Nghị luận văn học 12 vợ chồng a phủ năm 2024

Bài phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài cho ta thấy cuộc sống đầy khổ cực, bất công của nhân dân ta trước cách mạng, lên tiếng tố cáo mạnh mẽ xã hội thời bấy giờ với sự lộng quyền của bọn nhà giàu chúa đất ép người lao động nghèo đến bước đường cùng. Qua đó đề cao giá trị con người, giá trị của sự đổi thay, sự vùng lên phản kháng mạnh mẽ, hướng người dân tìm đến với cách mạng, tìm đến với tự do, hạnh phúc.

Dàn ý phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ chi tiết

1.1. Mở bài phân tích tác phẩm Vợ chồng A phủ

– Giới thiệu nhà văn Tô Hoài: là cây bút chuyên viết thể loại truyện ngắn với lối trần thuật hóm hỉnh.

– Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm phản ánh nỗi thống khổ của đồng bào Tây Bắc dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đồng thời cũng ngợi ca vẻ đẹp con người lao động nơi đây.

1.2. Thân bài phân tích tác phẩm Vợ chồng A phủ

a] Phân tích nhân vật mị trong vợ chồng a phủ

* Nhân vật Mị trước khi trở thành con dâu gạt nợ:

– Là cô gái người Mông trẻ trung, hồn nhiên, yêu đời, có tài thổi sáo và được rất nhiều chàng trai theo đuổi.

– Mị đã từng yêu, luôn mong muốn khao khát đi theo tiếng gọi của tình yêu.

– Là người con gái hiếu thảo, chăm chỉ, ý thức được giá trị cuộc sống tự do nên đã xin lên nương làm ngô trả nợ thay cho bố.

* Nhân vật Mị từ khi trở thành con dâu gạt nợ:

– Nguyên nhân thành con dâu gạt nợ: do món nợ truyền kiếp từ thời cha mẹ Mị để lại cùng tục cướp vợ của người Mông đem về cúng trình ma. Người lao động nghèo bị cả cường quyền và thần quyền buộc chặt.

– Mị phải chịu những đày đọa, những đau đớn về thể xác: phải làm việc quần quật cả đêm ngày, cuộc sống của Mị còn “không bằng con trâu con ngựa” ; bị đánh đập một cách dã man: bị trói, đạp vào mặt, …

– Mị phải chịu nỗi đau tinh thần: một cô gái lúc nào cũng cúi gằm mặt với vẻ “mặt buồn rười rượi”, không quan tâm đến thời gian [thế hiện qua hình ảnh ô cửa sổ], cuộc sống lầm lũi “như con rùa nuôi trong xó cửa”, và “ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi”.

– Trong đêm hội mùa xuân ở Hồng Ngài, sức sống của Mị dường như trỗi dậy:

  • Âm thanh nhộn nhịp, náo nức của cuộc sống bên ngoài [tiếng trẻ con chơi quay, tiếng sáo gọi bạn tình, ..] đã đánh thức những kỉ niệm khó quên trong quá khứ.
  • Mị ý thức lại được sự tồn tại của bản thân nên “thấy phơi phới trở lại”, “Mị còn trẻ lắm …”, với khát khao, mong muốn được tự do, Mị đã thắp sáng căn phòng tối và cũng muốn “đi chơi tết” để chấm dứt cái sự tù đày này.
  • Khi bị A Sử trói lại, lòng Mị vẫn còn chưa thoát ra khỏi tiếng sáo, tiếng hát của tình yêu kia. Đến khi vùng dậy cô mới chợt tỉnh trở về với hiện thực.

→ Nhận xét: trong con người Mị luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, sức sống ấy luôn âm ỉ trong lòng và chỉ chờ có cơ hội để có thể bùng lên mạnh mẽ.

– Khi A Phủ làm mất bò và bị phạt trói đứng ở cột nhà cho đến chết:

  • Ban đầu Mị dửng dưng chẳng quan tâm tới A Phủ, bởi sau đêm tình mùa xuân ấy, cô đã trở về với cái xác không hồn.
  • Khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, dường như sự đồng cảm đã khiến Mị nhớ lại hoàn cảnh của mình trong quá khứ, lúc này Mị lại biết thương mình và thương cho kiếp người bị đày đọa khốn cùng kia “có lẽ ngày mai người kia sẽ chết, chết đau, … phải chết”.
  • Bất bình trước những tội ác tày trời của bọn thống lí, Mị đã cắt dây đay và cởi trói cho A Phủ chạy. Mị cũng sợ cái chết, sợ nhà thống lí nên cô cũng xin đi theo A Phủ để tìm lối thoát.

→ Nhận xét: Mị là người con gái âm thầm lặng lẽ nhưng cũng rất mạnh mẽ, hành động cắt dây trói giải thoát cho A Phủ cũng là hành động đạp đổ cường quyền, thần quyền của bè lũ thống trị miền núi.

b] Phân tích nhân vật A Phủ

– Số phận: là một chàng trai nghèo khổ, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không còn người thân, lớn lên đi làm thuê khắp nơi, sau đó trở thành người ở đợ để gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.

– Khi trở thành người ở để gạt nợ cho nhà thống lý:

  • Nguyên nhân: vì bất bình trước sự ngạo mạn, hống hách của A Sử nên A Phủ đã đánh A Sử, bị nhà thống lý bặt nộp phạt nhưung vì không có tiền nên đã phải làm người ở để gạt nợ.
  • A Phủ phải chịu những sự đày đọa về mặt thể chất: phải làm những công việc nguy hiểm, nặng nhọc như “đốt rừng, cày nương hay săn bò tót, …”, anh còn không có giá trị bằng một con bò, khi mải săn nhím làm mất bò mà anh bị trói đứng đến chết.

– Tích cách:

  • Lúc nhỏ A Phủ là một đứa trẻ mạnh mẽ, gan bướng: khi bị bán xuống cánh đồng thấp lại lén trốn lên núi cao.
  • Lớn lên trở thành một chàng trai khỏe mạnh, tốt bụng, chăm chỉ, tháo vát, biết làm mọi việc. Là người chính trực, biết bất bình trước sự bất công [thể hiện qua hành động đánh A Sử], kháo khát tự do [thể hiện qua hành động nén đau để vùng chạy khi được cắt dây trói].

3. Kết bài phân tích Vợ chồng A phủ

– Nhận xét về nghệ thuật: ngôn ngữ mộc mạc, chân chất, cách nói mang đậm chất miền núi, lối trần thuật linh hoạt, uyển chuyển với sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật, miêu tả thành công tâm lí của nhân vật và cảnh quan thiên nhiên.

– Giá trị nội dung: tác phẩm để lại những giá trị nhân đạo sâu sắc đó là sự cảm thông với số phận đau khổ, cùng cực của những con người lao động nghèo phải chịu áp bức, đồng thời lên tiếng tố cáo lên án bọn thống trị miền núi, bọn thực dân, qua đó ngợi ca vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong mỗi con người Tây Bắc.

Chủ Đề