.

Ví dụ 2. Sự kiện liên quan đến kiện tụng

[1] Ngày 10/2/N+1, tòa án tuyên bố doanh nghiệp thua kiện nên phải bồi thường cho đối tác. Biết rằng tại 31/12/N, doanh nghiệp chỉ thuyết minh về khoản nợ tiềm tàng về việc trong năm N khách hàng kiện doanh nghiệp không tuân thủ hợp đồng đã kí

Vụ kiện này đã phát sinh trong năm N. Và tại 31.12.N, có thể do công ty đánh giá ít khả năng thua kiện nên đã chỉ thuyết minh “nghĩa vụ nợ tiềm tàng” trên BCTC. Như vậy, sự kiện này đã cung cấp thông tin về nghĩa vụ nợ hiện tại của công ty tại 31.12.N. Và do vậy, đây là 1 sự kiện cần điều chỉnh.

[2] Ngày 10/3/N+1, công ty quyết định đuổi việc 1 nhân viên làm việc lâu năm. Nhân viên đã khởi kiện công ty. Công ty ước tính chi phí liên quan là 500 triệu

Với tình huống này, nghĩa vụ nợ của công ty chỉ phát sinh tại 10.3.N+1. Còn tại 31.12.N thì chưa hề tồn tại. Do vậy, sự kiện này không cung cấp thông tin về sự việc đã tồn tại trong năm N. Vì vậy, đây là sự kiện không cần điều chỉnh.

Ví dụ 3. Sự kiện liên quan đến các khoản dự phòng, nghĩa vụ nợ phải trả

[1] Ngày 10/3/N+1, doanh nghiệp tiến hành bảo hành cho các sản phẩm được bán trong tháng 2/N+1. Biết rằng, tại 31/12/N, doanh nghiệp không lập dự phòng bảo hành sản phẩm.

Doanh nghiệp phải bảo hành sản phẩm cho các sản phẩm được bán trong tháng 2/N+1, chứ không phải bán trong năm N. Do vậy, sự kiện này không cung cấp bằng chứng về nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp tại 31.12.N. Do vậy, đây là sự kiện không cần điều chỉnh.

[2] Ngày 10/3/N+1, công ty triệu hồi các sản phẩm được bán trong năm N để bảo hành do phát hiện lỗi. Biết rằng, tại 31/12/N, doanh nghiệp không lập dự phòng bảo hành sản phẩm.

Doanh nghiệp phải bảo hành sản phẩm cho các sản phẩm được bán trong tháng N do phát hiện lỗi. Đây lại là 1 tình huống khác. Vì lỗi thuộc các sản phẩm đã bán trong năm N. Nhưng tại thời điểm lập dự phòng thì công ty đã ước tính sai về giá trị thuần có thể thực hiện được của sản phẩm. Và không lập dự phòng. Do vậy, sự kiện này đã cung cấp bằng chứng về nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp tại 31.12.N. Do vậy, đây là sự kiện cần điều chỉnh.

[3] Ngày 10/2/N+1, doanh nghiệp quyết định cho khách hàng hưởng chiết khấu thương mại cho số hàng bán trong tháng 12/N.

Số hàng đã được bán trong tháng 12/N nhưng ngày sang tháng 2/N+1 doanh nghiệp mới cho khách hàng hưởng chiết khấu. Nghĩa là tại 31.12.N, doanh nghiệp không hề có nghĩa vụ nợ này. Mà nghĩa vụ nợ này chỉ phát sinh vào năm N+1. Do vậy, đây là sự kiện không cần điều chỉnh.

[4] Trong năm N, doanh nghiệp bán hàng hoá với điều khoản người mua được hưởng chiết khấu thương mại. Tại 31.12.N, doanh nghiệp đang trong quá trình kiểm kê, đối chiếu với khách hàng nên chưa xác định được chắc chắn khoản chiết khấu thương mại phải giảm trừ cho khách. Ngày 15.2.N+1 đã xác định được số chiết khấu thương mại phải giảm trừ cho khách hàng do mua hàng từ năm N.

Với tình huống này, nghĩa vụ chi trả chiết khấu của doanh nghiệp đã tồn tại tại 31.12.N. Chẳng qua là chưa có số liệu chắc chắn nên doanh nghiệp có thể phải ước tính để ghi nhận. Do vậy, sự kiện ngày 15.2.N+1 đã cung cấp thông tin về nghĩa vụ nợ hiện tại của công ty tại 31.12.N. Do vậy, đây là sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh.

[5] Doanh nghiệp đã tạm nộp tiền thuê đất. Ngày 1.2.N+1, UBND ra quyết định doanh nghiệp phải nộp bổ sung tiền thuê đất năm N

Với tình huống này, nghĩa vụ nộp tiền thuê đất của công ty đã tồn tại tại 31.12.N. Tuy nhiên do chưa có số liệu chắc chắn nên công ty phải tạm nộp. Do vậy, sự kiện ngày 1.2.N+1 đã cung cấp thêm thông tin về nghĩa vụ nợ hiện tại của công ty tại 31.12.N. Giúp công ty ghi nhận chính xác số tiền thuế phải nộp. Do vậy, đây là sự kiện phát sinh cần điều chỉnh.

Ví dụ 4. Các loại khác

[1] Ngày 10.3.N+1, doanh nghiệp công bố chia cổ tức cho năm N

[2] Ngày 10.3.N+1, doanh nghiệp được quyền nhận cổ tức năm N từ các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp

Với cả 2 sự kiện này, quyết định chia cổ tức không cung cấp bằng chứng về sự kiện đã xảy ra trong năm tài chính 31.12.N. Mà nó cung cấp thông tin về quyền và nghĩa vụ hiện tại của công ty tại 10/3/N+1. Do vậy, đây là sự kiện không cần điều chỉnh. Công ty không phải ghi nhận khoản cổ tức này trên BS mà được trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định.

[3] Doanh nghiệp ghi sổ và trình bày BCTC bằng VND. Cuối kỳ, doanh nghiệp có một số khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cần đánh giá lại. Tỷ giá thực tế giữa VND/USD tại 31.12.N là 22.000 VND/USD. Tỷ giá thực tế tại 31.3.N+1 là 25.000 VND/USD.

Với tình huống này, chúng ta phân tích như sau:

Cuối năm công ty có các khoản mục tiền tệ cần đánh giá lại theo tỷ giá thực tế tại ngày 31.12.N theo quy định. Đây là tỷ giá chính xác cần sử dụng theo quy định chứ không phải công ty tự ước tính ra tỷ giá này. Do vậy đến 31.3.N+1 tỷ giá tăng mạnh lên 25.000 thì cũng không ảnh hưởng đến số liệu công ty đã sử dụng tại 31.12.N. Do vậy, đây là sự kiện không cần điều chỉnh. Tuy nhiên tỷ giá tăng mạnh 25% nên công ty cần phải thuyết minh về sự kiện tỷ giá tăng này.

Vậy là xong rồi. Qua 1 loạt các tình huống trên hy vọng đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc năm tài chính cần điều chỉnh và không cần điều chỉnh.

Chủ Đề